Vấn đề Triều Tiên – 'cái gai' giữa cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung

07/04/2017 - 17:46

PNO - Trong cuộc gặp mới đây, lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ đều nhất trí là không có quốc gia nào trên thế giới nhiều biến động và “nguy hiểm tiềm tàng” như Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình có vô số những vấn đề bất đồng, nhưng dường như có một vấn đề hai bên không thể tránh né trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Mar-a-Lago đó là Triều Tiên.

Van de Trieu Tien – 'cai gai' giua cuoc gap thuong dinh My-Trung
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay chuẩn bị vào bữa ăn tối tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida ngày 6/4 - Ảnh: CNN

Vấn đề Bình Nhưỡng thực sự “khó nhằn” và mang tính tiến thoái lưỡng nan, vì trong khi hai siêu cường gặp nhau, Triều Tiên tiếp tục cho thấy các động thái nước này chuẩn bị tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu.

Với những bước leo thang “liều lĩnh” của Triều Tiên thời gian gần đây, các quan chức Mỹ cảnh báo rằng kỷ nguyên được gọi là “kiên nhẫn chiến lược” đã kết thúc. 

Trước cuộc gặp Mỹ-Trung ở Mar-a-Lago, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố "nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên, chúng ta sẽ làm điều này một mình".

Sự đe dọa tiến hành hành động đơn phương của Mỹ cho thấy việc giải quyết tình hình Triều Tiên hết sức phức tạp. 

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã tìm mọi cách để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng tỏ ra ngày càng mạnh hơn. Các chuyên gia nói rằng chính quyền Trump sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đối phó với Triều Tiên.

Scott Snyder, giám đốc chương trình về chính sách Mỹ-Triều tại Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) nói: "Không ai có thể đưa ra câu trả lời sau 20 năm nữa, và cuộc khủng hoảng Triều Tiên mang ý nghĩa thảm khốc”.

Van de Trieu Tien – 'cai gai' giua cuoc gap thuong dinh My-Trung
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và khách quý Trung Quốc dùng bữa tối tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida ngày 6/4 - Ảnh: CNN

Ông Ted Yoho, người đứng đầu tiểu ban châu Á của ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ nói: “Kể từ năm ngoái, ông Kim Jong-un đã bắn thử nhiều tên lửa hơn cha của ông, ông Kim Jong-il, và ông nội Kim Nhật Thành cộng lại, đồng thời có tiến bộ liên quan đến năng lực tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có tầm bắn gần đến toàn bộ lãnh thổ lục địa của nước Mỹ”.

Với "mối đe dọa toàn cầu và cấp bách" do Bình Nhưỡng đặt ra, chính quyền Trump cảm thấy "thời gian đàm phán đã kết thúc”, Trợ lý Ngoại trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương, bà Susan Thornton nói với các phóng viên. 

Khi Trump đang ngồi với ông Tập trong khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bà Thornton nói: "Chúng tôi sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc để tăng thêm áp lực (đối với Bình Nhưỡng)".

Các nhà phân tích nói rằng không có bất kỳ sự lựa chọn mới nào khác để đối phó với Bình Nhưỡng. Ông Snyder, giám đốc CFR nói rằng "đối thoại, áp lực và ngăn chặn, hay các biện pháp quân sự - thực sự chỉ là cách thức chính quyền Trump xáo trộn những vấn đề họ thừa hưởng” từ người tiền nhiệm Barack Obama.

Van de Trieu Tien – 'cai gai' giua cuoc gap thuong dinh My-Trung
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: CNN

Hoa Kỳ có thể trực tiếp gây sức ép lên Triều Tiên. Ông Yoho đề xuất "hỗ trợ mạnh mẽ cho việc ‘bơm thông tin’ bên ngoài" vào đất nước đóng cửa, phá vỡ sự kiểm soát của Bình Nhưỡng đối với công dân của mình, cũng như các biện pháp trừng phạt khác chính quyền công bố cuối tháng 3/2017.

Một lựa chọn nữa là tạo áp lực lên Bắc Kinh bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên. Tuy nhiên, biện pháp này dường như không khả thi, vì từ khi lên nắm quyền, ông Kim đã thanh trừng có hệ thống các đối thủ, trong đó có các nhân vật được Bắc Kinh hậu thuẫn.

Trung Quốc gây sức ép lên Washington theo một cách khác, đó là “có đi có lại”. Bắc Kinh cho rằng Triều Tiên sẽ đóng băng chương trình hạt nhân của họ nếu đổi lại, Mỹ ngừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc. 

Đại sứ Trung Quốc nói với báo giới rằng đề xuất của Bắc Kinh mang tính thực tiễn, khả thi, khách quan và không thiên vị".

Nỗi lo sợ lớn nhất của các đồng minh Mỹ là trường hợp ông Trump theo đuổi một lựa chọn quân sự. 

Trung tướng Wallace Gregson, cựu tư lệnh lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương, nay là giám đốc về Trung Quốc và Thái Bình Dương tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia (CNI), nói rằng: "Không ai trong số các đồng minh và bạn bè của chúng ta muốn chúng ta bắt đầu cuộc chiến với Triều Tiên, vì họ sẽ là người nhận phần lớn thiệt hại".

Tại cuộc họp thượng đỉnh Mar-a-Lago, ông Trump được cho là cố gắng tìm kiếm sự trợ giúp của Trung Quốc trong việc kiềm chế bớt tốc độ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Phía Mỹ tin rằng Trung Quốc đang nắm trong tay một “đòn bẩy” quan trọng vì nước này chiếm đến 90% hoạt động kinh tế của Triều Tiên”.

Thiện Đạo (Theo CNN, SCMP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI