Bất ổn nội tại ở ngành công nghiệp mũi nhọn xứ Hàn Làn sóng Hallyu khiến văn hóa Hàn Quốc được biết đến trên toàn thế giới, cũng từ đó giải trí trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Hàn Quốc. Nhưng, bên dưới làn sóng mạnh mẽ ấy là những bất ổn và âu lo. Bài 1: Làng giải trí Hàn: Những tiếng kêu cứu tắt lịm |
Quy trình biến người thành máy
“Họ biến chúng tôi thành những cỗ máy trong một ngành công nghiệp khổng lồ”, một nữ thực tập sinh chia sẻ trên tờ Mirror. Các lò đào tạo gần như kiểm soát tất cả mọi thứ trong cuộc sống của nghệ sĩ, từ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, luyện tập đến cả yêu đương.
Trong bài chia sẻ vào năm 2015, một nữ thực tập sinh tiết lộ: “Họ kiểm tra lượng mỡ thừa trong cơ thể bạn mỗi tháng, xem bạn có đáp ứng đủ yêu cầu. Nếu không, bạn sẽ phải áp dụng chế độ nhịn ăn vô cùng khắc nghiệt. Bạn sẽ bị đá khỏi công ty nếu không kiểm soát được lượng mỡ trong cơ thể mình”.
Trong khi đó, một người khác cho biết: “Không có cách nào khác hơn ngoài việc nhịn đói”.
|
Lò đào tạo thần tượng, nơi bắt đầu những giấc mơ, cũng là nơi mở ra những chuỗi ngày mất tự do. |
Để có được diện mạo thu hút nhất có thể, họ cũng phải chấp nhận việc phẫu thuật thẩm mỹ từ nhỏ. Một người làm trong ngành giải trí Hàn Quốc tiết lộ với tờ Mirror, hiện tại nhiều đơn vị đào tạo đang muốn biến các thực tập sinh trở nên “Tây hơn” nhằm tiến ra các thị trường Âu - Mỹ. Cho Shin, trợ lý giám đốc của một hãng đĩa lớn ở Hàn Quốc nói: “Thay vì vẻ ngoài và tài năng tự nhiên, họ đang được trang bị để trở thành những sản phẩm công nghiệp đúng nghĩa, với bề ngoài bắt mắt”.
Theo số liệu thống kê, các nghệ sĩ, thực tập sinh tại Hàn Quốc phải làm việc 16 tiếng/ngày, gấp đôi người bình thường. Họ chỉ được giải lao vào giờ ăn trưa và ăn tối. Nhưng phần lớn thời gian nghỉ trưa cũng được tận dụng để tập luyện cho kịp tiến độ. Sana (thành viên nhóm Twice) từng cho biết có ngày cô chỉ được ngủ 10 phút vì quá bận rộn.
Mỗi tuần và mỗi tháng, các thực tập sinh sẽ phải dựng một tiết mục trình diễn để công ty quản lý và các đối tác đánh giá. Bị so sánh là áp lực diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của họ. Nếu không đạt, họ có thể sẽ phải dừng lại ước mơ tiến vào làng giải trí.
|
Kể cả trong giờ nghỉ, thực tập sinh cũng phải tranh thủ nghe nhạc, cảm âm. |
Các thực tập sinh cũng không được sử dụng điện thoại, mạng xã hội, không được ra ngoài khi chưa được sự đồng ý của công ty quản lý. Thậm chí, thời gian trò chuyện với người thân (qua điện thoại) cũng bị hạn chế, đôi khi chỉ là 1-2 giờ vào khoảng thời gian được cho phép trong ngày.
Liz Kim Cương và Trần Bình là hai trong số ca sĩ Việt từng được kinh qua công nghệ đào tạo thần tượng của xứ sở kim chi. Liz Kim Cương cho biết các thực tập sinh nữ bị cấm ăn đường trong những thức ăn thường dùng hàng ngày, chỉ được ăn rau, trứng, sữa, một miếng ức gà nhỏ và kiêng mọi gia vị. Khi thèm quá, họ phải lén ra ngoài để mua những gia vị này. Nhưng điều kinh khủng nhất là việc mỗi ngày đều có người vào lấy số đo cơ thể. Nếu chưa giảm cân, các nữ thực tập sinh tiếp tục bị cắt giảm khẩu phần ăn. Trần Bình cho biết lịch tập luyện của anh tại Hàn Quốc là từ 9g sáng kéo dài đến nửa đêm. Có những ngày phải tập luyện đến rạng sáng mới được trở về. Trong một lần tập luyện anh bị thương đứt dây chằng do động tác mạnh, giày nặng, phải mất đến vài tháng để điều trị. |
“Thời gian gần như chỉ dùng cho việc tập luyện”, một thực tập sinh chia sẻ. Đặc biệt, việc yêu đương, hẹn hò được xem là điều tối kỵ nhất trong cơ chế đào tạo thần tượng của Hàn Quốc.
Năm 2019, một nữ thực tập sinh tiết lộ để ngăn cản chuyện nảy sinh tình cảm, công ty đào tạo còn tăng giờ luyện tập khiến họ luôn trong tình trạng bận rộn.
Trong một chương trình, ca sĩ Jeon So Mi cho biết JYP Entertainment cấm các nghệ sĩ của công ty hẹn hò trong 3 năm.
Hồi tháng 9/2018, HuynA và Edawn bị công ty quản lý sa thải vì dám... hẹn hò.
Các thực tập sinh phải trải qua quá trình đào tạo khắc nghiệt này trong nhiều năm liền, ít thì 1-2 năm, nhiều thì 3-5 năm. Thậm chí G-Dragon mất đến 11 năm, Jihyo nhóm Twice mất đến 10 năm để được ra mắt...
|
Các thực tập sinh bị ràng buộc bởi nhiều quy tắc và bị cấm hẹn hò trong quá trình đào tạo, thậm chí ngay cả khi đã ra thị trường hoạt động. |
Với bất kỳ sai phạm nào, họ cũng đều phải chấp nhận hình phạt, với mức độ nặng, nhẹ tương đương. Trong suốt thời gian đào tạo, thậm chí kể cả khi đã ra mắt công chúng vài năm, họ vẫn phải sống trong cảnh không lương.
Làm nghệ sĩ giống như băng qua một dòng sông, không thể quay lại
Những nghệ sĩ thần tượng lung linh, thu hút công chúng ra đời. Nhưng như bài viết trên Mirro, Jenna Park - người điều hành một công ty giải trí, nói rằng: “Có một mặt sáng nhưng cũng là một mặt tối thực sự đối với Kpop”.
Việc ép cân dẫn đến căn bệnh biếng ăn lan rộng trong giới thần tượng Hàn Quốc, đặc biệt là ở giới nữ. Năm 2016, dư luận từng rúng động khi biết JinE (thành viên nhóm Oh My Girl) chỉ nặng 38kg (cao 1m60) do biếng ăn sau quá trình giảm cân khắc nghiệt kéo dài. Cùng thời điểm đó, cô phải xin ngừng hoạt động để điều trị bệnh.
Sojung của nhóm nhạc nữ Ladies'Code từng chia sẻ cô không có kinh nguyệt trong gần một năm kể từ khi bắt đầu ăn kiêng.
|
JinE từng chỉ nặng 38kg sau thời gian ăn kiêng, giảm cân. |
Việc hoạt động liên tục với thời gian làm việc gấp đôi người bình thường dẫn đến tình trạng kiệt sức, chấn thương với giới nghệ sĩ, thực tập sinh.
Nhưng nếu tổn thương thể xác có thể hồi phục thì tinh thần lại không thể. Không phải bất kỳ ai sau khi bước ra khỏi lò luyện cũng đủ chuẩn để bước vào Kbiz. Chính vì thế, từng có trường hợp thực tập sinh nhảy lầu tự tử khi không được chọn ra mắt.
Ngoài áp lực của việc đào tạo, sao Hàn còn chịu đựng không ít tiêu chuẩn để trở nên hoàn hảo trong mắt công chúng. Căn bệnh trầm cảm kéo theo sau đó đã liên tục lấy đi mạng sống của sao trong nhiều năm qua. Theo một thống kê, chỉ trong vòng 10 năm, làng giải trí Hàn có không dưới 20 nghệ sĩ chọn cách tự tử. Tất cả đều bắt nguồn từ trầm cảm với nhiều nguyên nhân: áp lực công việc, ám ảnh cảnh nóng, bị lạm dụng tình dục...
Trong khi đó, danh sách những sao Hàn từng hoặc đang phải điều trị trầm cảm nối dài liên tục.
|
Việc Goo Hara tự tử vào cuối tháng 11 vừa qua khiến dư luận rúng động |
Trên CNN, bác sĩ tâm thần Paik Jong-woo - Giám đốc Trung tâm Phòng chống Tự tử Hàn Quốc - cho rằng nghệ sĩ, người hoạt động trong làng giải trí có nguy cơ đối diện việc tự tử lớn hơn người bình thường. “Thời gian làm việc dày đặc nên khó để họ được chăm sóc sức khoẻ tinh thần”, vị bác sĩ này nói.
Kim Byung-soo, một bác sĩ tâm thần từng điều trị cho nhiều ngôi sao cho biết, cảm xúc thường xuyên thay đổi, mất phương hướng trong việc định vị bản thân khi đứng trước nhiều áp lực, kỳ vọng khiến các nghệ sĩ dễ rơi vào trầm cảm. Hơn nữa, việc trở thành ngôi sao khiến nhiều người đánh mất hoặc cắt đứt các mối quan hệ trong cuộc sống, dẫn đến bị cô lập.
|
Người nổi tiếng thường có nguy cơ cao mắc trầm cảm dẫn đến tự tử |
Với kinh nghiệm của mình, bác sĩ Kim nhận định: “Việc trở thành người nổi tiếng như băng qua một dòng sông mà họ không thể nào quay về được. Nhiều người nghĩ rằng những người nổi tiếng sẽ luôn được bao vây bởi đám đông, nhưng mối quan hệ cá nhân của họ thực sự rất hạn chế. Rất khó để họ có được mối quan hệ nghiêm túc với người khác, bởi họ có xu hướng phòng thủ với suy nghĩ rằng mọi người thích mình chỉ vì ngoại hình và danh tiếng. Điều đó khiến họ tự/bị cô lập, ngay cả với những người bạn thân và gia đình”.
Jong Hyun (thành viên nhóm SHINee) trước khi tự tử vào năm 2017 từng viết trong thư tuyệt mệnh: “Bên trong tôi mọi thứ đã vỡ vụn. Căn bệnh trầm cảm gặm nhấm, cuối cùng cũng đã nuốt chửng tôi. Và tôi không thể nào chống lại nó… Nếu không còn cách nào thoát khỏi cảnh ngột ngạt này, thì tốt nhất nên kết thúc. Tôi đã chất vấn bản thân rằng ai là người chịu trách nhiệm cho tôi. Hoá ra chỉ có mình tôi. Tôi hoàn toàn cô độc”.
Như Jong Hyun, rất nhiều người của Kbiz tự kết liễu vì họ quá cô độc.
Trung Sơn (tổng hợp từ CNN, BBC, Mirror, The Korea Herald)