Vẫn còn nhiều sinh viên sập bẫy của công ty lừa đa cấp

25/02/2021 - 06:32

PNO - Trót sa chân vào các nhóm kinh doanh đa cấp, dịp tết, nhiều sinh viên phải ở lại TP.HCM cật lực làm thuê...

Trót sa chân vào các nhóm kinh doanh đa cấp, dịp tết, nhiều sinh viên phải ở lại TP.HCM cật lực làm thuê nhưng phải nói dối gia đình rằng mình đang học tập và làm việc ở nước ngoài.

Chấp nhận quỳ lạy, nghe mắng chửi 

Gặp chúng tôi trước tết Tân Sửu, V.T.M. - ở TP.HCM - kể cô vừa vào một trung tâm thương mại, tự chụp một tấm hình với khung cảnh sang trọng để gửi cho cha mẹ. Từ lâu, M. phải nói dối rằng mình đang ở  Singapore và tết này, cô không dám về nhà. 

Các đối tượng cầm đầu Team Khởi Nghiệp 360 còn làm giả các bộ hồ sơ du học
Các đối tượng cầm đầu Team Khởi Nghiệp 360 còn làm giả các bộ hồ sơ du học

Là sinh viên, do muốn kiếm việc làm thêm để phụ giúp gia đình, M. ứng tuyển làm nhân viên thống kê sổ sách với mức lương 22.000 đồng/giờ tại Công ty Team Khởi Nghiệp 360, đóng tại Q.7, TP.HCM. Qua điện thoại, M. được yêu cầu đóng 120.000 đồng để đăng ký bộ catalogue giới thiệu về 30 sản phẩm của công ty. Thay vì làm đúng chuyên môn khi ứng tuyển, M. và một số ứng viên khác được tổng tuyến của chi nhánh tên Huỳnh Minh Sang “nhồi sọ” bằng những câu chuyện về cách để nhanh chóng thành đạt của bản thân: từ một sinh viên nghèo, sau 2-3 năm gắn bó với công ty, đã tậu được nhà, xe. Để được như Sang, M. chỉ cần đóng gần 9,1 triệu đồng vào công ty để trở thành nhà phân phối, được hưởng hoa hồng, có thu nhập “khủng”.

Không có tiền tham gia, M. được cho tiếp xúc với các nhà phân phối, nhà quản lý để “học” cách xoay tiền, như cầm cố vật dụng có giá trị nhất. “Họ chở em đến tiệm cầm đồ rồi chờ bên ngoài lấy tiền, nếu số tiền cầm cố tài sản không đủ đóng, họ bày cách nói dối cha mẹ về việc học thêm để xin tiền” - M. kể.

Đóng tiền xong, M. được tập huấn về sản phẩm, cách giao tiếp, được hướng dẫn đi vay tiền tín chấp để chuộc điện thoại ra làm việc, được gợi ý tham gia câu lạc bộ doanh nhân - nơi có những “anh chị thành đạt” như Huỳnh Văn Sang, Trần Cẩm Tú, Nguyễn Thị Ánh Phúc… Để gia nhập câu lạc bộ, M. phải chấp nhận các thử thách như chịu nghe mắng chửi, đi bán vé số (phải thu về 1 triệu đồng trong 1 giờ)… Cô kể, không ít lần bị chửi rủa, sỉ nhục, thậm chí phải quỳ xuống để xin cơ hội khi không hoàn thành nhiệm vụ, phải chịu phạt chạy 50 vòng cầu thang từ tầng 1 đến tầng 4 hoặc hít đất để chứng minh quyết tâm.

Đan xen với những buổi tập huấn như hành xác, M. được các đối tượng tỏ ra săn đón, chăm sóc tinh thần, dẫn đi ăn uống và giải thích lý do nghiêm khắc là để cô “có thể bước lên đỉnh cao”. Mục đích cuối cùng là thuyết phục cô đóng phí dưới hình thức đầu tư để trở thành “doanh nhân” theo cấp bậc, đồng (100 triệu đồng), bạc (200 triệu đồng), vàng (400 triệu đồng), kim cương (800 triệu đồng), siêu kim cương (1,2 tỷ đồng), siêu siêu kim cương (2,4 tỷ đồng)… Sau khi đầu tư, cô sẽ nhận số sản phẩm của công ty như trà giảm cân, trà thanh lọc, socola giảm cân, kem đánh răng... 

Được tập huấn lừa người thân

Như bị cuốn vào vòng xoáy, M. đầu tư cấp bậc vàng, đóng 400 triệu đồng. Để có đủ tiền đầu tư, cô được các anh chị cho học thuộc tài liệu “bảy bước để thuyết phục gia đình” kèm theo bộ hồ sơ trúng tuyển của Trường đại học Curtin, Singapore mang tên cô. M. cũng được diễn tập cảnh chuẩn bị xuất cảnh tại sân bay, trong đó vạch sẵn tình huống có người thân đòi ra sân bay tiễn chân...

Sau nhiều lần thay tên đổi họ, hiện Team Khởi Nghiệp 360 đã đổi tên thành Vbusiness
Sau nhiều lần thay tên đổi họ, hiện Team Khởi Nghiệp 360 đã đổi tên thành Vbusiness

Sau khi thành “doanh nhân”, M. phải nghỉ học, chuyển đến sinh hoạt ngay tại công ty. Công việc hằng ngày của cô là đăng những tin tuyển dụng trên mạng để mồi chài sinh viên đang có nhu cầu tìm việc làm thêm, giống như tình cảnh của cô trước đó. Sau mỗi đơn hàng (dụ dỗ được 10 người mới, mỗi người thu phí gần 9,1 triệu đồng), cô sẽ lên một cấp. Cô cũng có thể thăng cấp nhanh bằng cách tự bỏ tiền túi ra đóng. 

Sau bốn tháng làm việc, M. tuyển dụng được không ít sinh viên nhưng chỉ thu được hoa hồng từ mức phí 120.000 đồng (M. hưởng được 80.000 đồng). Mỗi lần M. nản, các đối tượng lại khích lệ tinh thần, cho cô đi du lịch Thái Lan, tổ chức lễ tuyên dương cô. 

Theo M., sau khi chuyển đến công ty, cô đã nhận ra đây là tổ chức lừa đảo nhưng đành chấp nhận làm việc để tìm cơ hội lấy lại số tiền đã bỏ ra. Nhưng sau một thời gian, xác định khó lấy lại được tiền, cô trở nên suy kiệt. “Hiện em đã bước ra khỏi tổ chức này sau tám tháng gắn bó. Những anh chị khác học năm thứ hai, thứ ba đại học khi ra khỏi đó còn có cơ hội quay lại trường. Riêng em xin nghỉ học sau một tháng nhập học nên cơ hội quay lại trường không còn nữa” - M. nói trong nước mắt. 

Không dám nghỉ vì bị đe dọa

Theo một số nạn nhân, thấy người nào muốn nghỉ việc, các đối tượng trong công ty liền thuyết phục; thuyết phục không được thì chửi bới, nói xấu, hăm dọa, thuê giang hồ tới tận nhà gây áp lực với gia đình. Vì vậy, nhiều người sợ, không dám nghỉ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi có nạn nhân tố cáo, tháng 7/2020, Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an đã có công văn gửi Công an TP.HCM, đề nghị điều tra hoạt động của Công ty Team Khởi Nghiệp 360. Các văn phòng của công ty này (đều ở TP.HCM) sau đó đã ngưng hoạt động, gồm các địa chỉ: 21A1 Làng Tăng Phú, P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức; 42A Cây Keo, P.Tam Phú, TP.Thủ Đức; 49 đường số 12, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức; 28 Võ Công Tồn, P.Tân Quý, Q.Tân Phú; 106 Gò Ô Môi, P.Phú Thuận, Q.7. Tuy nhiên, việc ngưng hoạt động chỉ nhằm qua mắt cơ quan chức năng vì chỉ sau đó khoảng một tháng, các đối tượng trên đã đổi tên công ty thành Hoằng Đạt 360, rồi Ngân Trường Phát và vẫn hoạt động, chuyên lừa đảo sinh viên, người già. 

P.N.L. - quê tỉnh Bình Thuận - lên mạng ứng tuyển công việc bán hàng nhưng bị dụ dỗ đóng 250 triệu đồng để tham gia vào hệ thống bán hàng tại Công ty Hoằng Đạt 360. Cũng với chiêu thức cũ, các đối tượng cầm đầu công ty giả làm hồ sơ cho L. đi xuất khẩu lao động sang Nhật. Còn P.H.C. (TP.HCM) được làm giả hồ sơ đi lao động tại Hàn Quốc với số tiền 200 triệu đồng. T.T.K. (TP.HCM) được làm giả phương án mở cửa hàng kinh doanh tại TP.HCM với số tiền phải đóng là 150 triệu đồng. 

Sản phẩm mà các nạn nhân nhận về sau khi đóng tiền đều sắp hết hạn, giá cao, chất lượng mập mờ nên chẳng bán được cho ai. “Em nói dối gia đình là đang lao động tại Nhật Bản trong khi đang sống tại TP.HCM. Em phải thường xuyên lên mạng tìm hình ảnh, thậm chí lên tận Đà Lạt chụp hình với hoa anh đào gửi về cho gia đình xem. Mẹ em cứ hỏi em làm có dư tiền chưa, tết này gửi về 50 triệu đồng cho mẹ trả bớt nợ. Em chỉ dạ rồi hứa, chứ không dám nói sự thật” - L. ngậm ngùi kể. 

Nạn nhân N.B.T. (TP.HCM) từng là phó phòng kinh doanh tại một văn phòng của Team Khởi Nghiệp 360 tại Q.Bình Tân, vừa rời khỏi công ty hồi tháng 11/2020. T. cho biết, đã đóng cho công ty 800 triệu đồng, và để nhanh chóng lên chức quản lý, T. đã rủ cả bạn thân của mình, kể cả bạn trai tham gia vào hệ thống. Trong hai năm, tổng số tiền mà T. đã đem về cho công ty là 6 tỷ đồng nhưng tổng số tiền mà T. nhận được (gồm 12 tháng lương và hoa hồng) chỉ khoảng 110 triệu đồng. 
Số tiền đóng vào khá lớn, nhưng phiếu thu tiền mà các nạn nhân nhận được từ công ty chỉ ghi “văn phòng đại diện Bình Tân” hoặc “Công ty Starup Việt Nam”, không có địa chỉ và tên công ty.

Đáng chú ý, các đối tượng đứng đầu hoạt động này nhiều lần thay tên công ty để lôi kéo người tìm việc. Các văn phòng, chi nhánh cũng thay đổi liên tục, không chỉ tại TP.HCM mà còn nhiều tỉnh, thành khác. Chẳng hạn, tại tỉnh Bình Dương, Team Khởi Nghiệp 360 đổi tên thành Tập đoàn Magat, do Trần Ngọc Văn đứng đầu. Còn tại tỉnh Đồng Nai, công ty này lấy tên là HPL Group (có fanpage trên Facebook là Warrior Academy), do Nguyễn Văn Lâm làm quản lý.

Tại TP.HCM, sau khi đổi tên từ Team Khởi Nghiệp 360 thành Hoằng Đạt 360, Ngân Trường Phát, Starup Việt Nam, đến tháng 10/2020, công ty tiếp tục đổi tên thành Vbusiness. Được biết, trước khi lấy tên Team Khởi Nghiệp 360, các đối tượng cầm đầu công ty đã hoạt động với các tên như Everichs, Sen Việt. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI