Văn chương, xuất bản năm 2020: Gồng mình trong đại dịch

26/12/2020 - 07:15

PNO - Năm 2020 có lẽ là một năm đặc biệt nhất từ trước đến nay, khi mà dịch COVID-19 đã làm đảo lộn tất cả mọi lĩnh vực, ngành nghề trong cuộc sống. Lĩnh vực văn chương và xuất bản cũng không ngoại lệ.

Văn chương: "Mưa” giải thưởng và… gì nữa?

Ở một chiều hướng khác, không ít tác giả bắt kịp thời sự và nhanh chóng giới thiệu đến công chúng những tác phẩm của mình. Ngoài “cơn bão” thơ, ở thể loại văn xuôi có thể kể đến tiểu thuyết Những ngày cách ly (Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp) của Bùi Quang Thắng, tiểu thuyết Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của tác giả Việt kiều Iris Lê, truyện dài Tình người cách ly (NXB Hội Nhà văn) của Từ Nguyên Thạch. Tuy nhiên, văn chương là một loại hình đặc thù, cần có thêm thời gian để chiêm nghiêm, sáng tạo. Vậy nên, các tác phẩm kể trên vẫn còn ở tình trạng đơn điệu, chưa thực sự thu hút người đọc. 

Ghi dấu ấn qua thể loại truyện ngắn và tản văn, việc nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tái xuất với tiểu thuyết thứ hai sau tám năm ra mắt tiểu thuyết đầu tiên, cũng được xem là “gia vị” đáng nhớ, góp thêm vào đời sống văn chương vốn trầm lặng của xứ Việt một gợn sóng nhỏ. Có điều, tiểu thuyết Biên sử nước (Phanbook và NXB Phụ nữ) lần này lại không được như kỳ vọng, vẫn còn là sự chấp chới giữa cũ và mới. 

Năm 2020, có một dòng sách mang tên “COVID-19”
Năm 2020, có một dòng sách mang tên “COVID-19”

Đoàn Minh Phượng cũng là cái tên được kỳ vọng sau hai tiểu thuyết Và khi tro bụiMưa ở kiếp sau, xuất bản cách đây hơn chục năm. Lần trở lại này với tiểu thuyết Đốt cỏ ngày đồng (Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn), tác phẩm chưa thực sự thu hút so với Và khi tro bụi. 

Có lẽ, dấu ấn đẹp trong bức tranh văn chương năm qua là sự tái ngộ “mỗi năm một lần” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với Con chim xanh biếc bay về. Thoát ra khỏi những câu chuyện mơ mộng của những cô bé cậu bé “ngồi khóc trên cây”, Con chim xanh biếc bay về đầy chất đời, với lối kể chuyện hấp dẫn, sinh động. 

Những tác phẩm văn xuôi gây chú ý trong năm qua không nhiều, thay vào đó là những tác phẩm cũ. Nhã Nam thực hiện bản đặc biệt cho 15 cuốn trong bộ Việt Nam danh tác, với những tác phẩm như: Bỉ vỏ, Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Bốn mươi năm nói láo, Chân trời cũ, Đôi lứa xứng đôi… Đông A giới thiệu lại Số đỏ và Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp với một diện mạo đẹp và sang trọng. Còn Phanbook ra mắt tuyển tập truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan của Trần Thùy Mai. 

2020 cũng là năm mà các thể loại thơ ”nở rộ”. Có điều, sách xuất bản nhiều, nhưng chất lượng lại không được bao nhiêu. Dầu vậy, vẫn có những tập thơ đáng đọc như Bài thơ của một người yêu nước mình (NXB Hội Nhà văn) của Trần Vàng Sao, Giới hạn (NXB Đà Nẵng) của Phan Hoàng Phương, Bên trời (NXB Hội Nhà văn) của Trần Kim Hoa - tập thơ được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) năm 2020, Dưới trăng và một bậc cửa (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Quang Thiều. 

Trong bức tranh chung, lý luận phê bình là lĩnh vực trầm lặng nhất. Một số tác phẩm ra mắt trong năm qua được in với số lượng hạn chế, đôi lúc nằm ngoài sự quan tâm của độc giả lẫn người viết. Một số tác phẩm nổi bật như: Văn hóa - văn học dưới góc nhìn liên không gian của Nguyễn Văn Dân (đoạt giải thưởng HNVVN), Trong thế giới của sáng tạo của Uông Triều, Những thời xanh tráng lệ của Nguyễn Thanh Tâm, Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi của Đoàn Ánh Dương, Những khu vực văn học ngoại biên của Phan Tuấn Anh… 

Đối với lực lượng sáng tác trẻ, năm qua chứng kiến sự “trỗi dậy” của thế hệ viết 9X, đang được kỳ vọng sẽ làm chủ văn đàn trong thời gian không xa. Bên cạnh những cái tên đã bước đầu được chú ý qua các cuộc thi hay qua các tác phẩm từ trước như Hiền Trang, Phát Dương, Nguyễn Dương Quỳnh, Hoàng Khánh Duy, Phan Đức Lộc… năm 2020 tiếp tục chứng kiến những cuộc so tài của các cây bút trẻ 9X. Có thể kể đến Thành Châu (1991) với Hỏa Dực, Hoàng Yến (1993) với Thượng Dương, Tâm Phương (1991) với Nhân duyên trăm năm. Cả ba tác phẩm đều là tiểu thuyết lịch sử.

Riêng tác giả Đức Anh (1993), sau hai tiểu thuyết trinh thám Thiên thần mù sương Tường lửa, năm 2020 anh trình làng tiểu thuyết trinh thám kinh dị Đảo bảo bệnh - đoạt giải ba cuộc thi sáng tác Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống do Bộ Công an phối hợp với HNVVN tổ chức. 

Xét chung, đời sống văn chương 2020 vẫn trong tình trạng trầm lặng, không xuất hiện những hiện tượng hay những tác phẩm được ví như “quả bom”. Thế nhưng, giải thưởng lại được rót xuống như… mưa. Riêng ở HNVVN, ngoài giải thưởng thường niên, năm vừa qua hội cũng đã trao 21 giải chính thức cho các tác phẩm tham dự cuộc thi tiểu thuyết HNVVN lần thứ 5 (2016 - 2019). Ngoài ra, ban tổ chức còn trao tặng thưởng và tặng phẩm cho sáu tác phẩm khác.

Chưa dừng lại ở đó, vào ngày 22/11, HNVVN tổ chức trao Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ 1974 đến nay. Bên cạnh 12 giải Tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc về đề tài biên giới, biển đảo; HNVVN cũng trao giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo cho 32 tác phẩm văn học. Ngoài “cơn mưa” giải thưởng, có cả những lùm xùm trong kỳ đại hội HNVVN vừa qua. Đặc biệt, trước thềm đại hội, hội cũng gây xôn xao dư luận khi kết nạp cả những tác giả từng nhiều lần đạo văn. Dẫu sao, đây cũng chỉ là những câu chuyện “bên lề”, hy vọng với nhiệm kỳ mới, HNVVN sẽ có những động thái và việc làm cụ thể, nhằm tạo ra môi trường văn chương lành mạnh; từ đó nâng cao chất lượng tác phẩm cho các hội viên.

Xuất bản 2020: Dịch chuyển online

Không còn sự “lên ngôi” của những thể loại từng chiếm ưu thế nhiều năm trước như sách self-help, tạp văn, du ký, sự quan tâm của người đọc, năm qua tập trung vào các tác phẩm chủ đề COVID-19. Một trong những dự án thành công nhất có thể kể đến: I’m home - Con đã về nhà (NXB Phụ nữ Việt Nam) của tác giả trẻ - kiến trúc sư Nguyễn Tăng Quang. 

2020 là một năm đặc biệt khó khăn với ngành xuất bản khi phải gồng mình qua hai mùa đại dịch. Tiến độ xuất bản chậm lại, doanh thu sách giấy sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, qua khó khăn lại thấy có sự dịch chuyển về thị phần online. Doanh thu online tăng, việc giao lưu/tương tác qua mạng với bạn đọc cũng được các đơn vị làm sách khai thác hiệu quả bằng nhiều hình thức. Lần đầu tiên Hội Sách trực tuyến quốc gia 2020 được tổ chức, với hơn 10.000 bản sách được giao, 51% khách hàng là bạn đọc ở các tỉnh, thành. Kết quả bước đầu cũng là sự khích lệ làm tiền đề cho những kỳ Hội Sách trực tuyến quốc gia sẽ tiếp tục được tổ chức, hoàn thiện hơn trong các năm sắp tới. 

Năm nay, đánh dấu sự ra đời của công ty sách nói có bản quyền Voiz FM. Giữa rừng sách nói - audiobooks vi phạm bản quyền tràn lan trên mạng bao năm, thì Voiz FM góp phần ghi dấu ấn mới cho thị trường xuất bản trên công nghệ số. Công ty công nghệ JoiKid phát triển mảng sách công nghệ tương tác ảo (AR) cho thiếu nhi. Một số đơn vị làm sách tư nhân cũng bắt đầu thử nghiệm làm sách với công nghệ AR.

Mặc dù chưa thể tận dụng AI-trí tuệ nhân tạo của thời đại công nghệ 4.0, nhưng có thể thấy các nhà làm sách Việt cũng đã rục rịch tiệm cận được với xu hướng phát triển mảng sách kết hợp công nghệ của xuất bản thế giới. Cần đầu tư phát triển xuất bản phẩm điện tử cũng là một trong những yêu cầu quan trọng Cục xuất bản, In và Phát hành đặt ra cho các nhà làm sách trong thời gian tới. 

Hoàng Anh - Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI