Lần đầu tiên Ngày Sách và Văn hóa đọc cấp quốc gia được tổ chức. Hàng trăm sự kiện lớn nhỏ, offline/online cùng diễn ra trên phạm vi cả nước. Sau đại dịch, văn hóa đọc một lần nữa được lan tỏa với quy mô lớn, trên mọi phương diện.
|
Ngày Sách và Văn hóa đọc lần 1-2022 được tổ chức tại đường đi bộ Nguyễn Huệ |
Cả nước vào hội đọc sách
Lần đầu tiên, nhân dịp kỷ niệm Ngày Sách và bản quyền thế giới, Ngày sách Việt Nam 21/4, các hoạt động tôn vinh sách và văn hóa đọc được đồng loạt tổ chức với quy mô lớn trên phạm vi cả nước. Khai mạc sớm nhất là Hội sách chủ đề Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc tại Phố sách Hà Nội (diễn ra từ 15-23/4). Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng UBND TP. Hà Nội phát động phong trào đọc sách, tổ chức cuộc thi tìm đại sứ văn hóa đọc...
Hoạt động khuyến đọc còn được tổ chức theo hình thức đặc biệt thú vị tại Hội sách trực tuyến Quốc gia 2022: cuộc thi tìm 100 nhà thông thái khắp Việt Nam (tổ chức trên sàn book365.vn, từ nay đến hết ngày 20/5). Sách không chỉ được tôn vinh bằng những không gian triển lãm, trưng bày hay tọa đàm theo chủ đề mà bạn đọc cũng được dẫn lối để có thể tương tác, lan tỏa tích cực nhất những giá trị của sách và văn hóa đọc.
Tại TPHCM, đường đi bộ Nguyễn Huệ trở thành không gian ngày hội đọc sách của người dân thành phố từ ngày 19-24/4. Bên cạnh các gian hàng sách, không gian trưng bày mô hình văn hóa đọc đồng loạt giới thiệu các tủ sách: tủ sách doanh nghiệp, tủ sách dòng họ, tủ sách cộng đồng…
Tại Đường sách TPHCM có tủ sách cho con, tủ sách giới hạn, tủ sách Nobel và các xuất bản phẩm đặc biệt. Gần như mọi nguồn lực, giá trị từ các đơn vị làm sách, xuất bản đều đã được tổng huy động cho chuỗi hoạt động tôn vinh sách và văn hóa đọc lần này. TP. Thủ Đức cùng hàng loạt quận, huyện cũng hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 1-2022 bằng rất nhiều hoạt động: diễu hành, tổ chức sân chơi thi đọc/viết cảm nhận về sách cho thanh thiếu nhi; trưng bày, giới thiệu sách hay trong hệ thống thư viện, trường học…
|
Nhiều hoạt động tôn vinh sách và văn hóa đọc được tổ chức tại Đường sách TPHCM |
Nếu những năm trước, Ngày hội Văn hóa đọc chỉ được tổ chức trong khuôn khổ một ngày thì năm nay chuỗi hoạt động tôn vinh sách kéo dài suốt một tuần, tiếp cận mọi đối tượng độc giả. Song song với các sự kiện offline, sự song hành của hội sách/các sự kiện online càng làm tăng thêm sự cộng hưởng cho ngày hội đọc sách của cả nước.
Sau hai năm đại dịch, sự trở lại của Ngày hội Sách và Văn hóa đọc với quy mô lớn lần này không chỉ có ý nghĩa tiếp tục góp phần lan tỏa, tôn vinh văn hóa đọc mà còn là sự khích lệ lớn cho ngành sách, những tổ chức/cá nhân vẫn âm thầm nỗ lực đưa sách hay đến bạn đọc khắp mọi miền đất nước trong thời gian khó khăn vừa qua.
Văn hóa đọc sau đại dịch
Tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, không gian Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 1-2022 được thiết kế với diện mạo vô cùng sinh động và hiện đại. Không chỉ có sách giấy, bạn đọc còn được trải nghiệm sách nói/ebook/sách 3D thực tế ảo, trải nghiệm tương tác sách nói với AI…Theo thống kê số lượt người dùng cũng như doanh thu từ VoizFM và Fonos - hai nền tảng sách nói phổ biến hiện nay - có thể thấy sau đại dịch đã có một sự chuyển dịch của “văn hóa nghe sách”.
|
Không chỉ có sách giấy, audio books/ebook/sách tương tác thực tế ảo... cũng được chú trọng giới thiệu tại Ngày Sách và Văn hóa đọc |
Bà Thái Minh Châu, Giám đốc kinh doanh nền tảng sách nói Fonos cho biết, hiện tại có rất nhiều tác phẩm được bạn đọc đề nghị làm audio books, phòng thu của Fonos gần như làm việc hết công suất mỗi ngày.
Thông qua các hoạt động tại Ngày Sách và Văn hóa đọc lần này, có thể thấy audio books và sách tương tác thực tế ảo đã góp phần quan trọng đối với việc phát triển văn hóa đọc. Việc phát triển văn hóa đọc thành các sản phẩm văn hóa nghệ thuật đại chúng cũng đang là vấn đề được quan tâm.
Sau đại dịch COVID-19, ngành sách đã thích nghi với tình hình mới và tận dụng hiệu quả các phương thức online để kết nối độc giả, lan tỏa các giá trị sách. Trong dịp tôn vinh sách và văn hóa đọc lần này, không chỉ có các sự kiện offline mà rất nhiều sự kiện online hữu ích, có ý nghĩa cũng được tổ chức liên tục.
Sự kết nối xuyên không gian, không giới hạn thời gian đã đưa sách đến gần và sâu rộng hơn với bạn đọc khắp cả nước. Các hội sách offline cho bạn đọc đô thị cơ hội tiếp cận nhiều đầu sách hay, giá rẻ còn hội sách trực tuyến phục vụ hơn 60% đối tượng bạn đọc từ các tỉnh thành, vùng sâu vùng xa. Các sự kiện offline chỉ thu hút một số lượng người tham dự tại chỗ nhưng thông qua online, có thể có đến hàng trăm, hàng ngàn người được tiếp cận.
Văn hóa đọc sau đại dịch chuyển dịch theo xu hướng chuyển đổi số của ngành xuất bản cùng với sự tham gia ngày càng tích cực, năng động của các công ty công nghệ. WEWE, VOOC (Umbalena) và Soundio là 3 công ty công nghệ chính thức tham gia Ngày hội Sách và Văn hóa đọc lần này (cùng 12 nhà xuất bản/công ty sách).
“Thế giới hậu COVID” đã kết nối người làm sách - bạn đọc, sản phẩm sách - công chúng theo nhiều phương thức, gắn kết và chia sẻ nhiều hơn. Nhu cầu của bạn đọc, những điều công chúng mong muốn, cảm nhận về sách, về văn hóa đọc cũng được chia sẻ/tương tác thường xuyên hơn thông qua mạng xã hội và các chương trình giao lưu trực tuyến.
Lan tỏa niềm vui đọc sách cho trẻ nhỏ Chủ đề và đối tượng hướng đến trong nhiều buổi trò chuyện, tọa đàm về sách trong tuần lễ kỷ niệm và tôn vinh văn hóa đọc là đọc sách trong gia đình, phụ huynh và các bạn đọc nhỏ tuổi. Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 1-2022, Zenbooks tổ chức tọa đàm chủ đề Giao lưu về việc thấu hiểu và kết nối với trẻ nhỏ qua sách, Phương Nam Books có chương trình dạy trẻ phát triển não bộ toàn diện thông qua sách. Nhân dịp ra mắt đợt sách đầu tiên của dự án Tủ sách đời người, Omega Plus Books tổ chức buổi trò chuyện với phụ huynh về việc lựa chọn sách hay cho con. Nhiều workshop tại Liên hoan kể chuyện cho trẻ em lần 1-2022 cũng dành cho phụ huynh và giáo viên, hướng dẫn cách đọc sách hiệu quả cho trẻ nhỏ… |
Song Giang