Vạn dặm bắt đầu từ những bước chân

16/08/2023 - 08:30

PNO - 13 năm trước, anh Nguyễn Quang Thạch bắt đầu hành trình đi bộ xuyên Việt, vận động cho chương trình “Sách hóa nông thôn”. Đến nay, dự án đã phát triển sang vùng nông thôn Ấn Độ, với ước vọng truyền bá tri thức, thức tỉnh và yêu thương.

Những bước chân hy vọng 

Tác giả Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng dự án “Sách hóa nông thôn” - vừa có chuyến giao lưu tại Hà Nội - Huế - TPHCM nhân dịp cuốn sách Những bước chân hy vọng của anh phát hành. Cuốn sách ghi lại hành trình 13 năm đưa sách đến nông thôn, xây dựng các tủ sách cũng như mở rộng, phát triển dự án “Tiếng Anh hóa nông thôn” và “Sách hóa nông thôn” tại Ấn Độ. 

Những bước chân hy vọng - cuốn sách tiếp tục lan tỏa giá trị của dự án “Sách hóa nông thôn”  - ẢNH: ĐỖ TIẾN THÀNH
Những bước chân hy vọng - cuốn sách tiếp tục lan tỏa giá trị của dự án “Sách hóa nông thôn” - Ảnh: Đỗ Tiến Thành

Tháng 2/2015, anh Nguyễn Quang Thạch đi bộ từ Hà Nội vào TPHCM nhằm vận động hưởng ứng dự án “Sách hóa nông thôn”. Anh đã thực hiện chuyến đi dài 1.750km trong 123 ngày. Đến tỉnh, thành nào cũng gặp những người khiếm thị mong muốn được nghe sách nói, những đứa trẻ nghèo khát sách nhưng không có tiền mua sách đọc… Rất nhiều câu chuyện cảm động được anh ghi lại trong cuốn Những bước chân hy vọng. 

Năm ấy, đi đến đâu anh cũng có thể gặp được những tấm lòng sẵn sàng góp sức cùng dự án thiện nguyện. Nhờ có thêm sự lan tỏa của truyền thông, dự án ý nghĩa được nhiều người biết đến hơn. “Cách đây 13 năm, anh Thạch là nhân vật của tôi. Sau đó anh trở thành cộng tác viên trên chuyên trang giáo dục của Báo Tuổi Trẻ. Những điều anh làm đều xoay quanh sách và việc truyền cảm hứng đọc sách. Thông điệp cuốn sách Những bước chân hy vọng cũng như những điều anh đang làm hướng đến giá trị: thức tỉnh và yêu thương, với lòng khát khao, trắc ẩn và đầy trách nhiệm” - nhà báo Bùi Tiến Dũng - Trưởng ban Giáo dục Báo Tuổi Trẻ - chia sẻ tại buổi giao lưu chủ đề “Những bước chân hy vọng và Tình nhân loại” (vừa diễn ra tại Đường sách TPHCM). 

Đến nay, dự án “Sách hóa nông thôn” đã xây dựng được hàng chục ngàn tủ sách ở vùng nông thôn Việt Nam, cho trẻ em nghèo có cơ hội đọc sách. Nhiều tủ sách được xây dựng phù hợp với đối tượng bạn đọc: tủ sách Giáo xứ, tủ sách Hậu phương chiến sĩ, tủ sách Dòng họ, tủ sách Phụ huynh…

Những bước chân hy vọng là nơi dung chứa nỗ lực của rất nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước, những người nước ngoài tạo cơ hội giúp hàng triệu trẻ em nông thôn được nghe và đọc sách. Việc thúc đẩy khuyến đọc, tự học, thực làm, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp và hành tập tình yêu nhân loại sẽ góp phần tạo nên những công dân có trách nhiệm và khát vọng” - tác giả Nguyễn Quang Thạch chia sẻ. Tác phẩm đầu tay của anh là sự ghi nhận lại một quá trình của dự án, với những thành quả có ý nghĩa cho cộng đồng, đồng thời cũng mở ra một hành trình mới. 

Góp phần cho một thế giới tốt đẹp hơn 

Những ngày này, anh Nguyễn Quang Thạch đang mở rộng dự án “Sách hóa nông thôn” sang Ấn Độ. Trên trang cá nhân, anh bày tỏ mong muốn được đưa sách hay đến với hơn 150 triệu trẻ em nông thôn Ấn Độ bằng cách vay vốn cộng đồng với các mức từ 20.000-240.000 đồng. Anh cho biết sẽ dùng tiền vay để xây dựng tủ sách ở Ấn Độ, học tập và nghiên cứu từ các nước phát triển để thúc đẩy khuyến đọc ở Việt Nam…

Anh Nguyễn Quang Thạch (giữa) tại buổi ra mắt sách và vận động cho dự án “Sách hóa nông thôn” ở Ấn Độ - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam
Anh Nguyễn Quang Thạch (giữa) tại buổi ra mắt sách và vận động cho dự án “Sách hóa nông thôn” ở Ấn Độ - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam

“Tôi mong muốn hoàn lại khoản vay bằng sách không bán (như Những bước chân hy vọng), do tôi viết trong vòng 4 năm tới. Nếu bên cho vay muốn nhận lại tiền thì tôi hoàn lại (không lãi) sau 5 năm” - anh chia sẻ. Thực tế, đây là cách trao gửi và sẻ chia, cùng kết nối và lan tỏa giá trị từ cộng đồng. 

“Sự ám ảnh và sự thôi thúc tôi là trường hợp một cô gái Ấn Độ bị cưỡng hiếp năm 2011 và tôi tự hứa rằng sẽ sang Ấn Độ làm tủ sách giúp trẻ em ở đó, như là cách ngăn ngừa các tội ác tương tự trong tương lai” - anh viết trong Những bước chân hy vọng. Anh dự tính sẽ thực hiện hành trình đi bộ và có thể là xe lăn khoảng 3.000km ở 29 bang của Ấn Độ để vận động cho dự án ở đất nước này.

Không chỉ trao sách cho trẻ em ở các vùng nông thôn, khát vọng của anh lớn lao hơn: giúp thanh thiếu niên nhận thức về vai trò của bản thân trong việc đóng góp vào sự phát triển của nhân loại. “Chúng ta có thể mở đường cho một thế giới dân chủ, hòa bình, nhân văn và tiến bộ bằng tăng cường quyền đọc sách của trẻ em trên toàn thế giới và tôi sẽ là thành viên kiên trì công việc đó bằng bước chân, trái tim và trí não của mình” - anh Nguyễn Quang Thạch bày tỏ. 

Đọc Những bước chân hy vọng, bạn đọc cũng như những người đã góp sức chia sẻ cùng dự án sẽ hiểu rõ tại sao Nguyễn Quang Thạch từ bỏ công việc ổn định, có thu nhập tốt để dấn thân vào con đường truyền bá tri thức. Dự án “Sách hóa nông thôn” đã được trao giải thưởng Phổ biến tri thức của UNESCO vào năm 2016 và giải thưởng của Thư viện Quốc hội Mỹ vào năm 2017. 

Vạn dặm từ những bước chân và hành trình - sứ mệnh của Nguyễn Quang Thạch đã bắt đầu từ những ngày đầu tiên đi bộ xuyên Việt 13 năm trước. Cho đến bây giờ, anh vẫn nhớ mãi ánh mắt và lời cầu xin của cậu bé học lớp Sáu (Hà Tĩnh): “Chú ơi, chú cho cháu cuốn sách, cháu thích sách mà không có tiền”. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI