Họa sĩ Trần Thùy Linh: 'Những chuyến đi xa cho tôi thấy ý nghĩa của sự trở về'

10/08/2019 - 07:23

PNO - Gặp chúng tôi vào một buổi sáng bên hiên nhà đầy nắng và gió sông Sài Gòn mát rượi, câu chuyện không phải về tranh mà về “đứa con” mới nhất của chị: quyển sách du ký 'Đi như tờ giấy trắng' vừa ra mắt bạn đọc.

Hơn mười năm trở lại đây, Trần Thùy Linh là cái tên nữ họa sĩ được nhiều người biết đến và yêu mến bởi những tác phẩm hội họa của chị theo phong cách bán trừu tượng rất giàu cảm xúc, mang lại nhiều mỹ cảm cho người xem. Hơn thế nữa, chị còn là một “phượt thủ” đáng nể, chị đã đi rất nhiều nơi trong nước, cả từ Đông sang Tây và ghi lại những câu chuyện “dọc đường gió bụi” bằng một giọng văn tự sự đậm chất du ký cuốn hút người đọc cùng những khung ảnh đời thường, thiên nhiên sống động, hoang dã và kỳ thú. 

Bạn bè chỉ có thể ngưỡng mộ và khâm phục người phụ nữ tài hoa này chứ không lấy làm lạ, vì biết việc đi - vẽ - viết - chụp ảnh vốn là đam mê như lẽ sống không - thể - từ  - bỏ của chị.

Gặp chúng tôi vào một buổi sáng bên hiên nhà đầy nắng và gió sông Sài Gòn mát rượi, câu chuyện không phải về tranh mà về “đứa con” mới nhất của chị: quyển sách du ký Đi như tờ giấy trắng vừa ra mắt bạn đọc.

Hoa si Tran Thuy Linh: 'Nhung chuyen di xa cho toi thay y nghia cua su tro ve'
Trần Thùy Linh là họa sĩ được nhiều người biết đến với những tác phẩm giàu cảm xúc

Phóng viên: Chị có nhiều năm làm trong ngành du lịch trước khi đến với những thú đam mê, hội họa thì chị vốn là con nhà nòi do thừa hưởng từ mẹ cũng là họa sĩ, từ bao giờ chị phát hiện ra mình thích viết?

Họa sĩ Trần Thùy Linh: Năm 2002 tôi quyết định chuyển công tác từ ngành du lịch sang làm trợ lý cho Tổng lãnh sự Đức tại TP.HCM để có thời gian quay trở lại với việc viết lách và vẽ nhiều hơn. Từ trước đến giờ tôi vẫn viết, đó là một trong những niềm đam mê từ nhỏ của tôi. Tôi cộng tác với khá nhiều báo về mảng hội họa và du lịch - khám phá...

* Nếu như quyển sách đầu tiên Sài Gòn những mùa yêu chị gửi thông điệp về tình yêu với Sài Gòn, thì với Đi như tờ giấy trắng chị gửi gắm điều gì?

- Quyển sách đầu tiên của tôi là Sài Gòn những mùa yêu ra mắt bạn đọc năm 2017, chính xác là tập hợp những bài báo trước đó tôi viết về Sài Gòn đã đăng trên báo Kiến trúc và Đời sống. Lúc đầu tôi không có ý định làm sách, nhưng do tôi phụ trách mục viết về Sài Gòn, mỗi tháng một bài, khi có khá nhiều bài bạn bè động viên nên tập hợp lại in sách. Sở dĩ phải kể như thế vì trong đó có bài Bỗng đâu thấy nhớ người dưng cho tôi ý tưởng về việc viết cuốn sách tiếp theo. Đó là tâm lý của một người khi đi xa, đến một lúc nào đó lại mong muốn được trở về, nhất là khi nhìn thấy những cái đẹp, cái hay của xứ người thì rất dễ có sự liên tưởng đến quê hương mình. Tôi chợt nghĩ tại sao mình không viết một quyển sách du ký? Đó là lý do ra đời quyển sách Đi như tờ giấy trắng.

Đi như tờ giấy trắng gồm hai phần là Những miền đất lạ và Những miền đất quen. Mục đích của tôi là muốn nhấn mạnh thông điệp càng đi nhiều và đi xa bạn sẽ càng nhận ra mình là ai và càng trưởng thành hơn. Những chuyến đi xa cho bạn thấy ý nghĩa của sự trở về và những chuyến đi trên mảnh đất quê hương. Tôi muốn mọi người hiểu điều đó mà không cần phải nói ra, nhưng nếu bạn đọc tinh ý sẽ nhận ra điều đó qua sự sắp xếp có dụng ý của tôi ở bố cục sách: phần đầu là những vùng xa như châu Úc, Phi, Âu, Á rồi đến chương cuối cùng là về Việt Nam. Người đọc sẽ đi cùng tôi trên con đường đó, đến những nơi xa rồi cuối cùng trở về quê nhà với những nơi chốn thân quen.

Hoa si Tran Thuy Linh: 'Nhung chuyen di xa cho toi thay y nghia cua su tro ve'
Với Trần Thùy Linh, càng đi xa, bạn càng nhận ra mình là ai

* Đi xa để trở về, một thông điệp cũng là sự trải nghiệm rất ý nghĩa. Thế còn với Sài Gòn, điều gì làm chị yêu và nhớ khi đi xa?

- Riêng về Sài Gòn, tôi có bộ ảnh chụp Sài Gòn từ lúc thành phố còn chưa có nhiều thay đổi như bây giờ. Khi xem lại,  nó gợi cho mình một không khí tỉnh lẻ rất có bản sắc. Vì tôi luôn suy nghĩ tích cực nên dù thành phố có đổi thay tới đâu, tôi vẫn thấy những nét đáng yêu, những cái đẹp của Sài Gòn. Đó là mỗi ngày tôi vẫn bắt gặp những con người rất hồn nhiên, dễ thương trên phố, ví dụ thấy mình chạy xe trên đường ban đêm mà chưa mở đèn thì nhắc nhở, kiểu tiếp xúc đời thường giữa những người xa lạ rất vô tư, phóng khoáng luôn để lại những thiện cảm khó quên. Rồi khi đi vào nhà sách thấy nhiều người vẫn giữ  thói quen đọc sách, nhịp sống phố thị có sự sôi nổi rất riêng, những quán cà phê cũng có không khí rất riêng, không giống ở Hà Nội hay những nơi khác.

* Bây giờ, giới trẻ đi du lịch phần đông là để… check in, tôi nghĩ đi như tờ giấy trắng chỉ là cách nói chứ thật ra có ai giữ tâm mình là giấy trắng được đâu?

- Mọi người hay nói là check in khi đi du lịch, nhưng với tôi lại khác. Mỗi lần đi là cách để tôi check out ra khỏi bản thân, nghĩa là rũ bỏ hoàn toàn những cái gì ràng buộc mình, môi trường quen thuộc xung quanh mình, những suy nghĩ đóng khung, những mặc định vùng miền…Gặp những người không quen biết nghĩa là check out khỏi nhóm thân quen, đến những nơi mới lạ là check out ra khỏi môi trường quen thuộc. Tư duy du lịch kiểu này sẽ  giúp bạn quyết định việc chọn điểm đến là nơi nào. Trong sách tôi không cổ xúy việc đi phượt hay đi tour. Với tôi, cách bạn đi như thế nào không quan trọng, mà quan trọng là cách bạn cảm nhận như thế nào.

Hoa si Tran Thuy Linh: 'Nhung chuyen di xa cho toi thay y nghia cua su tro ve'

* Lần đầu tiên tôi nghe khái niệm “check out” khi đi du lịch, thế chị có trải nghiệm check out nào là đáng nhớ nhất không?

- Năm 2013 là thời gian tôi khủng hoảng vì không tìm thấy lối thoát cho những vấn đề của mình. Thấy tôi bị stress nặng nên có bạn khuyên tôi nên đi đâu đó, cần tách biệt với cuộc sống hiện tại, nhưng trong đầu mình cứ lấn cấn bao nhiêu việc. Lần đó tôi đặt mình vào vị trí của người bị bắt buộc phải đi nên tôi miễn cưỡng chọn điểm đến là một làng quê gần Hà Nội. Thật ngạc nhiên, kết quả lần đi đó đã mang lại cho tôi nhiều thứ hơn cả mong đợi. Đầu tiên là mang lại sự cân bằng trong tâm hồn khi được hòa mình vào thiên nhiên. Khi nhìn thấy dòng sông, cây xanh…thì trong lòng như được xoa dịu.

Nếu chỉ ở một hai ngày có thể chưa đủ ngấm, nhưng bốn năm ngày thì chắc chắn môi trường xung quanh sẽ tác động lên bạn. Lúc đó những suy nghĩ tiêu cực của mình chưa mất đi nhưng nó lùi dần, không còn là điều mình quan tâm hàng đầu nữa. Tôi đạp xe trong làng, nói chuyện với những người hoàn toàn xa lạ. Đi ngang nhà thấy người ta đang phơi lúa, tôi vào hỏi xin miếng nước, họ hỏi mình từ đâu đến… Cứ như vậy, những ý nghĩ tiêu cực dần vơi đi lúc nào không hay.

Chính chuyến đi ấy đã cứu tôi khỏi tình trạng bế tắc, tôi bắt đầu hồi phục và ở đó một tuần. Lúc mọi chuyện quay lại với mình, tôi đã bình tĩnh để có cái nhìn thấu đáo hơn, phân tích được cái gì là quan trọng, và biết mình muốn gì… Chuyến đi ấy đúng nghĩa là tôi check out 100% ra khỏi con người mình. Những chuyến đi như thế với tôi là sự hành thiền. Khi mình rũ bỏ được những tạp niệm, tâm của mình sẽ sáng hơn, sự bình an sẽ tới, và mình nhìn hay chấp nhận sự vật, hiện tượng hay ý niệm đúng với bản chất của nó. Thiên nhiên đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình này.

Nhưng cái gì cũng phải có quá trình, khi mình nhảy qua được cái “hàng rào” cao ngất tưởng như không thể vượt ấy thì phía bên kia nó khác hẳn. Lúc chưa nhảy qua được thì trước mặt chỉ biết có hàng rào, nhưng khi thoát ra được rồi thì nó mở ra một thế giới khác. Nó giúp bạn hiểu rằng, những việc đó phải xảy ra để bạn đủ mạnh mẽ nhảy qua “hàng rào”. Đối với bản thân tôi, việc đi, chụp ảnh, viết và vẽ mang lại rất nhiều điều, kể cả để thay đổi cuộc đời.

Hoa si Tran Thuy Linh: 'Nhung chuyen di xa cho toi thay y nghia cua su tro ve'

* Đi du lịch ngoài việc là sở thích còn phải có điều kiện, có thời gian, không phải ai cũng thực hiện được. Có thể nói chị may mắn khi công việc đồng điệu với đam mê?

- Nhiều người bảo do tôi có điều kiện, muốn đi đâu chẳng được, nhưng thật sự không phải thế. Ngay ở Sài Gòn, từ khi con còn nhỏ tôi đưa con đi Tao Đàn, chỉ cho con biết cây Ngọc hàm rồng (hay bị gọi nhầm tên là cây Sa La). Tôi chắc nhiều người ở Sài Gòn còn chưa biết trong Tao Đàn có cây cổ thụ này. Chỉ cần ra khỏi nhà, ra khỏi môi trường bạn đang sống cũng là đi rồi. Hãy hiểu và cảm nhận về nơi bạn sống trước khi đến những miền đất mới để biết vì sao mình yêu nơi ấy, và có đi đâu vẫn muốn trở về.

* Chị có nhiều niềm đam mê và đều thực hiện được. Chị có hài lòng và hạnh phúc về điều đó không?

- Đi, vẽ, viết, chụp ảnh là đam mê từ bé của tôi, nếu không có đam mê từ bé thì khi lớn dù có điều kiện tôi cũng sẽ không theo đuổi chúng. Đam mê là cứu cánh của tôi, nếu không thì với công việc, gia đình, con cái… tôi sẽ không bao giờ làm được. 

Tôi nói với bạn bè và cả con mình, hãy làm bất cứ điều gì vì đam mê, khi thỏa mãn đam mê là hạnh phúc, và hạnh phúc hơn nữa khi đam mê của bạn mang lại hiệu ứng xã hội nhất định. Ở một khía cạnh như thế thì tôi là người hạnh phúc vì tôi đang được sống cùng những đam mê của mình. Nhưng đó không phải là sự tài hoa mà là tư duy logic, giúp tôi sắp xếp các kế hoạch của cuộc đời mình, đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn và tìm ra giải pháp để đạt được từng mục tiêu đó. 

Nói không hài lòng là không đúng, nhưng thật sự là chưa hài lòng với những gì mình đạt được, bởi những gì mình làm còn rất bé nhỏ so với những gì cần phải làm cho xã hội.

Hoa si Tran Thuy Linh: 'Nhung chuyen di xa cho toi thay y nghia cua su tro ve'
Đi - viết - chụp như là lẽ sống của Linh

* Theo chị, có phải phụ nữ Việt Nam nói chung vẫn còn nhiều thiệt thòi vì gánh trên vai nhiều áp lực từ gia đình, xã hội?

- Muốn biết ai đó có hạnh phúc hay không phải biết câu trả lời của họ thế nào là hạnh phúc. Với nhiều phụ nữ, bản thân họ là tập hợp của sự tự ti lẫn tự tin, nhẫn nhịn lẫn phản kháng. Bạn vẫn sẽ không biết mình là ai, nếu suy nghĩ của bạn vẫn lùng nhùng trong những mâu thuẫn ấy. Khi biết mình  là ai thì bạn sẽ biết vị trí của bạn ở đâu. Bạn là phụ nữ, khi đi làm bạn có vai trò trong xã hội, rồi làm vợ, làm mẹ khi lập gia đình, rồi còn có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, gia đình hai bên… đó là những vai trò cơ bản nhất mà để làm tròn những vai trò này, bạn sẽ không thấy bản thân bạn ở đâu. Vì thế, cần có sự phân chia thời gian hợp lý, dành cho mình bao nhiêu thời gian trong một ngày, thời gian cho công việc, con cái, gia đình… Cái này không ai giống ai. 

Điều quan trọng tiếp theo nữa là suy nghĩ của chính bản thân bạn. Tôi luôn tự nói với mình rằng, tôi không thay đổi được người khác, chỉ có mình tự thay đổi mà thôi. Và khi làm được việc thay đổi mình thì những thứ khác tự động tốt hơn lên. Tất nhiên, có thể bạn sẽ gặp sự phản kháng từ những người xung quanh, những cản trở từ môi trường... nên đòi hỏi bạn phải kiên trì, nỗ lực. Khi bạn biết con đường mà bạn đi, trả lời câu hỏi bạn là ai thì bạn sẽ biết cách sắp xếp cuộc đời mình để có hạnh phúc. Tôi thấy phụ nữ Việt Nam nói chung có tính hy sinh bản thân và cầu toàn, trong khi mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, và trên đời này không có ai hay cái gì là hoàn hảo.

Hoa si Tran Thuy Linh: 'Nhung chuyen di xa cho toi thay y nghia cua su tro ve'
Rong ruổi khắp năm châu chỉ khiến chị yêu hơn đất nước mình

* Vậy theo chị, phụ nữ nên làm cách nào để cân bằng cuộc sống?

- Phụ nữ nên biết sống, chăm chút cho mình và cho hiện tại, về tinh thần đừng để quá khứ ám ảnh hiện tại hay tương lai chưa tới ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Tôi rất tâm đắc câu nói của nhà văn Andersen: “Người nào, vật nấy, chỗ nấy”, càng đi tôi càng thấm câu nói ấy vô cùng. Bạn phải hiểu bản thân bạn, khi bạn không hiểu bản thân thì đừng mong người khác hiểu bạn.

* Chị có thấy mình may mắn và thành công khi trở lại với những đam mê hội họa, viết lách... đều được bạn bè, cả công chúng đón nhận và chia sẻ? 

- May mắn không tự đến, bạn cũng phải tìm kiếm nó. Tôi thấy mình có nhiều may mắn, nhưng ở một khía cạnh khác. Lúc tôi mới bắt đầu trở lại với hội họa, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.  

Tôi nghĩ thành công của một người nên xét ở góc độ họ đóng góp được gì cho xã hội, làm được gì cho môi trường xung quanh tốt hơn chứ không phải là kiếm được bao nhiêu tiền. Thế nên để người khác đánh giá về mình thì tốt hơn. 

Hoa si Tran Thuy Linh: 'Nhung chuyen di xa cho toi thay y nghia cua su tro ve'
Với Linh, những chuyến đi đôi khi có khả năng thay đổi cả cuộc đời

* Sau Đi như tờ giấy trắng, chị còn có những dự án nào nữa?

- Dự án tiếp theo trong lĩnh vực văn chương cũng là một cuốn sách du ký có chủ đề về hoa. Tiếp theo nữa là sách khác viết về nước Đức. Đây sẽ là một cuốn sách thú vị và là một “món quà” tôi dành tặng cho nước Đức, nơi đã nuôi dưỡng những đam mê và gắn bó suốt một thời tuổi trẻ của tôi. 

Về hội họa, tháng Chín năm nay tôi tham gia một triển lãm mỹ thuật quốc tế tại Malaysia. Sau đó đồng tổ chức một trại sáng tác mỹ thuật tại Hội An vào cuối năm. Xen kẽ giữa những dự án trên luôn là những chuyến đi mà tôi ấp ủ.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. 

Thu Ngân (thực hiện) 
Ảnh: nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI