Cậu bé khóc là “mồi lửa”
Những năm 80 tại Anh, bức tranh Cậu bé khóc trở thành câu chuyện ly kỳ. Một ngôi nhà ở Nam Yorkshire (Anh) bị cháy. Trong nhà, tất cả đồ đạc hầu như bị thiêu rụi bởi ngọn lửa, ngoại trừ bức tranh Cậu bé khóc. Chủ nhân của ngôi nhà, Ron và May Hall kể lại, họ nhìn thấy đôi mắt to tròn đẫm lệ của cậu bé nhìn ra từ đống đổ nát đen ngòm, thậm chí bức tranh còn không bị ám khói khiến họ sợ hãi. Và, câu chuyện bắt đầu từ đó.
|
Bức tranh Cậu bé khóc phiên bản đầu tiên |
Vào ngày 4/9/1985, tờ The Sun của Anh đã đăng tải bài viết về bức tranh mang lời nguyền Cậu bé khóc. Nội dung về một bức tranh không may bị gán lời nguyền nhưng có quá nhiều sự trùng hợp. Bài báo ghi nhận ý kiến của một lính cứu hỏa, người này cho biết, trong nhiều vụ hỏa hoạn liên tiếp, bức tranh bật lên một cách bí ẩn trong đám cháy trên khắp nước Anh.
Người lính cứu hỏa nói thêm: “Nhiều người không bao giờ nghĩ đến việc sở hữu bức tranh bị nguyền rủa này nữa. Họ đã chú ý đến các cảnh báo được thêu dệt, và quyết định loại bỏ những bức tranh về đứa trẻ khóc ngay lập tức”.
Trước đó, từ năm 1950 - 1970, bức tranh về cậu bé đang mếu máo rất được các cặp vợ chồng trẻ yêu thích. Tuy nhiên, từ sau khi hàng loạt vụ hỏa hoạn xảy ra, việc vẽ các bức tranh về trẻ em khóc chững lại trong thời gian ngắn. Theo nhiều thông tin, các tác phẩm đều có chữ ký của Bruno Amadio, nhưng trong một thời gian khá lâu không ai có thể tìm thấy thông tin về người đàn ông này.
|
Thời điểm sự việc xảy ra, báo chí nhiều lần đưa thông tin nhuốm màu sắc ma quái |
Vì thiếu tin tức, nhiều câu chuyện đã được thêu dệt rằng ông đã sang Ý và Tây Ban Nha để “truyền bá” tranh về những đứa trẻ đang khóc. Một số tin đồn dấy lên khẳng định cậu bé trong bức ảnh đầu tiên tên là Don Bonillo ở Tây Ban Nha, người vô tình chứng kiến một đám cháy cướp mất mạng sống của bố mẹ. Từ đó trở đi, bất cứ nơi nào cậu bé đến sẽ kéo theo một đám cháy. Một số tin khác lại cho rằng cậu bé đã được một linh mục nhận nuôi và bị họa sĩ lạm dụng. Vào những năm 1970, cậu bé đã qua đời trong một vụ nổ do tai nạn xe hơi gây ra.
Tất cả những đồn thổi cùng với việc xuất hiện trùng hợp trong nhiều vụ hỏa hoạn đẩy câu chuyện đi xa. Đám đông đồn đại việc sở hữu Cậu bé khóc như một "án tử” được treo trong nhà. Do đó, nhiều gia đình đã vứt bức tranh ngoài bãi rác hoặc tập trung đốt chúng gần bờ sông nhằm hoá giải lời nguyền.
Lời nguyền vô căn cứ
Theo Tiến sĩ – nhà báo David Clark, người đã nghiên cứu “huyền thoại” Cậu bé khóc khẳng định, câu chuyện này có nhiều lỗ hổng. Trong đó, David Clark cho biết theo tìm hiểu của ông, Giovanni Bragolin và Seville chỉ là một trong số ít bút danh của họa sĩ Tây Ban Nha - Bruno Amadio, cho nên, những bức tranh được ký bởi George Mallory và Don Bonillo là tranh nhái.
Ngoài ra, số lượng tranh vẽ đứa trẻ khóc tồn tại hầu hết là giả vì số lượng tranh Amadio có khả năng vẽ thật sự chỉ từ 20 - 30 bức trong thập niên 1970, theo họa sĩ này tiết lộ. Do đó, không thể xuất hiện thông tin Amadio đi nhiều nơi để truyền bá điều xui rủi mang tên Cậu bé khóc.
|
Quá trình thực hiện bức Cậu bé khóc phiên bản khác |
Trong quá trình nghiên cứu, Clark cũng phát hiện ra bức tranh được in trên bảng nén, làm cho nó khó cháy. Khi diễn viên hài Steven Punt – người tìm hiểu về "lời nguyền" của Cậu bé khóc, thử nghiệm độ chống cháy của tranh bằng cách đặt tranh lên đám lửa nhỏ, tranh có cháy nhưng chỉ thủng 1 lỗ nhỏ và dừng rất nhanh.
Sau này, khi tìm hiểu nguyên nhân chính từ các đám cháy, các chuyên gia đã có kết luận bất ngờ: hầu hết các đám cháy đều có nguyên nhân bình thường, như tàn dư thuốc lá, để chảo cháy trên bếp, chập điện phòng khách...
|
Nhiều bức Cậu bé khóc ở các phiên bản khác nhau xuất hiện |
Tuy nhiên, những lời giải thích như vậy không được tin vào năm 1985 – thời điểm bùng phát tin đồn về Cậu bé khóc. Ngay tờ The Sun cũng quyết định đưa thêm nhiều giả thuyết để lý giải câu chuyện. Biên tập viên của tờ báo yêu cầu công chúng gửi bức tranh Cậu bé khóc của họ đến toà soạn để tiêu hủy. Về sau, khi tìm hiểu, The Sun đã đưa ra một bài báo hoàn toàn khác khẳng định, ngọn lửa bốc cháy có nguyên nhân hoàn toàn bình thường nhưng nó trở nên đáng sợ khi được gán ghép những câu chuyện nhuốm màu ma quái.
Trong khoảng thời gian sự việc xảy ra, những đồn thổi về bức tranh tăng lên nhanh chóng vì bất cứ ai cũng có thể tham gia vào câu chuyện. Các nơi in ấn, sao chép tranh bị cuốn vào câu chuyện, họ liên tục bán tranh để khách hàng thử độ tin cậy của tin đồn. Nhưng sau tất cả, lời nguyền thật sự không xảy ra, nguyên nhân dẫn đến vụ cháy vẫn là từ những bất cẩn của con người và sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng.
Diễm Mi