Tôi đã coi Forrest Gump hơn hai mươi lần, mỗi lần như thế, lại phát hiện những điều mới cực kỳ thú vị. Nó đúng như cách mô tả của Hanks: “Bộ phim là một cú tung xí ngầu, chứa đựng những khoảnh khắc tuyệt vời có thể thay đổi tùy thời điểm bạn xem”.
Hoặc hệt như chiếc lông vũ bay ngẫu nhiên và câu nói nổi tiếng trong phim trở thành “trend” mọi thời đại: “Cuộc đời giống như hộp sô-cô-la, con sẽ không biết trước mình bốc trúng cái gì”.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên không mấy thành công của Winston Groom, sau 25 năm ra mắt công chúng, Forrest Gump thực sự là một tác phẩm hồ như có “ma quỷ” trong từng chi tiết.
Tâm lý viễn cận khiến gã An Nam như tôi “rợn tóc gáy” cho câu thoại: “Người ta gửi anh sang Việt Nam”. Cảnh phim đứng sựng cùng ánh mắt của Jenny Curran (do Robin Wright thủ vai) - cô gái “ngọt ngào” duy nhất trong đời Gump. Hai chữ cuối “Việt Nam” làm nàng rùng mình.
Họ chỉ vừa gặp lại nhau ít phút trước đó, khi Forrest thoi mấy gã say xỉn trong quán bar vài quả, vì xúc phạm Jenny trong lúc nàng phải khỏa thân ôm đàn ngồi hát ca khúc bất hủ Blowing in the wind. “Có hàng tá thằng muốn vồ em, Forrest! Anh không thể cứ bảo vệ em mãi thế này được… Anh thì hiểu gì về tình yêu, Forrest? Tránh xa em ra…”, Jenny bực tức.
Như bao lần rời bỏ Forrest, nàng quá giang bất cứ chiếc xe nào chạy ngang. Ngay trước khi Jenny chực phóng đi, Forrest gọi vọng cho biết anh phải “đi B”. Nàng bước lại, rất gần Forrest, nhìn sâu vào mắt chàng, thì thào: “Nghe em, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh không cần tỏ ra anh hùng, anh chỉ cần chạy cho em”.
Chỉ số thông minh chỉ có 75 của Forrest Gump đã không bao giờ cho phép hắn hiểu bất cứ điều gì Jenny nói, bày tỏ, tâm sự hay thậm chí là âu yếm mình.
Chiếc xe biến vào màn đêm mang theo Jenny tiến về San Francisco, cái nôi của phong trào hippie phản chiến. Còn phim chuyển cảnh cùng tiếng trực thăng và rock’n’roll đưa Forrest đến bãi biển Đà Nẵng (Việt Nam).
Cuộc đời một người thiểu năng trí tuệ được lồng ghép vào những sự kiện có thật của nước Mỹ, ở một khúc quanh lịch sử dị thường với đất nước viễn đông xa xôi Việt Nam cũng như địa chính trị thế giới. Tất cả đều có sự hiện diện của Forrest: phong trào chống phân biệt chủng tộc đầu thế kỷ XX, chiến tranh, vụ bê bối Watergate, ngoại giao bóng bàn với Trung Quốc…
Càng xem, chúng ta sẽ từ từ phát hiện các giả thiết. Gump là cảm hứng cho Elvis Presley “sáng tạo” ra bước nhảy “kẻ bại liệt”. Qua cuộc đối thoại cùng nhau trên truyền hình, những câu trả lời ngô nghê của Forrest đã giúp John Lennon viết ca khúc trứ danh Imagine. Hay chính Forrest Gump mới là người có nickname “Deep Throat” đã cung cấp manh mối cho tờ The Washington Post khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức… Và rất nhiều điều tương tự được đạo diễn cài cắm trong phim.
Người ta có nhiều lý do để cuồng si Hollywood. Riêng tôi, cực kỳ mê đắm các lời thoại. Forrest Gump có hàng chục câu nói đã trở thành châm ngôn trong đời sống. “Kể từ đó, mỗi lần muốn đến đâu là tôi chạy”, lời Gump kể về “kinh nghiệm” luôn làm theo tiếng thét của Jenny “chạy đi, Forrest! Chạy!”, mỗi khi cả hai bị đám bạn ở thị trấn Greenbow (Alabama) ức hiếp.
Hoặc khi nhận được tin mẹ đau nặng, chàng ngốc tức tốc rời đơn vị về thăm bà. Cái giọng đặc sệt miền Nam Hoa Kỳ của Tom Hanks hỏi: “Chiện zì zậy má?”.
- Má đang chết đây, Forrest. Ngồi cạnh má đi.
- Tại sao má lại đang chết hả má?
- Giờ của má đã đến, vậy thôi. Đừng sợ con trai yêu dấu!
Tiếp đó, bà thều thào một câu trở thành danh ngôn: “Chết là một phần của cuộc sống”. Suốt phim, Forrest luôn mở đầu bằng hai chữ “má nói…” để trả lời cho bất kỳ câu hỏi “hóc búa” nào.
Gần đây, người ta mới biết trong cảnh Forrest Gump được mời lên sân khấu do dân phản chiến dựng lên giữa quảng trường quốc gia ở Washington D.C. vào năm 1972. Chàng được đề nghị nói đôi điều về cuộc chiến Việt Nam với tư cách cựu quân nhân. Ngay khi anh mới bập bẹ vài chữ “ở Việt Nam, bạn…” thì thình lình một tay phá hoại giật phích cắm micro khiến không ai có thể nghe “bài phát biểu” của Forrest.
Cảnh phim cố tình trôi đi với tiếng rè rè và âm thanh la ó của đám đông, chỉ thấy môi của Tom Hanks mấp máy, tuyệt nhiên không có thông điệp nào. Tuy nhiên, chính nam tài tử gạo cội đã thừa nhận ông có những câu thoại hẳn hoi trong cảnh này. Nó là: “Đôi khi, người ta đến Việt Nam và trở về nhà với những người bạn không có chân. Vài người không bao giờ chịu về nữa. Đó là điều xấu. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói về chiến tranh Việt Nam”.
Thực tế, người chuyển thể kịch bản đã cố gắng viết một bài diễn văn mang vinh quang lớn về lòng yêu nước và Việt Nam, một bài phát biểu thực sự tuyệt vời, nhưng nó đã được thay thế bởi những câu giản dị trên.
Nhưng ngay cả điều đó cũng không thể thay đổi đạo diễn Zemeckis - người không thích bất cứ quan điểm nào về cuộc chiến, đồng thời, cần cái gì đó hài hước hơn. Và thế là giải pháp được đưa ra: diễn viên cứ bắt đầu nói và họ sẽ cho rút phích cắm ra.
Người xem cũng đặt ra giả thiết Jenny đã chết vì căn bệnh HIV/AIDS mà thập niên 1980 mới được phát hiện. Người hâm mộ đã không bao giờ nhận được sự khẳng định từ bất cứ ai liên quan đến bộ phim. Chỉ có những câu thoại đẹp như thiên đường của Forrest: “Anh chôn em dưới tàn cây của hai đứa”, “Con thông minh lắm em à”… đọng lại mãi trong cuộc tình của họ.
Đoàn Phó Ba
Bình phim cũ LTS: Những bộ phim đã từng xem trong quá khứ, có thể từ rất lâu, cũng có thể vào một ngày chưa xa lắm, nhưng nó đọng lại đâu đó trong tiềm thức của bạn. Để chỉ cần khẽ chạm vào, là mọi ký ức về nó được dịp trở về, nhắc nhở chúng ta về những bài học, những thông điệp từ phim, mà ở thời đại này nó vẫn còn vẹn nguyên giá trị. “Bình phim cũ” là mục dành cho tất cả mọi người, cho những thôi thúc được chia sẻ cảm nhận của mình sau khi xem lại một tác phẩm kinh điển - bạn sẽ làm gì, nếu không phải là trải lòng mình ra |