Những lựa chọn gây tranh cãi
Không phải đến năm nay, khi Minh Hằng được chọn làm gương mặt đại diện cho ca sĩ Việt cạnh tranh cùng các nghệ sĩ khác trong khu vực Đông Nam Á ở hạng mục Nghệ sĩ Đông Nam Á, MTV Việt Nam mới vướng phải lùm xùm.
Ngoại trừ hai gương mặt đại diện vào năm 2013 là Mỹ Tâm và Sơn Tùng M-TP vào năm 2015, có sự cạnh tranh rõ ràng và đủ sức thuyết phục công chúng yêu nhạc thì giải thưởng này ở những năm còn lại đều ít nhiều dính nghi án dàn xếp hoặc tự ý chọn ca sĩ nhờ “chịu khó cộng tác với kênh MTV Việt Nam”.
Năm 2014, chiến thắng của ca sĩ Hồ Ngọc Hà trước các ca sĩ đàn em như Sơn Tùng, Đông Nhi… gây tranh cãi dữ dội. Bởi khoảng cách số phiếu bình chọn giữa cô và những đối thủ đứng đầu là khá xa. Thế nhưng, sát ngày công bố kết quả, Hồ Ngọc Hà bất ngờ vươn lên dẫn đầu với lượng bình chọn tăng nhanh đến đáng ngờ.
Việc MTV Thái Lan đăng danh sách 6 đề cử của vòng Đông Nam Á, trong đó có thông tin Hồ Ngọc Hà từ 6 ngày trước khi phía Việt Nam công bố kết quả được xem là bằng chứng để dư luận tin rằng BTC đã nhúng tay vào kết quả.
Năm 2016, thay vì công bố kết quả bình chọn theo thời gian thông báo ban đầu là ngày 22/2, ban tổ chức đột ngột kết thúc sớm vòng bình chọn trước một ngày. Đông Nhi, nhờ đó, giành lợi thế và nhẹ nhàng vượt qua vòng bình chọn. Năm 2017, thay vì bầu chọn trên danh sách đề cử, MTV cho phép các ca sĩ cảm thấy xứng đáng tự nộp đơn đăng ký. Sự phản đối của khán giả bắt đầu ngay khi vừa công bố đề cử.
Một cuộc bầu chọn không cân sức diễn ra khi các tên tuổi lâu năm như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Tuấn Hưng, Dương Triệu Vũ… (có xu hướng âm nhạc được xem là không phù hợp lắm với gu nghe nhạc của giới trẻ Việt hiện đại) cạnh tranh cùng những cái tên mới như: Vũ Cát Tường, Isaac, Trịnh Thăng Bình, Hương Tràm, Trọng Hiếu. Cuối cùng, Đàm Vĩnh Hưng giành chiến thắng với số phiếu là 3,9 triệu.
|
Minh Hằng phải chăng nên rút khỏi một giải thưởng chẳng mấy vẻ vang? |
Có lẽ để tránh gây tranh cãi, năm 2018 MTV Việt Nam đã “dẹp” luôn phần đề cử như mọi năm mà tự “chịu trách nhiệm tuyển chọn” một ca sĩ đại diện, miễn là đáp ứng được các tiêu chí mà theo MTV Việt Nam là thống nhất cùng MTV quốc tế. Tuy nhiên, trong 4 tiêu chí MTV căn cứ vào để lựa chọn, trừ việc hợp tác trong các hoạt động của kênh MTV Việt Nam tối thiểu 3 chương trình thì 3 tiêu chí còn lại, lần lượt là “có sức ảnh hưởng nhất định trong khu vực”, “có các sản phẩm âm nhạc mang tính quốc tế”, “có định hướng phát triển sự nghiệp trong khu vực và thế giới”, Minh Hằng đều không đáp ứng được.
Chưa kể, trong suốt năm qua, ngoài một số MV mờ nhạt, sở hữu lượt view lèo tèo là Ngôi sao cô đơn (6,3 triệu lượt), Điều em cần chỉ là anh (8 triệu lượt) và Em xin anh (6 triệu lượt), Minh Hằng gần như không có sản phẩm nào nổi bật hay tạo tiếng vang trên thị trường nhạc Việt. Mặt khác, cần phải thẳng thắn thừa nhận, dù đi hát đã hơn 15 năm, Minh Hằng chưa bao giờ được đánh giá cao trong vai trò của một ca sĩ.
MTV Việt Nam thiếu tôn trọng nghệ sĩ?
Không chỉ gây khó hiểu trong tiêu chí lựa chọn qua mỗi năm, ngay cả với những ca sĩ Việt trở thành đại diện hạng mục Nghệ sĩ Đông Nam Á cũng bị MTV Việt Nam cư xử thiếu chuyên nghiệp. Năm 2016, dù là người chiến thắng, Đông Nhi không được bước ra thảm đỏ, cũng không được đặt chân lên sân khấu nhận giải. Lý do được BTC đưa ra là “xảy ra sự cố”.
Năm 2017, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã rất háo hức khi được MTV Việt Nam thông báo là người thắng giải. Tuy nhiên, đến khi rơi vào cảnh “đem con bỏ chợ” tại London, Đàm Vĩnh Hưng và quản lý của anh đã buộc phải lên tiếng. Đàm Vĩnh Hưng trượt giải vì sự nhầm lẫn trong thời gian đóng cổng bình chọn của MTV Việt Nam (thời hạn MTV EMA đưa ra là từ ngày 4/10 đến hết 11/11. Tuy nhiên, MTV Việt Nam đã đóng cổng từ ngày 6/11 và thông báo Đàm Vĩnh Hưng chiến thắng ở hạng mục Nghệ sĩ Đông Nam Á xuất sắc).
Liệu rằng việc chưa đóng cổng bình chọn chính thức, lại làm liều công bố chiến thắng cho nghệ sĩ và buộc họ phải tự lo liệu mọi chi phí, từ vé may bay, ăn ở, trang phục… đến London (Anh quốc) có phải là một trò bịp của MTV Việt Nam, cho thấy sự kém tôn trọng của họ dành cho nghệ sĩ?
|
Năm 2017, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã chuẩn bị đến 80kg hành lý, háo hức đến London nhận giải. Anh còn liên tục quay phim, cập nhật tình hình cùng người hâm mộ. Nhưng cuối cùng, đành "tẽn tò" ra về vì sự nhầm lẫn thời gian bình chọn của BTC MTV Việt Nam |
Ngay việc Đàm Vĩnh Hưng nhận được thông báo không thắng giải, thảm đỏ xảy ra tai nạn phải dừng mọi hoạt động ngoài sảnh thì đại diện MTV Việt Nam vẫn không có mặt để hỗ trợ mà ê-kíp của anh phải tự xử lý.
“Mọi thứ trong kế hoạch làm việc đã gửi trước đó không diễn ra như thỏa thuận. Chúng tôi luôn phải chờ đợi một cách bị động và hủy rất nhiều kế hoạch vì sự ‘mất tích bí ẩn’ liên tục của các thành viên trong ê-kíp” - phía Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ.
“Sự cố” trong hai năm liên tiếp và những lùm xùm như trên đã đặt dấu hỏi lớn, phải chăng MTV Việt Nam không hề có tiếng nói và hạng mục Nghệ sĩ Đông Nam Á xuất sắc không hề có vị trí trong hệ thống của MTV EMA? Phải chăng, đây chỉ là một giải thưởng hữu nghị, mang tính tạo tiếng vang cho chính kênh truyền hình đó tại nước sở tại cũng như khu vực?
Với sự thiếu minh bạch như thế này, MTV Việt Nam đương nhiên không thể chọn những gương mặt tài năng thực sự, bởi họ thừa biết, có mời chưa chắc các tài năng này sẽ tham gia. Tiêu chí mà MTV Việt Nam đưa ra, chẳng qua chỉ căn cứ trên lượng fan hùng hậu mà ca sĩ đó sở hữu cũng như tiềm lực kinh tế để sẵn sàng chi trả mọi chi phí đắt đỏ trên đường sang nhận giải?
Một giải thưởng như vậy, Minh Hằng có vinh dự gì khi sở hữu, nếu thắng?
Ngọc Lan