Nửa vòng trái đất, ăn và viết kiểu... Di Li

02/12/2019 - 18:46

PNO - Hai cuốn sách, mỗi cuốn dày hơn 300 trang - một dung lượng hết sức đầy đặn dành cho ẩm thực, được viết từ những chuyến đi khắp năm châu chỉ để “uống một ly trà” và “ăn cả cánh đồng hoa” của Di Li.

“Nhiều bận cầm trên tay miếng chè lam ngào bột mịn nóng hổi, bâng khuâng mãi, chẳng hiểu chè lam có tự bao giờ, mà ai là người nghĩ ra cách nấu chè hay đến thế, để dư vị lưu mãi đến muôn đời sau. Trên thế gian có tới hàng triệu món ăn mà chẳng ai hay những đầu bếp vô danh ấy cả” - khởi từ tâm tư ấy, nhà văn Di Li đã viết bộ sách tùy bút ẩm thực, một dành cho Việt Nam, một dành cho món ăn các nước. 

Viết về một món ăn không khó, viết về ký ức thương nhớ trong lòng của mỗi người càng dễ hơn. Nhưng viết làm sao để cả bộ sách dày cộm như vậy, mà bài nào cũng thật sự hấp dẫn, nhiều thông tin, đầy cảm xúc dẫn dụ và cả sự hài hước lẫn… hồi hộp, thì không phải tác giả nào cũng làm được. “Viết về cái thú của sự ăn mà tới hàng trăm món, lại còn kỳ công bay cả ngàn cây số đến tận nơi để nếm cho bằng được, thì tôi chỉ thấy có Di Li” - nhạc sĩ Mai Lâm nhận định.

Nua vong trai dat,  an va viet  kieu... Di Li

Đọc Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa (Thái Hà Books và nhà xuất bản Lao Động), người đọc được “lần tìm” lại vị giác với những món ăn đã từng thưởng thức qua, được tưởng tượng những món đặc sản của các vùng miền chưa biết đến. Quen thuộc có, xa lạ có, nhưng món ăn nào qua ngòi bút của nhà văn cũng hiện lên trên phông nền của giá trị văn hóa vùng miền, của truyền thống gia đình, của tình yêu thương và cả nhung nhớ không phai trong ký ức.

“Con đường ẩm thực” của Di Li cũng là con đường khám phá “hồn cốt” các giá trị văn hóa. Như trăn trở của tác giả: “Những tác phẩm âm nhạc, kiến trúc, hội họa, điện ảnh, văn chương được đời đời lưu giữ, nâng niu, tác giả của chúng được ghi danh và trân trọng. Còn ai là người đầu tiên sáng tạo nên phở, bún chả, bánh cuốn, thậm chí chè long nhãn thì nào ai biết. Mà ẩm thực chẳng phải là hồn cốt của một dân tộc đấy hay sao?”.

Di Li nói vui, sau khi hoàn thành xong bộ sách, chị đã “tăng mười ký và có nguy cơ không thể giảm xuống”. Có những chuyến đi thuận tiện “một công đôi việc”, nhưng cũng có những chuyến chủ đích vượt hàng trăm cây số chỉ để ăn. Bánh cuốn Hà Khẩu, bánh đa cua Hải Phòng, cháo nghêu Cửa Lò, bánh xèo rau rừng núi Cấm, lẩu hoa đồng nội… Ăn từ trong nước ra ngoài nước.

Nửa vòng trái đất uống một ly trà kể với người đọc về những chú bò hạnh phúc giữa thành phố Kobe, đỉnh cao của ẩm thực tối giản Sushi, mũi lợn Tứ Xuyên, xúp cá ngư phủ, cá tuyết Đại Tây Dương, ẩm thực Địa Trung Hải, trà Thổ Nhĩ Kỳ… 

“Du ký ẩm thực, nếu không hiểu biết sâu rộng để mà liên tưởng, so sánh món này món kia, xứ này xứ kia… thì chỉ là tả lại món ăn theo một cách rất thô. Nhưng Di Li đã biến nó thành những bữa tiệc tràn đầy ánh sáng và biểu cảm văn hóa” - nhà thơ Văn Công Hùng nhận xét. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI