“Văn hóa đổ lỗi” tiếp tay cho quấy rối tình dục

23/04/2024 - 06:08

PNO - Là người tiên phong ở Việt Nam nghiên cứu về quấy rối tình dục (QRTD) và công khai việc mình từng bị QRTD nhiều lần trong đời, tiến sĩ Khuất Thu Hồng - nhà sáng lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - khẳng định: “Khi QRTD lại trở thành một nét văn hóa thì rất khó để thay đổi và càng khó hơn khi người ta không muốn thay đổi”.

Phóng viên: Thưa bà, vì sao nạn nhân của QRTD nơi làm việc vẫn hiếm khi lên tiếng dù họ là người đã trưởng thành và Việt Nam đã có điều luật, nghị định, có bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc?

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng: Im lặng là lựa chọn của hầu hết nạn nhân của QRTD bởi ngay lúc đó, họ thường tê liệt phản ứng do sợ hãi hoặc bối rối, xấu hổ, lo ngại nhiều người biết, sợ mất việc, sợ bị hiểu lầm, sợ mang tiếng, sợ hôn nhân hay tình yêu đổ vỡ... Trong nhiều tình huống, nạn nhân còn sợ cả những người không quấy rối, đặc biệt là những người cùng giới. Sự nghi ngờ, đổ lỗi, lên án, cô lập là điều mà các nạn nhân sợ nhất. Khi vụ việc vỡ lở hoặc khi bị tố cáo, những kẻ quấy rối thường chối bay chối biến. Họ thường nói mình không cố ý, mình bị hiểu lầm…

Trên thực tế, thủ phạm luôn đánh tráo khái niệm, dẫn dắt theo hướng hành vi QRTD là “sự quý mến”, “sự quan tâm” dành cho nạn nhân. Có kẻ còn biện bạch rằng “vì cô ấy quá hấp dẫn” hay “tôi không kiềm chế được tình cảm của mình vì cô ấy quá duyên dáng”. Trong các nghiên cứu của tôi, câu thành ngữ Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu được những người tham gia khảo sát trích dẫn rất nhiều lần để giải thích cho hành vi QRTD. Hầu hết nạn nhân của QRTD, tấn công tình dục, kể cả cưỡng hiếp thường khó có hoặc lưu giữ bằng chứng.

* Hình như theo cách gọi của bà, đổ lỗi là yếu tố hậu thuẫn cho “văn hóa bịt miệng”?

- Đúng, vì nói ra, chưa chắc vụ việc sẽ được xử lý thỏa đáng, nhưng nạn nhân lại phải nhận ngay những lời buộc tội “không có lửa sao có khói”, “ai bảo ăn mặc hớ hênh, khêu gợi”, “ai biểu lả lơi, đàn đúm”, hoặc “ngu cho chết, con gái phải liệu mà giữ thân”… Định kiến hẹp hòi còn vu cho nạn nhân chính là chủ thể mồi chài, cốt để đánh bóng tên tuổi hoặc “ế mà cứ ảo tưởng”. Định kiến từ trong gia đình sẽ lấy đi điểm tựa của nạn nhân ngay khi họ cần nhất sự an ủi, động viên.

Đổ lỗi cho nạn nhân là bóp chết công lý từ trong trứng nước. Đổ lỗi còn nghiêm trọng hơn chính tội ác mà nạn nhân đã trải qua. Đổ lỗi khiến cho cái ác nhởn nhơ, đắc chí và ít nhiều tác động đến công tác điều tra, xét xử.

Tôi đã bị cảm giác sợ hãi, tủi hổ, tức giận, ghê sợ, phẫn nộ… giày vò, ám ảnh dai dẳng sau mỗi lần bị QRTD, tấn công tình dục. Mãi sau này, khi đã nghiên cứu về chủ đề này, đã dày dạn hơn với cuộc đời, tôi mới hiểu là mình không có lỗi và thôi tự trách móc.

* Để có sự thay đổi tích cực, chúng ta cần làm gì, thưa bà?

- Nạn nhân (đa số là nữ giới) có thể bị đồng nghiệp, sếp, khách hàng, đối tác và cả những người không quen biết quấy rối, ở văn phòng, công sở, nhà máy, bãi gửi xe, nhà vệ sinh công cộng… Họ có thể bị trêu ghẹo, tán tỉnh, sàm sỡ, sờ soạng, thậm chí tấn công tình dục, bị đồng nghiệp ganh ghét, bạn đời ngờ vực, ghen tuông, cha mẹ mắng mỏ, chất vấn. Do vậy, không ít người đã tự nhủ “sống để bụng, chết mang theo”.

Để có sự thay đổi, mỗi người cần nâng cao nhận thức về những cách ứng xử đúng mực, cách tôn trọng người khác, ranh giới của các mối quan hệ, đặc biệt là sự đồng thuận. Mỗi người cũng cần biết cách tự bảo vệ và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết. Các cơ quan, doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 về phòng, chống QRTD ở nơi làm việc bằng cách tổ chức truyền thông về chủ đề này cho người lao động, xây dựng và ban hành các quy định về phòng, chống QRTD và quy trình xử lý các vụ QRTD, bố trí nhân sự giải quyết các khiếu nại về QRTD.

Nếu không muốn giúp, đồng hành được, những người có liên quan đừng gây thêm đau khổ cho nạn nhân. Thay đổi phải bắt đầu từ rào cản nặng nề nhất trong tiến trình kiến tạo môi trường làm việc và sinh sống lành mạnh, đó là ngưng đổ lỗi cho nạn nhân.

Sự đổ lỗi khiến nhiều người nghĩ rằng, chỉ có những người “không đứng đắn”, hoặc “xui xẻo” mới bị quấy rối, xâm hại, còn mình cứ ăn mặc kín đáo, phong cách đoan chính, giao tiếp chừng mực thì sẽ không bao giờ gặp “dê xồm”, “yêu râu xanh”. Đó là suy nghĩ sai lầm. Thực tế là, lứa tuổi nào, giới tính nào, vị trí nào, ngành nghề nào cũng có thể bị QRTD. Ngừng đổ lỗi sẽ giúp nạn nhân có thêm dũng khí để đi tìm công lý. Công lý ấy là cho tất cả chúng ta trong hiện tại và tương lai.

* Xin cảm ơn bà.

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

Có quy định nhưng còn thiếu giải pháp khả thi

Đã có điều luật quy định về QRTD nhưng điều khó vận dụng là chưa có cách nhận diện, mô tả hành vi cụ thể và giải pháp cũng đang bị bỏ ngỏ. Theo điều 84, Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về hành vi QRTD tại nơi làm việc, QRTD gồm những hành vi mang tính thể chất, hành vi bằng lời nói, hành vi phi lời.

Theo khoản 3, điều 11, Nghị định 12/2022/NĐ-CP và điểm d, khoản 2, điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, người có hành vi QRTD ở nơi làm việc nhưng chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền 15-30 triệu đồng; người lao động bị QRTD có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước. Còn theo điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị phạt tù tới 5 năm.

Thực tế, như tôi đã nói, pháp luật Việt Nam chưa có quy định và hướng dẫn chi tiết để xác định hành vi QRTD, chưa hướng dẫn cách thu thập bằng chứng đối với hành vi QRTD, chưa có quy trình can thiệp, hỗ trợ người bị QRTD, chưa có quy định về thẩm quyền xử lý đối với hành vi này.

Tôi nghĩ rằng, bất kỳ ai cũng nên có thái độ đúng mực và dứt khoát từ khi đồng nghiệp, cấp trên bắt đầu có hành động va chạm nhẹ nhưng không phải vô ý, nhằm chặn đứng những suy nghĩ lệch lạc của họ. Khi xác định mình đang bị QRTD thì nên trao đổi thẳng với họ về những hành động khiếm nhã và yêu cầu dừng lại.

Nên chia sẻ với gia đình về trường hợp này để nhận được sự giúp đỡ trong trường hợp bị tấn công nhiều hơn. Việc trao đổi với đồng nghiệp thân thiết, tin cậy là cần thiết để tinh thần được tốt hơn và nhận được sự giúp đỡ trong quá trình thu thập chứng cứ cho hành vi của người QRTD. Điều này sẽ có hiệu quả và tác dụng khi trình báo việc bị QRTD với lãnh đạo công ty.

Lựa chọn im lặng do sợ hãi, xấu hổ không phải là giải pháp tốt bởi nó chỉ càng đẩy bản thân vào tình huống tồi tệ và tiếp tay cho hành vi QRTD càng tràn lan. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, các tổ chức bảo vệ người lao động là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa tình trạng QRTD.

Luật sư Võ Thị Anh Loan

(Công ty Luật Gold Key, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI