Văn đàn vinh danh truyện ký

17/01/2024 - 07:43

PNO - Điểm nhìn của truyện ký đều là những ghi chép sự thật, vì thế đó cũng là thể loại lưu giữ lịch sử/thời đại văn hóa chân thực. Thời gian qua, nhiều tác phẩm truyện ký đã được vinh danh trên văn đàn.

Cái nhìn hiện thực và đa chiều

Âm thanh và ký ức là tập truyện ký (trong bộ sách 4 tập vừa in của Hội Nhà văn TPHCM) được thực hiện hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Sách dày hơn 600 trang, có sự tham gia của 54 cây bút nhiều thế hệ. Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hoài Anh nhận định: “50 năm đối với văn học của một vùng đất, nhìn từ phương diện thể loại, chỉ là sự khởi đầu để nhận diện khuôn mặt văn học của vùng đất đó. Sự hiện hữu của tập truyện ký này cũng là một minh chứng sinh động, khẳng định sự tồn sinh của Sài Gòn - TPHCM, dù có trải qua những gian nan của thời bao cấp hay đại dịch COVID-19”.

Âm thanh và ký ức - tập truyện ký đồ sộ  quy tụ các cây bút nhiều thế hệ - vừa ra mắt
Âm thanh và ký ức - tập truyện ký đồ sộ quy tụ các cây bút nhiều thế hệ - vừa ra mắt

Âm thanh và ký ức cho thấy cả một tiến trình vận động và phát triển, những thăng trầm của đất và người. Rất nhiều ký ức và sự kiện, những câu chuyện và số phận, cảm xúc rung động được các nhà văn gửi gắm vào tác phẩm. Chuyện của hơn nửa thế kỷ được kể lại qua các tác phẩm truyện ký của các nhà văn: Hoài Vũ, Trầm Hương, Nguyễn Minh Ngọc, Đoàn Minh Tuấn, Hoàng Đình Quang, Huỳnh Như Phương, Trần Thế Tuyển… Có những ghi chép về tháng năm chiến đấu gian khổ, thân phận con người thời hậu chiến; có câu chuyện của thời bao cấp cùng sự phát triển từng ngày của một thành phố năng động, hiện đại; và cả cuộc chiến với đại dịch COVID-19 vừa đi qua. 

Truyện ký cho phép nhà văn tiếp cận và chia sẻ sự thật, chất liệu cho thể loại này cũng vô tận từ đời sống hiện thực. Ký ức hoặc những trải nghiệm, những cuộc gặp gỡ các nhân vật đều có thể là niềm cảm hứng cho người cầm bút. Điểm nhìn của truyện ký đều là những ghi chép sự thật. Bởi thế, khi trải qua một độ lùi thời gian, tác phẩm truyện ký lại càng thêm giá trị, ý nghĩa khi lưu giữ tư liệu, phản ánh một thời đại sống. 

Ông Trần Hoài Anh nhìn nhận, thông điệp nhân văn và biên độ phản ánh hiện thực trong Âm thanh và ký ức cũng như tác phẩm thể loại truyện ký luôn mở ra những chiều kích khác của đời sống xã hội. Điều đó cũng thể hiện cái nhìn hiện thực sinh động và đa chiều từ thể loại này. Bên cạnh đó, những sự kiện, nhân vật có thật từ truyện ký còn có thể trở thành chất liệu cho các sáng tác hư cấu khác (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản…). Không chỉ có thế hệ nhà văn đi trước, nhiều người cầm bút trẻ sau này cũng tham gia viết truyện ký như Võ Thu Hương, Tống Phước Bảo, Minh Đan, Đặng Thiên Phong, Nguyễn Hoàng Trung Hiếu…

Dấu ấn của truyện ký

Thời gian qua, nhiều tác phẩm truyện ký đã được vinh danh tại các giải thưởng văn học hoặc được tái bản nhiều lần. Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM thường niên vẫn thường chọn trao giải cho các tác phẩm văn xuôi thuộc thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn. Năm vừa qua, giải thưởng chính thức được trao cho bộ truyện ký Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo của tác giả Hoàng Lại Giang (3 tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật). Bộ sách tái hiện một cách toàn diện cuộc đời cách mạng và sự nghiệp chính trị của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Qua đó, từng giai đoạn lịch sử cũng được tác giả ghi chép lại: từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đến ngày ký Hiệp định Genève; đất nước sau năm 1954 đến ngày 30/4/1975, cùng chặng đường hoạt động của cố Thủ tướng sau ngày đất nước thống nhất.

Bộ truyện ký Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và  sáng tạo được trao giải thưởng  Hội Nhà văn TPHCM năm 2023
Bộ truyện ký Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo được trao giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2023

Rất nhiều tác phẩm truyện ký mang đến cho người đọc những câu chuyện hay, chân thật và lay động. Nhà văn Trầm Hương có Đường 1C huyền thoại (từng được vinh danh giải thưởng sáng tạo TPHCM năm 2021), Chuyện năm 1968 (giải thưởng Sáng tác quảng bá tác phẩm Văn học nghệ thuật chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2015-2020). Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm kể về Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, thiếu tá Nguyễn Văn Đức trong truyện ký Nguyễn Văn Đức - Người anh hùng tàu không số huyền thoại. Nhà văn Mã Thiện Đồng có Biệt động Sài Gòn - Chuyện bây giờ mới kể, Người bị CIA cưa chân sáu lần, Ký ức tàu không số… Gần đây nhất, tác giả Nguyễn Quang Chánh có bộ 3 cuốn sách ghi chép về chân dung các anh hùng lịch sử: Những anh hùng sống mãi trong lòng dân, Kể chuyện cụm tình báo H.63, Sống để kể lại những anh hùng…

Truyện ký thu hút người đọc trước nhất bằng sự thật và vì thế cũng đòi hỏi sự dấn thân của người cầm bút. Thế hệ nhà văn từng sống và chiến đấu có thể viết từ ký ức, nhưng các nhà văn thế hệ sau luôn cần những hành trình tìm đến các nhân vật, tìm kiếm tư liệu. Viết về hiện thực xã hội, về những thân phận con người rất cần sự dấn thân, thấu hiểu và sẻ chia của nhà văn. Tham gia trại sáng tác, những chuyến đi về nguồn để sáng tác hoặc tự bỏ tiền túi ngược xuôi từ Nam ra Bắc, lên tận miền núi cao xa xôi để gặp được các nhân vật là lựa chọn và tâm huyết của những người cầm bút. 

Lục  Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI