Lấp vùng trũng nhạc thiếu nhi

08/06/2018 - 10:00

PNO - Với sự chuyển dịch theo chiều hướng mở và hiện đại của những người trẻ giàu tâm huyết, 'vùng trũng' âm nhạc thiếu nhi hy vọng sẽ sớm được lấp đầy bằng những sáng tác mới, hấp dẫn.

Chuyển động ngầm 

Không huyên náo trên truyền thông, lượt view và mức độ theo dõi sản phẩm cũng không đọ được với các ngôi sao giải trí, nhưng thời gian qua, một số dự án âm nhạc thiếu nhi dài hơi đã khởi động và đang dần có sức sống trong lòng khán giả nhí.

Sau 8 năm ấp ủ và chuẩn bị, dự án âm nhạc iKIDS Muzik của anh em nhạc sĩ Hoài An - Hoài Phúc đã khởi động. Dự kiến, iKIDS Muzik sẽ gồm 300 MV, với tuyệt đại đa số là ca khúc mới, phát hành hằng tuần. Hiện đã có 26/52 MV trong năm 2018 đã ra mắt. 52 MV như 52 bài học nhỏ với nhiều chủ đề khác nhau, như: gia đình, trường học, bạn bè, lịch sử, huyền sử… 

Lap vung trung nhac thieu nhi

Live show Gia đình nhỏ, hạnh phúc to của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thu hút đông đảo khán giả nhí tham dự

Đồng hành với iKIDS Muzik là các giọng ca nhí quen thuộc như Linh Hoa, Minh Khang, Nhã Thy, Thảo Nguyên, Bào Ngư...

Dự án Sing Channel do ca sĩ Bông Mai thực hiện cũng đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Các bài hát được trình bày dưới dạng live acoustic, phát triển trên môi trường kỹ thuật số. Ngoài bản lời Việt, các tác phẩm còn có bản lời Anh, tiếp đến có cả lời Nhật, Pháp, Đức...

Nổi tiếng với các sáng tác dành cho giới trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng bước vào địa hạt nhạc thiếu nhi, có nhiều tác phẩm được các em yêu thích. Năm 2017, anh phát hành sách nhạc 100 bài hát thiếu nhi do mình sáng tác, theo từng đề tài, như: gia đình, nhà trường, quê hương đất nước, khám phá thế giới... có đĩa MP3 thu âm đi kèm. Mỗi bài hát được đính thêm tranh vẽ để các bé tô màu, vừa chơi vừa học. Bên cạnh live show miễn phí cho các em nhỏ vừa diễn ra tại nhà hát Bến Thành, tháng Bảy tới, anh sẽ cho ra mắt album mới, viết về chủ đề gia đình; đồng thời chuẩn bị tập sách nhạc 100 ca khúc thiếu nhi thứ hai.

Một số dự án lẻ của các nghệ sĩ trẻ cũng hướng về đối tượng thiếu nhi. Album Friends tập hợp 12 sáng tác mới toanh, sành điệu và cập nhật xu hướng, dành cho các em từ 8 - 16 tuổi, do “phù thủy” Hoàng Touliver và ban nhạc Microwave thực hiện. Kênh YouTube thiếu nhi VOITV do ca sĩ Vy Oanh khởi xướng đã phát vào ngày 21/5, dạy tiếng Việt và kỹ năng sống cho trẻ em, thông qua âm nhạc.

Đường dài mộng ảo 

Những năm qua, nhiều dự án, sản phẩm cho thiếu nhi đã ra mắt, nhưng không phải dự án nào, nhà sản xuất nào cũng đi được đường dài. Đầu tư cho nhạc thiếu nhi vừa tốn kém, thời gian thu lợi chậm nên không phải ai cũng đủ nhẫn nại. Như nhạc sĩ Phạm Tuyên từng nói: “Các nhạc sĩ trẻ hiện nay không phải không có tài, nhưng họ ngại, bởi viết nhạc thiếu nhi thì không có tiền”.

Ca khúc Gia đình nhỏ, Hạnh phúc to qua tiếng hát bé Bảo An

Trong khi đó, khán giả nhí vẫn phải nghe đi nghe lại những sản phẩm của hàng chục năm trước, kỹ thuật thu âm, ghi hình đã lạc hậu. Trẻ em hát ca khúc người lớn, yêu đương, thất tình, bi lụy... chẳng biết từ bao giờ trở thành “chuyện bình thường ở huyện”.

Theo thống kê của Công ty Nghệ sĩ Việt, vài năm nay, có gần 800 ca khúc thiếu nhi quay vòng ở các game show, lâu lâu mới có ca khúc mới. Dù được hòa âm, phối khí lại, bản chất vẫn là “bình mới rượu cũ”. Chưa kể, nhạc thiếu nhi vốn giới hạn đối tượng thì nay còn chịu thêm sự cạnh tranh khốc liệt của game show, các trò chơi giải trí, công nghệ.

Với quan điểm viết làm sao để tất cả thiếu nhi đều hát được, thế hệ nhạc sĩ thời trước thường giới hạn âm vực bài hát, quãng giọng hẹp. Tuy nhiên, điều đó không còn phù hợp với các game show nhạc thiếu nhi, các cuộc thi ca hát hiện tại. Các bài hát mới cập nhật xu hướng sẽ có đất sống, miễn là hay, phù hợp và được các em nhỏ đón nhận. 

Nhạc sĩ Hoài An: Không nên cổ xúy "đẩy" nhạc thiếu nhi bằng mọi giá

* Phóng viên: Chúng ta có những bản hit thiếu nhi không nhỉ?

- Nhạc sĩ Hoài An: Khoảng 5 năm trở lại đây, người ta đã bắt đầu quan tâm đến nhạc thiếu nhi, làm sản phẩm mới cho các bé. Giờ chưa có những bài hit thiếu nhi thì từ từ sẽ có. Các tác phẩm cần thời gian để thẩm thấu và lan tỏa. Thực ra, chúng ta cũng đang có những hit thiếu nhi đó chứ. Gia đình nhỏ, hạnh phúc to hay Nhật ký của mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đang có một đời sống rất “khỏe” trong lòng các em thiếu nhi.

Lap vung trung nhac thieu nhi

* Hit nhạc trẻ đạt hàng chục triệu view là con số đáng gờm đấy chứ?

- Ca khúc thiếu nhi có fan không? Có, nhưng không nhiều như các dòng nhạc khác. Ngoài ra, những ngôi sao giải trí có tổ chức, có nhà sản xuất để làm mọi công việc liên quan tới tạo hình tượng, chăm chút giọng hát. Chưa kể chuyện lực lượng fan của họ hùng hậu ra sao, quản lý ca sĩ có “chơi chiêu” hay không, quảng bá mạnh hay không. Hơn nữa, việc quảng bá hình ảnh - đẩy lên các trang nghe nhạc cũng như truyền thông, làm live stream, họp fan... phù hợp với người lớn hơn là con trẻ.

Với nhạc thiếu nhi, với trẻ em, chúng ta không dùng chiêu trò được. Kể cả có thể làm thì với tư cách là một nhà sản xuất chuyên nghiệp, tôi không cổ xúy việc đẩy nhạc thiếu nhi lên bằng mọi giá. Nếu làm thế, sẽ làm hư các bé. Nếu người quản lý, nhà sản xuất và gia đình làm không khéo, sẽ ảnh hưởng tâm lý các bé. Vận hành các dự án thiếu nhi cũng giống như điều khiển một chuyến xe - vừa muốn chạy nhanh, vừa phải luôn giữ “thắng” để mọi việc ổn định. Mình giữ không phải cho mình, mà giữ cho những đứa trẻ và hành khách trên chuyến xe của mình.

Tôi nghĩ, đi kèm với sự thành công hoặc sự nổi tiếng, vẫn cần một nền tảng giáo dục từ gia đình, nhà trường; nếu không, các bé sẽ phát triển theo chiều hướng không tốt. Trẻ em là đối tượng hết sức nhạy cảm và dễ tổn thương. Người lớn chúng ta phải đặc biệt cẩn trọng.

Ca sĩ Bông Mai: Nhà sản xuất vẫn dè chừng

Bài hát thiếu nhi ra đời chỉ phục vụ thiếu nhi mà thôi. Cộng đồng đó không dễ kiếm tiền, tạo sức hút. Sẽ không có chuyện nhạc thiếu nhi ra mắt một ngày mà có mấy triệu view hoặc leo lên bảng xếp hạng. Với trẻ con, không thể làm quá, cũng không thể làm những sản phẩm quá khác biệt, mang tính rùng rợn được. Nhạc thiếu nhi an toàn, nhưng lại thiếu sức hút tức thì. Hiện chúng ta có người viết, có người hát, có người nghe nhưng thiếu những nhà sản xuất. Họ vẫn dè chừng với các sản phẩm âm nhạc thiếu nhi.

Lap vung trung nhac thieu nhi

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Viết nhạc thiếu nhi hay thì không nghèo

Nhạc cho thiếu nhi, trong nhiều năm qua, thiếu hụt trầm trọng. So với các loại nhạc đang thịnh hành, nhạc thiếu nhi “cho quả” chậm nhất, không “ăn” ngay được. Ai cũng cho rằng, viết nhạc cho thiếu nhi nghèo nên người ta chẳng mặn mà. Nhưng không phải vậy. Tới giờ, chúng ta vẫn nhớ những ca khúc thiếu nhi ngày xưa, con cái chúng ta vẫn đang hát những ca khúc đó. Tác giả của những ca khúc hay và có đời sống lâu dài ấy, đến giờ vẫn được nhận tiền tác quyền.

Lap vung trung nhac thieu nhi

Trong khi đó, nếu viết một hit về tình yêu, được các bạn trẻ chia sẻ điên đảo trên mạng, vào top các bảng xếp hạng thì một hoặc hai năm sau, thậm chí một tuần sau, có khi chẳng còn ai nghe nữa. Bởi, lúc đó đã có một hit khác chồng lên. Tác quyền của nhạc thiếu nhi không được nhiều, ngay tức thì, nhưng về lâu dài, sẽ hơn rất nhiều nếu chúng ta có những sáng tác hay, được các em nhỏ đón nhận.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI