PNO - PN - Chưa có sự điều tra một cách hệ thống để nhận diện chính xác về thực trạng đọc sách ở Việt Nam trong thời đại số, cũng như để có thể kết luận văn hóa đọc hiện đang đi lên, dừng lại, hay đi xuống, nhưng với những...
edf40wrjww2tblPage:Content
Cuối tháng trước, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2014, Cục Xuất bản công bố mức hưởng thụ sách bình quân của người Việt chỉ đạt 3,2 bản/người. Con số này không chỉ thấp so với các quốc gia phát triển, mà so với chính chúng ta năm trước (3,4 bản/người) lại tụt 0,2. Số tựa và số bản in còn giảm nhiều hơn, với các mức lần lượt là 3,8 và 7%.
Đó là chưa kể, trong 3,2 bản sách kia, chiếm phần lớn lại là sách giáo khoa dành cho các cấp học, bắt buộc phải mua, các loại sách còn lại, thích mới mua, chẳng đáng bao nhiêu. Ông Phạm Minh Thuận, Tổng giám đốc Công ty Phát hành sách TP.HCM cho biết, tỷ lệ sách giáo khoa hiện chỉ đạt khoảng 30% số đầu sách nhưng chiếm đến 70% số lượng sách, ngược lại, sách văn hóa chiếm đến 70% số tựa chỉ đạt 30% số bản sách.
Ngay cả con số 20 triệu bản sách được bày bán tại Hội sách TP.HCM lần VIII vừa qua cũng mang tính... tượng trưng, thực tế ban tổ chức không đưa ra được thống kê khách hàng đã mua bao nhiêu bản sách, loại sách gì trong số đó. Danh mục 10 tác phẩm bán chạy tại sự kiện có thể cho biết đôi chút thông tin, nhưng lại làm bối rối nhiều người vì ngoài vài tên tuổi quen thuộc, bỗng chen vào bốn tác giả trẻ mà chất lượng tác phẩm còn nhiều điều đáng bàn.
Giám đốc một NXB cho biết, theo quan sát của ông, số lượng các loại sách bói toán, phong thủy đã được bày bán nhiều hơn trước và cho đó là tình trạng “đáng phải suy nghĩ”. Nếu kể thêm tình trạng sách ngôn tình, yêu đương nhập ngoại lẫn nội địa nội dung ủy mị rẻ tiền; truyện ma, kinh dị câu khách tầm phào, đang tràn lan các chiếu sách vỉa hè, bày thành khu riêng trong những nhà sách lớn, thì câu chuyện văn hóa đọc càng thêm màu u ám. Chưa hết, những tác phẩm đoạt các giải thưởng hằng năm chỉ in một - hai ngàn bản vẫn không mấy người mua, nhiều đầu sách kinh điển, chất lượng phát hành vài ngàn bản bán mãi chẳng vơi bao nhiêu…
Người đọc trẻ vây quanh một tác giả trẻ như hâm mộ ngôi sao giải trí - Ảnh: V.T.
Văn hóa đọc “lâm bệnh”, trong khi ngày nay người ta có nhiều cơ hội để tiếp cận, lựa chọn và đọc sách hơn trước rất nhiều. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ cho rằng, sách đối với nhiều người hiện nay không phải là mặt hàng thiết yếu, “người ta không thể nhịn mua thực phẩm, hàng hóa khác nhưng lại sẵn sàng nhịn mua sách”.
TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ trong một hội thảo về văn hóa đọc, đã nhận xét, thứ dễ tìm thấy trong nhiều gia đình khá giả ở các đô thị là tủ rượu bề thế chứ không phải tủ sách, giới trẻ thì thích ngồi đồng chơi game, phụ nữ thích dán mắt vào ti vi xem phim bộ, đàn ông ưa cụng ly... hơn là đọc sách. Người Việt chỉ đọc sách khi cần tra cứu, tìm kiếm một tư liệu gì đó, hoặc nghe giới thiệu một cuốn sách mới, chứ đọc sách như một thói quen, một nhu cầu tự thân thì chưa.
Nhưng ít đọc sách chưa phải là thảm họa so với những biểu hiện về thị hiếu đọc hiện nay. Thử liếc qua liệt kê những cuốn sách đem ra đổi và những tựa cần nhận lại của các thành viên trẻ trên một diễn đàn sách có tiếng, như: Tơ đồng rỏ máu, Người yêu cũ có người yêu mới, Đôrêmon, Gintama, Trạng Quỷnh, Nếu như được làm lại, Khi cà chớn gặp cà chua, Cát tường mùa hạ và anh, Thất dạ tuyết… Hầu hết trong số này là những tác phẩm ngôn tình, tản văn triết lý vụn, manga Nhật, truyện kinh dị...
Sang một chủ đề khác là “kể tên sách mà bạn mới mua”, tình hình cũng không khá hơn mấy. Vẫn những dòng sách yêu đương lãng mạn rỗng hoặc truyện kinh dị chiếm số lượng áp đảo: Lòng dạ đàn bà, Chân ngắn sao phải xoắn, Nếu được yêu như thế, Tha thứ cho anh, yêu em!... Không lạ khi những đơn vị cung cấp dạng sách này, cùng các cuộc giao lưu, ký tặng với tác giả mà họ tổ chức, luôn là địa chỉ thu hút độc giả “teen”. Cũng thật lạ khi tuổi trẻ năng động hôm nay lại thích đọc những loại sách đậm màu diễm tình, sến sẩm tưởng đã thuộc về một thời xa vắng.
Tại nhiều bảng xếp hạng sách bán chạy trong tuần, hàng tháng và cả hàng quý của các công ty sách, các đơn vị bán sách trực tuyến, sự góp mặt của dòng sách này là thường xuyên và dày đặc. Bà Trịnh Bích Ngân, Phó giám đốc NXB Văn hóa - văn nghệ cho biết, đơn vị bà từng từ chối nhiều tác phẩm thiếu chất văn chương của các cây bút trẻ, nhưng chúng vẫn tìm được đường xuất hiện trên thị trường: “Một số đầu sách chúng tôi từ chối thì được xuất bản ở nơi khác, được lăng xê vài chục ngàn bản, dù đó không phải văn chương, chỉ là loại sách chiều theo thị hiếu”.
Nếu không có nhiều sách chất lượng để tìm đọc thì chuyện ít đọc lại hóa ra hay. Song với một lượng đáng kể sách hay ra mắt hằng tháng trên thị trường xuất bản trăm hoa đua nở như hiện nay, việc có quá nhiều người chỉ mua những cuốn sách giải trí, hoa hòe, son phấn tầm thường, lại là điều đáng lo. Câu chuyện văn hóa đọc không nằm ở chỗ đọc ít hay đọc nhiều nữa, mà là chọn gì, đọc gì. Sách cũng là một loại hàng hóa, nên cũng có hàng tốt - xấu, thật - giả, quyền lựa chọn nằm trong tay người mua. Đã có những đơn vị làm sách đàng hoàng thì cũng cần những người đọc tỉnh táo. Khi đó mới có thể mong sách rác bớt đi.
Võ Tiến
Bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh - Giám đốc NXB Văn hóa văn nghệ:
Trách nhiệm thuộc về nhà xuất bản
Không nên nói thị hiếu người đọc đi xuống, chỉ là thị trường sách hiện nay đang có xu thế nặng về tính giải trí. Nguồn sách này mang về lợi nhuận cao nên thu hút các đơn vị làm sách là điều tất yếu. Nhưng cũng phải nhìn nhận cho rõ, thị trường sách biến thiên theo thị hiếu của độc giả và chúng ta phải chấp nhận điều đó. Mỗi NXB đều có tiêu chí riêng, không tách rời với dòng sách được cho là thị trường nhưng không phải đơn vị nào cũng lao theo nó. Tôi cho rằng sách best-seller từ đơn vị làm sách, NXB không phải là kết quả chung nhất phản ánh thị hiếu độc giả.
Điều tôi lo ngại nhất hiện nay là giới trẻ ngày càng không thích đọc thơ, văn. Sách dành cho tuổi teen bây giờ cũng thả nổi không có định hướng. Tôi đọc qua những cuốn sách của các tác giả trẻ, thấy đó cũng chỉ là những chia sẻ bâng quơ, thoáng qua. Người đọc có thể tìm thấy cảm xúc trong đó nhưng những cuốn sách như vậy rất khó để lại giá trị lâu dài. Các tác giả là những nghệ sĩ trẻ, có lượng khán giả hâm mộ nhất định, nên viết sách càng có lợi thế về bạn đọc.
Suy cho cùng, trách nhiệm về văn hóa đọc vẫn thuộc về NXB và truyền thông. NXB làm ra những quyển sách hay thì phải biết đưa sách đến với người đọc. Truyền thông cũng góp phần quan trọng trong việc định hướng. Nếu cứ để người đọc trẻ tìm đến những tác phẩm văn chương dễ dãi thì sau này họ sẽ khó tiếp cận được với những tác phẩm văn học có giá trị.