Vận động viên Lê Hữu Toàn: Từ rẫy cà phê đến đai vô địch boxing châu Á

23/05/2022 - 12:53

PNO - Lớn lên với những rẫy cà phê bạt ngàn, Toàn hiểu những nhọc nhằn của đời làm nông và luôn mang ơn những ngày tháng vất vả đó. Thế nhưng, anh luôn nghĩ: “Cuộc đời mình phải khác đi”.

Bộ môn boxing vừa có thêm tin vui với chiến thắng của Lê Hữu Toàn tại trận tranh đai vô địch châu Á WBA, hạng cân minimum (dưới 48kg). Chàng võ sĩ sinh năm 1993 trải qua 12 hiệp đấu căng thẳng kéo dài hơn 1 tiếng trước đối thủ Kitidech Hirunsuk từ Thái Lan. 

Võ sĩ Hữu Toàn - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Võ sĩ Hữu Toàn - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước trận đấu, Kitidech có đến tám trận đấu chuyên nghiệp toàn thắng, lại có chiều cao và sức bền tốt. Vì thế, đây được xác định là trận đấu “khó nhằn” với Toàn vì vóc dáng anh nhỏ bé hơn. Trong trận đấu, Kitidech liên tục ra đòn có lực mạnh, đánh hiểm hóc, khá “lì” vượt xa sự tưởng tượng của Hữu Toàn. Vì thế, Hữu Toàn phải ứng biến nhanh, gọn, phát huy hết sự khéo léo, cộng với sự bền chí để giành điểm. “Trong suốt trận đấu, có những lúc rất mệt nhưng suy nghĩ “phải thắng, nhất định phải thắng” luôn thường trực trong tôi”, anh nói. Niềm vui vẫn còn đó nhưng với Hữu Toàn, phía trước là những thử thách lớn hơn. 

Từ những rẫy cà phê

Ngay sau đêm giành chiến thắng, Toàn chưa kịp ăn mừng đã vội thu xếp hành lý để đến với giải vô địch boxing các đội mạnh toàn quốc, tổ chức tại Tiền Giang. Anh phải tập luyện liên tục để đảm bảo phong độ thi đấu. Nhưng, những áp lực đó không khiến anh mệt mỏi. Với Toàn, được thi đấu là hạnh phúc.

Hữu Toàn trong trận đấu tranh đai vô địch châu Á vào trung tuần tháng Ba vừa qua - ẢNH: NAM TRUNG
Hữu Toàn trong trận đấu tranh đai vô địch châu Á vào trung tuần tháng Ba vừa qua - Ảnh: Nam Trung

Toàn lớn lên cùng những rẫy cà phê, trong một gia đình đông anh chị em ở Đắk Lắk. Như bao đứa trẻ khác ở vùng quê này, từ nhỏ, Toàn phải ra rẫy phụ cha mẹ. Một ngày của họ bắt đầu từ tờ mờ sáng; luôn chân luôn tay, từ xới gốc, tỉa cành, bón phân, xịt sâu, thu hoạch… Tất cả đều phải dùng sức. Và, những đứa trẻ nơi đây đã sớm quen với nếp đó.

Nhiều trong số chúng lại tiếp bước con đường cha mẹ, ông bà đã đi. Toàn lại khác. Anh kể: “Từ rẫy cà phê mới có tiền để chị em tôi đi học, sinh hoạt. Tôi luôn mang ơn cha mẹ và công việc này. Song, làm nông chỉ đủ ăn, thậm chí mùa nào cà phê rớt giá, lại mắc nợ. Cảnh sống bấp bênh ấy luôn khiến tôi muốn cuộc đời mình phải khác đi”.

Thuở ấy, Toàn không học tốt như nhiều bạn bè. Anh cười bảo dẫu cố gắng nhưng kết quả học tập vẫn nằm trong nhóm gần cuối lớp. Đôi lần, anh cũng hoang mang trước một khoảng trời rộng lớn mà bản thân lại quá nhỏ bé. Năm 2007, Toàn được gia đình cho đăng ký đi học võ để rèn luyện sức khỏe. Chẳng ai ngờ, sự lựa chọn này lại là cơ duyên đưa anh đến với con đường thể thao chuyên nghiệp. Việc học võ giúp Toàn thấy tự tin hơn, không còn là đứa trẻ đầy hoài nghi về bản thân.

Anh bắt đầu nuôi ước mơ làm võ sư. “Tôi thấy thầy rất oai nghiêm, lại được mọi người nể trọng nên muốn một ngày nào đó sẽ được như thầy”, anh nhớ lại. Lúc đó, trở thành vận động viên chuyên nghiệp, thi đấu giải quốc tế… là những chuyện xa vời, vượt ngoài tầm suy nghĩ của đứa trẻ lớn lên từ rẫy cà phê. Toàn cứ đi học một buổi, đi làm rẫy một buổi và dành thêm thời gian học võ. Dù mê võ, anh vẫn theo học cao đẳng ngành khí tượng thủy văn, Trường đại học Tài nguyên - Môi trường. Suy nghĩ của Toàn lúc đó rất đơn giản, rằng ít nhất việc học này cho anh công việc ổn định trong tương lai, giúp gia đình an tâm. Tuy vậy, chỉ một thời gian ngắn sau đó, anh bỏ ngang vì nhìn thấy những cơ hội mới từ võ thuật tại mảnh đất sôi động này. 

Hữu Toàn trong giải Vô địch toàn quốc 2020 - ẢNH: HÒA BÌNH
Hữu Toàn trong giải Vô địch toàn quốc 2020 - Ảnh: Hoà Bình

Con đường khai sáng tương lai

Thời gian đầu, Toàn giấu gia đình chuyện bỏ học bởi anh biết chắc chắn cha mẹ sẽ không ủng hộ, lại thêm lo lắng. Để trang trải cuộc sống, anh xin vào làm công nhân trong một xưởng in, lương 6,5 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải. Thời gian rảnh, anh dồn sức tập võ, đi dạy võ để kiếm thêm thu nhập. Anh có niềm tin đây mới là con đường của mình. 
Mỗi ngày, Toàn tập luyện hai buổi. Hai tiếng buổi sáng anh dành cho thể lực, sức bền còn buổi chiều dành cho kỹ thuật và chiến thuật. Anh bảo tính kỷ luật và sự chăm chỉ là hai yếu tố quan trọng hàng đầu trong quá trình tập luyện khắc nghiệt đó. 

Áp lực lớn nhất với Toàn không phải những cú đấm, cách thức ra đòn, những buổi chạy giữ sức bền… mà chính là việc ép cân, giảm cân. “Đây là áp lực bất kỳ võ sĩ, vận động viên nào cũng gặp, đặc biệt gần thời điểm thi đấu vì chúng tôi thi theo hạng cân. Tôi cao 1m58 nhưng cân nặng hiện tại khoảng 46kg. Thời điểm thi đấu, tôi thường phải ép cơ thể ở mức bình thường xuống đúng hạng cân - khoảng 5 - 6kg. Cơ thể tôi khô hết mức có thể. Tôi ăn ít nhưng đảm bảo đủ dinh dưỡng. Tuy vậy, tôi thường phải tập luyện nặng, không được ăn nhiều khiến cơ thể dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, căng thẳng. Tôi phải thường mặc áo chuyên dành cho vận động viên tập luyện, giúp ra mồ hôi nhiều hơn. Đây là những lúc khó khăn nhất, phải đấu tranh với chính mình để vượt qua những cảm xúc tiêu cực”, anh nói.

Có hai điều thú vị về Hữu Toàn, ngoài boxing. Anh đã đăng ký hiến tạng sau khi mất. Toàn nghiệm ra, một cuộc đời khi kết thúc có thể tiếp tục gieo thêm cơ hội sống là việc nên làm. Gia đình, bạn bè anh đều ủng hộ quyết định này.

Năm 2016, Hữu Toàn từng thực hiện chuyến đạp xe xuyên Việt trong vòng hai tháng để thỏa đam mê tuổi trẻ, thử thách khả năng chịu đựng của bản thân.

“Chuyến đi này, ngoài được thưởng thức cảnh đẹp và trải nghiệm những nét văn hóa thú vị của những nơi đi qua, suy nghĩ của tôi về cuộc sống thay đổi nhiều. Tôi trân trọng hơn sự tốt bụng, nhân hậu của mọi người xung quanh”, anh nói.

Toàn cười bảo anh đến với boxing bằng suy nghĩ hết sức đơn giản, để thỏa đam mê vì tuổi trẻ không dài, không hề mang áp lực trở thành nhà vô địch hay giành một giải thưởng nào đó. Năm 2020, anh bén duyên với đội tuyển tỉnh Bình Dương. Ngay lần ra quân, tại giải các câu lạc bộ toàn quốc, anh đạt huy chương bạc.

Đến giải vô địch toàn quốc sau đó, Toàn giành huy chương vàng, trong khi mục tiêu của anh chỉ là thi đấu tốt nhất. Anh bảo thành công có được là nhờ sự chỉ dẫn của huấn luyện viên, môi trường tập luyện tốt của câu lạc bộ. Nhưng nếu nội lực của một cá nhân không đủ tốt, ý chí và đam mê không đủ mạnh thì có lẽ những điều kiện bên ngoài cũng thành vô nghĩa. 

Tại giải vô địch boxing toàn quốc 2021, Hữu Toàn ý thức rõ hơn về vị trí anh đang đứng, càng thấu hiểu sự kỳ vọng của những người đứng sau và cả màu cờ sắc áo. Một chiếc huy chương vàng nữa tiếp tục được anh thu thập. 

Sau ba trận thi đấu đạt thành tích tốt, Hữu Toàn lọt vào mắt xanh của đơn vị tổ chức giải, đưa anh cạnh tranh cho đai vô địch tại giải WBA lần này. Thành quả thu về từ những ngày tập luyện gấp đôi cường độ bình thường trong vòng hai tháng liên tục. Có lúc, anh ngỡ những gì đang diễn ra vượt quá sức chịu đựng. 

Hữu Toàn đang bước lên những bậc thang cao hơn trong sự nghiệp, đồng nghĩa với sự kỳ vọng, áp lực nhiều hơn trong mỗi trận đấu. Thế nhưng, đây cũng là động lực để anh cố gắng. Thay cho sự hứa hẹn, anh thích hành động hơn. Những thành quả mang về đã nói thay ý chí, sự cố gắng của Hữu Toàn. Chặng đường ba năm với boxing không dài nhưng đã giúp Hữu Toàn ghi tên vào lịch sử thể thao Việt Nam. Những điều chưa từng nằm trong suy nghĩ của cậu bé năm nào nay đã thành hiện thực. 

Từ những rẫy cà phê, Toàn đã trưởng thành, sống một cuộc đời vui vẻ, nhiều hy vọng, mang theo niềm tự hào của một gia đình nơi vùng quê bé nhỏ. 

Trung Sơn

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI