Văn hóa đọc 16 năm không đạt nổi chỉ tiêu

01/07/2020 - 13:51

PNO - Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản năm 2004 có đặt ra chỉ tiêu: “Phấn đấu đến năm 2010 đạt mức 6 đầu sách/người/năm”. Đến nay, đã 16 năm trôi qua, văn hóa đọc vẫn lẹt đẹt, ì ạch giấc mơ khai trí.

Lý do ở cộng đồng đọc sách?

Tại cuộc tọa đàm ”Các giải pháp phối hợp đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc cho học sinh trong nhà trường và tại Đường sách TP.HCM” được tổ chức mới đây, Cục Xuất bản cho hay, vẫn dừng lại bình quân khoảng một đầu sách/người/năm (trừ sách giáo khoa, giáo trình phục vụ học tập chiếm 80% số lượng bản in hằng năm). Ba năm qua vẫn là con số này. Như vậy, sau khoảng thời gian nỗ lực phát triển văn hóa đọc, theo đánh giá của ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM - mọi thứ vẫn gần như “giậm chân tại chỗ”. 

Học sinh - sinh viên ít chịu đọc hay phương thức phát triển văn học đọc chưa phù hợp? Ảnh: Diễm Mi
Học sinh - sinh viên ít chịu đọc hay phương thức phát triển văn học đọc chưa phù hợp? Ảnh: Diễm Mi

Một số liệu tham khảo đặt trong tương quan với các nước Đông Nam Á: Việt Nam xuất bản gần 30.000 tựa, doanh thu đạt khoảng 180 triệu USD/năm; Malaysia 17.000 tựa, doanh thu 300 triệu USD/năm (trong khi dân số chỉ bằng 1/3 Việt Nam); Thái Lan xuất bản 6.750 tựa, doanh thu 650 triệu USD/năm. Có thể thấy, số lượng xuất bản phẩm tại Việt Nam nhiều nhưng sức mua rất kém. “Sức đọc của người Việt quá thấp nên bức tranh về thị trường tiêu thụ sách cũng không sáng sủa gì. Một đầu sách ở nước ta in lần đầu trung bình 1.000 - 3.000 bản mà chưa chắc một, hai năm có thể bán hết. Hiệu quả về kinh tế xuất bản ở Việt Nam có thể nói là cực thấp” - ông Lê Hoàng nhìn nhận.  

Khi thị trường sách phát triển về lượng, xuất bản phẩm đa dạng, nhiều tựa sách được đầu tư làm sách đẹp/bản đặc biệt được bán với giá thành rất cao vẫn ”best seller”, nhiều ý kiến trong giới làm sách nhận định, thị trường sách Việt đang phát triển khả quan. Số liệu năm 2014: 368 triệu bản in; năm 2019: 441 triệu bản in. Nhưng như thế không đồng nghĩa với việc văn hóa đọc phát triển như kỳ vọng. Ông Hoàng cho rằng lý do chính không thuộc về xuất bản phẩm nhiều hay ít, mà ở khía cạnh “cộng đồng người đọc sách”. 

Ở Indonesia, Bộ Giáo dục quy định thời gian đọc sách cho học sinh 15 phút/ngày, trước giờ học chính thức. Malaysia ước tính trong 300 triệu USD ngân sách sẽ dành 100 triệu USD đầu tư cho sách đọc trong nhà trường. Nước Nhật còn luật hóa việc đọc sách (qua bốn bộ luật: Chấn hưng văn hóa đọc, Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em, Luật Thư viện và Luật Thư viện trường học), ngoài ra có quy định tiết đọc sách trong nhà trường. Chính những điều này đã góp phần hình thành thói quen đọc từ nhỏ cho trẻ. Một khi phát triển tốt văn hóa đọc thì hiệu quả kinh tế xuất bản cao. 

Trong khi đó, ở ta, chỉ mới manh nha thực hiện thí điểm mở tiết học đọc sách ở một số trường học quốc tế. Còn chính thức triển khai được tiết đọc sách trong khung giờ học chính thức tại các trường hay không, cần đến quyết định của Bộ Giáo Dục và Đào tạo. 

Ở nhiều quốc gia phát triển, xuất bản đã trở thành một ngành công nghiệp. Nhưng tại Việt Nam, nói theo một chuyên gia trong ngành sách thì “ngành xuất bản Việt Nam hoạt động trong thị trường rất khó khăn, mức tiêu thụ sách quá nhỏ, số lượng sách tồn kho mỗi năm là vô cùng nhiều. Nhà xuất bản ngụp lặn trong sự lỗ vốn và đời sống của người làm xuất bản còn nhiều khó khăn, rủi ro”. Kinh tế xuất bản nhỏ giọt thì làm sao bàn được đến chuyện lớn lao hơn là công nghiệp văn hóa xuất bản. 

Cần thiết có quy định pháp luật?

Một khảo sát bỏ túi về thói quen đọc với nhân viên văn phòng và sinh viên (từ 20-30 tuổi) được chia sẻ: 70% cho biết chỉ học chứ không đọc tham khảo thêm, 12% đọc sách, truyện ngoài chuyên môn, 80% không đọc sách một năm qua, 98% không đọc sách một tuần qua. Kết quả này chỉ mang tính tham khảo, vẫn rất cần một điều tra xã hội học toàn diện về văn hóa đọc mới biết được lý do, từ đó có những phương án/giải pháp cụ thể để phát triển văn hóa đọc theo chiều sâu, phù hợp với từng vùng/các tỉnh thành. 

Quyết định 329 ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu chung: “Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên...”. Có thể thấy, Nhà nước khuyến khích nhưng chưa cụ thể hóa thành chủ trương, giải pháp thiết thực để trở thành cơ chế chính sách phát triển văn hóa đọc. Lâu nay vẫn là nỗ lực từ Hội Xuất bản Việt Nam cùng các đơn vị, tổ chức, cá nhân. 

“Cần thiết phải có những quy định pháp luật, có những hành lang pháp lý từ Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mới có những thuận lợi cơ bản cho việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường” - Phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Phát triển văn hóa đọc và kỹ năng sống Hướng Dương Việt mong đợi. Một ý kiến khác cần được để tâm ở tầm vĩ mô: có tiết đọc sách thôi chưa đủ mà phải đổi mới cách dạy và học, đổi mới nội dung giáo dục thì mới có sự phát triển căn cơ. 

Vấn đề “xúc tiến thị trường” cũng được lãnh đạo Hội xuất bản đặt ra cho các nhà xuất bản. Đưa sách đến đúng đối tượng, quảng bá sách theo chiều rộng lẫn chiều sâu vào các nhà máy, doanh nghiệp, trường học… “Sách nên có giá thành phù hợp với sức mua của học sinh, để cơ hội sách đến với các em được nhiều hơn mà doanh thu các đơn vị vẫn cao; hơn là định giá sách cao nhưng số lượng bán ra lại ít” - ý kiến của bà Hoàng Thị Thu Hiền (cựu giáo viên ngữ văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM), Trưởng dự án Sách hay dành cho học sinh tiểu học.

Những năm qua, nhiều đơn vị làm sách cũng đã tổ chức hội sách mini, giao lưu quảng bá sách tại trường học. Tuy nhiên, theo nhận định của bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Hội Thư viện - Tư liệu và Thông tin khoa học TP.HCM, nhiều hoạt động không đạt kết quả khả quan do chỉ tập trung việc bán sách, hoặc đưa sách cũ/sách giảm giá theo kiểu “xả kho” không phù hợp; phụ huynh không biết để mua sách cho con...  

Phát triển văn hóa đọc là một câu chuyện rất cũ, nhưng sau một thời gian dài như vậy mà mọi thứ vẫn “giậm chân tại chỗ” thì cần phải xem lại. Phương thức thực hiện chưa phù hợp, hay chưa thật sự được coi trọng và xem đó cũng là mục tiêu hàng đầu của một “quốc gia phát triển” để có chiến lược cần thiết, quyết liệt? 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI