'TP.HCM có thể xây dựng thương hiệu thành phố âm nhạc'

16/12/2019 - 07:41

PNO - 'Trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của quốc gia, có một điểm nhắc trực tiếp đến TP.HCM, đó là, TP.HCM phải trở thành một trung tâm công nghiệp sáng tạo của Việt Nam, cùng với Hà Nội và Đà Nẵng' - PGS-TS Bùi Hoài Sơn.

Trao đổi với Báo Phụ nữ TP.HCM, PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia - cho rằng: “Đã đến lúc, chính quyền TP.HCM nên chú trọng thực sự tới văn hóa, chứ không chỉ lúc nào cũng tự hào mình là đầu tàu kinh tế của cả nước. Đầu tàu về kinh tế mà văn hóa không phát triển thì cũng không có ý nghĩa gì”.

'TP.HCM co the xay dung thuong hieu thanh pho am nhac'

Phóng viên: Phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong thời gian tới. Tiếp cận chiến lược mà thành phố đưa ra, ông đánh giá như thế nào?

PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Thực ra, để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thì chúng ta phải có một kế hoạch, từ đó có những hành động, lộ trình cụ thể. TP.HCM là thị trường rất lý tưởng cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển một cách sôi động. Chẳng hạn một số liệu từng chỉ ra có đến 80% thị trường điện ảnh nằm ở TP.HCM, chưa kể những lĩnh vực khác như âm nhạc, nghệ thuật đương đại… cũng vô cùng nhộn nhịp. Về nguyên tắc, chúng ta cần một kế hoạch phát triển cho văn hóa nói chung, trong đó các ngành công nghiệp văn hóa được xem là then chốt.

Trong thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vào ngày 8/9/2016. TP.HCM cũng đã có đề án và kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tuy nhiên, kế hoạch của chúng ta mới chỉ là kế hoạch đối phó chứ chưa phải kế hoạch thực tế. 

* Sự thực tế mà ông nói biểu hiện cụ thể như thế nào khi đặt vào trường hợp TP.HCM?

- Kế hoạch thực tế đòi hỏi bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Thị trường rất sôi động, nhưng kế hoạch của ta chưa giúp định hướng được thị trường, chưa điều chỉnh và cũng chưa kết nối được những điểm mạnh. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, TP.HCM nên đi vào thực chất để triển khai chiến lược tốt hơn, vì chúng ta sắp tiến hành sơ kết chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa rồi.

Trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của quốc gia, có một điểm nhắc trực tiếp đến TP.HCM, đó là, TP.HCM phải trở thành một trung tâm công nghiệp sáng tạo của Việt Nam, cùng với Hà Nội và Đà Nẵng. Nhưng trung tâm sáng tạo trong lĩnh vực gì, là âm nhạc, điện ảnh, thời trang, hay lĩnh vực gì khác, TP.HCM phải xác định rõ, không thể nói một cách chung chung. 

Trong sự chủ quan của mình, tôi nghĩ rằng, có lẽ, âm nhạc là một trong những lĩnh vực mà TP.HCM có thể lưu tâm. Hò dô 2019 nên là một bước khởi đầu để có một sự kiện âm nhạc mang tính quốc gia hướng tới khu vực và quốc tế. Đã đến lúc, TP.HCM nên nghĩ đến một thương hiệu của UNESCO trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của tổ chức này. Cụ thể, trong lĩnh vực âm nhạc mà tôi đang nói, có thể xây dựng thương hiệu thành phố âm nhạc - đó có thể là giải pháp cho thành phố. 

Tất nhiên, khi tôi nói như thế, không có nghĩa chúng ta chỉ tập trung toàn lực vào âm nhạc, cũng phải xây dựng, chăm lo cả những lĩnh vực khác nữa. Có điều, ta phải chọn một điểm chốt để hiện thực hóa chiến lược, hiện thực hóa kế hoạch đã đề ra. Đà Nẵng có thương hiệu lễ hội pháo hoa, Huế có Festival Huế, Quảng Ninh có Carnaval Hạ Long. TP.HCM chẳng lẽ không có gì? Trong khi, đây là thành phố lớn nhất, sôi động nhất, vì thế cũng khó chọn nhất; song, khó không có nghĩa là không thể.

'TP.HCM co the xay dung thuong hieu thanh pho am nhac'
Hò dô 2019 khởi đầu cho sáng kiến tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế thường niên của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM một cách thành công

* Xin hỏi, TP.HCM có thể tận dụng cơ chế đặc thù như thế nào để phát triển công nghiệp văn hóa?

- Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam gặp rất nhiều bế tắc, chỉ có cơ chế đặc thù mới giải quyết được. Tôi ví dụ: các không gian sáng tạo có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của các đô thị, tạo ra sự hấp dẫn của thành phố, lan tỏa thông điệp sáng tạo ra các lĩnh vực khác. Không gian sáng tạo cũng là không gian khởi nghiệp, vườn ươm sáng tạo, không gian phục vụ cho nhu cầu thưởng thức văn hóa - nghệ thuật của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, các không gian sáng tạo đang gặp nhiều khó khăn. 

Khó khăn thứ nhất, nằm ở địa vị pháp lý, các không gian sáng tạo chưa được thừa nhận như những doanh nghiệp xã hội khác, hay những tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. Điều đó chỉ có thể tháo gỡ bằng cơ chế đặc thù. 

Khó khăn thứ hai nằm ở cơ chế đất đai. Đây là bài học mà các đô thị lớn trên thế giới để lại, họ sử dụng những vùng kém phát triển, tái sinh hoặc bỏ đi để phát triển văn hóa nghệ thuật. TP.HCM hoàn toàn có thể sử dụng đất đai ở những khu vực kém phát triển hoặc những khu vực có chức năng làm giảm áp lực khu vực trung tâm với mật độ quá lớn. Nếu ta có những cơ chế đất đai cho các nghệ sĩ, từ đó biến những khu vực khó phát triển trở thành một quận/huyện nghệ thuật, khu vực nghệ thuật, cũng là một cách để kích thích sự phát triển của thành phố nói chung theo hướng đồng đều. 

Khó khăn thứ ba, nằm ở cơ chế thuế. Hiện nay, thuế hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật chưa có, đặc biệt, cơ chế chiết giảm trước thuế. Với các doanh nghiệp tài trợ cho hoạt động văn hóa nghệ thuật, họ cũng chưa được miễn trừ trước thuế. Ở Việt Nam, chính sách đặc biệt này chỉ áp dụng trong giáo dục thôi, chưa có trong văn hóa nghệ thuật.

Ở TP.HCM, nếu có cơ chế này, sẽ tạo điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho nghệ thuật, hình thành hệ thống các quỹ tài trợ cho nghệ thuật, kích thích văn hóa - nghệ thuật phát triển. Đây chính là mô hình mà nước Mỹ áp dụng. Vì thế, Mỹ không có Bộ Văn hóa, nhưng văn hóa của họ rất phát triển. Chỉ riêng trong lĩnh vực không gian sáng tạo, ta cũng có thể nhìn ra ba hỗ trợ mà TP.HCM có thể thực hiện được, để giúp cho công nghiệp văn hóa ở TP.HCM cất cánh. Chúng ta hoàn toàn làm được, vấn đề là có muốn làm hay không mà thôi.

'TP.HCM co the xay dung thuong hieu thanh pho am nhac'
Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM thu hút số lượng người dân lẫn du khách tham dự - Ảnh: Minh Thanh

* Lâu nay, TP.HCM vẫn được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước với những con số dự toán ngân sách khổng lồ, trong khi đó việc chi cho hoạt động văn hóa đang ở mức hạn chế. Có lẽ, đã đến lúc, TP.HCM phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc vai trò của văn hóa trong bức tranh toàn cảnh, thưa ông?

- Muốn phát triển bền vững đất nước, kinh tế đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra cơ sở hạ tầng và nguồn lực. Song, muốn phát triển bền vững, lại phải hướng đến văn hóa; vì văn hóa và con người chính là mục đích của sự phát triển, chứ không phải kinh tế. Chúng ta cần nhìn nhận và sòng phẳng với nhau rằng, kinh tế chỉ là phương tiện thôi. Từ ngày thống nhất đất nước đến nay đã hơn bốn mươi năm, đầu tư cho văn hóa ở TP.HCM hầu như còn kém, nhiều hạn chế. Chúng ta chưa có một thiết chế văn hóa hoàn chỉnh cập nhật sự phát triển của xã hội, không có nhà hát nào đủ tầm, không có thương hiệu văn hóa nào để chính quyền TP.HCM có thể tự hào…

TP.HCM sở hữu rất nhiều điều kiện thuận lợi như thị trường sôi động, là đầu mối giao thông vận tải, cửa ngõ của Việt Nam, tập trung đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, nhiều trường đại học… Tại sao chúng ta chưa khai thác hết để tạo ra sự phát triển bền vững, tạo ra sự bứt phá cho TP.HCM, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế đang chạm trần, không thể phát triển hơn được nữa? Chuyển sang kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa sẽ là một hướng đi mới, một cánh cửa mới. Tôi nghĩ, đã đến lúc, chính quyền TP.HCM nên chú trọng tới văn hóa, chứ không chỉ lúc nào cũng tự hào mình là đầu tàu kinh tế cả nước. Đầu tàu về kinh tế mà văn hóa không phát triển thì cũng không có ý nghĩa gì. 

* Cảm ơn PGS-TS Bùi Hoài Sơn. 

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI