Lặng lẽ viết và... đoạt giải thưởng
Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tỉnh An Giang vừa tổ chức một cuộc gặp gỡ các nhà văn miền Bảy Núi. Ngoài những tên tuổi kỳ cựu, quen thuộc như Ngô Khắc Tài, Trịnh Bửu Hoài, Võ Diệu Thanh, còn có những gương mặt trẻ: Huỳnh Thị Nương, Vĩnh Thông, Hoàng Thị Trúc Ly…
So với các tỉnh khác, An Giang có lực lượng sáng tác đông và nổi bật hơn cả, với nhiều nhà văn đã thành danh. Tuy nhiên, so với những sự kiện văn học đình đám ở TP.HCM, văn chương đồng bằng như một mảng trầm. Các tác giả lặng lẽ viết và tìm tri âm, rất hiếm khi có những hoạt động ra mắt, giao lưu, ký tặng sách.
“Hội sách Cần Thơ tới, tôi cũng chỉ làm độc giả đi mua sách thôi. Nhà xuất bản cũng không đề nghị ra mắt tác phẩm, vì ở Cần Thơ ít người dự lắm” - cây bút Lê Quang Trạng chia sẻ. Đời sống văn học ở đồng bằng cũng sôi động, nhưng còn thiếu không khí lan tỏa từ bạn đọc, nên cũng không nhiều tác phẩm được bạn đọc biết đến, trừ khi được giải thưởng hoặc tên tuổi nhà văn đã quá nổi tiếng.
Trong số những người lặng lẽ viết và đoạt giải có thể kể đến nhà văn - nhà giáo Trần Tùng Chinh, với tập truyện Chuyến xe ngựa về Bảy Núi, được trao giải C của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, năm 2017. Tác phẩm bàng bạc không gian văn hóa của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long, giữa hiện thực và hoài niệm, cả những huyền thoại được lồng ghép; trở thành điểm tựa, tạo sức bật ấn tượng cho tác phẩm.
Một trong những gương mặt từng trở thành “hiện tượng văn chương đồng bằng” là nhà văn Lê Minh Nhựt (Cà Mau). Anh thi đâu đoạt giải đó. Giải nhì Văn học tuổi 20, giải nhất cuộc thi Truyện ngắn đồng bằng, giải khuyến khích cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi (do nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với dự án văn học thiếu nhi Đan Mạch tổ chức)… Cây bút Vĩnh Thông cũng vậy. Năm 2018, tác giả sinh năm 1998 này được trao giải tác giả trẻ dành cho tập thơ Khắc khoải nâu. Trước đó, Vĩnh Thông đã in 5 tác phẩm, gồm các thể loại: truyện ngắn, biên khảo, thơ; nhưng chưa được nhiều người biết đến.
Tác giả trẻ bứt phá
Trong top 20 tác phẩm vào chung khảo cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần VI, Tự nhiên say của cây bút 9X Phát Dương để lại ấn tượng khác biệt. Đây cũng là một trong những tác phẩm nhận được khá nhiều lượt bình chọn trên fanpage Văn học tuổi 20. Truyện của Phát Dương không có sự quẩn quanh giữa cái tôi cá nhân và những u uẩn của người trẻ đô thị. Cái tôi thoát ra thành cái chung, cái chúng ta. Ở đó, tác giả đã viết về những phận đời miền Tây, với nỗi buồn hay ngọt ngào đều thấm đẫm chất quê, nhẹ nhàng, mộc mạc, nhưng cũng nhiều lắng đọng.
Người trẻ đồng bằng thường không có những buổi ra mắt sách như tác giả đô thị. Họ cũng không ồn ào trên trang cá nhân. Nhiều tác phẩm hay đã khởi sinh từ sự lặng lẽ chiêm nghiệm đó. Như Lê Quang Trạng (cũng thuộc thế hệ 9X), vừa viết văn vừa làm thơ. Ở cả hai thể loại đều ghi dấu ấn với những giải thưởng đáng nể: giải thưởng Tác giả trẻ của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, năm 2016, cho tập thơ Áp tai vào đất; giải C cuộc thi thơ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2015; giải nhì cuộc thi truyện ngắn tạp chí Xứ Thanh (2015-2016).
Mới đây, Lê Quang Trạng vừa in tác phẩm Thủ lĩnh băng vịt chạy đồng (nhà xuất bản Kim Đồng), sẽ ra mắt tại Hội sách Thành phố Cần Thơ lần III - 2019. Lâu lắm rồi văn học thiếu nhi mới có một tác phẩm viết về loài vật. Không gian văn hóa miền Tây cũng trải rộng trong cuộc băng đồng của bầy vịt. Một thế giới đồng thoại mở ra, bổ khuyết vào sự thiếu hụt của mảng sách văn học thiếu nhi những năm qua.
Trong một cuộc tọa đàm về văn trẻ đồng bằng sông Cửu Long (do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức), nhiều nhà văn đi trước đều nhìn thấy lợi thế và bước đi đầy khả quan của một lớp tác giả trẻ đầy triển vọng của văn chương đồng bằng. Không gian văn hóa đặc thù và cả những phận đời chìm nổi ở miền Tây là chất liệu quý cho các nhà văn khai thác. Trong cuộc “cạnh tranh” này, tác giả trẻ ở đô thị hoàn toàn lép vế ở trải nghiệm thật. “Có những cảnh ngộ bi đát mà mình phải nghe, thấy, tiếp cận thì mới hiểu được” - nhà văn Võ Diệu Thanh từng chia sẻ. Trong cái bi lẫn cái thiện của đời sống, văn chương đồng bằng đã và đang gửi gắm những giá trị hiện sinh cho văn học nước nhà.
|
|
Hội sách Cần Thơ lần III-2019
Diễn ra từ ngày 25-31/3, tại công viên Lưu Hữu Phước, với chủ đề "Sách - Tri thức - Phát triển và hội nhập". Dự kiến có khoảng 350 gian hàng, với hơn 100 đơn vị xuất bản, phát hành sách tham gia. Ngoài các sân khấu dành để giao lưu tác giả - tác phẩm, ban tổ chức cũng có không gian vui chơi riêng dành cho trẻ em. Độc giả thiếu nhi sẽ được giới thiệu lịch sử, văn hóa miền Tây Nam bộ và có thể tham gia các trò chơi dân gian.
|
Lục Diệp