Họ là những tên tuổi gắn liền với nhiều tác phẩm dành cho tuổi mới lớn cách đây khoảng 30 - 40 năm, giai đoạn mà người ta không ngần ngại cho rằng đó là thời huy hoàng của văn chương tuổi "ẩm ương". Nhiều thế hệ đã lớn lên cùng những con chữ của họ, qua những tập san như Áo trắng, Nữ sinh, Tuổi ngọc... Giờ, mỗi người trong họ không còn gắn mình mỗi ngày với con chữ nữa, thậm chí có người "rửa tay gác kiếm" với nghiệp văn chương...
Hơn nửa thế kỷ theo nghiệp viết với phần lớn thời gian dành cho độc giả tuổi hồng, nhà văn Từ Kế Tường (tên thật Võ Tấn Tước) cảm thấy hạnh phúc vì sách của ông bây giờ vẫn còn thu hút bạn đọc. Độc giả ngày nay, những người cách thời điểm cuốn sách ra đời vài chục năm có lẻ đó như một sự tiếp biến, minh chứng sức sống của dòng văn học không tuổi. Nhưng Từ Kế Tường chưa dừng lại, ông vẫn đang viết tiếp những câu chuyện mới, cho thế hệ tuổi hoa mới.
Huyền xưa và 50 năm nhìn lại
Từ Kế Tường tập tành sáng tác từ năm cấp 2, cấp 3 với những bài thơ, bài văn, bút ký đăng trên mục văn nghệ của các trang báo. Thời điểm đầu, những tác phẩm mà cậu học trò viết ra cứ thơ thẩn, mơ màng hoặc nếu là thơ thì trung thành với thể loại siêu thực. Nhưng lạ là đều được đăng.
Cho đến năm 19 tuổi, đi làm báo rồi nhận được lời mời của một người anh về làm tờ Tuổi Ngọc, công việc buộc phải viết cho độc giả nhỏ tuổi khiến lâu dần, những điều Từ Kế Tường viết ra cũng mềm mại, trẻ trung hơn, không còn siêu thực, chát chúa. Chưa kể, anh còn đảm nhận mục Thơ hồng. “Ngày đó, sau khi Huyền xưa được in đầy đủ các kỳ trên Tuổi Ngọc thì một nhà xuất bản (NXB) liên hệ muốn ấn hành truyện thành sách. Sách in ra bán rất chạy. Và cứ thế, tôi nhận được đơn đặt hàng viết sách. Một lối rẽ mà đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy may mắn vô cùng vì được sống cho tuổi hồn nhiên”, nhà văn chia sẻ.
Nhà văn Từ Kế Tường trong một buổi ra mắt sách.
Từ bén duyên với nghiệp sáng tác bên cạnh công việc viết báo, Từ Kế Tường nhanh chóng bắt nhịp và cần mẫn trên cánh đồng chữ nghĩa. Những truyện ngắn của ông thổi một làn gió mới vào thị trường đang hiếm những màu sắc lạ, đủ hồn nhiên, trong sáng. Câu chuyện đẹp nhưng buồn về Cúc Huyền – nhân vật có thật, trong Huyền xưa khi đó lay động mọi độc giả. Và rồi, sách đắt như tôm tươi, đơn đặt hàng liên tục gõ cửa.
“Trước năm 1975, tác giả nào có sách bán chạy là các NXB rất săn đón. Như tôi, các NXB đều tìm tới đặt hàng. Thường một tháng, tôi viết 4-5 cuốn. Họ không yêu cầu phải đưa bản thảo trước mà chỉ cần cho một cái tựa, sách dày bao nhiêu trang là họ trả ngay tác quyền. Còn sau năm 1975, mở cửa ra thấy vài NXB đứng đợi để xin chữ ký cho sách tái bản hoặc chờ để lấy bản thảo đi in là chuyện quen thuộc mỗi ngày”, nhà văn Từ Kế Tường cho biết.
Khi sách mới đang chuẩn bị đi in, sách cũ liên tục được tái bản, một số lượng sách khổng lồ giúp Từ Kế Tường định danh trên văn đàn. Đi đến hiệu sách nào cũng gặp Áo tím qua đường, Còn những bóng mưa tan, Mối tình như sương khói... hay trong cặp sách của nữ sinh thấp thoáng thấy Áo vàng qua ngõ, Bông hồng cho tình đầu, Tới mùa tuổi nào. Ngày đó, sách in lần đầu 30 ngàn bản là bình thường, có cuốn được in tới 100 ngàn bản vì NXB tiên đoán bán chạy.
Bộ 3 cuốn sách được tái bản cùng lúc của nhà văn Từ Kế Tường.
Nhà văn không nhớ chính xác số tác phẩm mình đã viết. Ông ước chừng hơn 100 tựa ở nhiều thể loại. Trong đó, sách viết cho tuổi mới lớn chiếm đa số. Bây giờ, tính cả tái bản và xuất bản mới, Từ Kế Tường nhẩm tính nếu phát hành 1 cuốn/tháng thì 10 năm nữa có thể chưa hết sách.
Từ được săn đón đến “uốn mình” theo dòng chảy chung
Từ năm 1969 – với ấn phẩm đầu tay Huyền xưa, đến nay, dù trải qua một vài thời điểm nhưng Từ Kế Tường vẫn thỉnh thoảng ra mắt sách mới hoặc tái bản những tựa cũ. Gắn bó trung thành với một phân khúc độc giả, nhà văn nhận mình luôn giữ được mạch cảm xúc vì “tuổi mới lớn thời nào cũng thế, cũng có những rung động đầu đời, những giận hờn, thương yêu”.
Có thể, giữ được xúc cảm riêng với một thời đoạn trong cuộc đời dù đã đi qua ngót hơn nửa thế kỷ là khả năng thiên bẩm của Từ Kế Tường. Nhưng, một vài điều bỏ ngỏ rằng tuổi học trò mỗi thời mỗi khác và tình yêu bây giờ đã khác xa lắm ngày của những cái chạm tay nhau là đêm về không ngủ được thì liệu cách viết của những Huyền xưa, Bờ vai nghiêng nắng có còn phù hợp? Từ Kế Tường là một nhà báo, hơn ai hết, ông biết điều đó và biết mình nếu muốn gắn bó với tuổi ngọc thời đại mới thì phải “uốn mình”.
Từ trái sang: nhà văn Mường Mán, Đoàn Thạch Biền, Từ Kế Tường đã và đang gắn bó với văn học tuổi mới lớn.
Là uốn chứ không phải bẻ gãy, không buộc mình phải thay đổi để trở thành ai khác “teen teen hơn” hay “yêu vội, chia tay vội” như giới trẻ bây giờ. “Một cây bút đã định hình thì không cần phải thay đổi để tạo sự khác biệt. Vấn đề mấu chốt là nắm bắt được tâm lý và ngôn ngữ bây giờ. Điều đó cũng không có gì quá sức hay quá khoảng cách tuổi tác để mình tiếp cận được. Bây giờ, mọi thứ đang diễn ra như thế và tôi hiện tại, vẫn sáng tác, vẫn viết báo, vẫn tiếp xúc với người trẻ, thậm chí yêu một người trẻ tuổi nữa thì tôi nghĩ không có gì khó khăn”, nhà văn Từ Kế Tường nói.
Ông dẫn chứng về truyện nhiều kỳ Mưa nắng không nhạt phai vừa đăng trên tạp chí. Sắp tới, truyện sẽ in thành sách và nếu đọc, mọi người sẽ cảm nhận được tác phẩm vừa mới nhưng vẫn mang phong cách của Từ Kế Tường. Trong những đầu sách được tái bản, nhà văn đều đọc lại để điều chỉnh cho phù hợp với cách tiếp cận của tuổi ngọc bây giờ.
Tôi hỏi Từ Kế Tường về cách ông đón nhận những thay đổi thời cuộc. Từ một tên tuổi được săn đón, mở cửa thấy 4-5 đơn vị NXB đứng đợi cho tới khi số lượng phát hành ít dần. Hỏi ông có bối rối không thì thảng hoặc ông có nghĩ đến nhưng không buồn, không “ghê gớm như mọi người nghĩ”.
Tác phẩm nằm trong tủ sách Thiên đường không tuổi của NXB Văn hoá - Văn nghệ.
“Khi công nghệ thông tin phát triển và độc giả có được nhiều kênh giải trí hơn thì buộc có thay đổi. Điều gì thuộc về xu hướng chung thì mình phải chấp nhận, không thể thay đổi được. Còn cái lợi của một nhà văn đã qua thế hệ, là nó cộng giữa ngày xưa và bây giờ để tạo ra khác biệt”, nhà văn chia sẻ.
Trăn trở của một nhà văn không tuổi
So với tuổi thật (sinh năm 1946), Từ Kế Tường trẻ hơn tuổi rất nhiều. Ông nói nhờ vào việc viết sách cho tuổi ngọc mà luôn thấy mình trẻ trung. Lớn hơn một công việc, Từ Kế Tường gọi đó là nơi để ông tựa vào giữa bộn bề cuộc sống. Với bất kỳ nhà văn nào đã gắn bó với “thiên đường không tuổi” hẳn đều “nhảy dựng” khi nhắc về tuổi tác, Từ Kế Tường cũng thế nhưng ông hài hước hơn khi tự nhận mình vẫn còn chưa chín chắn, nên số tuổi chỉ nằm trong khoảng tuổi hoa, tuổi ngọc, tuổi mây hồng.
“Vẫn là một Từ Kế Tường hồn nhiên, trẻ trung, vẫn chơi với những người rất trẻ, vẫn nghĩ về tình yêu trong sáng. Chính những suy nghĩ luôn trẻ trung như thế giúp tôi quên đi những áp lực từ cuộc sống, kinh tế, các mối quan hệ xung quanh. Giữa nhiều áp lực, mình có một nơi để tựa vào. Tuổi mới lớn thì không già, chưa vướng bận nhiều chuyện phiền lo. Mình cứ như thế, cứ yêu người, yêu đời và cứ viết, thế thôi”, nhà văn tâm sự.
Trong suốt buổi trò chuyện, chúng tôi không nhắc về “hậu phương” – khía cạnh gia đình, để bài viết, nếu có, độc giả sẽ hiểu hơn về Từ Kế Tường. Nhưng ông muốn câu chuyện được vui vẻ và cũng từng không muốn nhắc đến những phiền lo, ngoài tuổi ngọc vô tư, trong sáng.
Những tựa sách nằm trong tủ sách Thiên đường không tuổi.
Gắn bó với nghiệp nhà văn 50 năm thì cũng hơn ngần đó năm viết báo, Từ Kế Tường có nhiều trăn trở về thị trường sách hiện tại. Nhà văn và một vài NXB đang chọn ngách nhỏ để đi. Như Tủ sách Thiên đường không tuổi của NXB Văn hoá – Văn nghệ đang cùng nhiều tác giả tuổi hoa như Đinh Tiến Luyện, Mường Mán, Minh Ngọc, Đoàn Thạch Biền... gầy lại dòng văn học từng được yêu mến một thời. Từ Kế Tường nói mong muốn của ông là lan toả hơn nữa dòng sách tuổi hoa bởi ông biết, nhiều NXB đang chạy theo nhu cầu thị trường.
“Trở lại bây giờ, có những tác giả viết thể theo nhu cầu của thị trường nên tồn tại những tác phẩm ngôn tình, có cuốn đi vào bế tắc, tiêu cực. Nhiều nội dung lệch chuẩn về mặt thẩm mỹ, tâm lý và giao tiếp rất đang lo ngại”, Từ Kế Tường trăn trở. Ông nói về những tác phẩm dành cho tuổi mới lớn ngày trước với nội dung trong sáng, nhẹ nhàng, mang tính hướng thiện. Còn bây giờ, có quá nhiều thứ tác động, đặc biệt là nhu cầu thị trường nên nhiều NXB không thể ngó lơ. Bên cạnh đó, nhiều cây viết cũng chủ động đề cập đến những đề tài táo bạo hơn, cái tôi cá tính được thể hiện triệt để.
“Nếu so sánh thì sẽ khập khiễng. Mơ ước của tôi là làm sao dòng văn học cho tuổi mới lớn tươi trẻ mãi và định hướng được cho các bạn trẻ bây giờ. Một tình yêu học trò vô tư, hồn nhiên. Nếu còn cơ hội sáng tác thì tôi luôn mong điều đó xảy đến. Và tôi tin, thời nào cũng có nhiều cây bút tử tế”, ông nói.
Nói về thu nhập của nhà văn hiện nay, nếu không có thêm công việc nào khác thì rất khó sống vì số lượng in không nhiều. Chỉ trả khoảng 10 – 12% trên số lượng 1000 cuốn, tầm khoảng 6-7 triệu thì không thể đủ trang trải cho cuộc sống. Văn chương, nếu gọi là cuộc chơi thì không đúng, gọi là đam mê đi. Nếu bạn trẻ nào đam mê văn chương thì có thể viết để thoả niềm mong mỏi chứ muốn sống bằng viết văn thì khó lắm. Còn tôi bây giờ thì ung dung vì mình cũng đã ở tuổi này, cũng nếm trải nhiều nên biết đủ là đủ. Biết đủ sẽ thấy ung dung.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.