San sẻ nguồn nhân lực sáng tạo
Phóng viên: Được biết anh đã hoàn thành bộ “Thạch ong Gấm xà” để chào đón năm Ất Tỵ. Anh có thể giới thiệu về bộ tượng này?
Họa sĩ - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: Năm 2025, rắn không chỉ là linh vật biểu tượng cho sự linh hoạt, trí tuệ mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự sinh sôi, trường thọ, cân bằng trong văn hóa dân gian. Bộ “Thạch ong Gấm xà” gồm 45 bức, được sáng tạo với hình tượng rắn cuộn mình, vươn cao, thể hiện cho sức sống và kỷ nguyên dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Hình tượng rắn được cách điệu hiện đại, cuốn chặt lấy hòn đá ong (đá ong thể hiện giá trị văn hóa và chất liệu truyền thống dân gian).
Bộ tượng không chỉ tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên mà còn thể hiện sự tài hoa trong nghề thủ công truyền thống. Những họa tiết vàng son, đỏ, đen và cánh gián biểu thị của thịnh vượng và may mắn. Các chi tiết vảy rắn được vẽ tỉ mỉ, tựa như dòng chảy liên tục của cuộc sống, gợi cảm giác về sự uyển chuyển, linh hoạt trong mọi tình huống.
Đá ong, với kết cấu chắc chắn và màu sắc ấm áp, tạo nên nền tảng vững chãi, gợi nhớ về sự bền bỉ của con người Việt Nam qua bao thế hệ. Tượng rắn nói chung rất kén khách, bởi rắn thường mang lại cảm giác e sợ với người xem. Vậy nên với bộ sưu tập con giáp lần này tôi đã phải cách điệu với hình tượng vuông vức để giảm sự sợ hãi khi “đối mặt” với loài rắn, tạo cảm giác gần gũi và phù hợp hơn với nội thất hiện đại.
Ước mơ của anh là “Thạch ong Gấm xà” và các sản phẩm sơn mài của mình sẽ là một trong những đại diện của thủ công mỹ nghệ Việt Nam có mặt tại triển lãm tại Paris. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc này?
Sơn mài là một trong những chất liệu hội họa thuần Việt nhất. Nó là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn (sơn ta) thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài. Ngoài chất sơn trên bề mặt, sơn mài còn cần chất keo - dùng công thức có từ nhiều đời xưa. Vì yêu sự thuần Việt, nên những chất liệu đặc trưng như vỏ trứng, vỏ dừa, đá ong, gỗ mít… đều được tôi tận dụng như một nét đặc trưng để đưa vào các sản phẩm thủ công của mình. Chất liệu càng chọn lọc, càng kỳ công trong sáng tác, thì tác phẩm ra đời càng có giá trị cao. Bên cạnh đó, tôi còn đưa vào các tác phẩm của mình những câu chuyện về văn hóa Việt Nam, không đơn giản chỉ là một sản phẩm chứa đựng tinh hoa thẩm mỹ mà còn xen lẫn hồn cốt đất Việt trên từng sản phẩm.
Nghệ thuật điêu khắc sơn mài của tôi là một luồng gió mới. Gần đây, một số tác phẩm của tôi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn đưa những sản phẩm sơn mài đương đại của Việt Nam sang Pháp triển lãm. Tôi hy vọng mình có nhiều cơ hội hơn nữa để đưa sơn mài Sơn Tây đi nhiều nước hơn trên thế giới, để có thể giới thiệu được nghề sơn mài truyền thống cũng như là văn hóa Việt Nam.
Vì sao anh chọn trở về quê hương để sáng tạo, phát triển nghề truyền thống? Trong hành trình đó, quê nhà đã cho anh những gì?
Tôi có thời gian học tập và lập nghiệp tại Hà Nội. Tuy nhiên tôi luôn hoài tưởng về quê hương. Thứ nhất là muốn tri ân cho cho mảnh đất đã sinh ra, nuôi dưỡng mình, cho mình tâm hồn để có thể sáng tạo hơn nữa. Hai là tôi nghĩ rằng cần phải san sẻ bớt nguồn nhân nhân lực sáng tạo. Hà Nội tập trung rất nhiều nhân lực có chuyên môn. Ngược lại ở các vùng quê lại rất thiếu, như ở Sơn Tây rất ít làng nghề, những nghề trong nhóm ngành thủ công mỹ nghệ lại càng ít nên tôi muốn làm bằng khả năng của mình, có thể gây dựng thêm ngành nghề thủ công mỹ nghệ để đóng góp cho quê hương.
Đến giờ này, một phần thành công của tôi nằm ở sự yên bình của làng quê. Về làng, tôi có được sự tĩnh tại, thâm trầm để tư duy lại những ý tưởng mình muốn làm; có được thời gian để tôi đối diện với bản thân hơn. Làng quê yên bình hơn, tĩnh hơn để cho tôi có thể thả hồn vào những tác phẩm mà mình làm ra.
Mỗi sản phẩm đều mang câu chuyện đất nước, con người Việt Nam
Làm thế nào để mỗi người mua có thể hình dung các công đoạn này tạo ra sản phẩm, để hiểu sâu sơn giá trị của sản phẩm được làm từ bàn tay, khối óc của nghệ nhân?
Với sơn mài thì không phải chỉ là bán sản phẩm mà còn phải nâng tầm để thành tác phẩm. Với những sản phẩm - tác phẩm đó phải có những nội dung truyền tải bằng chữ viết, lời nói và hình ảnh lưu lại quá trình làm giúp cho người mua hiểu hơn về sản phẩm, hiểu hơn về tác giả.
Được biết anh mở những lớp dạy nghề sơn mài miễn phí. Anh có thể chia sẻ những điều anh cảm nhận được từ thế hệ trẻ, từ du khách đối với sản phẩm sơn mài của nước ta?
Tôi mở lớp dạy sơn mài miễn phí hơn 10 năm nay. May mắn là lớp học của tôi nằm trên mảnh đất du lịch nên cũng tiếp cận được nhiều du khách, các bạn trẻ ở quanh vùng đến học. Khi mở lớp này tôi cũng rất vui khi mình không chỉ có thể giới thiệu được nghề truyền thống mà còn truyền được cảm hứng cho các bạn trẻ. Có những bạn theo các ngành nghề khác, nhưng khi tiếp xúc với nghề của tôi, các bạn vẫn có động lực để nỗ lực hơn trong công việc.
Nghề truyền thống nào cũng cần có hơi thở hiện đại trong sản phẩm. Vậy cội nguồn văn hóa và hơi thở hiện đại trong các sản phẩm - tác phẩm của Nguyễn Tấn Phát là gì?
Một trong những cách làm việc của tôi, giúp tôi được nhiều người biết đến là tôi luôn muốn sáng tạo không ngừng để cho ra nhiều sản phẩm mới, độc bản, tránh rập khuôn. Tôi không chạy theo lợi nhuận. Sản phẩm của tôi chạy theo một đích đến là những giá trị văn hóa, nhân văn. Nhiều khi có những sản phẩm tôi làm ra chỉ để mang tặng, phục vụ cộng đồng. Nhưng điều đó lại mang giá trị lan tỏa rất tốt cho các sản phẩm của tôi.
Tôi nghĩ rằng, sản phẩm mang lại những giá trị như vậy không chỉ là những sản phẩm của họa sĩ mà cũng nên có sản phẩm của các nghệ nhân, các thợ giỏi ở các làng nghề. Ngoài tạo tính sáng tạo, tính mới về thẩm mỹ; sản phẩm nên chứa đựng những giá trị nhân văn để mang đến nhiều niềm vui cho cuộc sống và tạo nên những động lực tích cực cho mọi người.
Anh có nói đại ý, là mong ước sơn mài Việt Nam sẽ vươn tầm quốc tế. Tầm quốc tế ở đây không phải chỉ là đưa sản phẩm sơn mài của Việt Nam ra thế giới, mà ngay khi du khách đến Việt Nam, nhìn vào sản phẩm đó đã có thể cảm nhận được yếu tố quốc tế rồi?
Tôi luôn luôn muốn sơn mài Việt Nam vươn tầm quốc tế nhiều hơn nữa. Thực tế sơn mài Việt Nam đã có được những dấu ấn mạnh trên thị trường quốc tế rồi, nhưng cần phải vươn mình hơn nữa để tạo dấu ấn, dày dặn hơn. Làm sao để khi khách quốc tế nhìn thấy sản phẩm sơn mài thì họ không chỉ nghĩ đó là một sản phẩm sơn mài Việt Nam mà họ sẽ nghĩ đến một phần văn hóa của Việt Nam, sẽ mường tượng ra rất nhiều câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam.
Cảm ơn anh.