Văn hóa đọc về đâu?

22/04/2013 - 00:55

PNO - PN - Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của việc đọc sách, Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2013 với chủ đề Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời đã được tổ chức vào ngày 20/4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Van hoa doc ve dau?
Giới trẻ đọc sách tại Hội sách 2013 - Ảnh: HOÀNG YẾN

Phát biểu tại buổi họp báo về ngày hội này, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL) cho biết, theo kết quả thống kê mà Bộ nhận được, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm. Tỷ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn/người/năm. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ đọc sách của người Việt Nam vẫn còn thấp.

Cụ thể hơn, khảo sát năm 2011 của ông Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng dự án "Sách hóa nông thôn", cho biết số lượng sách đọc của nông dân là 0. Với trẻ em, các trường vùng thuần nông, các em đọc 0,2 - 0,8 cuốn/năm (ngoài sách giáo khoa); ở thị trấn, con số này là năm cuốn/năm.

Tuy nhiên, đó chỉ là những con số tham khảo. Khó có thống kê hay điều tra xã hội học bao quát nào có thể dẫn đến kết luận đáng tin rằng văn hóa đọc của người Việt hiện đi lên hay đi xuống.

Có một thực tế đáng buồn và đáng lo ngại là những đối tượng cần phải đọc nhất - học sinh, sinh viên, người đang trong độ tuổi công tác, và đặc biệt là người đang đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo các cấp, ở mọi lĩnh vực lại là những người ít đọc sách nhất.

Không có gì ngạc nhiên! Bởi học sinh, sinh viên thì bận học tối mắt tối mũi; cán bộ, công nhân viên sau tám giờ cống hiến cho công việc về lại xoay như chong chóng với những mối bận tâm của đời sống; lãnh đạo các cấp thì họp hành triền miên, đến lĩnh vực mình quản lý còn chưa cập nhật hết, thời gian đâu mà quan tâm đến sách?

Những ai than phiền văn hóa đọc hiện đi xuống có lẽ phải biết chấp nhận thực tế này. Đó là sự phát triển đúng quy luật của xã hội hiện nay khi văn hóa nghe nhìn đang lên ngôi.

Văn hóa nghe nhìn lôi cuốn mạnh hơn văn hóa đọc, nhất là với xã hội đang phát triển như ở Việt Nam, nơi người dân mới chỉ dừng ở nhu cầu trang bị thông tin và giải trí nhiều hơn nhu cầu bồi dưỡng tri thức.

Làm sao để nâng tầm văn hóa đọc Việt Nam? Giải quyết vấn đề này không đơn giản, bởi nó là hệ quả tất yếu của sự phát triển xã hội. Cố điều chỉnh duy ý chí cũng chỉ có thể thay đổi được một phần nào đó. Muốn triệt để, chúng ta nên khuyến khích và tạo thói quen đọc sách cho trẻ em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là con đường mà những quốc gia tiên tiến và có một nền giáo dục mạnh xây dựng nền văn hóa đọc cho mình.

Chỉ làm vậy văn hóa đọc của người Việt mới có thể đi lên được. Nhưng ngày đó chắc còn lâu lắm, khi mà giáo dục ở ta cứ cải cách liên miên theo hướng nhồi nhét kiến thức hơn đào tạo kỹ năng sống cho con người.

Với một nền giáo dục như thế, không thể trách được vì sao dân ta thờ ơ với việc đọc sách. Chuyện buồn, nhưng đó là cái bệnh chưa biết đến bao giờ mới có thuốc chữa.

M. I. N. H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI