Bài 4: Rạp Quốc Thanh của Dạ Lý Hương

08/12/2018 - 12:25

PNO - Các nghệ sĩ cải lương luôn dành cho Quốc Thanh một sự trân trọng, suốt thời gian tồn tại, rạp hát này đã từ chối rất nhiều lời mời chuyển đổi thành rạp chiếu phim, ưu tiên “dành đất sống” cho cải lương.

 

100 năm cải lương -  Ký ức một thuở vàng son

100 năm hình thành và phát triển, cải lương đã trải qua những thăng trầm - từng bước lên ngôi cao vinh quang, đánh bại cuộc xâm lấn của điện ảnh từ Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ; từng chịu cảnh eo sèo. Đứng ở cột mốc 100 năm, nhìn lại, có những tên gọi mà khi nhắc đến là như đi vào khu vườn ký ức với nhiều cảm xúc đan xen, lẫn lộn.

Bài 1: Rạp Hưng Đạo: đại bản doanh của Thanh Minh - Thanh Nga

Bài 2: Olympic quanh năm sáng đèn

Bài 3: Rạp Nguyễn Văn Hảo - những dấu son trong ký ức người Sài Gòn

Ra đời sau rạp Hưng Đạo không lâu, rạp Quốc Thanh gắn liền với đoàn cải lương Dạ Lý Hương khi ở đỉnh vinh quang lẫn khi sang bên kia dốc. Các nghệ sĩ cải lương luôn dành cho Quốc Thanh một sự trân trọng đặc biệt, bởi suốt thời gian tồn tại, rạp hát này đã từ chối rất nhiều lời mời hấp dẫn - chuyển đổi thành rạp chiếu phim - để ưu tiên “dành đất sống” cho cải lương.

Chủ rạp Quốc Thanh là bà Tiêu Thị Mai, người gốc Bạc Liêu, nên dù lớn lên ở Tây Ninh, bà Mai vẫn có tình yêu đặc biệt đối với cải lương. Xây dựng rạp Quốc Thanh với 1.000 chỗ ngồi, sân khấu đại vĩ tuyến và hệ thống máy lạnh hiện đại nhất thời bấy giờ, bà Mai đã thuyết phục được bầu Xuân đưa đoàn Dạ Lý Hương về diễn thường trực tại đây.

Bai 4: Rap Quoc Thanh cua Da Ly Huong
Những nghệ sĩ trên sân khấu Dạ Lý Hương thời kỳ đầu

Nhắc về đoàn Dạ Lý Hương, các nghệ sĩ có chung nhận xét: “Thập niên 1960, cải lương Sài Gòn chỉ có Dạ Lý Hương mới so sánh được với Thanh Minh - Thanh Nga. Từng có thời gian, Dạ Lý Hương không có đối thủ về số lượng tuồng tích. Ra tuồng nhiều, nhưng Dạ Lý Hương cũng chọn rất kỹ, nghệ sĩ tập luyện nghiêm túc, bài bản.

Khác với nhiều bầu gánh thời bấy giờ, bầu Xuân sống chan hòa, gần gũi mọi người, không phân biệt họ là nghệ sĩ tên tuổi, diễn viên mới vào nghề hay công nhân, hậu đài. Nhưng trong công việc, ông lại rất khắt khe. Tập tuồng không được đi trễ. Diễn cương, nói thêm lời ngoài kịch bản, bị khán giả phản ứng, sẽ phải bồi thường danh dự thương mại cho bảng hiệu”.

Nghề làm bầu đến với ông Xuân như định mệnh. Là chủ hãng giấy Kiss Me và kinh doanh ngành xây dựng, nhưng mê cải lương, ông Xuân có nhiều bằng hữu là những soạn giả nổi tiếng. Họ đã xui ông mua lại xác một gánh hát cũ và làm bầu. Bầu Xuân đã đầu tư rất mạnh cho Dạ Lý Hương. Ông mời các đào kép nổi danh như Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thành Được, Ngọc Giàu, Trang Bích Liễu… và những soạn giả giỏi như Hà Triều, Hoa Phượng, Thiếu Linh, Viễn Châu… về đoàn.

Bai 4: Rap Quoc Thanh cua Da Ly Huong
Tuyệt tình ca - một trong những tuồng cải lương nổi tiếng của đoàn Dạ Lý Hương

Ông còn thành lập một ê-kíp cùng ông đảm đương gánh hát. Tuồng tích của Dạ Lý Hương mang đậm hơi thở xã hội, với những câu chuyện gần gũi tâm lý, tình cảm của công chúng. Nỗi buồn con gái, Cho trọn cuộc tình, Tuyệt tình ca (Ông cò quận 9), Se cát Biển Đông, Lệnh của bà, Lấy chồng xứ lạ, Con ma nhà họ Hứa… đều thu hút khán giả.

Đỉnh cao của Dạ Lý Hương và Quốc Thanh vào khoảng năm 1966, khi nghệ sĩ Hùng Cường về đoàn và kết hợp với cô đào Bạch Tuyết - sự kết hợp được ví như “cơn sóng thần”, có sức hút đặc biệt với công chúng. Các xuất hát không còn chỗ trống, thậm chí một ngày hát hai xuất, khán giả vẫn cứ nghẹt cứng. Nhiều nghệ sĩ kể, thời đó, bầu Xuân phải dùng cả bao bố để đựng tiền bán vé. Bạch Tuyết - Hùng Cường đã đưa Dạ Lý Hương thành đoàn hát không đối thủ ở Sài Gòn.

Năm 1968, cải lương Sài Gòn rơi vào cảnh cực kỳ khó khăn, nhờ vốn mạnh, bầu Xuân vẫn giữ được thương hiệu và duy trì các xuất hát. Cũng ở giai đoạn này, trước sức tấn công của phim kiếm hiệp Hồng Kông, nhiều rạp hát bắt đầu sửa chữa hoặc cho thuê làm rạp chiếu phim, riêng Quốc Thanh vẫn “chung thủy” với cải lương. Nhiều đoàn hát giải tán, một mình Dạ Lý Hương không thể đảm đương các xuất hát liên tục ở Quốc Thanh, bà Tiêu Thị Mai đã bỏ tiền lập gánh hát để giữ cho Quốc Thanh trụ vững.

Ban đầu là Tiếng hát dân Việt, rồi đến Thái Dương. Từ gánh hát đầu tiên, Thái Dương phát triển thành 3 đoàn: Thái Dương 1, 2, 3 với hàng trăm diễn viên; luân phiên biểu diễn ở Quốc Thanh và chia nhau đi lưu diễn miền Tây, miền Trung. Chưa kịp thực hiện ý định lập tiếp Thái Dương 4, bà Tiêu thị Mai bị cướp giết. Ba đoàn Thái Dương tan rã.

Cũng trong năm này, Bạch Tuyết - Hùng Cường rời Dạ Lý Hương để lập đoàn cải lương Bạch Tuyết - Hùng Cường. Các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Thanh Hải, Dũng Thanh Lâm… cũng chuyển sang đoàn hát khác khi hết hợp đồng với bầu Xuân.

Bai 4: Rap Quoc Thanh cua Da Ly Huong
Tuồng Đời cô Lẻ trên sân khấu Thái Dương năm 1971

Không còn nghệ sĩ tên tuổi, Dạ Lý Hương phải mời thêm nghệ sĩ tăng cường. Nghệ sĩ Thanh Nga cũng về hát cho Dạ Lý Hương và có mặt ở xuất hát cuối cùng vào tháng 10/1974. Không rõ vô tình hay hữu ý, đêm đó, bầu Xuân cho hát tuồng Người thua cuộc của soạn giả Nguyên Thảo. Cả khán phòng Quốc Thanh chỉ có chừng 300 khán giả. Sau xuất hát, nghệ sĩ Thanh Nga từ chối nhận thù lao, để bầu Xuân có chi phí cho các công nhân, hậu đài…

Sau năm 1975, bầu Xuân lập lại bảng hiệu Dạ Lý Hương, nhưng không thành công. Ông về chùa Nghệ Sĩ (Nhựt Quang Tự), cùng với NSND Phùng Há quản lý, trông coi ngôi chùa, mộ phần của các nghệ sĩ và tham gia hoạt động từ thiện do NSND Phùng Há khởi xướng.

Năm nay đã hơn 80 tuổi, bầu Xuân là ông bầu cuối cùng trong số các bầu show nổi tiếng của thập niên 1960 vẫn còn sống; nhưng gần đây, ông rất yếu, nói chuyện khó khăn, lúc nhớ lúc quên. Ký ức về thời vàng son của Dạ Lý Hương cũng chẳng còn bao nhiêu. Ông chỉ nhớ mình từng có gánh hát với cả trăm nghệ sĩ, nhân viên; diễn ở Quốc Thanh hay ở đâu, đoàn hát của ông cũng được khán giả mến mộ. Có người không mua được vé, đứng chờ mãi, trông cho người gác cửa chịu nhận tiền, cho vô, xếp cho cái ghế xúp gần sân khấu để ngắm thần tượng.

Bai 4: Rap Quoc Thanh cua Da Ly Huong
Cinestar Quốc Thanh buổi tối đầy sắc màu và nhộn nhịp

Bầu Xuân giờ không còn đủ sức đi từ Gò Vấp ra trung tâm thành phố để nhìn lại rạp Quốc Thanh - nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của ông. Không biết, nếu trở lại đó, ông sẽ vui hay buồn? Quốc Thanh giờ vẫn nhộn nhịp, buổi tối đầy sắc màu rực rỡ. Có điều, ở đó không còn ai hát cải lương. Quốc Thanh giờ đã trở thành một trong những cụm rạp chiếu phim hiện đại, tiện nghi của Cinestar.

Bà Tiêu Thị Mai mất từ năm 1971, nhưng cho đến thập niên 1990, Quốc Thanh vẫn là địa chỉ quen thuộc của khán giả và các đoàn cải lương. Cho đến khi cải lương vắng khách, các đoàn đóng cửa, chỉ còn duy nhất đoàn Trần Hữu Trang thì Quốc Thanh được ông bầu Phước Sang thuê làm điểm diễn kịch, sau đổi thành trung tâm tiệc cưới, rồi thành rạp chiếu phim. Thánh đường Quốc Thanh của cải lương đã mất. 

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI