Vẫn hạnh phúc dù không xe hoa, áo cưới

11/12/2016 - 06:30

PNO - Tình yêu mạnh hơn tất cả, hai người đến với nhau không cưới xin. Thùy Trinh lặng lẽ cùng chồng lên UBND xã đăng ký kết hôn, rồi cùng về trú ngụ trong một căn lều nhỏ.

Chị Lê Thùy Trinh (SN 1977), quê ở Huế, hiện sống tại thôn 2, xã Hòa Thuận, TP.Buôn Ma Thuột, tâm sự: “Mơ ước cả đời của em là được mặc áo cưới, lên xe hoa mà không thành. Vì ngày đó hai gia đình có chút mâu thuẫn, lại quá nghèo, nên hai đứa chỉ đăng ký kết hôn rồi về với nhau. Mới đó mà đã 17 năm”.

Ngày đó là vào những năm cuối thập niên 90, cô thiếu nữ xinh xắn tên Trinh sống cùng gia đình tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Một lần lên Buôn Ma Thuột thăm người dì, cô tập hái cà phê và gặp một “hoàng tử cóc”. Biệt danh này là Trinh đặt cho chồng khi đã lấy nhau, bởi chồng Trinh - anh Văn Công Bé (SN 1976) vừa lùn, vừa đen, chỉ được cái siêng năng, lại khéo ăn nói.

Chị kể: “Anh cũ người nhưng mồm miệng lanh lắm. Tán riết rồi mình đổ lúc nào không hay”. Khi hai người báo với gia đình xin tiến tới hôn nhân thì vấp phải sự phản đối của cả hai bên. Nhà Bé có đến sáu anh chị em, hoàn cảnh khó khăn. Mặc cảm nhà mình nghèo, lại thấy cô dâu tương lai xinh đẹp, nên cha mẹ Bé lo con trai mình với không tới. Nhà gái thì bức xúc vì thấy con mình dại dột chọn gửi thân vào chốn nghèo khổ, sợ mai này không hạnh phúc.

Van hanh phuc du khong xe hoa, ao cuoi
Vợ chồng chị Trinh bên căn nhà nhỏ

Tình yêu mạnh hơn tất cả. Hai người đến với nhau không cưới xin, tức là không có mọi nghi thức mà người con gái nào cũng muốn có một lần trong đời. Thùy Trinh lặng lẽ cùng chồng lên UBND xã đăng ký kết hôn, rồi cùng về trú ngụ trong một căn lều nhỏ. Không ít nước mắt tủi hờn nhưng vì yêu chồng, Trinh cắn răng chịu đựng, hy vọng vào một ngày mai.

Gia đình chồng chia cho mấy sào đất rẫy tận trong rừng, đôi vợ chồng trẻ vào dựng lều, phát rẫy trồng cà phê, tiêu. Anh Bé thương vợ không quen lao động nặng nhọc, nên giành hết mọi việc, chỉ để vợ lo cơm nước. Chị Trinh lo chồng cực nhọc quá sinh bệnh, lăn xả vào phụ chồng. Bữa cơm hàng ngày chỉ có rau rừng, cá khô, nhưng căn lều nhỏ của họ đầy ắp tiếng cười.

Ba năm sau, con trai ra đời, cuộc sống phải thay đổi. Anh chị bán năm sào đất về mua ba sào rẫy gần ông bà nội để con tiện đến trường sau này. Chăm chỉ vài năm, vợ chồng lại gom tiền mua thêm năm sào đất liền kề, lập trang trại trồng cà phê, tiêu.

Đến nay con trai họ đã 14 tuổi, học lớp 9, cả gia đình vẫn sống trong căn nhà nhỏ một phòng chật chội, thiếu thốn đủ thứ. Bữa cơm hàng ngày vẫn nhiều rau, ít cá thịt. Mùa cà phê chín, phải thuê người hái chở về nhà phơi nhờ sân hàng xóm. Anh Bé suốt ngày lăn lưng ngoài rẫy cách nhà hai cây số. Mùa này nhiều thứ đang phải thu hoạch như cà phê, tiêu, lại thêm giống bơ mới là “bơ buýt” trái to bằng chén ăn cơm, giá đến 80.000đ/kg. Không canh giữ, trộm vào một đêm là mất bạc triệu.

Chị Trinh ở nhà lo cơm nước, giặt giũ; sáng chở con đến trường rồi về lo phơi mấy sân cà phê cho kịp nắng. Có khi thằng con nuôi năm tuổi gần đó chạy qua líu lo ăn vạ má Trinh, lại phải dỗ dành. Thằng bé là con một người hàng xóm. Cô gái trẻ lỡ mang thai với người yêu nhưng không đến được với nhau, sinh con xong nhờ vợ chồng chị Trinh nuôi giúp, rồi bỏ xứ đi làm ăn nơi khác.

Chị Trinh vừa nuôi con ruột, vừa chăm con hàng xóm, đã túng lại càng thêm thiếu. Năm thằng nhỏ ba tuổi, má nó đột ngột về xin lại con. Chị chảy nước mắt khi giao lại đứa trẻ đã gắn bó từ nhỏ với mình, vẫn gọi vợ chồng chị là ba Bé, má Trinh.

Có lần, một thanh niên hàng xóm vốn bệnh thần kinh, lên cơn cầm dao đuổi chém mọi người. Chị Trinh vì ôm con trai không chạy kịp, bị chém vỡ đầu gối và rách lưng, phải nằm viện mấy tháng trời. Đau lòng nhất là do tiêm nhiều thuốc đặc trị, bác sĩ khuyên chị không nên sinh con, sợ sẽ bị dị tật.

Anh chị nén nỗi buồn, tập trung lo cho con trai ăn học. Anh Bé mới học tới lớp 2, chị Trinh hơn một chút, được đến… lớp 5; nên có cùng ước mơ con mình sẽ vào đại học, sẽ giỏi hơn cha mẹ. Mơ ước đó phần nào đã được bồi đắp: suốt chín năm liền con trai luôn là học sinh giỏi.

Học xong tiểu học ở xã, năm lớp 6 con trai thi đậu vào trường Phan Chu Trinh trên thành phố. Năm tới vào lớp 10, cậu hứa với ba mẹ sẽ thi vào Trường THPT chuyên Nguyễn Du. Nếu đậ u, con đường lên đại học sẽ rất thuận lợi. Chị Trinh còn muốn con sau này học trường y. Ở vùng cao nguyên này, cuộc sống của bà con còn cực khổ, rất cần đến bác sĩ.

Hỏi ước mơ tương lai của anh là gì, anh Bé vuốt mái tóc cứng và rậm, cười tự tin: “Xong mùa cà phê này, em dành tiền cất nhà mới cho vợ con ở. Thương vợ quá! Lấy chồng gần hai chục năm rồi mà vẫn chui ra chui vô cái nhà nhỏ xíu”. Chị Trinh phản đối: “Đã cực nhiều rồi, cực thêm ít năm nữa có sao đâu. Tập trung lo cho thằng nhỏ đi ông ơi!”.

Chị phân bua, trước kia vợ chồng về với nhau chỉ hai bàn tay trắng, xoong nồi chén đũa không có, chạy từng ký gạo nuôi nhau. Giờ có rẫy, có vườn, có xe máy… là đã toại nguyện rồi; chỉ cần vợ chồng thương yêu, đồng lòng. “Ba năm nữa là kỷ niệm 20 năm ngày cưới! Nếu có điều kiện, anh tổ chức cưới lại, cho em mặc váy cưới một lần đi”, chị nhìn chồng âu yếm nói. Anh Bé gật đầu tức thì.

Ngoài trời mây vần vũ. Cơn mưa này lớn đây. Anh Bé phụ vợ lấy ván ngăn cuối sân cho cà phê khỏi bị nước cuốn, rồi tất tả chạy xe vô rẫy gom mấy bao cà phê mới hái. Chị Trinh hối hả cào cà phê lại, dặn với theo chồng, nếu mưa lớn thì vào lều nghỉ, đừng dầm mưa kẻo bệnh. Nụ cười hạnh phúc, mãn nguyện tươi tắn trên môi người vợ lam lũ.

Phương Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI