Lỗi lầm của kẻ bệnh hoạn
Roman Polanski, vị đạo diễn mang 2 dòng máu Pháp và Ba Lan được cả thế giới ngưỡng mộ về tài năng. Ở tuổi 85, Roman Polanski vẫn say sưa sáng tạo nghệ thuật và đáng ngạc nhiên khi chất lượng tác phẩm không thua kém bất kỳ đạo diễn trẻ nào.
Sau chuỗi thành công của Rosemary’s Baby (Đứa con của Rosemary - 1968), Chinatown (Phố Tàu - 1974), Tess (1979), The Pianist (Nghệ sĩ dương cầm – 2002 đoạt 3 giải Oscar lần thứ 75), nam đạo diễn vừa cho ra mắt An Officer and a Spy (Sĩ quan và mật vụ). Bộ phim sẽ được công chiếu tại Liên hoan phim (LHP) Venice diễn ra vào đầu tháng 9 tới đây. Dù có phim tham dự, đạo diễn Polanski sẽ không thể trực tiếp tham gia liên hoan vì một sai lầm đáng xấu hổ xảy ra cách đây hơn 40 năm.
|
Roman Polanski được nhắc đến liên tục khi phong trào #Metoo nổi lên vì sau 40 năm, tội phạm cưỡng hiếp trẻ vị thành niên như ông chưa bị xử lý. |
Tháng 3/1977, trong một buổi tiệc tại nhà riêng của tài tử Jack Nicholson ở Hollywood, Roman Polanski đã chuốc rượu Samantha Gailey (nay là Geimer), một người mẫu vị thành niên và cưỡng bức cô bé, lúc ấy mới 13 tuổi. Ngay sau sự việc, dư luận tại Mỹ và tất cả những người mến mộ tài năng của Roman Polanski đều choáng váng vì hành động dơ bẩn của ông. Theo The Guardian, nam đạo diễn bị tạm giam trong 42 ngày cho tới khi chạy trốn khỏi Mỹ để đến Pháp vào ngày 1/2/1978.
Trước thời điểm bỏ trốn, Roman Polanski tham dự nhiều phiên toà xét xử, ông khai nhận hành vi phạm tội của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm với các phán quyết. Tuy nhiên, trước ngày toà tuyên án chính thức, nam đạo diễn đã trốn chạy. Cho đến nay, đã hơn 40 năm xảy ra vụ việc nhưng phán quyết cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Kẻ trốn chạy khét tiếng
Roman Polanski chọn Pháp vì quốc gia này không ký hiệp ước dẫn độ tội phạm với Mỹ.
Cuộc sống tại Pháp – nơi một nửa dòng máu trong ông thuộc về, diễn ra êm đềm, nhưng với một kẻ phạm tội cưỡng hiếp trẻ vị thành niên được thao túng, là điều không thể. Luật pháp của Mỹ vẫn tích cực tìm cách bắt giữ Roman Polanski nhưng gặp khó về hiệp ước dẫn độ. Suốt hơn 40 năm qua, nam đạo diễn vẫn là một tên tội phạm đối với nhà chức trách Mỹ, cho nên, chỉ cần đặt chân lên quốc gia nào nằm trong danh sách dẫn độ tội phạm, Roman Polanski sẽ bị bắt ngay lập tức. Chính vì thế, hơn 40 năm qua tuy Roman Polanski đôi khi vẫn di chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác, nhưng đó phải là nước chưa có hiệp ước dẫn độ với nước Mỹ.
|
Roman Polanski trong phiên toà xét xử vụ cưỡng hiếp năm 1977 |
Sau 6 năm rời Mỹ đến Pháp, Polanski ra mắt cuốn tự truyện mang tên Roman by Polanski trong sự ngỡ ngàng của dư luận. Ông nhắc đến vụ cưỡng hiếp cô bé 13 tuổi với rượu sâm banh. Cô bé say rượu và say những lời khen ngợi của ông. Sau cưỡng hiếp, ông chở cô bé về nhà cô. Ông nói rằng cả hai có ý sắp xếp một buổi hẹn khác. Nhưng, sự thật vẫn là sự thật và kẻ có tội vẫn phải nhận tội.
Cuốn tự truyện thổi bùng sự căm phẫn của người dân Mỹ. Họ hoang mang về việc nhiều người khác vẫn tôn sùng tài năng của một kẻ phạm tội cưỡng hiếp cô bé 13 tuổi. Những thứ mang danh nghệ thuật từ Polanski làm ra, nếu được tôn vinh, với người dân Mỹ, đều không xứng đáng.
|
Sau khi đến Pháp, Roman Polanski gặp được người vợ hiện tại và sống cuộc đời ung dung làm nghệ thuật dù nước Mỹ vẫn luôn tìm ông để luận tội. |
Ngày 26/9/2009, khi đi nhận giải Thành tựu trọn đời tại LHP Zurich, Polanski bị bắt giữ tại Thuỵ Sĩ, ngay khi vừa xuống sân bay. Chỉ 2 ngày sau, Tổng lãnh sự Pháp ở Thuỵ Sĩ và Đại sứ Ba Lan đã đến thăm Roman Polanski tại nhà tù. Ngay lập tức, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp - Bernard Kouchner và người đồng nhiệm tại Ba Lan cũng viết thư yêu cầu trả tự do cho Polanski. Cùng với sự giúp đỡ từ các chính khách, hàng loạt nghệ sĩ cũng ký đơn kiến nghị Thuỵ Sĩ trả tự do cho nam đạo diễn.
|
Roman Polanski ở tuổi 85 vẫn tham gia sản xuất, đạo diễn các dự án phim và gửi tham dự tại các LHP nổi tiếng. |
Sở dĩ một kẻ phạm tội được bảo vệ đến cùng là vì trong suốt hơn 40 năm sống tại Pháp, Polanski cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Ông nghiêm túc làm phim, gửi tham gia các LHP dù vắng bóng tại hầu hết các cuộc trao giải (vì nếu xuất hiện, ông sẽ bị bắt). Đỉnh điểm là phim The Pianist (Nghệ sĩ dương cầm – 2002) đoạt 3 giải Oscar năm 2003, trong đó có giải dành cho Đạo diễn xuất sắc nhất.
Bản án nghiệt ngã hơn việc ngồi tù
Samantha Geimer, nạn nhân trong vụ việc giờ đã hơn 50 tuổi, có gia đình và an phận nuôi dạy những đứa trẻ. Ban đầu, cô đau đớn, giận dữ nhưng về sau lại tìm cách rút đơn kiện và mong toà án bác bỏ bản án dành cho Polanski. Khi Oscar được trao cho The Pianist và Polanski, cô tuyên bố tha thứ, mong ông đi nhận giải nhưng luật pháp Mỹ không cho phép điều đó.
Trở lại vụ việc bị bắt ở Thuỵ Sĩ, sau đó, nhờ luật sư và sự tác động từ nhiều bên, Polanski được thả tự do. Ngày bước ra khỏi buồng giam sau 10 tháng để trở về Pháp, Polanski cảm tưởng ông được sống lại một lần nữa. Có thể, sự tha thứ của nạn nhân, sự giúp sức từ chính phủ Pháp và Ba Lan cho Polanski tấm bùa hộ mệnh nhưng những tranh cãi về vụ việc luôn mãi còn.
Trailer bộ phim The Pianist - phim giúp Roman Polanski đạt giải Oscar cho hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất:
Polanski dù sống tự do nhưng ông phải nhận nhiều bản án khác còn khắc nghiệt hơn việc ngồi tù. Tháng 5/2018, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (Ampas) gạch tên Polanski khỏi danh sách của Viện vì vi phạm tiêu chuẩn ứng xử.
Gần nhất, khi LHP Venice (Ý) diễn ra vào đầu tháng 9 tới đây, dù có phim tham dự, Polanski cũng sẽ chỉ là một kẻ trốn chui trốn lủi, quan sát sự kiện qua ứng dụng chat. Trên đất Ý, nếu Polanski xuất hiện, ông sẽ bị bắt và có thể bị giải về Mỹ chịu tội.
Là người nghệ sĩ không được xuất hiện một cách đường hoàng, chính danh trong buổi ra mắt phim do chính mình sản xuất, nhưng điều đó cũng không đáng sợ bằng cái mác ông được nhiều người đặt cho: “Kẻ trốn chạy khét tiếng nhất nước Mỹ” (theo The Guardian).
|
Hình ảnh Polanski bên người vợ xấu số Sharon Tate |
Polanski đang sống hạnh phúc với người vợ thứ 3, nữ diễn viên người Pháp - Emmanuelle Seigner và 2 người con chung. Cuộc sống của 2 người không bị xáo trộn bởi những tiếng xì xầm bên ngoài về tội lỗi của người chồng trong quá khứ, cho đến khi bộ phim Once Upon a Time in Hollywood (tạm dịch: Chuyện ngày xưa ở Hollywood) ra mắt mới đây ở nhiều nước (và vào 16/8 tới đây tại Việt Nam).
Bộ phim của đạo diễn Quentin Tarantino dựng lại vụ án mạng rúng động dư luận năm 1969. Vợ của Polanski lúc bấy giờ là nữ diễn viên Sharon Tate bị sát hại tại nhà riêng bởi một băng nhóm tội phạm. Sharon Tate qua đời khi mới 26 tuổi và đang mang thai đứa con đầu lòng của cả hai ở tháng thứ 8.
|
Đạo diễn Polanski bên cạnh người vợ hiện tại - nữ diễn viên người Pháp Emmanuelle Seigner |
Khi Once Upon a Time in Hollywood ra mắt khán giả ở LHP Cannes vào tháng 5 vừa qua, Emmanuelle cho biết đạo diễn Quentin Tarantino dường như muốn cứa vào nỗi đau của chồng cô; hoặc không, anh muốn thu hút người xem nên mới làm lại vụ án của Sharon Tate. Emmanuelle nói rằng dù Polanski đang chạy trốn và bị nước Mỹ tẩy chay nhưng lạ kỳ khi nhiều người muốn thu lợi từ “kẻ trốn chạy khét tiếng” này. Trước ý kiến của vợ và nội dung bộ phim của Quentin Tarantino, Polanski im lặng.
Minh Tú