Vận động viên nữ đương đầu với định kiến giới

07/08/2024 - 06:28

PNO - Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết, Olympic Paris 2024 là thế vận hội đầu tiên có số lượng vận động viên nam và nữ bằng nhau. Tuy nhiên, đã có nhiều bình luận định kiến giới nhằm vào các vận động viên nữ.

Rào cản lớn thể thao

Nữ giới đang thống trị các tiêu đề báo chí ở Olympic Paris, với những siêu sao như Simone Biles (thể dục dụng cụ, Mỹ), Summer McIntosh (bơi lội, Canada), Katie Ledecky (bơi lội, Mỹ) phá vỡ kỷ lục và giành được huy chương vàng. Tuy nhiên, họ cũng là mục tiêu của những bình luận phân biệt giới tính từ cả truyền thông lẫn công chúng. Một bình luận viên của kênh Eurosport đã bị đình chỉ vì cho rằng các vận động viên (VĐV) bơi lội nữ “bận đi trang điểm” trước khi lên bục nhận huy chương.

Imane Khelif (trái) đấu với Anna Hamori trong trận tứ kết quyền anh hạng cân 66kg nữ tại Olympic Paris 2024, vào ngày 3/8 tại Paris, Pháp - Nguồn ảnh: AP
Imane Khelif (trái) đấu với Anna Hamori trong trận tứ kết quyền anh hạng cân 66kg nữ tại Olympic Paris 2024, vào ngày 3/8 tại Paris, Pháp - Nguồn ảnh: AP

Đơn vị truyền hình chính thức của thế vận hội đã cảnh báo các nhà quay phim không được quay hoặc đóng khung hình ảnh các VĐV nữ theo cách phân biệt giới tính. Cheri Bradish - phó giáo sư về tiếp thị thể thao tại Đại học Toronto Metropolitan (Canada) - cho biết: “Các VĐV nam thường được tôn vinh, mô tả bằng những tính từ về sức mạnh và khả năng thể thao của họ. Trong khi đó, các VĐV nữ thường bị phân tích về hình thể, tính thẩm mỹ và những khía cạnh nằm ngoài phạm vi thể thao”.

Cụ thể, nam VĐV thường được mô tả là to lớn, mạnh mẽ, thông minh, can đảm và quyết đoán. Ngược lại, nữ thường được miêu tả là mệt mỏi, kiệt sức, thất vọng, hoảng loạn và dễ bị tổn thương.

Øyvind Sandbakk - giáo sư khoa học thể thao tại Đại học Bắc Cực Na Uy ở Tromsø và là giám đốc của Trường Thể thao đỉnh cao Na Uy - tiết lộ, định kiến ​​giới tính là rào cản lớn trong thể thao. Một số môn thể thao có yếu tố “thẩm mỹ” như bơi nghệ thuật bị coi là nữ tính, trong khi các môn võ thuật như quyền anh ít được chấp nhận hơn đối với phụ nữ.

Theo Học viện Y học thể thao Mỹ, sự khác biệt về thành tích thể thao giữa bé gái và bé trai là “tối thiểu” trước tuổi dậy thì nhưng sau đó, khoảng cách này ngày càng tăng lên. Nồng độ hoóc môn testosterone được cho là liên quan đến kích thước và sức mạnh của cơ lớn hơn. Nó cũng có liên quan đến tính cạnh tranh cao hơn ở nam giới. Tuy nhiên, không có mối quan hệ tuyến tính rõ ràng giữa mức testosterone và hiệu suất trong thể thao.

Maggie Mertens - một nhà báo người Úc chuyên về thể thao và giới tính - cho biết: “Trên thực tế, rất nhiều VĐV nam ưu tú có mức testosterone trung bình khá thấp và những phụ nữ có mức testosterone cao, đạt đến phạm vi của nam giới, cũng không thể hiện sức mạnh vượt trội giống như nam”.

Bị chỉ trích vì khác biệt

Những ngày gần đây, Imane Khelif - nữ võ sĩ quyền anh người Algeria - đã trở thành mục tiêu của một trong những câu chuyện gây tranh cãi nhất tại Olympic Paris 2024. Trong trận đấu giữa Imane Khelif và võ sĩ Angela Carini (Ý), Carini đã bỏ cuộc trong nước mắt chỉ sau 46 giây tranh tài và nói rằng: “Điều đó không đúng”. Phần lớn các cuộc thảo luận, chỉ trích xoay quanh vấn đề giới tính của Imane Khelif và được thúc đẩy bởi những tuyên bố không rõ ràng.

Khelif (25 tuổi) được chỉ định là nữ từ khi sinh ra. Cô đã tham gia bộ môn quyền anh từ bé. Ban đầu, cha cô phản đối vì “ông không chấp nhận quyền anh là môn dành cho nữ”. Cô đứng thứ 19 tại giải vô địch quyền anh nữ thế giới năm 2019. Tại Olympic Tokyo 2020, cô bị đánh bại trong trận tứ kết bởi đối thủ đạt Huy chương Vàng Kellie Harrington. Khelif được phép tham gia thi đấu quyền anh nữ tại Paris, dù cô bị loại khỏi giải vô địch quyền anh nữ thế giới năm 2023 vì không đáp ứng được tiêu chí của Hiệp hội Quyền anh quốc tế (IBA). Ủy ban Olympic quốc tế cho biết, quyết định loại Khelif của IBA là “đột ngột” và “tùy tiện”, đồng thời cảnh báo mọi người về các báo cáo “gây hiểu lầm” đang lan truyền trên internet.

Mới đây, IBA đã đưa ra một thông báo, cho biết cả 2 võ sĩ - Khelif và Lin Yu-ting của Đài Loan (Trung Quốc) - đều không được “kiểm tra testosterone” tại Ấn Độ vào năm 2023 nhưng đã “trải qua một cuộc kiểm tra riêng biệt khác”. Dù vậy, IBA từ chối giải thích thêm và cho biết “chi tiết cụ thể của bài kiểm tra được giữ bí mật”.

Sau khi giành chiến thắng trong trận tứ kết tại Olympic 2024 trước đối thủ Luca Anna Hamori của Hungary, Khelif đã bật khóc, tuyên bố trước truyền thông: “Tôi muốn nói với cả thế giới rằng tôi là phụ nữ và tôi sẽ mãi là phụ nữ”.

Một số đối thủ cũ của Khalif cũng xác nhận rằng cô không phải là kẻ gian lận. Nữ võ sĩ Amy Broadhurst từ Ireland - người đã đánh bại Khelif vào năm 2022 tại giải vô địch thế giới nữ ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) - đăng trên mạng xã hội: “Có rất nhiều người nhắn tin cho tôi về Imane Khelif. Tôi nghĩ cô ấy sinh ra là như thế và điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát của cô ấy. Trên thực tế, việc cô ấy từng bị 9 phụ nữ đánh bại trước đây đã nói lên tất cả”.

Nhà hoạt động xã hội người Canada Kissy Duerre nhận định, quan điểm hạn hẹp về phụ nữ cùng sự nam tính hóa phụ nữ da màu trong thể thao thường xuyên xảy ra và cực kỳ có hại cho các VĐV. Các VĐV nữ da màu như Serena Williams (Mỹ), Naomi Osaka (Nhật) và Brittney Griner (Mỹ) đã bị chỉ trích vì “quá nam tính” trong nhiều thập niên, đặc biệt là khi họ giành chiến thắng.

Linh La

(theo AP, Womens Agenda, Yahoo News, CBC, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI