PNO - Đơn vị làm phim 'Ròm' rồi đây sẽ bị phạt khi về nước theo lời ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Ròm của Trần Thanh Huy đã khiến giới làm phim và người yêu điện ảnh Việt nức lòng khi mang về giải thưởng cao nhất ở hạng mục New Currents, tương đương giải phim hay nhất, cùng một bộ phim khác là Haifa Street của Iraq - Qatar. Tuy nhiên, bộ phim này đang đứng trước án phạt của Cục Điện ảnh khi mang đi tham dự liên hoan phim mà không có giấy phép lưu hành.
Một cảnh trong phim Ròm
Ròm và chiến công đến trong run rẩy
Ròm được đạo diễn Trần Thanh Huy phát triển từ phim ngắn 16:30 của anh từng gây tiếng vang tại Liên hoan phim (LHP) phim ngắn quốc tế Yxineff 2012 với nhiều giải thưởng: giải Trái tim Việt Nam (giải phê bình, báo chí trao cho phim xuất sắc nhất trong 15 phim Việt tranh giải, gồm 5 phim tranh giải quốc tế, 10 phim tranh giải khu vực), giải Trái tim trẻ (giải thưởng dành cho phim có sự sáng tạo độc đáo do Công ty Lê Quý Dương trao), giải Quay phim xuất sắc cho Khắc Nhật, Vinh Phúc, và giải Nam chính xuất sắc cho Trần Minh Khoa - em trai đạo diễn Trần Thanh Huy. Phim ngắn này cũng từng đoạt giải phim ngắn xuất sắc nhất Cánh diều vàng 2012, và được trình chiếu tại hạng mục Góc phim ngắn LHP Cannes 2013.
Trong quá trình thực hiện, Ròm nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng làm phim, nhận được nhiều giải thưởng từ khi còn là ý tưởng trên kịch bản như: Producer Choice’s Award - Gặp gỡ mùa thu 2014, Outstanding Project - khóa học Hà Nội mùa xuân 2015 do Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ bảo trợ, Quỹ CDEF (Lãnh sự quán Đan Mạch). Và để hoàn thành bộ phim, Trần Thanh Huy đã mất 80 ngày quay (điều không phải nhà sản xuất phim Việt nào cũng dám thử), cùng 7 năm loay hoay. Tổng cộng Huy có 27 bản dựng khác nhau cho Ròm.
Sau buổi chiếu tại BIFF 2019, tờ Screen Daily viết về Ròm: “Trần Thanh Huy đã mang cả bối cảnh xã hội vào Ròm. Đó là một thế giới mà con người phải chà đạp lên nhau để sống trong những ngôi nhà ổ chuột chật chội, bên cạnh những con sông ô nhiễm nặng nề. Người ta đánh cược mọi thứ với hy vọng đổi đời qua tấm vé số và đánh cược số đề. Cờ bạc trở thành chứng nghiện phổ biến trong một xã hội nghèo đói, nơi người nghèo hoàn toàn bất lực trước những kẻ cho vay nặng lãi và nhà cái tham lam”.
Còn đạo diễn người Anh Mike Figgis (từng đoạt bốn đề cử Oscar với phim Leaving Las Vegas) - Trưởng ban Giám khảo của hạng mục New Currents, nhận xét: “Việc sử dụng các bối cảnh thực tế và sống động trong Ròm đã gây ấn tượng mạnh với chúng tôi, và để lại cái kết làm thỏa mãn”.
Một cảnh trong phim Ròm
Trớ trêu thay, bộ phim đoạt giải cao nhất tại BIFF lại rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: chật vật qua cửa kiểm duyệt của Cục Điện ảnh. Khi phim không được duyệt, đoàn phim xin rút khỏi danh sách chiếu và tranh giải của BIFF, thì ban tổ chức (BTC) kiên quyết khước từ với lý do tránh xáo trộn lịch của hơn bốn mươi phim và các hoạt động khác của LHP.
Số phận của Ròm, của Trần Thanh Huy và nhà sản xuất phim tại Việt Nam vẫn treo lơ lửng với án phạt từ Cục Điện ảnh. Chưa bao giờ Trần Thanh Huy lại ở trong trạng thái phức tạp và xáo trộn như lúc này. Anh vừa hạnh phúc khi phim vẫn được công chiếu, lại vừa lo lắng, hồi hộp trước án phạt. Vừa sung sướng khi thành quả không chỉ của Huy mà còn cả ê-kíp được công nhận, vừa căng thẳng nghĩ về chặng đường tương lai.
“Đáng lẽ, đây là khoảng thời gian thư giãn nhất, vui vẻ nhất, thì mọi việc lại thành ra như vậy. Tôi hoàn toàn bế tắc, không biết phải làm thế nào” - đạo diễn Trần Thanh Huy tâm sự. “Năm mười lăm tuổi, tôi có suy nghĩ mình sẽ trở thành đạo diễn, và phim của mình sẽ được công chiếu tại LHP. Tôi thậm chí còn tưởng tượng cảnh mình được ngồi trong rạp chiếu lớn, có nhiều khán giả Việt Nam và quốc tế, xem phản ứng của họ với bộ phim của mình”.
Nhưng Huy đã không thể thực hiện được ước mơ bé mọn ấy dù cơ hội đã ở sát tầm tay. Huy chọn ở lại Việt Nam khi Ròm được công chiếu tại Hàn, dù BTC đã gửi lời mời và đặt sẵn vé máy bay, phòng khách sạn cho anh từ trước đó. Huy tắt hết điện thoại, khước từ trả lời truyền thông trong nước. Khi Ròm đoạt giải, Huy không thể từ chối thêm một lần nào nữa sự ân cần của BTC BIFF 2019.
Giải thưởng New Current (Phim hay nhất) đã thuộc về phim Ròm
Và cũng chính trong lúc “không biết phải làm thế nào” ấy, Huy vẫn nghĩ anh là người may mắn, bởi anh đã có những người bạn đồng hành đầy tài năng và đồng cam cộng khổ đến mức sống chết, nâng đỡ nhau đi qua những cơn tuyệt vọng. Một “đội ngũ trong mơ” thực sự. Đó là Phúc, là Nhật quay phim, là Công Anh chỉnh màu, là Tiên làm sản xuất, là Khoa, Anh Tú diễn viên, là những diễn viên tên tuổi chỉ lấy tiền tượng trưng như Mai Trần, Cát Phượng… là những người đứng phía sau bộ phim, giúp sức từng chút như đạo diễn Hàm Trần, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Trần Anh Hùng… anh Trinh Hoan, Thế Phong… cùng nhiều cái tên khác nữa.
Kiểm duyệt phim: Rào cản cô đơn
Trong khi dư luận vẫn còn bàn tán về việc phim Thất Sơn tâm linh khi trình chiếu bị làm “bốc hơi” chất kinh dị để dễ được cấp phép, thì một lần nữa câu chuyện kiểm duyệt phim lại “sôi” lên với trường hợp của Ròm.
Tại LHP quốc tế Busan 2019, Ròm được lên lịch ra mắt ngày 4/10, và có thêm hai buổi chiếu vào ngày 9 và 10/10. Bốn năm trước, Ròm từng là một trong ba mươi dự án chính thức được mời tới Asian Project Market tại LHP Busan - chợ phim lớn nhất dành cho các nhà đầu tư và sản xuất điện ảnh ở châu Á. Vì vậy, việc Ròm đoạt giải New Currents (tương đương giải Phim hay nhất) không có gì quá ngạc nhiên.
Ngạc nhiên chỉ nằm ở chỗ đơn vị sản xuất phim Ròm vốn đã gửi đơn xin rút lui tại LHP Busan vì phim chưa được cấp phép lưu hành trong khi Luật Điện ảnh Việt Nam quy định: “Phim tham gia LHP quốc tế, hội chợ phim quốc tế, những ngày phim Việt Nam ở nước ngoài phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh, hoặc có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình”.
Đạo diễn Trần Thanh Huy
Việc BTC LHP vẫn để Ròm tranh giải, bất chấp nhà sản xuất xin rút, và sau đó còn tôn vinh phim - một tác phẩm điện ảnh phạm quy ở Việt Nam - vô hình trung làm dấy lên câu hỏi về tính chính danh của một bộ phim khi “đem chuông đi đánh xứ người” liệu có còn cần thiết hay không?
Lâu nay để được “danh chính ngôn thuận” ra rạp tại Việt Nam và đem đi thi thố ở nước ngoài, các phim trong nước đều phải qua kiểm duyệt. Công tác này ngày càng lộ rõ sự bất cập khi đặt trong bối cảnh phát triển của phim ảnh trong nước và thế giới ngày nay. Rào cản kiểm duyệt tại Việt Nam không chỉ tồn tại đơn độc so với thế giới, mà phần nào còn gián tiếp hạn chế sự sáng tạo nghệ thuật của người làm phim.
Kể cả khi hai năm qua, tất cả phim ra rạp tại Việt Nam đã bắt đầu chịu sự phân loại, dán nhãn theo bốn mức: P (phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng), C13 (cấm trẻ em dưới 13 tuổi), C16 (cấm trẻ em dưới 16 tuổi) và C18 (cấm trẻ em dưới 18 tuổi), thì vẫn phải chịu sự kiểm duyệt về nội dung. Chuyện phim bị cắt xén dẫn đến méo mó về nội dung, hình thức được coi là bình thường, trong khi đây là điều tối kỵ đối với một tác phẩm điện ảnh, vì ảnh hưởng đến sáng tạo nghệ thuật và dấu ấn cá nhân.
Đầu tháng này, vấn đề kiểm duyệt một lần nữa “nóng” lên khi trong văn bản góp ý sửa đổi Luật Điện ảnh gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngày 1/10 qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất đổi mới cơ chế kiểm duyệt, vì theo nhiều doanh nghiệp làm phim, cơ chế cũ vừa tốn thời gian, tiền bạc, vừa can thiệp thái quá vào nội dung.
Trở lại với trường hợp của phim Ròm tại LHP Busan, mỗi LHP đều có tiêu chí riêng mà trong đó tính nghệ thuật luôn được đề cao nhất, chứ không phải tính hợp pháp về “nhân thân” của phim. Nên việc đòi hỏi một phim Việt trình chiếu trên đất bạn phải có phép phát hành ở quê nhà có lẽ là việc làm lỗi thời, không cần thiết. Huống chi công tác kiểm duyệt, cấp phép còn mâu thuẫn, thậm chí thừa, khi bên cạnh đó đã tồn tại hệ thống phân loại phim theo độ tuổi.
Đạo diễn Trần Thanh Huy (bìa trái) và ê-kíp
Đơn vị làm phim Ròm rồi đây sẽ bị phạt khi về nước theo lời ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2019 diễn ra ngày 8/10. Phạt vì phạm luật là đúng, nhưng sau án phạt, vẫn cần hơn cả một phương án giải quyết hợp tình hợp lý cho những trường hợp như Ròm trong tương lai.
Bởi với những nhà làm phim độc lập như ê-kíp làm phim Ròm, con đường ra rạp chiếu thương mại không phải là đích đến cuối cùng, nên một “án treo” cấm chiếu tại Việt Nam, nếu có, sau khi nhận phạt, cũng không có nhiều ý nghĩa với họ. Điều quan trọng nhất là họ được cất lên những tiếng nói mới và lan tỏa đến bạn bè quốc tế. Phim Ròm đã làm được điều đó, và điện ảnh Việt cũng cần những tiếng nói độc lập mang lại sự khác biệt, một nét riêng khi ra tranh tài với thế giới.
Có thể lấy lý do kiểm duyệt nhằm mục đích kiểm soát những nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch… nhưng tin rằng sẽ chẳng có nhà làm phim nào lại hồn nhiên cố tình vi phạm những điều cấm cơ bản ấy, và cũng sẽ chẳng có LHP nào chấp nhận tôn vinh những bộ phim cổ xúy những điều trái chuẩn mực đạo đức để phải lăn tăn chuyện kiểm duyệt, cấp phép. Đừng để kiểm duyệt trở thành rào cản cô đơn, tồn tại để ngăn bước tiến của những sáng tạo nghệ thuật.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.