Hội nghị đã tập trung thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng của ASEAN, bao gồm xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện những quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 tại Brunei hồi tháng 4; định hướng tương lai của ASEAN; cấu trúc hợp tác khu vực và quan hệ đối ngoại của ASEAN; và các vấn đề khu vực và quốc tế.
Các bộ trưởng ASEAN và Bộ trưởng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tại Hội nghị ASEAN +3. (Ảnh: Chí Giáp-Kim Dung/Vietnam+)
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề cập đến định hướng ASEAN giai đoạn sau 2015, khẳng định trong khi xây dựng Cộng đồng ASEAN "liên kết về kinh tế, gắn kết về chính trị và cùng chia sẻ các trách nhiệm xã hội" là nhiệm vụ trung tâm của ASEAN, Hiệp hội đồng thời phải chuẩn bị cho tương lai sau năm 2015, trong đó cần tiếp tục quyết tâm và nỗ lực bảo đảm triển khai đúng thời hạn các tiêu chí xây dựng Cộng đồng đề ra. Hiệp hội cũng cần có kế hoạch công bố sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015, kể cả một kế hoạch truyền thông riêng cho sự kiện ý nghĩa này.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng ASEAN cần xây dựng Tài liệu chuẩn bị cho giai đoạn sau 2015, đi đôi với nhấn mạnh lại nền tảng và mục tiêu của ASEAN hiện nay và một Cộng đồng ASEAN trong tương lai là một ASEAN đồng thuận, đoàn kết, vững mạnh, hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN, phát huy vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết củng cố khuôn khổ thể chế phù hợp để triển khai các định hướng sau 2015 thông qua tăng cường năng lực Ban thư ký ASEAN, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế, thể chế ASEAN nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giai đoạn phát triển sau 2015 và chuẩn bị cho việc kiểm điểm Hiến chương ASEAN.
Về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định vấn đề Biển Đông là mối quan tâm chung. Bộ trưởng nhấn mạnh thời gian qua trên Biển Đông đã xảy ra nhiều diễn biến phức tạp, nhất là các hành động áp đặt yêu sách ngày càng tăng và các vụ việc tàu cá Việt Nam bị bắn cháy hoặc bị đâm trong khu vực hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này trái ngược với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như tinh thần và nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị, trước những diễn biến này, ASEAN cần kêu gọi tất cả các bên liên quan tôn trọng những nguyên tắc và cam kết đã thỏa thuận như quy định trong DOC, Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, kiềm chế và không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, các bên cần phải tiếp tục tăng cường xây dựng lòng tin; trong đó có việc thiết lập các kênh liên lạc hữu hiệu, hợp tác ngăn ngừa các sự cố, thiết lập một dàn xếp khu vực về tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền bị nạn trên biển, thiết lập “đường dây nóng” giữa ASEAN và Trung Quốc về các vấn đề trên biển. Nhân dịp này, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã thông báo Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội thảo trong khuôn khổ DOC về hợp tác về tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền bị nạn trên biển tại Hà Nội vào ngày 19-20/6, tại đó nhiều khuyến nghị rất thiết thực đã được đề xuất.
Về DOC, Bộ trưởng Phạm Bình Minh hoan nghênh một số tiến triển gần đây trong tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc về thực hiện DOC, trong đó có kết quả Tham vấn chính trị các Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc vào đầu tháng 4 và Cuộc họp lần thứ 8 Nhóm Công tác chung ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC cuối tháng 5. Hoan nghênh kế hoạch tổ chức Hội nghị lần thứ 6 Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC và Cuộc họp lần thứ 9 Nhóm Công tác chung ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC vào tháng 9 năm nay, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN tiếp tục phối hợp cùng Trung Quốc duy trì đà tích cực này.
Đồng thời, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay điều có ý nghĩa bắt buộc với các nước là đẩy mạnh hơn nữa quá trình sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử nhằm bảo đảm tốt hơn cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Theo đó, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc tham gia đàm phán chính thức về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đặc biệt trong bối cảnh năm nay hai bên sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Bộ trưởng ủng hộ đề xuất của Thái Lan tổ chức Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào giữa tháng 8 tới tại Hủa Hin, Thái Lan, cũng như đề xuất về việc Cấp cao ASEAN-Trung Quốc thông qua tuyên bố chung về hướng tới xây dựng COC. Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN nỗ lực nhằm hiện thực hóa các đề xuất này.
Theo TTXVN