Vẫn điệp khúc thiếu nông sản sạch, thừa nông sản mất vệ sinh

05/01/2018 - 14:30

PNO - Không chỉ nông sản trong nước mà ngay cả nông sản nhập khẩu vào Việt Nam hiện tiềm ẩn những rủi ro về an toàn thực phẩm.

Mới đây, Viện Pasteur TP.HCM  công bố: 100% mẫu ớt bột bán trên thị trường lấy từ các chợ, cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu đều nhiễm aflatoxin, chất được xem là thủ phạm gây ung thư gan. 

Theo tiến sĩ Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và tư vấn khoa học kỹ thuật, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp, việc canh tác, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản của nhà sản xuất, kinh doanh không đảm bảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển. Lỗ hổng khâu bảo quản và chế biến chính là nguyên nhân khiến các loại nông sản nhiễm độc.

Van diep khuc thieu nong san sach, thua nong san mat ve sinh
 

Đại diện một hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM cho biết, dù lựa chọn rất kỹ các nhà cung ứng nông sản cho chuỗi phân phối của siêu thị, nhưng hầu hết các nhà cung ứng không giữ được chất lượng ổn định. Nhiều lô hàng bị phát hiện có tồn dư hóa chất, kháng sinh, vi khuẩn trong sản phẩm. 

Người tiêu dùng mất niềm tin vào nhiều loại nông sản trong nước hoàn toàn có cơ sở, vì hầu hết những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn như gạo, rau củ quả, thịt, trứng… đều ít nhiều dính bê bối về dư lượng hóa chất tồn dư. Nhiều người chuyển sang sử dụng nông sản nhập khẩu từ các nước.

Theo tiến sĩ Hải, hơn 64% rau quả tại Thái Lan không an toàn do thuốc trừ sâu, trong đó có nhiều sản phẩm được tiêu thụ tại Bangkok, Chiang Mai, Ubon Ratchathani… 11 loại chất cấm được tìm thấy tại các mẫu rau quả (ớt, đậu đũa, cải thảo, rau muống, cà chua, dưa chuột). Các loại quả như cam, ổi có hóa chất vượt ngưỡng cho phép; thanh long, đu đủ, xoài Thái cũng bị phát hiện hóa chất vượt ngưỡng trên 50%.

Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - cho biết, rất nhiều hợp tác xã nông sản tại tỉnh này sản xuất theo hướng an toàn, đầu tư nhiều chi phí hơn nhưng khi ra đến chợ, giá bán lại không cao hơn giá các sản phẩm thông thường. Đây cũng là thực trạng chung của rất nhiều nhà sản xuất trên cả nước.

Hiện sản phẩm ở nhiều vùng sản xuất được chứng nhận an toàn nhưng khi mang mẫu đi kiểm nghiệm, vẫn phát hiện tồn dư hóa chất. Nguyên nhân là do có sự đứt đoạn trong lưu thông, phân phối và hầu hết vẫn dựa vào khâu trung gian là thương lái với nhiều mánh kiếm lời gian lận.

Tiến sĩ Trần Minh Hải cho rằng, chỉ khi ngành nông nghiệp được tổ chức thành chuỗi, nông dân liên kết với doanh nghiệp, mới mong thay đổi tình hình. Muốn làm được điều này, đòi hỏi nông dân phải tập hợp nhau lại theo hình thức hợp tác xã. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI