Theo lịch, chiều 14/2, TAND quận 1, TP.HCM sẽ tuyên án sơ thẩm vụ án tranh chấp quyền tác giả liên quan đến hình tượng 4 nhân vật: Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt giữa ông Lê Linh và Công ty Phan Thị (đại diện là bà Phan Thị Mỹ Hạnh) kéo dài 12 năm qua. Tuy nhiên, sau khi nghị án, HĐXX bất ngờ thông báo sẽ dời ngày tuyên án vào 18/2 tới đây.
|
Sau 12 năm, vụ án tranh chấp bản quyền Thần đồng đất Việt vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. |
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Quang Huynh cùng 2 hội thẩm nhân dân Đinh Thị Ngọc Châu, Trần Văn Mẫn. Đại diện Viện KSND quận 1 có bà Trần Lệ Thủy.
Luật sư Trương Thị Thu Hồng và Phạm Đại Lợi (Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh) là đại diện cho nguyên đơn - ông Lê Linh. Luật sư Nguyễn Vân Nam (Công ty tư vấn luật Nam Hùng) đại diện cho Công ty Phan Thị.
Trước đó, vào ngày 1/2/2019, đại diện Viện KSND quận 1 đề nghị công nhận ông Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng nhân vật trên, bà Hạnh không phải là đồng tác giả.
Những lý do được Viện KSND quận 1 đưa ra gồm: trong đơn yêu cầu Cục Bản quyền tác giả cấp bản quyền tác giả cho 4 nhân vật trên không có nội dung nào xác nhận ông Lê Linh là đồng tác giả với bà Hạnh; trước khi đăng ký bản quyền tác giả, từ tập 1 đến tập 6 của Thần đồng đất Việt, ghi tác giả truyện và tranh là Lê Linh; Phan Thị từng xác nhận ông Linh tham gia 6 bước trong quá trình xuất bản bộ truyện tranh này; bị đơn không đưa ra được bằng chứng thuyết phục việc bà Hạnh đã chỉ cho ông Lê Linh vẽ ra 4 nhân vật trên.
|
Ông Lê Linh tại phiên toà vào chiều 14/2 |
Từ đó, Viện KSND quận 1 đề nghị TAND quận 1 buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra, sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Lê Linh sáng tạo. Bị đơn phải xin lỗi công khai trên một số phương tiện thông tin đại chúng trong 3 kỳ liên tiếp và thanh toán 20 triệu đồng là chi phí dịch vụ luật sư mà ông Lê Linh phải thuê để bảo vệ quyền tác giả. Về việc ông Linh yêu cầu Công ty Phan Thị xin lỗi độc giả của truyện Thần đồng đất Việt, đại diện Viện KSND quận 1 cho rằng yêu cầu này không có căn cứ, không hợp lý.
|
Luật sư Nguyễn Vân Nam, đại diện Công ty Phan Thị. |
Vụ án tranh chấp tác quyền giữa ông Lê Linh và Công ty Phan Thị kéo dài suốt 12 năm qua, trải qua nhiều thẩm phán, nhiều phiên toà hoà giải. Theo đó, năm 2002, ông Lê Linh và Công ty TNHH TM DV KT & Phát triển Tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị) thực hiện bộ truyện Thần đồng đất Việt, ra mắt tập đầu tiên vào ngày 16/2 cùng năm.
Ngày 29/3/2002, trong đơn yêu cầu Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận quyền tác giả cho 4 nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo, ông Linh ký xác nhận đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ Hạnh. Theo căn cứ này, Cục cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả đối với hình thức thể hiện 4 nhân vật trên cho tập thể tác giả với chủ sở hữu là Công ty Phan Thị.
Quá trình làm việc giữa ông Lê Linh và Công ty Phan Thị kéo dài đến năm 2005, lúc kết thúc tập 78. Khi ông Lê Linh ngừng hợp tác do mâu thuẫn, Công ty Phan Thị vẫn tiếp tục cho ra mắt những tập sau của Thần đồng đất Việt. Cũng từ đây, việc tranh chấp bản quyền xảy ra. Ông Linh cho rằng ông là tác giả duy nhất, bà Hạnh chỉ tham gia tổ chức, góp ý kiến chứ không trực tiếp vẽ, sáng tạo.
Tháng 4/2007, ông Lê Linh đệ đơn kiện Công ty Phan Thị và yêu cầu công nhận ông là tác giả duy nhất của các nhân vật nói trên trong tập truyện Thần đồng đất Việt, không phải đồng tác giả như hồ sơ đăng ký bản quyền mà Phan Thị đưa ra. Dĩ nhiên, bà Hạnh phản bác luận điểm này.
Khi sự việc này chưa đi đến đâu, Công ty Phan Thị lại đâm đơn kiện ông Lê Linh đã dùng hình ảnh nhân vật Trạng Tí để tạo ra nhân vật Long Tinh trong truyện Long thánh.
Nhiều năm trôi qua, trải qua nhiều đời thẩm phán, vụ án này vẫn phân xử bất thành. Tháng 12/2018, TAND quận 1 đưa ra xét xử vụ án này vào ngày 28/12/2018. Tuy nhiên, Công ty Phan Thị đã có đơn xin hoãn phiên toà. Phiên toà sau đó diễn ra vào ngày 24 và tiếp theo là 25/1/2019. Hai bên đưa ra nhiều lý lẽ để bảo vệ quyền lợi của mình, và hiện tại, kết luận cuối cùng vẫn chưa có.
Thuỵ Khuê