Nhật Bản hiện có hơn 56.000 cửa hàng tiện lợi, trong đó phổ biến nhất là Lawson, FamilyMart và 7-Eleven. Không có tài liệu ghi chép chính xác về cửa hàng tiện lợi đầu tiên ở Nhật Bản nhưng theo ghi nhận, vào năm 1974, cửa hàng 7-Eleven đầu tiên đã được mở ở Tokyo. Trong 2 năm, 7-Eleven đã có 100 cửa hàng và đến năm 1980 là hơn 1.000 cửa hàng.
Mọi người đến cửa hàng tiện lợi để làm gì?
“Konbini” bắt nguồn từ chữ “konbiniensu sutoa”, tức là “convenience store” trong tiếng Anh, được người Việt biết đến với phiên âm “Combini” - cửa hàng tiện lợi kiểu Nhật Bản: mở cửa 24/7, bán các loại thực phẩm và vật dụng cá nhân hằng ngày.
Vào những năm 1970, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc thương mại. Nhiều việc làm mới được tạo ra ở thủ đô và sức mua của người dân Nhật Bản tăng lên. Nhờ konbini, họ có thể mua những sản phẩm tươi ngon một cách nhanh chóng bất cứ lúc nào.
Bữa trưa là khoảng thời gian bận rộn tại các cửa hàng tiện lợi vì ở đây có cung cấp các phần bento (cơm hộp Nhật Bản) nóng hổi với thực đơn phong phú, thay đổi theo mùa. Hầu hết người tiêu dùng đều sẵn sàng trả tiền cho một bữa trưa ngon miệng với nhiều món hơn là tự tay làm bữa trưa tại nhà.
|
Phần bento từ một cửa hàng tiện lợi - Ảnh: Autan |
Đối với Hiroyuki (40 tuổi), konbini là nơi có nguồn thực phẩm lành mạnh. “Tôi thường đi làm về sau nửa đêm và ghé konbini để mua đồ ăn nhẹ ít tinh bột cùng salad tươi. Tôi thực sự không muốn ăn phải thực phẩm không lành mạnh. Vì vậy, tôi chọn konbini” - anh nói.
Với Shigeru (27 tuổi), konbini là một phần thiết yếu trong công việc phụ của anh. Shigeru bán linh kiện máy tính trên Mercari - nền tảng “chợ trời” online, chuyên trao đổi, mua bán đồ cũ tại Nhật Bản - và thông qua konbini để gửi hàng cho người mua của mình.
Konbini là sự lựa chọn hữu ích đối với bà Tetsuko (70 tuổi) sống ở vùng nông thôn của Fukushima. Chính phủ Nhật Bản gọi trường hợp này là “người tị nạn mua sắm” - những người sống ở các khu vực xa trung tâm, thiếu phương tiện công cộng khiến việc mua sắm thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác trở nên khó khăn. “Các siêu thị và cửa hàng ở rất xa và tôi không thể lái xe vào ban đêm” - bà nói. Bà sử dụng konbini gần đó để nhận và gửi bưu kiện, đặt vé và rút tiền mặt.
Nơi mua vé, đóng tiền, rút tiền... 24/7
Các cửa hàng tiện lợi trung bình có khoảng 3.000 sản phẩm. Ngày nay, konbini cạnh tranh bằng sự đổi mới, cung cấp đồ ăn nhẹ mang nhãn hiệu cửa hàng và hợp tác độc quyền, đáp ứng những sở thích khác nhau của người dân.
Ví dụ, 7-Eleven hợp tác với nhà làm bánh người Pháp Pierre Herme để mang đến các món tráng miệng đặc trưng phiên bản giới hạn, chẳng hạn như bánh eclair kết hợp với quả hồ trăn và dâu tây được ra mắt vào tháng 11/2022. Family Mart (thường được gọi tắt là Famima) có món gà rán không xương famichiki được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Lawson có một thương hiệu phụ tên Natural Lawson tập trung vào các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ, không chất bảo quản tổng hợp và nhiều lựa chọn với thực phẩm thuần chay. Trong khi đó, Mini Stop là nơi lý tưởng để thưởng thức món kem mềm, bao gồm các hương vị theo mùa.
|
Có thể đặt vé xem hòa nhạc, vé xem kịch, vé tham quan Universal Studios Japan, Tokyo Disneyland và Disney Sea… bằng máy Loppi của Lawson - Ảnh: Norio Nakayama |
Các konbini còn đầu tư mạnh vào công nghệ. Ví dụ, Lawson trang bị các thiết bị đầu cuối Loppi cho tất cả cửa hàng để đặt vé xem hòa nhạc, vé xem kịch, vé tham quan Universal Studios Japan, Tokyo Disneyland... Sau khi in hóa đơn ở máy Loppi, khách đem ra quầy thanh toán. Famima có máy FamiPort tích hợp mọi dịch vụ (cung cấp thông tin giảm giá, thanh toán phí đậu xe, đặt vé vào cổng các khu vui chơi/vé xem phim…). Tương tự, 7-Eleven cũng đã tích hợp tất cả dịch vụ của họ vào máy photocopy đa chức năng tại mỗi cửa hàng.
Đặc biệt, những máy này cũng được kết nối với các dịch vụ công giúp giải quyết nhiều thủ tục hành chính như giấy chứng nhận đăng ký thuế… Nếu có thẻ MyNumber hỗ trợ NFC, bạn có thể nhận các tài liệu này chỉ bằng một vài thao tác tại các cửa hàng tiện lợi.
7-Eleven cũng đã thành lập ngân hàng 7-Bank với các máy ATM đặt tại cửa hàng giúp người dân dễ dàng rút tiền mặt. Khách hàng cũng có thể rút tiền mặt từ tài khoản các ngân hàng khác với một khoản phí nhỏ.
|
Máy ATM của 7-Bank - Ảnh: Wikimedia |
Chính phủ Nhật Bản đã chỉ định các cửa hàng tiện lợi là trạm hỗ trợ trong trường hợp xảy ra thiên tai. Trong những tình huống như vậy, tối thiểu các cửa hàng tiện lợi sẽ cung cấp nước máy, nhà vệ sinh và giúp đỡ người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng. Konbini cũng quyên góp thực phẩm và đồ tiếp tế cho những nơi trú ẩn khẩn cấp tại địa phương.
Nhiều người nước ngoài mơ ước được chuyển đến đất nước mặt trời mọc để tìm hiểu và khám phá nền văn hóa Nhật Bản. Làm việc trong konbini dường như là bước đầu tiên cho sinh viên hoặc thanh niên không thạo ngôn ngữ này.
|
Nhân viên là hình đại diện được điều khiển từ xa ở cửa hàng Green Lawson - Ảnh: Avita |
Claudia (tên đã thay đổi) - một sinh viên nước ngoài ở tỉnh Chiba, hiện đang làm việc tại một konbini - cho biết: “Tôi làm ca đêm vì ban ngày tôi phải đi học và cũng vì buổi tối được trả lương cao hơn”. Trong 1 ca làm đêm, Claudia kiếm được 11.200 yên (khoảng 80 USD). Ở Chiba, mỗi nhân viên như vậy kiếm được khoảng 1.000 yên/giờ (khoảng 7,1 USD) với bảo hiểm y tế do chính phủ trợ cấp.
Sống xanh và chống lãng phí
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được các konbini thực hiện rất nghiêm túc. Trong khi đó, năm 2022, Lawson đã phối hợp với công ty chế tạo robot Avita mở một cửa hàng tiện lợi đầu tiên ở Tokyo với nhân viên là avatar (hình đại diện). Các avatar trên màn hình được nhân viên điều khiển từ xa và có thể hỗ trợ khách hàng tại quầy thanh toán tự động. Aoi hoặc Sorato là tên gọi của các hình đại diện theo phong cách anime nam và nữ.
Cửa hàng “Green Lawson” ra đời nhằm thúc đẩy lối sống thân thiện với môi trường. Green Lawson không cung cấp túi nhựa, dao nĩa dùng 1 lần hoặc ống hút. Để giảm lãng phí thực phẩm, cửa hàng dự trữ nhiều cơm hộp đông lạnh, có thời hạn sử dụng lâu hơn so với các sản phẩm được bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh.
Chủ tịch Lawson Sadanobu Takemasu cho biết công ty đặt mục tiêu mở 100 cửa hàng như vậy vào năm 2025.
Thụy Ngọc