Văn hóa gia đình không đến từ những con số đẹp

17/07/2020 - 07:14

PNO - Theo bà Đỗ Thị Trúc Mai - Phó chủ tịch UBND quận 4 - UBND quận xác định, tỷ lệ gia đình văn hóa nếu đúng thực chất, chỉ cần từ 65-70% là tuyệt vời rồi, đừng hy vọng 95% hay 100%.

Ngày 16/7, tại quận 4, Thường trực HĐND TPHCM và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã khởi đầu chương trình giám sát kết quả triển khai một số nội dung chủ đề của “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” trên địa bàn TPHCM.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong cộng đồng, xây dựng gia đình văn hóa và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa là ba nội dung mà đoàn giám sát quan tâm.

Bà Đỗ Thị Trúc Mai chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền  xây dựng văn hóa gia đình tại Q.4 với đoàn giám sát  chiều 16/7 - Ảnh: Quốc Ngọc
Bà Đỗ Thị Trúc Mai chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền xây dựng văn hóa gia đình tại quận 4 với đoàn giám sát chiều 16/7 - Ảnh: Quốc Ngọc

Chỉ cần 65-70% là tuyệt vời rồi

Trả lời các câu hỏi của thành viên đoàn giám sát, bà Đỗ Thị Trúc Mai - Phó chủ tịch UBND quận 4 - nêu quan điểm, muốn xây dựng đời sống văn hóa, phải có con người văn hóa; để xây dựng được con người văn hóa, phải có gia đình văn hóa.

“Vậy chất lượng hiện thế nào? Xin thưa, quận 4 hiện đang là một trong những quận có tỷ lệ gia đình văn hóa thấp nhất TPHCM. Chúng tôi đã từng báo cáo lý do: quận đòi hỏi về chất lượng cao với các tiêu chí không có hoặc cao hơn tiêu chí chung” - bà Mai nói.

Theo bà Mai, UBND quận xác định, tỷ lệ gia đình văn hóa nếu đúng thực chất, chỉ cần từ 65-70% là tuyệt vời rồi, đừng hy vọng 95% hay 100%: “Việc xây dựng gia đình văn hóa phải đi từng bước, phải chấp nhận con số đầu tiên (có thể thấp), để đạt được kết quả tốt hơn. Còn cứ “ừ” với nhau ở tỷ lệ cao thì đến lúc nào đó, chúng ta không theo kịp, không xử lý kịp các vấn đề xảy ra trong xã hội”.

Bà Mai cho biết, UBND quận 4 xác định, tập trung vào con người và xây dựng các mối quan hệ ứng xử khi thực hiện chủ đề của năm 2020 là “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.

Trước đây, khi làm chuyên đề xây dựng gia đình văn hóa, UBND quận 4 thường đọc báo cáo đề dẫn, sau đó mỗi ngành, mỗi đơn vị lên đọc báo cáo đã làm gì. Bây giờ, theo bà Mai, quận không quan tâm nhiều đến việc người quản lý làm gì nữa. Cán bộ quản lý đã dự quá nhiều hội nghị rồi, nghe quán triệt nhiều rồi, nên chính quyền muốn chọn người dân là đối tượng để tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi bằng cách đổi mới hình thức, đa dạng cách làm.

Thẳng thắn nhìn vào các vấn nạn gia đình

Bà Mai nêu cách làm: “UBND quận chọn những hộ dân ở khu dân cư tham dự cùng với mình. Thông qua sự phối hợp với Hội LHPN quận, lắng nghe hội viên nói về vai trò của mình trong gia đình, hay phối hợp với Đoàn Thanh niên, lắng nghe về kỹ năng, sự chia sẻ của con cái với cha mẹ”.

Từ việc lắng nghe chia sẻ của các thành viên trong gia đình, lãnh đạo quận nhận thấy, còn rất nhiều vấn đề trong mỗi gia đình.

Bà Mai dẫn chứng: “Rất hiếm khi con cái nói chuyện, tâm sự, chia sẻ với cha mẹ. Vợ chồng cũng vậy. Bao nhiêu gia đình có được bữa cơm chung, hay ai về trước ăn trước, ai về sau ăn sau? Có khi ăn chung nhưng mỗi người một cái điện thoại rồi mạnh ai nấy lướt. Có ai nói chuyện với ai không? Khi trong gia đình không còn sự sẻ chia nữa, con trẻ tìm đến bạn bè. Mà đồng trang lứa thì các em suy nghĩ giống nhau. Hệ quả là nếu lệch lạc thì không ai định hướng”.

Ông Tăng Hữu Phong - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM - ủng hộ quan điểm nếu làm tốt việc xây dựng gia đình văn hóa, ứng xử văn hóa trong cộng đồng sẽ cải thiện rất nhiều. Nếu quận chú trọng điều này thì nên làm ngày càng hiệu quả hơn.

Bà Mai cho hay, quận đã phân tích tất cả các vấn đề của gia đình rồi tổ chức các hội nghị cho từng đối tượng khác nhau. Trong các hội nghị đó, tự các thành viên trong gia đình nói lên suy nghĩ của mình về gia đình, tự họ sẽ thấy được vấn đề của gia đình mình. Những buổi này tác động vào suy nghĩ, giúp từng thành viên hiểu về gia đình hơn và từ đó tự chuyển đổi hành vi.

"Tôi thấy người dân rất quan tâm lắng nghe về vấn đề của gia đình. Thậm chí, họ hăng hái phát biểu hoặc lắng lòng cảm nhận các vấn đề của gia đình mình" - bà Mai nói. 

Sau quận 4, HĐND TPHCM và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM sẽ phối hợp giám sát tại quận 8, quận 11, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao, Trung tâm Văn hóa TPHCM và UBND TPHCM, thời gian giám sát dự kiến từ ngày 16/7 - 20/8, nhằm đánh giá hiệu quả triển khai, thực hiện một số nội dung chủ đề năm 2020 tại TPHCM, kịp thời ghi nhận những cách làm, kinh nghiệm hay, đồng thời phát hiện những thiếu sót, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện ở các cấp, kiến nghị những giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn cho chính quyền các cấp. 

Quốc Ngọc

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI