Phim Hàn đoạt giải Cannes 2019: Chân thật, giật gân, kinh dị...

20/06/2019 - 13:54

PNO - ‘Parasite’ (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon Ho khác với hình dung của nhiều người về một bộ phim đoạt giải thưởng điện ảnh lớn, bởi sự gần gũi, chân thật và giật gân, thậm chí có phần kinh dị.

Bong Joon Ho là một trong những đạo diễn lớn của Hàn Quốc, góp phần mang điện ảnh Hàn ra thế giới trong gần 2 thập kỷ trở lại đây cùng những cái tên như Park Chan Wook, Lee Chang Dong, Hong Sang Soo… Nhưng phim của Bong luôn được giới phê bình Hàn khen tặng bởi nó trung hòa được tính giải trí và nghệ thuật. Parasite cũng không ngoại lệ.

Trailer phim:

 

Sau thời gian dài thử sức với đủ thể loại, có hơi hướm giải trí khi đầu quân cùng Hollywood để làm một số bộ phim nói tiếng Anh như Snowpiercer, Bong Joon Ho trở về với tiếng mẹ đẻ, làm bộ phim về đề tài xã hội Hàn - cũng là vấn đề bất cứ xã hội nào đang đối mặt: kẻ giàu, người nghèo, nạn thất nghiệp ngày một gia tăng, đẩy con người vào hoàn cảnh cùng cực, tăm tối.

Cách mô tả giản dị, hài hước ở nửa đầu phim xen lẫn màu sắc ly kỳ, đầy bất ngờ ở nửa cuối phim khiến Parasite đầy hồi hộp và hấp dẫn với khán giả thay vì hoang mang dự đoán những ẩn dụ được bày biện khéo léo, tất nhiên, mọi chi tiết trong phim, dù là nhỏ nhất, được tính toán chặt chẽ.

Phim Han doat giai Cannes 2019: Chan that, giat gan, kinh di...
Hai anh em Ki Woo tài giỏi nhưng bế tắc

Parasite xoay quanh một gia đình nghèo đến mức cùng cực, sống nhờ vào nghề xếp hộp bánh pizza, sống chật chội, tối tăm trong nhà hầm kế đường ray. Cái nghèo khiến họ mất đi sự phản kháng, mặc kệ, cả khi có gã say rượu tiểu tiện trước cửa nhà. Cơ hội đến với cậu con trai Ki Woo khi được nhận vào làm gia sư cho gia đình họ Park bề thế, giàu có.

Một thế giới hoàn toàn khác mở ra. Một sự đối sánh được đặt ra để khán giả tự cảm nhận, khi cơn mưa lớn trở thành nỗi ám ảnh của người nghèo, nhấn chìm nhà cửa của họ, buộc họ sống cảnh màn trời chiếu đất thì với người giàu, cơn mưa ấy giúp thanh lọc không khí, cho cuộc sống dễ chịu hơn.

Từ công việc gia sư dạy tiếng Anh, Ki Woo tìm cách đưa em gái, rồi ba mẹ cậu vào gia đình họ Park làm những công việc quan trọng như: gia sư dạy vẽ, lái xe, quản gia, nhờ vào “sự cả tin và tốt bụng” của bà chủ. Một cuộc cạnh tranh giữa những người nghèo với nhau để giữ công việc đầy chua chát qua màn dàn dựng hài hước của hai anh em Ki Woo. Mọi việc chỉ bắt đầu cho đến khi bà quản gia cũ tìm đến nhà họ Park lấy món đồ bỏ quên vì “họ đuổi tôi đi nhanh quá”.

Phim Han doat giai Cannes 2019: Chan that, giat gan, kinh di...
Gia đình họ Park giàu có

Không có một con ký sinh trùng nào được nhìn thấy bằng mắt thường. Sự ký sinh được ám chỉ phải nhìn bằng kính hiển vi chính là sự thông suốt của khán giả, sự dò xét của bà quản gia Moon Gwang hay khả năng nhận biết “mùi vị” của cậu con trai nhà họ Park? Lối mô tả tinh tế này của Bong Joon Ho khiến người xem khi hiểu ra thì rùng mình. Những mặc định về người giàu qua đôi mắt người nghèo, và ngược lại, mặc định về người nghèo của người giàu cứ thể hiển hiện qua những đối thoại thường ngày, tự nhiên đến mức người ta quên đi đó là định kiến. Để rồi trong những hoàn cảnh nhất định, nó dồn thành ẩn ức. Cái mùi Bong Joon Ho miêu tả trở thành sợi dây dẫn dắt bộ phim, tinh tế đến đáng sợ.

Phim Han doat giai Cannes 2019: Chan that, giat gan, kinh di...
Đạo diễn Bong Joon Ho tại Cannes 2019

Tốt bụng hay xấu xa, Parasite không có nhân vật nào như vậy, mà chỉ có giàu-nghèo và những khoảng cách dẫn đến bi kịch ám ảnh. Do vậy, câu chuyện trong Parasite không còn là câu chuyện của riêng Hàn Quốc nữa.

Sau khi đến Cannes, Parasite đã được mua bản quyền phát hành tại 192 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phim khởi chiếu từ 21/6.

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI