Bốn năm sau lần đồng hành với phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm), đạo diễn Hồng Ánh tiếp tục với Finding Phong (đạo diễn Trần Phương Thảo, Swann Dubus).
Hai bộ phim tài liệu có nhiều điểm chung: cùng chủ đề về cộng đồng LGBT (viết tắt của cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới), đều được thực hiện trong thời gian dài và từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế trước khi được giới thiệu với khán giả Việt.
Phóng viên: Sau Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Hồng Ánh lại được các đạo diễn ở thể loại phim tài liệu tìm đến?
Đạo diễn Hồng Ánh: Nhiều bộ phim tài liệu muốn giới thiệu độc lập thường nghĩ đến Blue Productions, đại diện là tôi. Ngay trong buổi giới thiệu phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng năm 2014, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm có nói với tôi về Thảo và Finding Phong như một cách kết nối tiếp theo.
Tôi biết, những đạo diễn phim tài liệu như Thắm hay Thảo đều chỉ chuyên tâm làm chuyên môn, không có nhiều khái niệm về việc phổ biến phim hay nói đúng hơn, công việc này không thuộc phần phụ trách của các bạn. Nhưng từ sau Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, cũng như Thắm, Thảo luôn trăn trở tại sao chúng ta không hy vọng những bộ phim tài liệu của đạo diễn Việt Nam, làm ở Việt Nam và được chiếu cho khán giả trong nước xem rộng rãi, có thu phí. Tôi nghĩ, các đạo diễn cũng đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc tìm đường đi cho bộ phim của mình sau khi hoàn thành.
|
Hình ảnh trong phim tài liệu Finding Phong |
* Đâu là tiêu chí để chị chọn đồng hành cùng phim tài liệu nào đó?
- Điều đầu tiên và duy nhất đối với phim tài liệu là tính chân thật. Lâu nay, tôi rất sợ các phim tài liệu dùng hình ảnh minh họa cho lời bình hoặc ngược lại, hay thấy được sự dàn dựng có chủ đích.
Cả hai bộ phim tài liệu tôi giới thiệu không rõ vì cơ duyên nào đều là câu chuyện về cộng đồng LGBT. Để đưa ra quyết định đồng hành, sau khi xem xong, những câu chuyện về thân phận con người trong phim phải có tác động mạnh đến cảm xúc hoặc thay đổi tôi về góc nào đó, vì dù gì, tôi cũng chỉ là một khán giả.
* Ở cương vị đồng nghiệp, chị đồng hành không toan tính; nhưng với vai trò người phổ biến phim độc lập, chuyện lỗ lãi là yếu tố sống còn.
- Nếu xem phim tài liệu như một sản phẩm mua về để bán lại thì ai làm kinh doanh cũng muốn phải có lời hoặc nếu lỗ thì lỗ ít nhất. Lúc khởi động Finding Phong, tôi đã biết thị trường dành cho thể loại phim này ở Việt Nam hiện rất nhỏ. Vậy thì phải làm sao để marketing, truyền thông tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất.
Chắc chắn, phim tài liệu sẽ không có những buổi ra mắt, thảm đỏ hoành tráng, không thể giới thiệu cùng lúc ở nhiều địa phương. Nghe thì hơi chạnh lòng, nhưng tôi nghĩ mình phải tỉnh táo như vậy và không nóng vội. Tôi muốn phim phải tìm đúng đối tượng khán giả. Có thể họ chỉ chiếm 10% thôi, nhưng nếu tất cả đến xem phim thì với tôi là thành công. Phải rất thực tế, không mơ mộng, vì khi mua một sản phẩm mà biết chắc thị trường hẹp thì tại sao phải đổ tiền rình rang để kêu gọi mọi người đi xem, như thế là không tưởng.
Với cách phổ biến phim độc lập, mạng xã hội sẽ là kênh chia sẻ tốt. Và tôi sẽ đi tìm những người tri âm, thật sự muốn xem, thật sự đến vì mong muốn được hiểu về phim tài liệu, được tiếp cận thể loại phim khác. Bên cạnh đó, lượng khán giả yêu mến từ phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng và các bạn trong cộng đồng LGBT cũng ủng hộ rất nhiều.
* Nhưng không thể phủ nhận cách ra mắt phim rầm rộ đang được nhiều nhà sản xuất thực hiện để thu hút khán giả?
- Tôi từng mất số tiền không nhỏ cho dự án phim điện ảnh Đường đua cũng vì không định vị được khán giả mục tiêu, không xác định đề tài, thể loại mà mơ mộng, thành ra trong bộ phim cái gì cũng nửa vời. Khán giả giải trí thì không thỏa mãn trong khi khán giả làm nghề cảm thấy bộ phim chưa đủ sâu sắc. Làm nhà sản xuất hay đơn vị phát hành, biết mình biết ta thì mới hiệu quả, vì mơ mộng càng nhiều, thiếu thực tế, bạn càng dễ ngã đau. Việc hiểu rõ mình muốn gì, sản phẩm đang có trong tay như thế nào sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro, đặc biệt về tài chính.
|
Đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh tâm huyết với thể loại phim tài liệu |
* Trước khi tiếp cận với nhiều khán giả, phim phải đến đúng người, vậy cách chị tìm đúng khách hàng mục tiêu cụ thể thế nào?
- Nếu những bộ phim giải trí giới thiệu theo con đường lâu nay như bạn thấy, khán giả sẽ tìm đến phim tại các cụm rạp lớn. Nhưng phổ biến độc lập, tôi phải chủ động đi tìm khán giả, thậm chí bán vé trước, chủ động liên hệ với các trường học để giới thiệu và có những ưu đãi nếu số lượng sinh viên mua vé lớn.
Tôi cũng tìm đến những nhà báo am hiểu phim hoặc những nhà tâm lý để họ chia sẻ những kiến thức bao quát hơn, giới thiệu chính xác bộ phim theo nhiều khía cạnh khác nhau. Ngoài ra, tôi tìm đến những hội thảo, gặp nhiều chuyên gia để giới thiệu với họ rằng, tôi có bộ phim với chủ đề như thế này, nếu có buổi tọa đàm nào phù hợp, các anh chị có thể thuê phim của tôi, hãy chiếu nó để làm sinh động hơn cho cuộc nói chuyện của mình.
Với phim tài liệu, đôi khi bạn phải biết hài lòng với với những địa điểm chiếu nhỏ gọn, có thể chỉ 40 - 50 người, nhưng nếu đúng đối tượng, phim sẽ lan tỏa tốt hơn. Hiện tại, rất có thể Finding Phong sẽ chiếu các buổi hội thảo nhỏ, hội trường đại học, nhà văn hóa hoặc một văn phòng nào đó chỉ gồm màn hình, máy chiếu đơn giản. Nhưng dù thế nào, tôi sẽ tìm mọi cách để đưa phim đến khán giả.
* Trong chuyện đưa phim đề tài khó ra rạp, vai trò của các nhà phát hành lớn vẫn thường được nhắc đến và kèm theo đó là lời trách họ thiếu sự ủng hộ. Ý kiến của chị thế nào?
- Các nhà phát hành lớn họ từ chối hay nhận phim đều có lý do. Mình giới thiệu phim tài liệu, họ chấm điểm cao và cho chiếu rộng rãi có khi mới là nỗi lo. Một bộ phim tài liệu cùng lúc được chiếu ở tất cả các rạp, nhưng mỗi rạp chỉ có một, hai người thì đó mới là thất bại vì chi phí phát hành cao và thời gian văng khỏi rạp sẽ rất nhanh.
Tôi cũng hiểu và hoàn toàn chia sẻ với những lo lắng của các đơn vị phát hành đã từ chối bộ phim. Họ là đơn vị kinh doanh, nếu ưu đãi cho mình quá nhiều thì chuyện lỗ lãi ai sẽ là người gánh; trong khi, các chính sách ưu đãi về thuế cho dòng phim này và kể cả phim của các nhà làm phim độc lập đều không có. Vậy thì đừng bắt họ phải là người đồng hành trong khi mình nhìn rõ được khó khăn của họ.
Nhưng tôi cũng hy vọng và không bỏ qua bất cứ cơ hội tiếp cận nào, dù rất nhỏ, nếu họ có khung giờ hợp lý. Nếu nói chạnh lòng thì có lẽ chúng ta thiếu những buổi hội thảo từ các cấp quản lý để tìm đầu ra cho phim tài liệu, cho các phim độc lập.
Một trích đoạn trong Finding Phong:
* Khi muốn giới thiệu phim độc lập, người đầu tiên mọi người nghĩ đến là chị. Điều đó bảo chứng cho hiệu quả dự án chị đã nhận, nhưng cũng phần nào thể hiện sự đơn độc.
- Tôi luôn mong muốn có thêm nhiều người cùng làm như mình. Nói ra hơi buồn, nhưng với vai trò của các cấp quản lý, họ có thể làm điều này tốt hơn tôi rất nhiều. Họ đã từng tổ chức những tuần phim, có những mối quan hệ rất lớn để kết nối với nhau. Nhưng theo tôi, với những phim tài liệu như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng hay Finding Phong, chỉ có tiền thôi chưa đủ, nếu không tâm huyết.
Mỗi khi nhận dự án nào, trên Facebook của tôi đều dành toàn bộ thời gian để nói về nó. Tất cả những tìm tòi, suy nghĩ cũng đều dành cho phim, tôi không dám nghĩ điều gì to tát. Tất cả là vì tình cảm của tôi với phim ảnh Việt.
* Đáng tiếc khi những việc làm của chị chưa được nhìn nhận đúng. Như buổi hội thảo về phim Song Lang chẳng hạn?
- Nhiều người nói tôi được trả tiền để làm buổi hội thảo về Song Lang, nhằm quảng bá cho phim. Tôi khẳng định lại, tôi làm điều gì cũng xuất phát từ mong muốn của tôi trước. Có nghĩa, sau khi xem 7 lần bộ phim Song Lang và đặt mình vào vị trí của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, đạo diễn Leon Quang Lê và các nhà đầu tư; tôi tự hỏi, nếu mình là họ, trong trường hợp phim nhận được nhiều tình yêu nhưng tình yêu đó chưa được lan tỏa rộng, không mang về doanh thu như mong muốn thì mình sẽ làm sao.
Tôi nhìn thấy nhiều bài báo bày tỏ cảm xúc về phim Song Lang, nhưng chưa thể lý giải, bóc tách đầy đủ các vấn đề phim đang gặp phải về nội dung, kịch bản và truyền thông. Tôi nhìn ra được điều đó, vì sau thất bại rất lớn ở bộ phim đầu tiên mình sản xuất là Đường đua, tôi muốn tìm ra câu trả lời cho những điều chưa đạt đó của Song Lang. Buổi hội thảo ra đời để chúng tôi - những người yêu mến bộ phim - cùng nhau trao đổi, đối thoại.
|
Phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng truyền cảm hứng cho phim điện ảnh Lô tô |
* Theo chị, các giải thưởng quốc tế có bảo chứng cho chất lượng để khán giả phải đến xem phim?
- Sự so sánh là khập khiễng. Nếu có so sánh thì so bộ phim này với các bộ phim khác trong cùng một liên hoan phim. Mình đâu thể lấy cái chuẩn nhận xét ở một nơi cao để áp vào giá trị tại một địa điểm khác. Với Finding Phong, phim đoạt nhiều giải thưởng quốc tế hơn Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, nhưng khi giới thiệu tại Việt Nam, phim có khán giả chịu trả phí để xem đã là hạnh phúc rồi.
Khán giả Việt chưa quen khái niệm sẽ đến rạp để xem phim tài liệu, càng không có thói quen phải mua vé. Việc mình phải làm là tạo thói quen cho bất kỳ người nào, nếu muốn thưởng thức tác phẩm phim ảnh, đều phải trả tiền. Tôi nghĩ hành động đó thể hiện sự trân trọng với những người làm ra tác phẩm ấy. Mặt khác, khi mua vé xem phim, bạn mới công bằng và khách quan với những nhận xét của mình, với tư cách là một khán giả.
* Không chỉ thể loại tài liệu, có những phim điện ảnh rình rang tham dự các liên hoan phim quốc tế lại bị khán giả trong nước thờ ơ. Theo chị, nguyên nhân ở đâu?
- Như đã nói, không nên lấy đánh giá của giới chuyên môn ở các kỳ liên hoan phim lớn rồi áp vào khán giả Việt ở hiện tại để than thở sao ở quốc tế như thế mà trong nước lại khác. So sánh như thế là không công bằng. Có những giá trị không được nhìn thấy ở thời điểm hiện tại, nhưng theo thời gian, sẽ được khẳng định.
Ví dụ như những bộ phim đi cùng năm tháng, thời điểm mới xem, tôi không thấy hay, do mình chưa nhiều trải nghiệm. Nhưng càng về sau, khi bỏ công tìm hiểu, càng thấy rõ giá trị. Quan trọng, bạn phải biết đặt câu hỏi tại sao. Tại sao bộ phim này được quốc tế đánh giá cao, nhưng tôi xem lại không hiểu gì? Bao giờ, với những bộ phim xem nhức đầu như thế, tôi đều cho là lỗi ở mình trước. Người làm nghề càng đặt nhiều câu hỏi cho mình thì tương lai càng tiến xa.
Còn với những trường hợp cho rằng, sản phẩm của mình là nhất, khán giả không xem được do khán giả không có trình độ, ý kiến đó tôi cho là hơi chủ quan. Khi Đảo của dân ngụ cư (do Hồng Ánh đạo diễn - PV) không kéo được nhiều khán giả tới rạp, tôi đã biết lý do nằm ở đâu từ khi tôi bắt đầu dự án. Đừng chê khán giả Việt thiếu trình độ, vì họ rất yêu phim Việt, nhưng họ mất lòng tin. Sau thời phim “mì ăn liền”, khán giả tự thành lập phản xạ phim Việt là dở, nên điều chúng tôi phải làm là lấy lại niềm tin từ họ.
* Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ.
Fiding Phong từng tham gia hàng loạt liên hoan phim quốc tế từ năm 2015 và đoạt được nhiều giải thưởng giá trị cho thể loại phim tài liệu như: Grand prix - Festival International Jean Rouch 2015 (Paris, Pháp), Audience award/Spotlight award - Viet Film Fest 2016 (Los Angeles, Mỹ), Best Feature Film award - LGBT International Film Festival 2016 (Thessaloniki, Hy Lạp), Grand Prix Tài liệu - Festival 2 Valenciennes 2017 (Valenciennes, Pháp), Giải Phim tài liệu hay nhất - Festival In&Out 2017 (Nice, Pháp).
|
Diễm Mi