Vấn đề giấy đi đường của Hà Nội lên nghị trường Quốc hội

20/10/2021 - 14:27

PNO - Giấy đi đường liên tục thay đổi ở Hà Nội là một trong những ví dụ cho vấn đề ban hành văn bản còn chưa phù hơp tại địa phương.

 

 

Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Bà Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội

Vẫn còn văn bản chưa phù hợp với thực tiễn

Sáng 20/10, tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Về việc thực hiện Nghị quyết 30, Chính phủ đã tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; chủ động, khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản  chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra, các văn bản hướng dẫn, trả lời của các Bộ, ngành trung ương để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, có văn bản chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương và chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa các địa phương. Có những văn bản của địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Ví dụ như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục ban hành các văn bản thay đổi, thu hồi các công văn, quyết định liên quan đến việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua bộ xét nghiệm COVID-19 chỉ trong vòng một ngày, Hà Nội liên tục thay đổi cơ chế cấp giấy đi đường…

Đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói khi “mắc kẹt” vì COVID-19

Về công tác phòng chống dịch, báo cáo đánh giá đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế phối hợp với các bộ, ngành để triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong phòng, chống dịch, triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo có đủ nguồn vắc xin tiêm cho nhân dân. Cán bộ, nhân viên y tế không quản ngại vất vả, hiểm nguy, luôn đi đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Dù vậy, việc ứng phó với đợt dịch thứ tư còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là hạn chế về hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Công tác đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh chưa sát; chưa thực hiện nguyên tắc cách ly tạm thời ngay từ đầu để xét nghiệm trên diện rộng, căn cứ vào kết quả xét nghiệm để thu hẹp phạm vi cách ly; trong khi nguồn nhân lực hạn chế thì chưa huy động hiệu quả sự tham gia của y tế tư nhân; nhiều loại thuốc dùng cho điều trị bệnh nhân COVID-19 chưa được bảo hiểm y tế thanh toán; các cơ sở y tế hạn chế mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ trách nhiệm...

Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: doanh nghiệp rút khỏi thị trường và ngừng kinh doanh với số lượng lớn; thị trường lao động khu vực chính thức có xu hướng thu hẹp, lực lượng lao động chính thức bị mất việc làm, phải tạm ngừng làm việc chiếm tỉ lệ lớn; có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong và sau các làn sóng dịch. Một số ý kiến cho rằng việc áp dụng phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” tại một số nơi còn chưa thực sự phù hợp, làm tăng gánh nặng, chi phí cho doanh nghiệp...

Về an sinh xã hội, chính phủ triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tác động về mặt xã hội của đại dịch rất lớn và chưa được đánh giá đầy đủ, có tình trạng lao động tự do phản ánh chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

"Có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng “mắc kẹt” tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách. Đáng lưu ý, có xấp xỉ 2.100 trẻ em mồ côi do dịch bệnh COVID-19, nhiều em trong số này có nguy cơ không được bảo đảm phát triển toàn diện".

Ủy ban xã hội kiến nghị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết về kinh tế - xã hội giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có các nội dung như: đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiếp tục bảo đảm nguồn lực để thực hiện việc tiêm chủng vắc xin COVID-19; điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng; nghiên cứu gói hỗ trợ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, người lao động tại các khu công nghiệp

Ủy ban cũng kiến nghị 12 vấn đề để Chính phủ thực hiện công tác phòng chống dịch, trong đó có việc khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh COVID-19; nâng cao năng lực trong dự báo xu hướng COVID-19; nghiên cứu phương án để học sinh, sinh viên trở lại trường học kịp thời - an toàn...

M.Quang

 

 
TIN MỚI