Trong nhiều trường hợp, hành xử của nghệ sĩ còn dưới chuẩn mực văn hóa thông thường.
|
Một tác phẩm nghệ thuật không thể hay hơn hoặc tệ đi chỉ vì những bài bình luận của truyền thông |
Những “ông hoàng”, “bà chúa” không thể thoát vai
Liên hoan cải lương toàn quốc 2018 tại Long An mới đây “hot” chưa từng thấy, bởi những sự vụ gần như chưa có tiền lệ. Một bài báo phê bình khả năng ca diễn của một diễn viên trong vở cải lương thuộc hàng kinh điển, sự lặp lại những mảng miếng của bản dựng cách đây gần 40 năm khiến đạo diễn của vở cho rằng, mình bị chơi xấu nhằm mục đích dìm tác phẩm.
Một “cuộc chiến” trên mạng xã hội nổ ra nhằm hạ uy tín nghệ sĩ được cho là có liên quan đến bài phê bình trên. Một nhóm nghệ sĩ, diễn viên bị cuốn vào sự vụ cũng đăng đàn nói những điều không kiểm chứng hoặc buông những bình luận hằn học, thóa mạ tiền bối, “vuốt” theo cảm xúc và sự giận dữ của người bị phê bình…
Trước thềm liên hoan, người làm nghề bán tín bán nghi về thông tin một đạo diễn nổi tiếng tìm cách “phá bĩnh” đơn vị cải lương địa phương. Nguyên nhân vì vị đạo diễn này và ê-kíp đã bị “hất cẳng” sau nhiều năm làm việc với đơn vị này.
Liên hoan mới qua hơn 1/3 chặng đường, hậu trường râm ran chuyện vở diễn được đánh giá rất cao của một đoàn cải lương địa phương “copy” bản dựng có bản quyền thuộc về nhà hát nổi tiếng. Tác phẩm từng đoạt giải cao ở một liên hoan trước đó, được đạo diễn bê nguyên xi, “bán” cho đơn vị khác. Sự việc chưa ngã ngũ, dư luận lại xôn xao với tin đạo diễn bị tố “phản đòn”, cảnh cáo: “Nếu đơn vị nào có âm mưu đánh rớt giải thưởng của tác phẩm thì tác phẩm của đơn vị đó sẽ phải cùng chung số phận” (?!)
Liên hoan chưa kết thúc, các đơn vị liên tục bị dao động bởi những tin tức được cho là “rò rỉ” từ cuộc họp hội đồng giám khảo (HĐGK). Những tranh luận về giá trị, chủ đề tư tưởng trong các tác phẩm của các thành viên HĐGK được kể lại vanh vách. Tất nhiên, không dưng mà dư luận lại ồn ào, bởi trước mắt là cảnh thành viên HĐGK đi ăn uống cùng đạo diễn, diễn viên, đại diện đơn vị dự thi… Thông tin về những vở diễn có huy chương chính xác đến mức khó tin ngay từ buổi sáng ngày bế mạc.
Đêm gala bế mạc, một đạo diễn có hai vở đoạt huy chương không đến nhận giải. Lý do được nhiều người xác nhận ngay sau đó là “do bị một thành viên HĐGK phản đối gay gắt về giải thưởng cá nhân, nên đạo diễn này… tổn thương, không muốn có mặt”.
Việc rò rỉ thông tin từ thành viên HĐGK càng có cơ sở khi sau liên hoan, một bài viết xuất hiện trên mạng kể chi tiết chuyện “nội bộ” của HĐGK. Lẽ nào những nghệ sĩ được đặt để vào vị trí giám khảo lại không hiểu nguyên tắc làm việc tối thiểu của HĐGK trong các cuộc thi? Đưa thông tin nội bộ ra ngoài đã là điều không nên, chưa kể trong số các thông tin đó có cả những thông tin “nhiễu”, gây hiểu lầm.
Vài cách ứng xử “lạ lùng” của thành viên HĐGK đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của cả hội đồng và làm mất đi sự nghiêm túc cần phải có ở một cuộc thi chuyên nghiệp, dành cho những người làm nghề chuyên nghiệp.
Liên hoan khép lại, diễn viên trẻ thì ngơ ngác trước những thông tin “nhiễu loạn”, nghệ sĩ lớn tuổi, nhiều trải nghiệm hơn thì lắc đầu, thất vọng với những ồn ào không đáng. Khán giả theo dõi cảm xúc, phản ứng của người làm nghề trên mạng xã hội liệu sẽ nghĩ gì về những người làm cải lương, khi chính họ lại đang bêu xấu, hài tội lẫn nhau bằng những lời cay nghiệt và những thông tin chỉ có người trong cuộc mới biết rõ thực hư?
Ở lĩnh vực âm nhạc, sự phản biện lắm lúc cũng rất trời ơi. Cuối tháng Bảy vừa qua, giải thưởng âm nhạc Làn sóng xanh khởi động với format hoàn toàn mới. Tuy nhiên, ngay đêm live show đầu tiên, nhiều người không hiểu vì sao ê-kíp chương trình lại tung một bản mash-up giữa hai nhân vật được xem là “mặt trăng” và “mặt trời” của làng nhạc Việt là nhạc sĩ gạo cội P.Đ.P. và S.T. Chưa kể, ca sĩ còn hát sai lời ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ gạo cội.
Trong bối cảnh nghe - nhìn có nhiều thay đổi, giải thưởng truyền thống này đang mất dần khán giả và phải cạnh tranh với một loạt giải thưởng nhạc số cũng như các game show ca hát (hoặc có yếu tố ca hát), một bài báo đã đặt câu hỏi khi mash-up như vậy, liệu chương trình có mục đích câu view hay không. Kết quả: một số người trong ê-kíp thực hiện chương trình buông những bình luận gay gắt lên Facebook. Nhạc sĩ L.T.T. - tác giả của bản mash-up kia, vốn được xem là người “trầm tĩnh”, cũng không giữ được bình tĩnh, lên tiếng phàn nàn.
Một nữ ca sĩ thuộc hàng danh ca với nửa thế kỷ đứng trên sân khấu, tự hào với “sứ mạng” mang dân ca, cải lương Việt Nam quảng bá ra thế giới, nhưng khi về nước thực hiện show diễn tại Nhạc viện TP.HCM cùng các nghệ sĩ nước ngoài, cô lại… hát sai lời bài Lý chim quyên. Khi bị phê bình, ê-kíp của cô đã cho rằng, người phê bình quá tàn nhẫn với cô, không biết ghi nhận nỗ lực và những thành công cô từng đạt được. Ê-kíp của cô, sau đó, còn tổ chức hẳn một buổi gặp gỡ báo chí để cô thanh minh rằng mình hát sai là do… quá khớp, vì mệt.
Khi “vua” nổi trận lôi đình
|
Lễ bế mạc Liên hoan cải lương toàn quốc 2018 kém vui vì luồng "sóng nhiễu" không đáng có |
Nghệ sĩ luôn nhạy cảm. Vì thế, chuyện khen - chê dẫn đến mất lòng là chuyện dài không hồi kết, đặc biệt ở lĩnh vực phim ảnh. Từ thời mạng xã hội chưa phát triển, làng phim đã lưu truyền cuộc khẩu chiến giữa vị đạo diễn Đ.M.T. với cây bút nữ P.T.V.A. khi chị này chê bộ phim ông làm trị giá 13 tỷ đồng từ tiền Nhà nước. Báo vừa ra, vị đạo diễn có ngay một bài phản bác lại và nêu những điểm hay ở phim mà khán giả và người phê bình kia… không đủ tầm nhận ra.
Thái độ “Chí Phèo” của vị đạo diễn trên lặp lại lần nữa khi bộ phim tiếp theo của ông, cũng do Nhà nước tài trợ với số tiền trên 13 tỷ đồng, ra mắt và quá dở, bị tiến sĩ phê bình Đ.K. chê thẳng thừng. Lập tức, điện thoại của Đ.K. nhận được những tin nhắn chửi bới, thóa mạ, thậm chí còn dọa “xử” từ đạo diễn và họa sĩ của đoàn phim.
Một đạo diễn nổi tiếng khác cũng hay “ăn miếng trả miếng” trên báo là L.H. Vốn là một cây bút sắc sảo, những tưởng vị đạo diễn này sẽ bản lĩnh trước những khen chê phim của mình, nhưng không, cuối năm 2011, khi một bộ phim giải trí của ông ra rạp và bị chê vì có nhiều điểm ngô nghê, phi lý, khiên cưỡng; đạo diễn này bèn lên báo “ném đá” lại, rằng phim bị chê không có nghĩa là dở, những lời chê quá cảm tính, chủ quan, chẳng hiểu gì về phim giải trí… Tóm lại, trong góc nhìn của ông, phim dở là do người xem kém chứ không phải do người làm phim.
V.N.Đ. cũng là một trong những đạo diễn dễ “nộ khí” khi tác phẩm bị chê. Có tờ báo bị anh gạt tên khỏi danh sách mời ra mắt chỉ vì từng có bài chê bộ phim đang “hot” của anh.
Với mạng xã hội, các đạo diễn càng có chỗ để trút giận lên những người không khen phim của mình. Một lần, talk show Những kẻ ít lời bình phẩm không mấy thiện cảm phim mới ra rạp của anh, đạo diễn này lập tức lên Facebook viết trạng thái (status) đáp trả.
Dạo phim Tèo em ra rạp, nhận vô số lời khen chê trái chiều, cặp diễn viên chính của phim cũng đăng tải nhiều status đầy giận dữ với những câu chữ quá khích. Đến khi trả lời phỏng vấn một số báo vẫn bất bình: “Làm phim hành động cũng không được, làm phim hài cũng không được, không biết phải làm phim gì nữa đây”.
Phản ứng của các vị “vua” trường quay kể trên vẫn chưa sốc bằng trường hợp đạo diễn L.Đ.D. tại lễ trao giải Cánh diều vàng năm ngoái. Buổi trao giải còn chưa kết thúc, D. tiến đến khu vực ban giám khảo để giới thiệu bản thân, bộ phim và trịnh trọng tuyên bố xin trả lại bằng khen mà ban giám khảo dành cho phim của mình.
Phản ứng của anh như cái tát vào mặt ban giám khảo với hàm ý phim mình xứng đáng đoạt giải cao hơn chứ không chỉ là bằng khen. Hành xử chưa có tiền lệ của anh đã khiến vị chủ tịch ban giám khảo phim truyện năm đó lên tiếng cảnh báo: “Phải biết khiêm tốn để học hỏi chứ không nên ngạo nghễ một cách không cần thiết”.
Một tác phẩm nghệ thuật khó có thể làm hài lòng tất cả công chúng, kể cả tác phẩm của những nghệ sĩ thiên tài. Thái độ, cách ứng xử khi đón nhận những khen chê của dư luận thể hiện bản lĩnh của nghệ sĩ. Việc nữ diễn viên Sandra Bullock dám đến nhận giải Mâm xôi vàng cho diễn xuất tệ nhất trong phim All about Steve năm 2009 để rồi một ngày sau đó nhận tượng vàng Oscar ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim The blind side chính là minh chứng rõ nhất cho bản lĩnh nghệ sĩ - điều mà rất nhiều người không làm được.
Là người của công chúng - nghệ sĩ, xin đừng quên mình là người làm văn hóa, mang trách nhiệm truyền tải những thông điệp chân - thiện - mỹ đến khán giả. Đừng để cái tôi vĩ đại của cá nhân khiến công chúng thêm ác cảm với showbiz - môi trường vốn đã mang nhiều định kiến. Xin nhớ cho rằng, ở nơi đó còn có rất nhiều nghệ sĩ làm nghề tử tế, với khát khao được thể hiện tài năng, cống hiến và phục vụ.
Nhóm phóng viên