Vận động viên “nhí” trong những “lò khổ luyện” ở Trung Quốc

23/02/2022 - 06:04

PNO - Hàng chục ngàn trẻ em ở Trung Quốc đã phải trải qua các quá trình tuyển dụng khắc nghiệt, và chịu các hình thức kỷ luật nghiêm khắc trong các trung tâm huấn luyện, để đem về vinh quang cho đất nước trong các kỳ Thế vận hội.

Theo nhận định của tờ The New York Post (NYP), với dân số khoảng 1,4 tỷ người, Trung Quốc có một lợi thế nhất định trong việc tuyển chọn các vận động viên sáng giá cho các kỳ thi đấu quốc tế, nhất là khi được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước, cùng với định hướng tuyển mộ vận động viên từ độ tuổi rất trẻ.

Các vận động viên “nhí” phải chịu sự khổ luyện ở các trung tâm đào tạo
Các vận động viên “nhí” phải chịu sự khổ luyện ở các trung tâm đào tạo

Hàng chục ngàn trẻ em ở nước này đã được tuyển mộ vào các chương trình huấn luyện toàn thời gian tại hơn 2.000 trường đào tạo thể dục thể thao thuộc quản lý của nhà nước, trong đó có nhiều em chỉ mới 4 tuổi.

Theo NYP, các bài kiểm tra để tuyển chọn vận động viên cho thấy trẻ em cũng được đưa ra những thử thách khá “khắc nghiệt”, như hít đất, chạy sức bền và đẩy tạ trên ghế, với mục đích ưu tiên chọn sức mạnh và sự chịu đựng hơn là các kỹ năng cụ thể ở giai đoạn đầu.

Những học sinh ưu tú sau đó sẽ được chuyển đến Trung tâm Huấn luyện quốc gia Trung Quốc ở ngoại ô Bắc Kinh, nơi luôn được bảo vệ nghiêm ngặt.

Việc kiểm tra ADN trong quá trình tuyển mộ vận động viên cũng đã được Trung Quốc tiến hành trong 2 năm qua nhằm chọn ra những vận động viên xuất sắc nhất cho các cuộc thi đấu quốc tế. Bộ Khoa học và công nghệ Trung Quốc cho biết, “giải trình tự bộ gen hoàn chỉnh” sẽ được thực hiện trên các vận động viên để kiểm tra “tốc độ, sức bền và sức đột phá”.

Vận động viên trượt băng nghệ thuật vô địch thế giới Jessica Shuran Yu, người sinh ra, lớn lên và được đào tạo ở Trung Quốc, cho biết cô đã phải trải qua nhiều năm tháng khổ luyện tại đây.

“Kỷ luật thể chất đã trở thành văn hóa trong huấn luyện thể thao của đất nước. Việc các vận động viên bị mắng những từ khá nặng lời như “lười biếng”, “chậm phát triển”,  hay “vô dụng” khi bị phạm lỗi cũng khá phổ biến. Có những ngày tôi bị phạt đến cả chục lần”, Yu kể lại và cho biết cô đã phải trải qua những điều này từ năm 11 tuổi.

“Năm 14 tuổi, khi bước vào tuổi dậy thì, tôi bắt đầu gặp khó khăn với những bước nhảy của mình vì bị tăng cân. Khi đó, tôi lại tiếp tục phải chịu các hình phạt thể chất. Điều đáng nói là việc này lại xảy ra trước mặt những vận động viên trượt băng khác trong sân tập, khiến tôi cảm thấy rất xấu hổ”, Yu kể thêm.

Yu cũng cho biết, khi trở thành huấn luyện viên tại một trung tâm đào tạo nổi tiếng ở Bắc Kinh, cô lại chứng kiến các vận động viên trẻ của Trung Quốc tiếp tục chịu các hình thức kỷ luật tương tự.

“Tôi đã thấy một vận động viên trượt băng nghệ thuật nhỏ tuổi bị va chạm trong quá trình tập luyện và bị kéo lê khỏi sân. Có em vì tập luyện quá mức nên bị rách 2 dây chằng, và phải phẫu thuật sau đó.

Tôi thực sự đau lòng khi biết rằng tình trạng này vẫn đang diễn ra. Nhưng nhiều vận động viên và huấn luyện viên tin rằng những hành vi như vậy là cần thiết và bình thường ở Trung Quốc”, Yu chia sẻ.

nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc đã gửi con đến các trường huấn luyện thể thao khắc nghiệt do chính phủ hỗ trợ
Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc gửi con đến các trường huấn luyện thể thao khắc nghiệt do chính phủ hỗ trợ

Theo NYP, nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc đã gửi con đến các trường huấn luyện thể thao khắc nghiệt do chính phủ hỗ trợ, với hy vọng các em sẽ có một sự nghiệp đầy hứa hẹn khi tham dự các kỳ thế vận hội, không quan tâm việc các em có yêu thích môn thể thao mà mình được đào tạo hay không.

Nhiều hình ảnh ghi lại cảnh khổ luyện của các vận động viên “nhí” tại một trường thể dục dụng cụ của Trung Quốc cho thấy phần nào sự chịu đựng của các em. Có thể bắt gặp một bé gái đang khóc nức nở khi bị treo lơ lửng trên xà đơn, trong khi một huấn luyện viên đứng trước mặt em đang cầm một cây gậy.

Một hình ảnh khác cho thấy một hàng học sinh nam, hầu hết đều rơi nước mắt, khi phải ôm xà đơn tại một trung tâm huấn luyện thể dục dụng cụ.

“Các vận động viên Trung Quốc cũng khó lên tiếng. Vì họ sợ sẽ mất vị trí và sự nghiệp sẽ có thể kết thúc. Nhưng với tư cách là một vận động viên Singapore được đào tạo ở Trung Quốc, tôi cảm thấy mình đang ở có một vị trí độc nhất vô nhị nhờ môi trường đào tạo này”, Johannah Doecke - một huấn luyện viên lặn tại Đại học Indiana-Purdue Indianapolis ở Mỹ - giải thích.

Anh cũng cho rằng các nữ vận động viên Trung Quốc thường có thành tích cao là vì họ phải thường xuyên “khuất phục” các huấn luyện viên nam, theo đúng nghĩa đen, trong quá trình tập luyện.

Nhất Nguyên (theo The New York Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI