Những chú cá lội ngược dòng
Giữa showbiz Việt mải mê cuốn theo số đông, không ít nghệ sĩ dù khởi đầu ấn tượng với một dòng nhạc vẫn không chịu được sức ép, để cuối cùng “rơi” khỏi con đường đã chọn.
Thế nhưng, còn đó không ít nghệ sĩ kiên định với định hướng ban đầu, dần dà tạo nên bản sắc khó trộn lẫn. Có người bền bỉ hơn mười năm, có người chỉ mới khởi đầu một hai năm. Có người đã khẳng định được tên tuổi, song cũng có người cần cố gắng nhiều hơn nữa. Có người lâu lắm mới xuất hiện, chia sẻ về sản phẩm sắp hoàn thành. Có người gây tranh cãi về cá tính nghệ sĩ quá mạnh. Nhưng tất cả những điều đó không che lấp tài năng và sự cống hiến của họ. Chính nhờ những cá nhân can đảm ấy mà nền nghệ thuật Việt đa dạng sắc màu.
Lẽ dĩ nhiên, đi một mình trên một con đường, ai mà không chịu cảnh cô đơn, không vấp phải chông gai, thậm chí đôi khi cần cả sự hy sinh. Điều quan trọng là, tất cả họ chưa bao giờ bỏ cuộc. Phần thưởng xứng đáng nhất dành cho họ chính là sự yêu quý từ công chúng, cái nhìn thiện cảm và đầy nể trọng của người trong nghề. Họ như những chú cá lội ngược dòng dưới trời mưa.
Bài 1: Hoàng Rob: Sau hừng đông là nắng lên và giương buồm
Bài 2: ‘Việt sử kiêu hùng’ - Những người trẻ mộng mơ làm sử Việt
Bài 3: Hoàng Quyên: Không thành sao cũng không sao
Bài 4 : Ca sĩ Ngọc Tuyền: Mất giọng hát, làm mẹ đơn thân và những ngày tự trách
|
Phạm Thu Hà và cuộc gặp với Võ Thiện Thanh
Cầu toàn, tỉ mỉ là những tính từ thường được dùng để miêu tả về tác phong làm việc của Phạm Thu Hà, bất kể khi cô đứng trên sân khấu hay xuất hiện trong phòng thu. Tính cách này của Hà, có thể xuất phát từ sự nghiêm cẩn của dòng nhạc cô theo học suốt mười mấy năm tại Học viện Quốc gia Âm nhạc Việt Nam, cũng có thể từ sự đúc rút của Hà trong những năm tháng khổ luyện. Không có thành công nào không đổ mồ hôi, nước mắt và những đêm thức trắng.
|
Theo thời gian, Phạm Thu Hà ngày càng đằm thắm, còn âm nhạc của cô ngày càng có dấu ấn. |
Lần đầu tiên, Phạm Thu Hà xuất hiện trước đông đảo khán thính giả cả nước là khi cô thể hiện ca khúc Lụa - kết hợp cùng dàn nhạc trẻ Rhapsody. Rhapsody Philharmonic chơi pha trộn giữa cổ điển, fusion, jazz, pop/rock, thậm chí cả R'nB, khiến Lụa trở nên đầy đặn, thú vị. Biên độ bán cổ điển được mở rộng thay vì chỉ gói gọn khi kết hợp cùng pop như thường thấy, gợi sự táo bạo, gây háo hức bởi cách kết hợp này luôn hứa hẹn bùng nổ khó đoán trước. Điều này, hiển nhiên kích thích trí tò mò của những người trẻ yêu nhạc.
Là cô gái thông minh, Phạm Thu Hà không trói buộc bản thân vào thánh đường nhạc cổ điển, dù với tài năng của cô thì việc tỏa sáng chỉ là chuyện sớm muộn. Cô gái sở hữu giọng soprano này đã rất biết cách nắm bắt khi “cơ hội” mỉm cười và chọn một hướng đi khác, một lựa chọn mang tính giao thoa. Cổ điển đấy mà hiện đại đấy, kiêu sa đấy mà nhẹ nhàng, gần gũi đấy.
Tháng 10/2012, Phạm Thu Hà tung đĩa đơn đầu tiên - Habanera newmix - với 5 bản phối nhạc điện tử khác nhau, nối tiếp sự bất ngờ trước đó. Không ít khán giả trẻ thừa nhận một sản phẩm giao thoa với các xu hướng đang thịnh hành trên thế giới khiến họ có động lực tìm hiểu và tiếp xúc với không gian âm nhạc cổ điển.
|
Bìa album Classic meets chillout. |
Classic meets chillout - album phòng thu đầu tay của Phạm Thu Hà ra mắt sau đó không lâu. Võ Thiện Thanh từng chia sẻ rằng, anh dành thời gian để đi tìm một giọng ca đẹp như Phạm Thu Hà trong vòng nhiều năm và quyết không thực hiện bất kỳ sản phẩm chillout nào nếu không tìm được giọng ca ưng ý. Classic meets chillout với Phạm Thu Hà là nỗ lực của một ca sĩ trẻ chập chững vào nghề sau thời gian dài, như ngọn lửa cháy hết mình để tận hiến cho con đường đã chọn; là minh xác mạnh mẽ con đường Hà theo đuổi trong tương lai. Không có gì đáng ngạc nhiên khi album này mang về cho Phạm Thu Hà giải Cống hiến 2013 ở hạng mục Album của năm.
Lần lượt những sản phẩm đơn lẻ hoặc các album sau đó như: Tựa như gió phiêu du (2013), Hà Nội… yêu (2015), đĩa than Đường em đi (tình khúc Phạm Duy, 2017), Giai điệu tự hào (2018), Phạm Thu Hà lần lượt mang hết bất ngờ này đến bất ngờ khác cho người nghe khi khéo léo mở rộng biên độ kết hợp nhạc cổ điển với nhiều phong cách khác nhau, từ lãng mạn, trữ tình cho đến hoài cổ, nhạc cách mạng.
|
Phạm Thu Hà trong buổi ra mắt album Tựa như gió phiêu du. |
Không mải miết cạnh tranh hay chạy theo số đông, nhưng cũng không ru ngủ trong tháp ngà nghệ thuật, Phạm Thu Hà luôn luôn chuyển động. Có điều, sự chuyển động của cô âm thầm, nhẹ nhàng như cái cách cô từ cánh gà, trong bộ váy thướt tha bước ra trước khán giả, rồi cứ thế thong dong cất giọng, cứ thế tuôn trào mãnh liệt những gì đang chất chứa, hệt dòng dung nham cuồn cuộn trong lòng núi. Cô biết cách làm mới, biết cách thoát khỏi những cái bóng lớn đóng đinh với những ca khúc "kinh điển". Suối mơ của cố nhạc sĩ Văn Cao là ví dụ điển hình. Phạm Thu Hà, do đó là giọng hát chưa bao giờ cũ.
Nghe Phạm Thu Hà hát Xuân tàn - lời Việt của Võ Thiện Thanh:
Phóng viên: Đâu là lý do khiến chị chọn cổ điển giao thoa khi mới bắt đầu và kiên định với con đường này trong suốt chừng ấy năm?
Ca sĩ Phạm Thu Hà: Thuở còn bé, tôi đã có một tình yêu đặc biệt với âm nhạc cổ điển. Lớn lên, tôi quyết định theo học bộ môn này. Ngày đó, những sinh viên như tôi luôn tôn thờ, xem nhạc cổ điển là “ngôi đền thiêng”. Tôi dĩ nhiên cũng không ngoại lệ, nhưng không quá cực đoan. Ngoài hát và nghe cổ điển, tôi còn nghe rất nhiều thể loại khác, đặc biệt là các dòng nhạc hiện đại. Một phần vì sở thích của tôi phong phú, phần khác vì các ca khúc này giúp tôi phát âm rõ lời tiếng Việt hơn.
“Tôi không chọn những tác phẩm kinh điển để đưa đến công chúng. Cách của tôi nhẹ nhàng hơn, có lẽ cũng vì tính cách phụ nữ như vậy. Tôi hát cổ điển trên nền chillout, jazz thậm chí cả một số tác phẩm có âm hưởng dân gian. Tôi muốn mọi người tiếp cận với cổ điển dưới nhiều góc độ của âm nhạc. Và chỉ như vậy ước mong đưa cổ điển gần hơn với cộng đồng của tôi mới có thể thực hiện” - |
Khoảng năm 2012, cơ duyên đẹp từ lời giới thiệu của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã cho tôi gặp nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Anh Thanh khuyên tôi nên theo dòng bán cổ điển bởi dòng nhạc này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Nếu hát bán cổ điển, tôi vừa phát huy được thế mạnh của bản thân, vừa có thể tạo được màu sắc riêng, ít lẫn vào các giọng hát khác. Tôi đã đi theo lời khuyên đó. Ban đầu khó khăn muôn trùng nhưng thật may mắn, tôi sớm được giới chuyên môn ghi nhận, đặc biệt là giải Cống hiến. Sau này công chúng ngày một nhiều hơn càng giúp tôi thêm tự tin kết hợp bán cổ điển với các thể loại âm nhạc khác.
|
"Tôi trân quý tất cả những gì đã xảy đến với mình. Nhờ đó tôi có thêm bài học và trở nên vững vàng" - Phạm Thu Hà. |
* Thách thức của chị khi chọn dòng nhạc này là gì?
- Tôi gặp quá nhiều khó khăn khi chọn dòng nhạc này vì nó khá kén người nghe, đòi hỏi phải kiên định và tràn đầy đam mê. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi luôn vững tin vượt qua mọi thử thách để đưa âm nhạc cổ điển gần hơn với khán giả yêu nhạc.
* Trên con đường chị đang đi, có bao nhiêu phần trăm sự may mắn, để có thể giữ được sự bình tâm trước thị trường âm nhạc nhiều thay đổi (hoàn cảnh, môi trường âm nhạc thuận lợi…)?
- Cái “được” lớn nhất là tôi được làm nghề và sống được với nghề. Bên cạnh đó, khoản thù lao nhận về cho mỗi buổi biểu diễn cũng đủ giúp tôi sống thoải mái. Tôi có nhiều cơ hội được xuất hiện trên các sân khấu lớn để hát cho khán giả của mình nghe. Tuy nhiên, quan trọng hơn tất cả, tôi được thỏa mãn đam mê; được từng ngày khám phá những điều mới mẻ bên trong mình qua âm nhạc.
Còn mất ư? Tôi cũng mất khá nhiều. Để được như hôm nay, tôi phải bỏ ra rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức, tâm huyết. Nhưng điều này là tất yếu. Đâu có thành quả nào mà không đổ mồ hôi, hoặc chỉ trải thảm hoa hồng. Đôi khi, tôi vấp phải những chuyện không vui, những tin đồn đáng tiếc, nhưng tôi trân quý tất cả những gì đã xảy đến với mình. Nhờ đó mà tôi có thêm bài học và vững vàng.
|
Bìa album đĩa than Đường em đi (tình khúc Phạm Duy). |
* Giá trị cốt lõi trong âm nhạc mà chị theo đuổi là những gì?
- “Mang âm nhạc cổ điển gần hơn với công chúng” - là khẩu hiệu quen thuộc của tôi. Nó giống như một slogan gắn liền với cái tên Phạm Thu Hà. Một giá trị khác quan trọng không kém khi theo đuổi dòng nhạc bán cổ điển giao thoa: tôi tìm thấy chính mình. Tôi được sống, được vùng vẫy phiêu du trong chính dòng nhạc mình yêu thích. Với một người hoạt động nghệ thuật, có gì đẹp và hạnh phúc hơn thế?
Nghe Phạm Thu Hà hát Khi màu nắng tắt - sáng tác Đức Trí:
* Chị đang ấp ủ những kế hoạch âm nhạc nào trong tương lai, để tăng thêm độ mới mẻ mà vẫn giữ được phong cách chị đang theo đuổi?
- Trong chặng đường tiếp theo, tôi sẽ cố gắng giữ cho tâm mình được bình yên và sức khỏe. Tôi sẽ vẫn kiên định với con đường mình đã chọn. Đầu tháng 12/2018, tôi ra mắt một single mới, MV Vũ điệu bình minh mở đầu cho dự án Classic Meets Dance, với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Tôi cũng có một buổi biểu diễn tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội vào ngày 20/12/2018. Song song đó, tôi đang triển khai những bước đầu của đĩa nhạc kế tiếp và hoàn thành nốt album Classic Meets Dance với toàn bộ nhạc và lời của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Hoàng Linh Lan