Giấc mơ thanh xuân (Bài 3)

Vận động viên đua xe đạp Nguyễn Thị Thật: Cuộc đời là con đường phía trước

08/03/2022 - 05:58

PNO - Có những giấc mơ, để đạt được, các cô-gái-của-chúng-ta đã phải chấp nhận trả bằng máu và nước mắt…

Chạy đường trường hàng trăm cây số, đổ đèo trên những cung đường mù sương… suốt 14 năm, mỗi vòng xe là mồ hôi và cả nguy hiểm nhưng Nguyễn Thị Thật đã vượt qua tất cả, để rồi trở thành vận động viên đua xe đạp số 1 Việt Nam.

14 năm trên đường đua

Nguyễn Thị Thật sinh năm 1993 nhưng đã có 14 năm là vận động viên đua xe đạp. Cô là gương mặt vàng của làng đua xe đạp thể thao Việt Nam với những thành tích đáng nể. Trong bảng xếp hạng của Liên đoàn Xe đạp thế giới (UCI), tên Nguyễn Thị Thật nằm trong top 40 và là vận động viên châu Á có thứ hạng cao nhất tính đến thời điểm hiện tại. 

Vận động viên Nguyễn Thị Thật
Vận động viên Nguyễn Thị Thật - Ảnh: Facebook nhân vật

Nguyễn Thị Thật có vẻ ngoài rắn rỏi, nam tính và khá kiệm lời. Cô nói nghề nghiệp chừng như đã hình thành nên tính cách, trên đường đua chỉ có thể là im lặng và tập trung cao độ. Ngoài giờ tập, cả đội tuyển sinh hoạt ăn uống cùng nhau nhưng chia sẻ với nhau nhiều nhất có lẽ vẫn là về công việc, sự nghiệp, những giải đấu. Cảm xúc chỉ thật sự bùng nổ khi trở thành người chiến thắng hoặc khi… thất bại. Cuộc đời của mỗi người có riêng những sự lựa chọn, nếu không phải là do người ấy quyết định thì cũng là một duyên may để được dẫn dắt. Đời của Nguyễn Thị Thật chính là ở vế thứ hai.

Năm ấy, khi đang học lớp Tám tại thị trấn Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), Thật được thầy Tiến (huấn luyện viên Ngô Quốc Tiến - PV) phát hiện. Lúc đó, phong trào thể thao ở An Giang đang sôi nổi, thầy về các trường tìm ứng cử viên cho đội tuyển đua xe đạp của tỉnh nhà và nhìn thấy tiềm năng ở cô học trò nhỏ rất giỏi môn điền kinh. “Thầy cho đạp xe thử, kiểm tra guồng chân và cuối cùng quyết định chọn tôi vào đội tuyển, huấn luyện ở Long Xuyên. Thế nhưng lúc đó, gia đình tôi không đồng ý. Thầy lên huyện vận động các chú về tận nhà thuyết phục. Bản thân tôi cũng chưa biết gì, chỉ thấy môn thể thao này lạ lạ hay hay, vì hiếu kỳ mà muốn tìm hiểu. Vậy là cuối cùng cũng được khăn gói theo thầy đi Long Xuyên” - Thật hồi tưởng.  

Những ngày này, Nguyễn Thị Thật và đồng đội đang tập luyện tại Đà Lạt
Những ngày này, Nguyễn Thị Thật và đồng đội đang tập luyện tại Đà Lạt

Từ một cô bé ngày ngày ngoài giờ học thì phụ gia đình làm việc đồng áng, chỉ nghĩ sau này lớn lên cũng giống bao người, thi đại học rồi làm một công việc ổn định nào đó, nay, Nguyễn Thị Thật đã là một tên tuổi nổi bật của thể thao châu Á, chạm đến những vinh quang cao nhất của sự nghiệp, là niềm tự hào của gia đình, tỉnh nhà và của cả Việt Nam. 

“Tôi đã đua xe đạp gần 15 năm. Trong suốt quãng thời gian ấy, lúc nào cũng phải học hỏi, rèn luyện. Có dịp tham gia thi đấu quốc tế tôi mới thấy, so với các nữ vận động viên nước bạn, thể lực của đội mình cách quá xa. Chúng tôi thi đấu, cọ xát và học hỏi được rất nhiều điều. Đã có những thành công và cũng có những thất bại nhưng mỗi chặng đường đi qua đều để lại cho tôi nhiều kỷ niệm, những bài học quý giá” - Nguyễn Thị Thật chia sẻ. Năng lực vượt trội của Thật đã thể hiện từ giải đua xe đạp đầu tiên về Điện Biên Phủ vào năm 2009 - một năm sau ngày cô trở thành vận động viên nhí. Đó cũng là năm cô nhận được giải thưởng Áo Trắng - nữ vận động viên đua xe đạp xuất sắc nhất. 

Trên đường đua, cô gái đất An Giang ngày càng khẳng định bản lĩnh, liên tiếp giành những giải thưởng cao trong và ngoài nước. Năm 2014, Nguyễn Thị Thật giành huy chương bạc ASIAD tại Hàn Quốc. Rồi cô tiếp tục mang vinh quang về nước với những huy chương vàng, bạc ở các kỳ SEA Games. 

Phía trước là đường dài

Những ngày này, Nguyễn Thị Thật cùng đồng đội đang tích cực tập luyện tại Đà Lạt, chuẩn bị cho cuộc đua xe đạp cúp Bình Dương 2022. Mỗi ngày, chế độ ăn uống và tập luyện của cô đều rất nghiêm ngặt. Đều đặn sáu giờ sáng, các nữ vận động viên thức dậy, tập thể dục, ăn sáng, sau đó tập đổ đèo. Suốt những ngày tháng Giêng, người dân phố núi đều nhìn thấy các nữ vận động viên cần mẫn tập luyện trên các cung đường đèo dốc. Buổi chiều lúc 15g30, họ lại tiếp tục rèn thể lực. “Sở trường của tôi là đua đường bằng nên tập trên đèo phải rất tập trung, căng thẳng nhất là những khi đổ đèo trong tình trạng có nhiều sương mù. Một khi đã ngồi trên yên xe và cầm chắc tay lái, điều quan trọng nhất đối với mình khi ấy chỉ có thể là con đường phía trước” - Nguyễn Thị Thật chia sẻ.

Đường đua qua những cung đèo mù sương cũng là nỗi ám ảnh và đau xót của Thật, cho đến bây giờ vẫn là nỗi day dứt khôn nguôi trong lòng cô. Đó là tai nạn của em gái Nguyễn Thị Thà - em gái cô, cũng là một nữ vận động viên đua xe đạp. Năm 2014, tại Đại hội Thể thao toàn quốc ở Hòa Bình, Thà đã bị tai nạn. Lúc ấy trên đèo nhiều sương mù, Thà chẳng may bị ngã, chấn thương nặng, phải phẫu thuật cắt bỏ một bên thận và một lá gan. Tai nạn ấy khiến Thà không thể nào thi đấu được nữa. Thà trở thành cua-rơ vì ngưỡng mộ chị gái và cũng vì yêu thích môn thể thao đặc biệt này, nhưng như Thật nói, trên đường đua có những vất vả, khốc liệt mà không ai có thể hình dung được.

Trên đường đua
Trên đường đua

Mười mấy người được chọn vào đội tuyển Long Xuyên cùng đợt với Thật ngày trước, giờ chỉ còn vận động viên Nguyễn Thị Thi ở lại với đường đua. Với Thật, những chặng đường tập luyện hay những giải đấu cô tham gia đều không chỉ cho mình mà còn đua cho cả niềm đam mê của em gái. Thật chinh phục những vận tốc đáng nể: tốc độ cao nhất là 80km/giờ và cung đường dài nhất từng vượt qua tại Thụy Sĩ là chặng đua huấn luyện trong gần 7 giờ đồng hồ, trên quãng đường dài 200km. 

Năm 2018, Nguyễn Thị Thật ký hợp đồng với Lotto-Soudal Ladies - câu lạc bộ đua xe đạp chuyên nghiệp tại Bỉ và trở thành nữ vận động viên đua xe đạp đầu tiên của Việt Nam thi đấu chuyên nghiệp tại phương Tây. Ngay sau đó, cô đã giành huy chương đồng Giải xe đạp nữ Vuelta a la Comunitat Valenciana Féminas 2019, huy chương vàng giải xe đạp GP de Fourmies. Thật đã tham gia hàng chục giải đấu khắp châu Âu, con đường sự nghiệp đang mở ra trước mắt, nhưng vì dịch bệnh bùng phát, Thật trở về Việt Nam và tiếp tục tham gia các giải đấu trong nước. 

Với cô gái cá tính này, phía trước vẫn là đường dài. Năm xưa, khi ngăn cản cháu gái theo nghiệp đua xe đạp, ông nội Thật từng lo lắng rằng “con gái mà theo nghề này khó lấy chồng”. Giờ nhắc lại, Thật cười bảo, nhìn lại quãng đường đã chọn, đã đi, cô không có gì để tiếc nuối. Còn việc lấy chồng thì cô bảo… chưa nghĩ đến. “Tôi thấy mình đã đi đúng con đường mà số phận đã dành cho mình. Tôi sống khá đơn giản và lạc quan, không nghĩ quá nhiều về những điều không vui hay những gì chưa đến. Hiện tại, tôi chỉ nghĩ về những thử thách phía trước, sự nghiệp còn dài” - cô bày tỏ. 

Hiện tại, Nguyễn Thị Thật là trụ cột kinh tế của gia đình. Em gái cô đã giã từ nghiệp thi đấu ở tuổi 18 và về làm nhân viên văn phòng nhiều năm qua. Còn em gái út đang học lớp 12, chuẩn bị thi đại học, lựa chọn theo ngành quản trị kinh doanh. Hỏi vui Thật rằng nếu em út vẫn muốn đi theo con đường của chị, cô sẽ nói thế nào, Thật bảo: “Chắc là… thôi, tôi sẽ khuyên em mình chọn một công việc khác mà làm. Đua xe đạp nói vui thì rất vui, có vinh quang và hạnh phúc vô cùng nhưng cực và… mệt lắm”.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI