Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật: Sao mãi 'vừa đá bóng vừa thổi còi'?

20/04/2019 - 08:53

PNO - Giải nhất hạng mục Âm nhạc được trao cho bài hát 'Lời Bác sáng biển Đông' của nhạc sĩ Trần Long Ẩn tại Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ 2 (2012-2017) ngay lập tức gây xôn xao trong dư luận.

Xôn xao, vì ca khúc đó là của Chủ tịch Hội Âm nhạc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) kiêm Phó chủ tịch hội đồng chung khảo.

Thực ra, giải nhất “lọt vào tay” thành viên hội đồng xét tuyển các tác phẩm nghệ thuật không có gì quá lạ. Chuyện vừa đá bóng, vừa thổi còi ở các đợt xét duyệt trao giải thưởng VHNT không còn là chuyện hiếm, mặc cho dư luận phản ứng, điều đó vẫn cứ diễn ra hết lần này đến lần khác.

Tháng 3/2017, tại cuộc thi ảnh chủ đề Nhiếp ảnh Việt Nam - 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) Vũ Quốc Khánh vừa là trưởng ban tổ chức, chủ tịch hội đồng giám khảo đồng thời cũng là thí sinh. Vượt qua hơn 1.700 tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, ông Khánh đã chiến thắng với một giải A và một giải C.

Giai thuong Van hoc - Nghe thuat: Sao mai 'vua da bong vua thoi coi'?
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn (giữa) nhận giải nhất ở hạng mục âm nhạc. Ông đồng thời là Phó chủ tịch hội đồng xét duyệt chung khảo tại giải thưởng năm nay.

Tháng 10/2017, giải thưởng hàng năm của Hội Nghệ sĩ Sân khấu (NSSK) Việt Nam lại gây bức xúc khi chủ tịch hội đồng xét giải, chủ tịch Hội NSSK Việt Nam- NSND Lê Tiến Thọ có đến ba giải: giải A- vở Hoàng thúc Lý Long Tường; giải B- vở Vụ án Lệ Chi Viên (tác giả) và giải B- vở Thoại Khanh - Châu Tuấn (đạo diễn). Một thành viên hội đồng xét giải khác là ông Nguyễn Đăng Chương cũng có hai tác phẩm đoạn giải A là Thầy và tròKhông phải là vụ án

Sau những phản ứng dữ dội của dư luận, cả ông Vũ Quốc Khánh lẫn NSND Lê Tiến Thọ đều xin rút tên khỏi giải thưởng, dù như NSND Lê Tiến Thọ giải thích: ông không được tham gia chấm giải cho những tác phẩm có tên mình.

Ngoài hai vụ việc lùm xùm đình đám liên quan đến những người có vị trí cao ở các hội nghề nghiệp Trung ương, một số câu chuyện tương tự cũng từng gây bức xúc ở một vài giải thưởng địa phương như Cuộc thi Mỹ thuật Cần Thơ năm 2013, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương- Nghệ An 2016… Những tưởng những thành viên hội đồng xét duyệt, tuyển chọn các tác phẩm của các giải thưởng sẽ phải rút kinh nghiệm cho chính mình, nhưng không.

Trong vai trò Chủ tịch hội Âm nhạc TP.HCM, nhạc sĩ Trần Long Ẩn là người chịu trách nhiệm chính ở vòng sơ khảo, tuyển chọn, thẩm định và đề cử tác phẩm của mình tham gia vòng chung khảo. Rõ ràng, so với nhiều đồng nghiệp khác, ông có nhiều lợi thế hơn.

Đành rằng quy chế không cấm những người giữ vị trí chủ chốt ở các hội nghề nghiệp gửi tác phẩm tham dự giải thưởng, nhưng nếu giữ đúng cái "sĩ" của người nghệ sĩ, ông nên tình nguyện rút khỏi danh sách hội đồng chung khảo. Hoặc nếu vì tình thế bắt buộc, không thể vắng mặt ở hội đồng chung khảo, ông nên dũng cảm loại tác phẩm của mình ra khỏi cuộc chơi. Đằng này, ông vẫn là thí sinh kiêm phó chủ tịch hội đồng chung khảo!

Những sự vụ không đáng có lặp đi lặp lại với những người đứng đầu các hội VHNT khiến công chúng và cả đồng nghiệp ngao ngán, thất vọng. Điều này khiến giải thưởng mất “thiêng” trong suy nghĩ của công chúng và không ít người làm nghệ thuật.

Công chúng mến mộ nghệ sĩ bởi tài năng, bởi những dấu ấn nghệ thuật mà họ để lại.  Không mấy ai nhớ nghệ sĩ này, nghệ sĩ khác có bao nhiêu giải thưởng, bao nhiêu bằng khen. Đừng để những giải thưởng, thành tích làm người nghệ sĩ xấu đi trong mắt công chúng, đồng nghiệp.

Huy Tuấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI