Vận dụng cơ chế mới để phát triển vùng Đông Nam Bộ

19/07/2023 - 05:44

PNO - Tại hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, diễn ra ngày 18/7, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp phát triển vùng, trong đó có việc vận dụng các cơ chế mới để thu hút nguồn lực tài chính cho các dự án hạ tầng giao thông quan trọng.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ

Lấy nguồn thu từ quỹ đất để làm đường

Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là cần sớm có quy hoạch vùng. Hội đồng Điều phối vùng phải tính toán sao cho quy hoạch của các địa phương nằm trong tổng thể định hướng quy hoạch vùng, tiểu vùng.

Về chính sách phát triển giao thông, theo ông, Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) cho phép TPHCM áp dụng mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị (mô hình TOD), qua đó, kết nối đô thị, dân cư với giao thông. Vì vậy, có thể áp dụng mô hình TOD cho hệ thống giao thông của vùng, kể cả đường sắt. Với dự án đường Vành Đai 3, tỉnh Bình Dương có thể tận dụng mô hình TOD để phát triển. 

Ông nói: “Nếu làm tốt mô hình TOD thì quỹ đất đô thị sẽ trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách và lấy nguồn thu từ đó để làm đường. Kết nối đô thị, dân cư với giao thông là cách làm hiệu quả mà không phụ thuộc lớn vào ngân sách. Khi TPHCM và các tỉnh trong vùng làm tốt mô hình TOD này, quỹ đất xung quanh các dự án giao thông là nguồn lực rất lớn cho sự phát triển”.

Cũng theo ông Trần Du Lịch, Nghị quyết số  24-NQ/TW ngày 7/10/2022  của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 có nêu vấn đề mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng ở 5 lĩnh vực. Những nội dung nào có thể mở rộng được cho các địa phương trong vùng thì vận dụng Nghị quyết 98 để mở rộng phân cấp, phân quyền trên 5 lĩnh vực cho các địa phương mà không cần nghiên cứu thêm.

Về việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ông Trần Du Lịch cho rằng, cảng này và cảng Cái Mép - Thị Vải nằm đối diện nhau trên sông Thị Vải nên có thể kết hợp thành 1 cửa ngõ quốc tế, không đối chọi, cạnh tranh nhau.

Đề xuất lập quỹ phát triển hạ tầng vùng

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - đề xuất thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng. Quỹ cần được trao quyền huy động nguồn lực từ nhiều nguồn khác nhau, như từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn ODA, vốn đầu tư tư nhân.

Theo ông, Nghị quyết 98 cho phép TPHCM sử dụng ngân sách thành phố cho phát triển dự án vùng và liên vùng. Trước mắt, có thể áp dụng cơ chế này cho vùng Đông Nam Bộ, cụ thể là những tỉnh có hạ tầng giao thông liên vùng kết nối với TPHCM như đường Vành Đai 3, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Đây là những dự án quan trọng, cần tới ngân sách địa phương. 

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ cho rằng, thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số là rất quan trọng. Việc này cần được lồng ghép bằng nhiều hình thức trong quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ.

Cũng theo ông Trương Minh Huy Vũ, mô hình TOD có thể áp dụng cho việc thực hiện tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 kết nối TPHCM với tỉnh Bình Dương. Nghị quyết 98 có nội dung thu hút nhà đầu tư chiến lược với các dự án trên 30.000 tỉ đồng. Có thể áp dụng nội dung này để hình thành trung tâm chuyển đổi xanh về giao thông, trung tâm chuyển đổi số phục vụ logistics của vùng, trung tâm nghiên cứu sáng tạo phục vụ cho việc phát triển giao thông toàn vùng.

Quang cảnh hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ
Quang cảnh hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ

Giải quyết vấn đề giao thông, môi trường, nhà ở 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, lãnh đạo các tỉnh, thành, các thành viên Hội đồng Điều phối vùng cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán và hiệu quả. 

Ông đề nghị, các địa phương sớm hoàn thiện quy hoạch, nhất là TPHCM. Quy hoạch phải có tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, đồng thời phải chỉ ra, phát huy được các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh cũng như hạn chế, hóa giải các khó khăn, tồn tại, thách thức. 

“Đầu tư công cần đúng, trúng, có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư. Cần huy động đa dạng nguồn vốn, như vay các quỹ đầu tư, phát hành trái phiếu”. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: “Hội đồng vùng cần hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính, phải tạo ra của cải vật chất. Đồng thời, hội đồng tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược, giải quyết 3 vấn đề lớn trong những năm tới của vùng, đó là giao thông, môi trường, nhà ở”.

Hội đồng Điều phối vùng phải hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh thành không thuộc thẩm quyền của từng địa phương trong vùng; phát hiện kịp thời các vướng mắc có tính chất liên tỉnh, thành phố. Đặc biệt, các địa phương phải đoàn kết, đồng lòng phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh thành, không thực hiện manh mún, cạnh tranh và hạn chế lẫn nhau.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao các thành viên trong hội đồng khẩn trương đôn đốc, có ý kiến góp ý và hoàn thiện các thủ tục liên quan nhằm sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch liên quan đến vùng, làm cơ sở để điều phối các hoạt động liên kết vùng.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các cơ chế, chính sách đổi mới nhằm phát triển vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách về điều phối, phát triển liên kết vùng; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng, cố gắng hoàn thành trong quý III/2023. 

Thủ tướng thị sát nơi sẽ xây cảng Cần Giờ

Chiều 18/7, đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã đến khảo sát cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ, TPHCM bằng đường thủy. Đây là nơi dự kiến sẽ xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Sau khi nghe các đơn vị báo cáo về dự án, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp với UBND TPHCM và các cơ quan triển khai các bước tiếp theo, hoàn thiện hồ sơ dự án trong tháng 7/2023, trong đó cần nghiên cứu kỹ 3 vấn đề gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để cập nhật vào quy hoạch, làm cơ sở triển khai.

Đề xuất thành lập quỹ, trung tâm, bệnh viện vùng

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - cho hay, trong quá trình phát triển, UBND TPHCM luôn nhận thức rất rõ tầm quan trọng, ý nghĩa và có trách nhiệm trong công tác liên kết vùng. Do đó, trong năm 2023, UBND TPHCM đã tổ chức 5 hội nghị hợp tác giữa TPHCM với một số địa phương.

TPHCM luôn nhất quán quan điểm mở rộng liên kết vùng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước, đồng thời mở rộng không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM, thể hiện vai trò, trách nhiệm “vì cả nước, cùng cả nước”.

Ông đề xuất thành lập quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng; trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng; xây dựng mạng lưới bệnh viện tuyến cuối của vùng; thành lập trung tâm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo vùng hoặc quốc gia; xây dựng trung tâm dữ liệu quy hoạch và kinh tế, xã hội vùng. Ông cũng đề xuất ban hành cơ chế đặc thù vùng, nhất là các cơ chế về TOD, sử dụng ngân sách địa phương đầu tư phát triển vùng.

 Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI