Các bộ phim của Ghibli mang lại cảm giác mới mẻ nhưng vẫn quen thuộc với khán giả thế giới với những câu chuyện lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa dân gian, văn học thiếu nhi và bối cảnh đời thực ở nhiều nơi trên thế giới. Và lẽ đương nhiên, văn hóa dân gian Nhật Bản có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong các bộ phim Ghibli.
Những con diệc ở thế giới khác ( Cậu bé và con diệc - 2023)
Con diệc biết nói với ngoại hình đáng sợ và giọng nói ám ảnh là nhân vật chính, là chất xúc tác cho mọi sự đổi thay trong bộ phim. Hình ảnh mơ hồ về diệc xám này không quá xa lạ ở Nhật Bản. Các tác giả nổi tiếng của Nhật Bản như Sei Shonagon (tác giả The Pillow Book ) và Murasaki Shikibu (tác giả The Tale of Genji ) ghi lại những quan điểm trái chiều về diệc xám. Sei Shonagon viết rằng diệc xám có vẻ ngoài khó ưa, trong khi Murasaki Shikibu lại mô tả vẻ đẹp của chúng.
|
Hình ảnh con diệc trong văn hoá Nhật Bản |
Văn hóa dân gian Nhật Bản liên kết diệc xám với một hiện tượng gọi là aosagibi (diệc xám lửa). Người ta cho rằng, khi một con diệc xám đủ lớn, lông của nó trở nên óng ánh và nó có khả năng thở ra những quả cầu lửa. Aosagibi được cho là đáng sợ nhưng không nguy hiểm.
Người cá truyền thống ( Ponyo , 2008)
Hayao Miyazaki từng chia sẻ Ponyo có một phần được dựa trên Nàng tiên cá của Hans Christian Anderson. Tuy nhiên, nét vẽ nhân vật Ponyo lại gợi lên hình ảnh người cá trong dân gian Nhật Bản.
Có nhiều tên gọi khác nhau: ningyo (cá người) và Himeuo (cá công chúa), nàng tiên cá của Nhật Bản thường được miêu tả là loài cá có khuôn mặt phụ nữ. Tùy thuộc vào truyền thuyết của từngvùng miền, những sinh vật này có thể là bất cứ thứ gì, từ điềm xấu, đến phước lành hoặc vị cứu tinh. Thậm chí, đôi khi đóng nhiều vai trò trong cùng một câu chuyện.
|
Nhân vật của Ponyo gợi lên hình ảnh người cá truyền thống của Nhật Bản. |
Cơ thể cá và khuôn mặt giống con người của Ponyo gần giống người cá Nhật Bản hơn là nàng tiên cá của Anderson. Giống như những người người cá trong các câu chuyện dân gian, Ponyo có khả năng siêu năng lực.
Trẻ em và thế giới linh hồn (My Neighbor Totoro - 1988)
Cả người lớn và trẻ em trong phim My Neighbor Totoro (Hàng xóm của tôi là Totoro) đều tin vào thần thánh và thế giới bên kia, nhưng hai chị em Satsuki và Mei lại có rất nhiều cuộc gặp gỡ siêu nhiên. Điều này có lẽ do ảnh hưởng văn hóa dân gian Nhật Bản, rằng trẻ em gần gũi với thế giới tâm linh hơn người lớn.
|
Văn hóa dân gian Nhật Bản cho rằng trẻ em gần gũi với thế giới tâm linh hơn người lớn. |
Dân gian Nhật Bản cho rằng cho đến khi lên 7 tuổi, trẻ em vẫn ở trong lãnh địa của các vị thần. Trong phim của Ghibli, Mei nhỏ hơn 7 tuổi và cô là người đầu tiên chạm trán với thần rừng Totoro. Trong khi đó, Satsuki lớn hơn 7 tuổi và mất nhiều thời gian hơn để gặp Totoro. Ngược lại, cha mẹ cô gái không bao giờ chạm trán với thần rừng.
Sức mạnh của ngôn từ (Spirited Away - 2001)
Được viết bằng các ký tự kanji có nghĩa là lời nói và linh hồn, kotodama đề cập đến quan niệm truyền thống của Nhật Bản rằng những lời nói to có sức mạnh ảnh hưởng kỳ diệu đến thế giới xung quanh chúng ta.
|
Quan niệm về kotodama thể hiện trong những điểm chính trong cốt truyện của phim Spirited Away |
Spirited Away (Vùng đất linh hồn) thể hiện kotodama ở một trong những điểm chính của cốt truyện. Khi nhân vật Chihiro ký hợp đồng làm việc cho linh hồn Yubaba, cô buộc phải nghĩ ra một cái tên mới: Sen. Nhưng Chihiro luôn tự nhắc mình rằng cô không được quên tên thật của mình, nếu không cô sẽ bị mắc kẹt mãi mãi ở vị trí là người làm công của Yubaba, không thể quay trở lại cuộc sống bình thường với cha mẹ như trước.
Nguồn gốc của cái ác (Princess Mononoke - 1997)
Phần mở đầu của Princess Mononoke (Công chúa Mononoke) giới thiệu Nago, một vị thần lợn rừng đã biến thành quái vật, hay còn gọi là tatarigami (thần nguyền rủa). Tatarigami trong truyền thuyết có nhiều hình dạng khác nhau. Một số chỉ đơn giản là những thực thể mạnh mẽ mang đến sự hủy diệt, nhưng một số khác lại là những linh hồn bị ngược đãi đang tìm cách báo thù. Nago của Công chúa Mononoke thuộc loại tatarigami thứ hai. Sau khi bị con người phá hủy khu rừng và gây chiến với các linh hồn của thiên nhiên, Nago biến thành một con quái vật khao khát trả thù.
|
Princess Mononoke là một cuộc khám phá liệu sự hủy diệt sẽ sinh ra sự hủy diệt lớn hơn như thế nào. |
Là một tatarigami, Nago gieo rắc lời nguyền hận thù, lời nguyền này sẽ từ từ giết chết nạn nhân của nó hoặc biến họ thành tatarigami. Phác họa Nago theo cách này cho thấy Công chúa Mononoke không phải là cuộc chiến giữa thiện và ác mà là một cuộc khám phá xem sự hủy diệt sẽ dẫn đến sự hủy diệt hơn như thế nào.
Những bóng ma mùa hè (Omoide no Marnie - 2014)
Omoide no Marnie (Hồi ức về Marnie), bộ phim kể về cô bé 12 tuổi Anna trải qua mùa hè cùng họ hàng của gia đình cha mẹ nuôi ở vùng nông thôn Hokkaido. Ngay sau khi đến nơi, Anna bắt đầu nhìn thấy hình ảnh một cô gái sống trong một biệt thự bỏ hoang, nơi người dân thị trấn tin rằng bị ma ám.
|
Ở Nhật Bản, người ta nói rằng rào cản giữa thế giới người sống và người chết mỏng hơn trong mùa hè. |
Tiểu thuyết When Marnie Was There của Joan G. Robinson, tác phẩm truyền cảm hứng cho bộ phim này lấy bối cảnh ở Anh. Khi Ghibli lựa chọn thay đổi bối cảnh sang Nhật Bản đã truyền cho câu chuyện thêm ý nghĩa văn hóa. Truyền thống Nhật Bản cho rằng ranh giới giữa thế giới của người sống và thế giới của người chết mỏng hơn trong mùa hè, khiến các linh hồn có thể quay trở lại. Lý do cho những hình ảnh ma quái của Anna vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng có lẽ nguyên nhân là do thời điểm cô về thăm quê hương.
Nghĩa vụ và lòng biết ơn ( The Cat Returns - 2002)
The cat returns (Loài mèo trả ơn) là câu chuyện nữ sinh trung học Haru cứu một chú mèo khỏi bị ô tô đâm và phát hiện chú mèo này chính là hoàng tử. Để tỏ lòng cảm ơn, hoàng tử mèo đã ngỏ lời cầu hôn Haru.
Cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản tràn ngập lòng biết ơn, thể hiện qua những lời cảm ơn, sự cúi đầu và một số phong tục tặng quà. Tuy nhiên, với rất nhiều người được cảm ơn, làm thế nào để biết liệu họ đang nhận được lòng biết ơn thực sự hay lòng biết ơn đó chỉ là nghĩa vụ, có thể khiến họ gặp rắc rối?
|
Vương quốc Mèo có đem lại cho con người nhiều niềm vui? |
Tựa tiếng Nhật của The Cat Returns là Neko no Ongaeshi cho thấy bộ phim là một hành trình đi tìm câu trả lời cho lòng biết ơn và nghĩa vụ. Tiêu đề này gợi nhớ đến một câu chuyện cổ của Nhật Bản, Tsuru no Ongaeshi (Con sếu trả lại lòng tốt). Chuyện kể rằng có một con sếu thể hiện lòng biết ơn đối với một người đàn ông bằng cách kết hôn với anh ta và dệt những tấm vải đẹp cho anh ta từ chính lông vũ của mình. Có lẽ The Cat Returns là cách Ghibli thể hiện lại tác phẩm kinh điển này dành cho khán giả hiện đại.
Tuấn Huy