Siêu lợi nhuận từ tổ chức các cuộc thi hoa hậu

06/12/2017 - 07:52

PNO - Những năm gần đây, các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp trong nước... bùng nổ như nấm mọc sau mưa. Điều gì đã khiến chúng trở nên thu hút các đơn vị tổ chức như thế?

Cuộc thi hoa hậu mọc như nấm sau mưa

Chưa bao giờ cum từ "loạn hoa hậu" lại chính xác như hiện tại. Cho đến bây giờ, gần như bất cứ ai cũng có thể trở thành hoa hậu. Điều này càng được khẳng định hơn khi "nữ hoàng dao kéo" Phi Thanh Vân mới đây cũng được gọi là hoa hậu tại một cuộc thi. 

Cách đây khoảng 20 năm, nói về các cuộc thi hoa hậu thì gần như chỉ có Hoa hậu Việt Nam (tiền thân là Hoa hậu báo Tiền Phong) được nhắc đến, hoặc có chăng là Hoa hậu Đền Hùng, Hoa hậu Áo dài... Nhưng những năm gần đây, thị trường của các cuộc thi hoa hậu lại trở nên sôi động hơn hẳn, đến nỗi người ta cứ hay ví von ra đường là gặp hoa hậu, hoa khôi, thậm chí không nhớ nổi tên và danh hiệu.

Sieu loi nhuan tu to chuc cac cuoc thi hoa hau
Chung kết Hoa hậu Hoà bình Quốc tế 2017 diễn ra tại Phú Quốc, Kiên Giang vào tối 25/10

Năm 2017, có 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia được tổ chức là Hoa hậu Hoàn vũ Việt NamHoa hậu Đại dương Việt Nam và 2 cuộc thi cấp quốc tế diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam là Hoa hậu Hoà bình Quốc tế - Miss Grand International 2017Hoa hậu ASEAN. Bên cạnh đó, có rất nhiều cuộc thi mang tên hoa khôi, người đẹp được diễn ra trong năm nay như: Hoa khôi Du lịch Việt NamHoa khôi Phụ nữ Việt Nam qua ảnh (tiền thân là Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh), Hoa khôi Nam bộHoa khôi Nữ sinh duyên dáng Việt Nam, Nữ hoàng Trang sứcHoa khôi Sinh viên Việt Nam

Năm 2016 cũng không hề kém cạnh với 3 cuộc thi hoa hậu được diễn ra, trong đó có một cuộc thi mang tính quốc tế là Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu, còn lại là Hoa hậu Việt NamHoa hậu Biển Việt Nam. Những cuộc thi mang danh hoa khôi, người đẹp có thể kể đến như: Hoa khôi Áo dài Việt Nam, Hoa khôi miền Trung, Người đẹp xứ dừa, Người đẹp làng Sen, Người đẹp phố biển Cửa Lò… Theo thống kê không chính thức, đã có 33 danh hiệu được trao cho 50 người đẹp trong năm 2016.

Ngoài ra, những cuộc thi nhan sắc khác đã, đang và sẽ diễn ra tại Việt Nam có thể kể đến như: Hoa hậu Thế giới người Việt, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Nữ hoàng Trang sức Việt Nam, Hoa khôi Sóc Trăng, Hoa khôi Nam Mê Kông, Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long, Người đẹp Tiền Giang

Theo một số thông tin, trong năm 2018, đã có ít nhất khoảng 3 đơn vị xin cấp phép để tổ chức các cuộc thi hoa hậu. Hiện tại, Hoa hậu Việt Nam Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu gần như đã chắc chắn sẽ diễn ra trong năm sau.

Sieu loi nhuan tu to chuc cac cuoc thi hoa hau
Khoảnh khắc đăng quang của top 3 Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016

Tháng 9/2017, BTC Nữ hoàng doanh nhân Việt Nam tổ chức họp báo ra mắt cuộc thi, với quy định chấp nhận thí sinh từng qua phẫu thuật thẩm mỹ. Trong khi đó, theo luật hiện hành, nếu đã thi người đẹp phải mang vẻ đẹp tự nhiên. Theo thông tin từ Cục NTBD, Cục đã cấp phép cho cuộc thi mang tên Người mẫu Nữ hoàng doanh nhân Việt Nam. Một cuộc thi khác với tên gọi Nữ hoàng Doanh nhân đất Việt cũng được cấp phép theo hình thức tương tự. Dù khẳng định tính chất cuộc thi là người mẫu nhưng phần thưởng, danh hiệu cũng như các phần thi đều mang tính chất của một cuộc thi nhan sắc. Điều này không tránh khỏi việc dư luận đặt vấn đề có phải phía Cục NTBD đã lách luật để cấp phép như thế?

Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh, một cuộc thi có thâm niên gần 20 năm cũng phải chịu hạ cấp xuống thành hoa khôi để kịp tổ chức trong năm 2017 này… Ngoài ra, phía các cơ quan chức năng cũng phát hiện một vài cuộc thi trong năm nay, mang tính chất thi người đẹp diễn ra nhưng không có giấy phép như: Hoa khôi Doanh nhân Việt Nam hay Người đẹp ảnh

Có rất nhiều chiêu thức từ việc lách tên gọi, tính chất để các đơn vị tổ chức có được giấy phép hợp lệ. Hoặc một số đơn vị, dùng hàng nội gắn mác ngoại bằng cách đưa thí sinh trong nước ra nước ngoài tổ chức cuộc thi, điển hình như: Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt (tổ chức tại Hàn Quốc), Hoa hậu Phụ nữ Sắc đẹp (tổ chức tại Thái Lan…

Sieu loi nhuan tu to chuc cac cuoc thi hoa hau
Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh phải hạ cấp thành Hoa khôi để kịp tổ chức trong năm 2017. Đây là top 3 trong khoảnh khắc đăng quang vừa qua.

Nếu như ngày trước, vương miện, danh hiệu dành cho hoa khôi, hoa hậu được xem trọng bấy nhiêu thì nay lại bị coi rẻ bấy nhiêu. Giá trị của chúng cũng bị lệch lạc, méo mó bởi sự xuất hiện ồ ạt của các cuộc thi. 

Tổ chức hoa hậu: Hoạt động văn hoá hay những thương vụ bạc tỷ?

Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có lượng khán giả xem, dành sự quan tâm cho các cuộc hoa hậu lớn bậc nhất. Theo thống kê của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe, Việt Nam nằm trong top 10 lượng khán giả đông đảo nhất của họ. Dĩ nhiên, đây là một trong những yếu tố để các sân chơi nhan sắc lên ngôi tại nước ta, nhưng không phải là tất cả.

Các cuộc thi hoa hậu trước nay luôn được nhìn nhận ở góc độ văn hoá, tinh thần nhưng thực chất đằng sau đó lại là những mục tiêu về kinh tế. Những gì khán giả được nhìn thấy chỉ là bề nổi của những tảng băng chìm. 

Nhìn vào backdrop, banner ở các cuộc thi hoa hậu "chiếu trên" (lâu đời, phần thưởng lớn...), số lượng nhà tài trợ rót vốn không hề dưới con số hàng chục. Theo một nguồn tin chia sẻ, năm 2016, nhà tài trợ kim cương của một cuộc thi đã rót vào số tiền trên 5 tỷ đồng, 2 nhà tài trợ vàng cũng có mức chi là khoảng 3 tỷ đồng/1 đơn vị, chưa tính đến những nhà tài trợ nhỏ hơn... cho một cuộc thi. Như vậy, ít nhất BTC đã thu được 11 tỷ đồng. 

Trước đó 2 năm, số tiền mà nhà tài trợ kim cương bỏ ra cho sân chơi nhan sắc này cũng rơi vào mức trên 7 tỷ đồng. Trong buổi họp báo trước thềm chung kết năm một cuộc thi vào năm 2016, đại diện BTC cuộc thi này cũng cho biết có rất nhiều doanh nghiệp muốn được làm nhà tài trợ của cuộc thi, nhưng BTC không thể nhận thêm bất kỳ doanh nghiệp nào nữa do đã quá nhiều.

Sieu loi nhuan tu to chuc cac cuoc thi hoa hau
Nhà tổ chức đổ hàng chục tỷ đồng tổ chức các cuộc thi hoa hậu với mục tiêu cao cả là phục vụ khán giả?

Năm 2014, BTC một cuộc thi nhan sắc thông báo cuộc thi của mình có mức kinh phí sản xuất khoảng 30 tỷ đồng, và một nhãn hàng đã bao thầu, tài trợ toàn bộ kinh phí này. Năm 2015, một cuộc thi được công bố có mức vốn đầu tư cũng khoảng 30 tỷ đồng, và số lượng các nhà tài trợ là không dưới con số này. Năm 2017 này, một cuộc thi không quá nổi bật về mặt truyền thông, thậm chí còn vướng một số ồn ào nhưng cũng đã nhận được sự hỗ trợ của không dưới 20 nhà tài trợ. Theo tiết lộ, nếu về mặt hiện kim, số tiền cho một đơn vị thấp nhất rơi vào mức khoảng 300 hoặc 400 triệu đồng. Như vậy, tính ở mức trung bình, ít nhất BTC đã thu về con số chục tỷ đồng.

Trong quá trình diễn ra cuộc thi, thí sinh phải cùng BTC thực hiện hợp đồng quyền lợi với nhà tài trợ. Nhiệm vụ này cũng là điều kiện để ràng buộc top 3 chung cuộc (gồm Hoa hậu và 2 Á hậu). Không khó để thấy hình ảnh các thí sinh tập luyện, sinh hoạt nhưng kề cận luôn là một loại nước uống hay thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Trong một cuộc thi hoa hậu vào năm 2017 này, thí sinh còn phải thực hiện những đoạn quảng cáo ngắn để PR cho nhà tài trợ. Thậm chí, nhà tài trợ xuất hiện nhan nhản, chi phối nội dung của các tập thuộc chương trình của cuộc thi này.

Với các cuộc thi hoa hậu có sức ảnh hưởng về mặt truyền thông, được khán giả chú ý thì lợi nhuận còn được sinh ra sau đêm chung kết với top 3 chung cuộc. Bởi khi nắm quyền quản lý các hoa hậu, á hậu, phía nhà tổ chức sẽ được hưởng lợi trong các hợp đồng quảng cáo theo tỉ lệ ăn chia nhất định. Chính vì thế, không khó để thấy một cuộc thi đang có xu hướng chọn những gương mặt hot, có đông người hâm mộ cũng như hiệu ứng truyền thông để trở thành ứng cử viên sáng giá.

Sieu loi nhuan tu to chuc cac cuoc thi hoa hau
Mức tài trợ cho các cuộc thi đều tính thấp nhất với con số hàng tỷ đồng

Với các cuộc thi thấp hơn hoa hậu (hoa khôi, nữ hoàng, người đẹp...) hoặc mới được tổ chức lần đầu, khả năng kêu gọi tài trợ không dễ dàng, thậm chí có nguy cơ thua lỗ vì không hút được các nhà đầu tư. Lợi nhuận lúc này không đến từ nhà tài trợ hay bán giải nữa, mà đến từ việc bán bản quyền đi thi quốc tế.

Ngoài tài trợ, một mảng tối khác của các cuộc thi nhan sắc chính là việc mua bán danh hiệu để thu lợi cho BTC. Theo một nguồn tin, tại một cuộc thi diễn ra cách đây vài năm thì 2 cô gái đã phải cạnh tranh nhau về mức chi để có được danh hiệu cao nhất, dẫu rằng họ cũng là những gương mặt sáng giá. Trong đó, một người được cho là đã chi ra ít nhất 100.000 USD (khoảng hơn 2 tỷ đồng).

Một cuộc thi khác vào năm 2015, người đoạt danh hiệu Hoa hậu được cho là đã phải chi 9 tỷ đồng để có danh hiệu ấy. Số tiền đó đến từ túi một đại gia đứng sau lưng người đẹp.

Trong khi đó, một thí sinh bước vào top 10 của cuộc thi đã phải bỏ ra 200 triệu đồng. Còn với giải phụ Thí sinh được yêu thích nhất, theo chia sẻ, một cô gái đã bỏ ra 1 tỷ đồng để dàn xếp, nhưng giờ chót lại bị “lật kèo” vì có người đưa ra con số gấp đôi. Giải thưởng này tại cuộc thi năm đó cũng khiến khán giả vô cùng bất ngờ.

Năm 2017 này, một cuộc thi đã được lên lịch tổ chức nhưng cuối cùng vẫn chưa diễn ra. Theo đó, một người, tự xưng thuộc ê-kíp đã rao bán danh hiệu cao nhất với giá 500 triệu đồng. Một cuộc thi khác, chỉ sau đêm bán kết đã xuất hiện thông tin một số thí sinh cùng bàn bạc để mua giải phụ.

Còn với một cuộc thi trong năm nay, người đăng quang cũng vướng tin đồn mua giải khi chiến thắng không hề thuyết phục, bị dư luận “ném đá” dữ dội. Năm 2016, một cô gái cũng bị cho đã chung chi với BTC để có danh hiệu bởi phần thể hiện của cô trong đêm chung kết vô cùng thảm hoạ.

Sieu loi nhuan tu to chuc cac cuoc thi hoa hau
Theo thông tin từ buổi họp báo công bố, cuộc thi Hoa hậu Hoà bình Quốc tế diễn ra tại Việt Nam có ít nhất 50 tỷ đồng đến từ các nhà tài trợ
Sieu loi nhuan tu to chuc cac cuoc thi hoa hau
Đổi lại, thí sinh được mang ra làm công cụ PR đến mức tối đa cho các nhãn hàng
 Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên:
Hiện nay các cuộc thi người đẹp, người mẫu đang rất sôi động. Bên cạnh những mặt tốt của những cuộc thi, người đẹp đóng góp cho xã hội thì còn nhiều người lợi dụng chuyện này để làm thương mại kiếm tiền. Các công ty đứng ra tổ chức chỉ nhằm mục đích kiếm tiền mà không mấy tập trung đến mục đích cao cả là tôn vinh cái đẹp. Cái đó giờ không chỉ là loạn tên gọi nữa mà loạn cả thương hiệu.

Bên cạnh đó, nếu những đơn vị tổ chức cuộc thi trong nước có thêm bản quyền đưa thí sinh thi quốc tế, thì coi như nắm chắc trong tay một món lợi béo bở. Theo đó, một số người đẹp, đủ danh hiệu muốn dự thi quốc tế sẽ phải chi tiền để mua bản quyền, chứ không phải theo thông tin “được đơn vị nắm bản quyền cử đi” như nhiều người vẫn nghĩ. Gần đây nhất, một cô gái đã phải chi ra khoảng 15.000 USD để mua bản quyền dự thi quốc tế (không nằm trong top cuộc thi lớn). Trong khi đó, con số thực mà đơn vị giữ bản quyền phải trả cho tổ chức quốc tế kia chỉ bằng 1/3. 

Một cô gái khác được cho cũng đã chi khoảng 1 tỷ đồng để có quyền dự thi một đấu trường hấp dẫn nhất hành tinh. Cũng trong năm này, ở một cuộc thi khác, có đến 3 - 4 cô gái tranh nhau quyền dự thi, và chiến thắng thuộc về người chịu chi nhất.

Với những cuộc thi nhỏ, khả năng thu lợi còn ở mức may rủi, nhưng với những sân chơi lớn thì là hiển nhiên, bằng cách này hoặc cách khác. Và chẳng ai nghĩ đến lúc việc kinh doanh nhan sắc lại trở nên sôi động, hấp dẫn đến như vậy với con số thu lợi là không nhỏ, từ nhiều nguồn. Thị trường có cầu, ắt hẳn có cung. Người mong danh hiệu để đổi đời, người mong có thêm sân chơi để thu lợi thì chắc chắn các cuộc thi sẽ vẫn còn diễn ra, bát nháo và lộn xộn như hiện tại.       

Trung Sơn

Bài 2: Người người đổ xô thi hoa hậu: Siêu lợi nhuận đến từ danh hiệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI