Oanh Phi Phi sinh ra và lớn lên tại Mỹ, được đào tạo bài bản về sơn dầu tại trường Thiết kế Parsons với tấm bằng cử nhân. Năm 2004, nữ nghệ sĩ gốc Việt này được Quỹ Fulbright trao học bổng một năm cho quá trình trở về Việt Nam nghiên cứu về sơn mài truyền thống ở Hà Nội và ngay lập tức, cô bị “chất liệu sơn hữu cơ, màu hổ phách, màu mật mía đặc trưng, cùng bề mặt phẳng nhẵn như gương soi” cuốn hút rồi nấn ná ở lại. Sơn mài giờ đây đã trở thành chất liệu xuyên suốt trong quá trình sáng tác của Oanh Phi Phi.
Năm 2007, triển lãm đầu tiên bằng sơn mài của Oanh Phi Phi diễn ra ở Hà Nội, có tên Hộp đen, tạo tiếng vang lớn trong giới. Từ đó đến nay, Oanh Phi Phi đã có năm triển lãm cá nhân, hai triển lãm cùng các nghệ sĩ đương đại khác ở trong nước cùng hàng loạt triển lãm tại các quốc gia khác. Mỗi lần xuất hiện, Oanh Phi Phi đều mang đến những tìm tòi mới mẻ, sự ngạc nhiên và cả thán phục. Trong đó, đáng chú ý nhất là triển lãm tại Bảo tàng quốc gia Singapore, khi tranh sơn mài của Oanh Phi Phi được đặt trong cuộc “đối thoại” riêng với những tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí - bậc thầy sơn mài nghệ thuật tại Việt Nam.
“Tác phẩm của hai nghệ sĩ có thể được hiểu thông qua các chủ đề diễn giải trên tranh như sự hiện đại, chủ nghĩa dân tộc, bản sắc hoặc những hình ảnh đương đại. Thế nhưng, trong mỗi trường hợp, những lớp nghĩa tiềm năng như vừa kể được thể hiện một cách đầy thử nghiệm trên bề mặt chất liệu. Oanh Phi Phi, bằng cách tái đầu tư lịch sử hội họa sơn mài Việt Nam với sự hiểu biết sâu sắc về tính vật chất của nó đã vượt ra khỏi sự trừu tượng về ý thức hệ và tạo ra những diễn ngôn, sáng tạo lạ thường thông qua các phẩm chất đặc biệt của sơn mài” - trích lời giới thiệu về triển lãm tại Bảo tàng quốc gia Singapore.
Sáng tác của Oanh Phi Phi kết hợp sơn mài với các chất liệu mới và áp dụng nhiều công nghệ, nhằm mở rộng năng lực thị giác của sơn mài, không chỉ để soi rọi những đặc tính ẩn khuất trong lịch sử và văn hóa của chất liệu mà còn mang đến các cơ hội đối thoại mới cho chất liệu có tính truyền thống này.
Tác phẩm của Oanh Phi Phi
Chẳng hạn, ở tác phẩm Pro Se, đặc tính làm cho bề mặt bóng, sáng của sơn ta được sử dụng để tạo ra hiệu ứng đánh lừa thị giác [trompe l’œil]. Đây chính là bản chất của các thiết bị điện tử, là những biểu tượng nhan nhản trong thời đại ngày nay. Với Specula, đặc tính hữu cơ của chất liệu được sử dụng để mô phỏng bên trong hang động, gợi nhớ về các bức tranh tiền sử - những ghi chép đầu tiên của loài người…
“Tất cả chúng đều cố gắng miêu tả những trải nghiệm phổ quát hơn” - Oanh Phi Phi chia sẻ.
Đặc biệt, tình yêu của Oanh Phi Phi dành cho sơn mài là cả một cuộc “hy sinh”. Cô có thể dành cả ngày trong xưởng để mài sơn. Đôi tay cô đầy dấu tích những lần dùng tay không để mài. Chất liệu cô dùng là sơn ta thay vì sơn Nhật bởi “sơn Nhật thường cứng, chỉ phù hợp với đồ mỹ nghệ, trang trí. Chỉ có sơn ta mới mang lại chiều sâu và bí ẩn sau mỗi mảng màu”.
Năm năm trước, Oanh Phi Phi về định cư hẳn tại Việt Nam như một cuộc về nguồn cùng gia đình nhỏ. Năm 2012, cô lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành nghệ thuật và nghiên cứu từ Đại học Complutense tại Madrid (Tây Ban Nha). Tháng 5/2019, Oanh Phi Phi có triển lãm tại TP.HCM.
Oanh Phi Phi có thể dành cả ngày để mài sơn
Sơn mài đã tạo dựng liên kết giữa tôi với văn hoá Việt Nam
Phóng viên: Phần lớn triển lãm trước đây của chị đều diễn ra tại Hà Nội, khán giả TP.HCM ít được chiêm ngưỡng. Chị sẽ mang đến TP.HCM những gì cho triển lãm sắp tới tại The Factory?
Nghệ sĩ Oanh Phi Phi: Ở triển lãm lần này, tôi sẽ trưng bày hai tác phẩm sắp đặt hội họa. Tác phẩm đầu tiên có tên Specula. Đây là không gian mang dáng dấp một đường hầm, bằng chất liệu sơn mài, tượng trưng cho phần một hang động trong tưởng tượng mà người xem có thể đi lại bên trong. Tác phẩm thứ hai - Palimpsest - bao gồm một bộ Lacquerscopes (thấu kính sơn mài) đóng vai trò như các cỗ máy, phóng chiếu bóng của những bức tranh sơn mài nhỏ lên mặt kính nằm trên một màn hình lớn.
Hai tác phẩm này dù có vẻ không liên quan tới nhau, thực ra đều đề cập đến việc thay đổi quy mô và ý đồ. Specula phóng đại bức tranh sơn mài có kích cỡ một “toan vẽ” truyền thống nhằm tạo ra một không gian vật lý, đồng thời tìm hiểu những dạng thức hình ảnh khác nhau có thể tạo ra nhờ sự đa dạng và giàu có của chất liệu sơn mài. Trái lại, Palimpsest định nghĩa về tranh sơn mài bằng cách đặt vào một tấm kính, trên một màn hình và thông qua hệ thống thấu kính sơn mài. Cả hai đều giới thiệu khá rõ về công việc cũng như quan điểm của tôi về sơn mài.
“Chân dung nghệ thuật” của Oanh Phi Phi
* Nhiều nghệ sĩ chọn ra nước ngoài bởi ở đó, họ có thể tiếp cận những loại hình nghệ thuật mới nhất, có thể dễ dàng giới thiệu tác phẩm đến công chúng quốc tế. Chị thì ngược lại. Sơn mài với chị có phải là “cú lội ngược dòng”, không chỉ về cội nguồn mà còn là về tư tưởng nghệ thuật?
- Tôi chưa từng nghĩ sơn mài là “cú lội ngược dòng” theo nghĩa như vậy. Vì là người Việt Nam lớn lên ở Mỹ nên tôi luôn cảm thấy trong mình tồn tại cả hai nền văn hóa. Tôi thấy may mắn khi được sống trong môi trường đa sắc tộc như vậy. Lần đầu tiên về Việt Nam, mục tiêu của tôi là có thể hiểu biết sâu sắc hơn về di sản, văn hóa Việt Nam cho một nghiên cứu nghệ thuật. Hội họa sơn mài chính là cách tôi tạo dựng mối liên kết mạnh hơn với văn hóa Việt. Thế nhưng, càng về sau và đến tận bây giờ, sơn mài đã trở thành một tôn chỉ và phương pháp làm việc, thậm chí là yếu tố chủ động định hình mối quan hệ giữa tôi và chất liệu.
Trong nghệ thuật, sự đa dạng về văn hóa và địa lý vừa đóng vai trò then chốt trong sáng tạo vừa mang lại sự phong phú. Ngày nay, nhờ sự phát triển của internet và toàn cầu hóa, các xu hướng, thông tin có thể được tiếp cận khắp nơi. Các sáng tác nghệ thuật độc lập vì thế cũng dễ dàng đến với công chúng hơn. Tôi nghĩ rằng, tư duy và sáng tác nghệ thuật không nhất thiết phải gắn chặt với các trung tâm, đô thị lớn…
Với tác phẩm Specula, người xem hoàn toàn có thể đi lại bên trong để thưởng lãm
* Có thể xem lần trở về Việt Nam năm 2004 để nghiên cứu về sơn mài truyền thống tại Hà Nội là bước ngoặt trong hành trình nghệ thuật của chị?
- Hành trình nghệ thuật của tôi được định hình bởi những nơi tôi từng sống và học tập. Đương nhiên, tôi sẽ trả lời rằng những ý niệm và lý thuyết mà tôi quan tâm được nuôi dưỡng từ trong quá trình nghiên cứu và các trải nghiệm sống của mình ở châu Âu và Mỹ. Nhưng chỉ khi bắt đầu làm việc với sơn mài ở Việt Nam, tôi mới tìm thấy phương tiện biểu đạt thật sự phù hợp với mình, cho phép tôi khám phá và bày tỏ những mối quan tâm kể trên một cách trọn vẹn nhất.
Mỗi bức tranh là kỷ vật của nhiều mối quan hệ
* Trước đó, ở Mỹ chị đã có ý niệm nào về sơn mài hay chưa? Điều gì ở sơn mài cuốn hút chị, khiến chị chọn nó chứ không phải bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác làm chất liệu xuyên suốt trong quá trình thực hành nghệ thuật?
- Trước đó tôi đã biết sơn mài là một chất liệu truyền thống của châu Á và tôi thực sự bị cuốn hút bởi những đặc tính của nó. Tuy nhiên, nếu nói là hiểu biết sâu sắc thì chưa. Chỉ sau khi về Việt Nam, tôi mới phát hiện đây là một thực hành cực kỳ phức tạp và mang nhiều triết lý. Ít nhất, trong suy nghĩ của tôi về sơn mài là như vậy. Mỗi bức tranh không chỉ là kết quả của một quá trình nghệ thuật mà còn là một kỷ vật hoặc một dạng hóa thạch của mối quan hệ giữa thời gian và không gian, giữa những điều kiện vật lý, hoàn cảnh văn hóa và từng cá nhân cụ thể.
Tất cả phẩm chất tự nhiên, riêng biệt của sơn ta (một loại nhựa cây bản địa ở Phú Thọ) - chất liệu chính để tạo nên sơn mài - đã nâng cao nhận thức của tôi về thế giới tự nhiên và về tính độc đáo của một trạng thái tồn tại riêng biệt, ở một thời khắc cụ thể ngay tại một thời điểm nhất định.
Oanh Phi Phi (giữa) đang trò chuyện về tình yêu của cô với sơn mài trong một buổi giao lưu
* Ở thời điểm chọn sơn mài để theo đuổi thay vì sơn dầu - loại hình nghệ thuật được đào tạo bài bản - chị có đắn đo nhiều?
- Có lẽ tôi không tập trung vào việc đắn đo nên không thể nhớ nổi mình có bao giờ phải suy nghĩ về tình thế tiến thoái lưỡng nan này. Khi bắt đầu làm việc với tranh sơn mài, ngay lập tức tôi có cảm giác sơn dầu khá đơn giản. Tôi không có ý nói sơn dầu dễ, không phức tạp hoặc chỉ đòi hỏi sự tinh xảo và kiểm soát. Như đã đề cập trước đó, tôi nghĩ về quá trình lặp đi lặp lại của sơn mài - của việc sơn lên rồi mài đi - để tạo ra một tác phẩm hoàn thiện như thể tạo ra một kỷ vật đầy ý nghĩa về một khoảng thời gian đã trôi qua, một quãng đời từng sống. Nếu nghĩ theo lối ẩn dụ này, rõ ràng vượt lên trên hình ảnh là một sự thật. Ở đó, sự tái hiện đạt được tính toàn vẹn hơn. Có lẽ tôi đã luôn chú trọng tới khía cạnh này của tranh sơn mài vì chủ nghĩa tự nhiên luôn là giá trị quan trọng trong công việc của tôi.
Sơn mài - Người kể chuyện bằng thị giác về lịch sử Việt Nam
* Trong quá trình mở rộng “năng lực thị giác của sơn mài”, chị đã khám phá được những đặc tính ẩn khuất nào về lịch sử và văn hóa của chất liệu này?
- Thường thì người ta viết và nói về sơn mài Việt Nam bằng thuật ngữ đơn giản: thủ công mỹ nghệ truyền thống. Là nghệ sĩ, chúng tôi tiến được một bước xa hơn nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc nói về sơn mài như một loại hình mỹ thuật hoặc hội họa, hoặc như một biểu đạt nghệ thuật. Ngoài ra, không có đối thoại hay trao đổi mang tính phản biện nào về chất liệu này. Sơn mài là một chất liệu truyền thống và cổ xưa. Có thể thấy qua cách sử dụng và hình thái, sơn mài là hiện thân của những thay đổi mang tính biện chứng trong lịch sử Việt Nam. Với cách nhìn ấy, tôi coi sơn mài như một người kể chuyện bằng thị giác về lịch sử Việt Nam.
* Một số tác phẩm của chị được đem ra nước ngoài để giới thiệu đến công chúng thế giới. Liệu chị có muốn tiếp tục hướng đi này nhằm mang lại một cái nhìn khác về sơn mài Việt Nam?
- Ồ, tất nhiên là có chứ! Điều quan trọng ở các triển lãm là làm thế nào để người xem có thể nghĩ về sơn mài Việt Nam như một chất liệu mang tính đặc thù địa phương, một chất liệu chỉ có thể phát triển và sinh ra từ Việt Nam nhưng đồng thời vẫn có khả năng vang vọng khắp toàn cầu. Trong tất cả các dự án, tôi đều cố gắng cân bằng hai khía cạnh này.
* Theo quan sát của tôi, thế hệ người Việt đồng trang lứa với chị tại Mỹ đều ít nhiều chịu sức ép từ gia đình, có một công việc ổn định như trở thành luật sư, bác sĩ, kỹ sư hoặc làm các công việc liên quan đến công nghệ, kinh tế. Tình yêu nghệ thuật của chị bắt đầu trong hoàn cảnh nào, ai là người đã khơi lên niềm đam mê đó?
- Nhu cầu thực hành nghệ thuật đến với tôi rất tự nhiên khi còn nhỏ. Tôi biết ơn bố - người đã coi trọng tự do trí tuệ và đặt việc hiện thực hóa tiềm năng của bản thân cao hơn những thành tích khác. Khi tôi chọn theo đuổi con đường này, ông đã “cảnh báo” tôi rằng, sẽ rất vất vả nhưng “một khi đã chọn thì con nên theo đuổi đến cùng”.
Mỗi tác phẩm của Oanh Phi Phi đều mang đến cho người xem nhiều cảm xúc từ sự độc đáo và cách tiếp cận mới mẻ
* Câu hỏi cuối cùng, có lẽ hơi cá nhân một chút. Là một nữ nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật, chị có phải đối mặt với những rào cản vì giới tính không?
- May mắn là tôi không thường cảm thấy sự phân biệt này vì tôi đã tìm được cách làm việc độc lập. Nhưng nếu có một cơ hội nào đó đến với tôi chỉ vì tôi là nữ, tôi cũng không bỏ qua.
Trong đời sống hằng ngày, là phụ nữ, chúng tôi phải đối mặt với sự phân biệt hàm chứa từ những giá trị xã hội đã được bình thường hóa thông qua văn hóa và ngôn ngữ. Tôi không phải là người thích xung đột nên mỗi ngày đối với tôi luôn là một nỗ lực có tính toán để đối đầu với những bất công tế nhị này. Có một thuật ngữ tôi rất thích là “sự dũng cảm vi mô” (micro-bravery), nó nhắc tôi nhớ rằng: đấu tranh là một thói quen không chỉ được hình thành qua những tuyên ngôn to tát, mà còn qua cả những hành động nhỏ.
Đôi tay cô đầy vết tích của những lần dùng tay không để mài sơn
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Chưa bao giờ xem sơn mài là chất liệu mang tính bảo thủ
Thực sự, tôi chưa bao giờ hiểu tại sao sơn mài lại bị xem là chất liệu mang tính bảo thủ. Khi sơn ta được tái hình dung như một chất liệu hội họa vào những năm 1920, nó kế thừa tất cả khả năng và tiềm năng của nghệ thuật. Khi đó, nghệ thuật được tự do, thoát khỏi những mục đích thực dụng, bắt đầu đặt nền móng để có thể nghĩ về sơn mài một cách biểu tượng hơn.
Trong thế kỷ vừa qua, những gì chúng ta cho là nghệ thuật đã thay đổi và phát triển cũng chỉ nhằm mục đích đối diện và làm hé lộ những vấn đề ngày càng phức tạp hơn của thời đại này. Tôi tạo ra tác phẩm bằng cách nghĩ về việc làm thế nào để sơn mài địa phương cùng với lịch sử độc đáo cũng như những đặc tính về chất liệu của nó có thể cọ xát được với biên độ rộng lớn hơn của nghệ thuật đương đại và hiện trạng của thế giới mà chúng ta đang sống.
Nghệ sĩ Oanh Phi Phi
Hoàng Linh Lan (thực hiện) Ảnh: matthew dakin, The Factory và nhân vật cung cấp
Nhiều tọa đàm/hội thảo về tác giả - tác phẩm được tổ chức tại TPHCM và Hà Nội dành cho những tên tuổi lớn: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đình Thi…