Vẫn đau đầu với tiền lì xì của con

22/02/2022 - 18:23

PNO - Tết đã xa nhưng chuyện giải quyết tiền lì xì của các con có lẽ còn thời sự đến... hết năm. Nhiều bà mẹ băn khoăn về chuyện có nên giữ tiền lì xì giúp con hay để mặc bọn trẻ tự tiêu hết. Không ít bà mẹ đã nghiêm túc tìm các khóa học ngắn hạn hoặc dạy con cách tiêu tiền, tích lũy tiền một cách căn bản.

1. Trước tết nửa tháng, cô cháu gái xinh đẹp của tôi bị mất chiếc iPhone vốn là quà sinh nhật của ba mẹ sau 12 năm học luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Khỏi nói con bé buồn tiếc thế nào, nhưng vốn nhanh nhẹn, cô học sinh lớp 12 được coi là hot girl của trường, đang có nguồn thu nhập chủ động hằng tháng nhờ làm người mẫu ảnh, đã nhẩm tính: “Tết nào con cũng được bà ngoại, cậu Hai, dì Ba, cô Tư, ba mẹ con… lì xì một tờ to nhất, chắc được 3 triệu đồng. Còn các khoản “vãng lai” tầm vài triệu đồng nữa, con gom cùng tiền thù lao chụp mẫu tháng tết chắc cũng đủ mua lại cái iPhone mini 12 triệu đồng, không đủ thì vay tạm mẹ rồi con “cày” trả sau vậy”.

Sau tết, cô bé hớn hở thông báo: “Vượt xa mong đợi, bác ạ! Năm nay, mỗi bao hai tờ lớn lận. Chắc gia đình biết hoàn cảnh khó khăn nên đã có ý trợ cấp. Con gom gần đủ rồi, mợ Hai còn lì xì hẳn 100 USD. Giá như mỗi năm có hai lần tết…”. 

Ảnh INTERNET
Trẻ thời nay thường được lì xì số tiền lớn vượt nhu cầu quà bánh và tiêu vặt (Ảnh minh họa)

Có thể nhiều gia đình cũng tương tự nhà cháu tôi - chú dì cô bác sống ở nước ngoài có thể lì xì lũ trẻ bằng ngoại tệ; kể cả trong nước, bao lì xì từ người thân trong nhà thường là những khoản tiền kha khá. Vì thế, tiền lì xì, với nhiều cô cậu, là một khoản có thể ước tính cho kế hoạch mua sắm cá nhân, nhờ nó mà một món đồ ao ước có thể thành sự thật nhanh hơn. Thế nhưng, đây là đám trẻ lớn, nhóm đã phần nào được “độc lập tài chính”, được toàn quyền sử dụng tiền lì xì, thường là các cô cậu học sinh trung học.

“Khi đã biết đặt hàng online, mua trà sữa, thậm chí biết về đầu tư tài chính với lãi suất kép, về crypto… còn rành hơn bố mẹ thì với khoản tiền lì xì đã được đặt vào tay bọn con, bố mẹ khó trưng dụng lắm. Khoản thu, chi nào cũng nằm trong dự tính của ngân sách gia đình; lì xì dù có gọi là thu nhập bất thường nhưng mỗi năm đều có, quá vui bác nhỉ” - cháu tôi líu lo thế, làm sao mà phản bác?

2. Ai cũng tin ý nghĩa đầu tiên của bao lì xì là mang lại may mắn cho người nhận. Tuy vậy, không rõ từ khi nào, người ta dần quên rằng sự may mắn này không phụ thuộc vào số tiền trong bao.

Thậm chí, tôi nhớ khi còn nhỏ, các bao lì xì thường được dán kín, bên trong là tiền mới, thường có mệnh giá rất nhỏ, mà bây giờ thường được coi là tiền lẻ. Có năm, tôi được nhận một bao lì xì rất thú vị với những tờ tiền mới đủ các mệnh giá được gấp thành những trái tim may mắn. Có năm, tôi cũng được nhận một bao lì xì với số tiền bằng số tuổi của mình…

Giờ đây, những bao lì xì thú vị ấy ít dần, nếu không nói là đã không còn mang sự chăm chút đặc biệt từ người tặng. Thậm chí, không hiếm người tặng bao lì xì như một món quà tết cho lũ trẻ, có khi là một món quà hợp pháp để trả ơn hoặc lấy lòng cha mẹ chúng, thế là mệnh giá cứ lớn dần, xấp tiền cứ dày dần.

Trên mạng còn có cả những chia sẻ tư vấn cách đầu tư số tiền lì xì sau tết của con vào các kênh nào sao cho có lợi nhất, mua đất vùng ven hay mua nhà cho thuê…

Thực tế, “Lì xì chỉ nên mang tính tượng trưng, trẻ em không nên được làm quen với tiền, không nên biết xài tiền quá sớm. Việc cầm quá 200.000 đồng trong túi đã có thể gây nguy hiểm và làm hư bọn trẻ” vẫn là quan điểm phổ biến của rất nhiều bà mẹ, nhiều gia đình.

Nhiều phụ huynh thẳng thắn cho rằng, bao lì xì chỉ nên được bọn trẻ cất giữ như một kỷ niệm đẹp cho tết, còn ruột bao thì mẹ phải thu là đương nhiên. Khoản tiền ấy có thể lại chạy vòng qua nhà khác; rằng nếu ba mẹ không lì xì trẻ em nhà khác thì nhà khác đâu có lì xì các con hoặc tiền chỉ nên dành cho người biết tiêu, cần tiêu chứ các con được bao cấp, cần gì đến tiền mà đòi giữ, dễ làm mất, để mẹ giữ giùm.

Quan điểm này có thể đúng và được áp dụng triệt để cho nhóm trẻ mầm non, đa phần chỉ nhận biết tiền lì xì qua… màu sắc. Theo chúng, tiền khác nhau vì kích cỡ chứ không phải vì mệnh giá. Các con tôi khi học tiểu học có thể mang sữa, bánh… đến lớp, được đưa đón… nên trong túi không cần có tiền.

Mỗi lần tết qua, hai chị em sẽ cùng kiểm tiền lì xì, cộng lại rồi bỏ vào một ống tiết kiệm kèm mảnh giấy ghi rõ số tiền. Cộng thêm với các khoản tiền được người lớn tặng, tiền thưởng học giỏi trong năm, các con có thể dùng để mua quà trong những chuyến đi du lịch cùng bố mẹ, mua quà sinh nhật cho bạn bè hay người thân…

3. Trong khi nhiều bà mẹ còn đang băn khoăn về chuyện có nên giữ tiền lì xì giúp con hay để mặc bọn trẻ tự mang đi đổi tiền ảo hoặc tiêu hết những tờ tiền mới vào các “sòng bài gia đình” cho vui, không ít bà mẹ đã tìm các khóa học ngắn hạn hoặc tự dạy con cách tiêu và tích lũy tiền.

“Tôi không ngại cho con tiếp xúc sớm với tiền. Từ khi biết con số, tức là khoảng năm tuổi, con tôi đã biết tiền được dùng để mua đồ dùng và là thứ bố mẹ phải vất vả mới kiếm được. Các con tôi biết nhìn giá, định lượng để biết món hàng đó đắt hay rẻ từ khi học tiểu học.

Thế nên hằng năm, các con tôi cũng ngầm hiểu số tiền lì xì mình được nhận cũng sẽ tương đương số tiền bố mẹ sẽ mang lì xì cho trẻ em nhà khác. Vì bọn trẻ đã biết tiêu tiền, biết quý trọng tiền nên chúng tôi không cần thu lại, chỉ thỏa thuận là các con muốn dùng tiền vào việc gì cũng nên xin phép và bố mẹ sẽ không cấm, thậm chí có thể bù thêm nếu thứ các con muốn mua thật sự hợp lý.

Biết dùng tiền lì xì vào những việc có ích cho gia đình chứ không chỉ phục vụ nhu cầu cá nhân chính là khi các con đã trưởng thành. Năm ngoái, khi con trai tôi dùng tiền thưởng, tiền được sếp lì xì khi cháu đi làm thêm để mua một bộ dụng cụ tập thể thao tại nhà cho cả gia đình trong mùa dịch, tôi rất cảm động. Trong khi đó, cậu em mới học lớp Bảy lại gom hết tiền lì xì để đãi cả nhà một bữa tiệc tối tân niên hoành tráng. Việc tiêu tiền vào chuyện gì không quan trọng bằng cách các con thể hiện tình cảm với người thân, không ích kỷ. Với tôi, điều đó quan trọng nhất” - chị Hạnh Vũ, một chuyên gia tài chính, kể về thói quen tiêu tiền lì xì hằng năm của các con mình.

4. Còn đây là câu chuyện trong thang máy hôm mùng Hai tết: “Bác lì xì con ít ít thôi bác, 20.000 đồng là cùng”, tôi được rỉ tai như vậy khi đang chuẩn bị rút một phong bao đỏ.

Chưa kịp hỏi tại sao thì cô bé thầm thì: “Mẹ con quy định nếu tiền lì xì dưới 20.000 đồng thì con được giữ, trên 20.000 đồng mẹ con sẽ thu”. Rồi tiếng thở dài như một người lớn: “Đã vậy năm nay tiền lì xì ít lắm bác ạ, vì chúng con không được đi chơi tết nhiều. Hỏi có thích được lì xì online không, con bé lắc đầu quầy quậy: “Chúng con chưa có tài khoản, chưa được dùng điện thoại, mà có tiền mới trong bao giấy vẫn vui hơn bác ơi!”.

Có cách nào để sự vui sướng rạng rỡ của những đứa trẻ khi được nhận các bao lì xì đỏ rực luôn sẽ còn nguyên dù trong đó có mấy tờ, màu gì? Sự hồn nhiên khi nhận tiền mà chưa biết tiêu ấy của chúng mới là niềm vui thật sự cho cả người đưa tặng những bao lì xì. Còn “bao nhiêu”, “tiêu thế nào” là mối quan tâm của những đứa trẻ lớn, của người lớn mất rồi. Mà đã lớn, người ta sẽ phải kiếm và tiêu tiền quanh năm chứ đâu chỉ chờ đợi lì xì như một sự may mắn đầu năm. 

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI