Bí ẩn của nước
Tên gọi cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước” do Báo Phụ nữ TPHCM phối hợp cùng Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn (SWIC) phát động ngày 2/5 gợi nhắc đến hình ảnh cụ thể lẫn hình tượng khái quát của phạm trù “nước”. Đó không chỉ là 1 trong 5 thành tố của ngũ hành và những dòng chảy thuộc về tự nhiên mà còn là giá trị tinh thần của con người và đời sống cư dân nông nghiệp.
|
Vẻ đẹp của nước, của những dòng chảy đã trở thành biểu tượng tinh thần trong nhiều tác phẩm |
Trong cuốn sách Bí mật của nước, tác giả Masaru Emoto đã gây bất ngờ và ấn tượng cho bạn đọc khi ông khám phá những “tần số hạnh phúc” và sự cộng hưởng để hình thành các tinh thể nước. Đặt trong mối tương quan với cảm xúc con người, tác giả đã cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa trạng thái tâm lý của con người và hình dạng của các tinh thể nước. Khi con người hạnh phúc, khỏe mạnh, tinh thể nước có thể đẹp như bông tuyết. Ngược lại, hình dạng của nước sẽ biến đổi khi tâm tư con người đau khổ hay cơ thể bệnh tật.
“Nước có một đời sống bí ẩn. Nó chỉ cho ta biết làm thế nào để tìm ra hạnh phúc. Nó tiết lộ ý nghĩa của tình yêu dành cho thiên nhiên. Nó chỉ cho chúng ta con đường mà nhân loại đã đi qua để trả lời những câu hỏi mà ta hằng trăn trở” - Masaru Emoto viết. Ông là tiến sĩ y khoa. Những cuốn sách ông viết chứa đựng các thông điệp kỳ diệu của nước đã truyền cảm hứng cho độc giả Nhật Bản và thế giới. Bí mật của nước và Thông điệp của nước đã bán hơn 400.000 bản trên toàn thế giới.
Trong Đạo đức kinh (cuốn sách đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam), Lão Tử đã chọn hình tượng nước để khái quát sức mạnh tinh thần của con người: “Nước mềm mại nhưng có thể chiến thắng mọi sắt đá, nước nhẹ nhàng nhưng có thể vượt qua mọi thác ghềnh…”. Cũng như những câu nói trong phim Avatar 2: “Dòng chảy của nước không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc”, “Nước ở xung quanh ta và ở trong ta” đều hàm nghĩa về sự kết nối, tương quan của nước với đời sống con người và sự khởi đầu của vạn vật. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng chọn “dòng sông” làm nhân vật cho câu chuyện kể về sự thức tỉnh và nhận diện bên trong mỗi người (trong cuốn sách An lạc từng bước chân). Khi đó, “nước” chính là giá trị soi chiếu và thanh lọc.
Những dòng sông kể chuyện Những dòng sông bồi đắp nên nhiều câu chuyện ý nghĩa về lịch sử - văn hóa của vùng đất. Không chỉ có tác phẩm viết cho người lớn, bạn đọc nhỏ tuổi cũng có thể khám phá dòng chảy của nước qua các tựa sách: Kỷ niệm về một dòng sông (Đoàn Lư), Cá Linh đi học (Lê Quang Trạng); sách tranh Kể chuyện những dòng sông Việt Nam (nhóm tác giả: Mai Hương - Ngọc Tâm - Tấn Nguyễn), Câu chuyện dòng sông (bộ 3 cuốn với các tựa: Em gái sông Hương, Chàng trai Cửu Long, Người mẹ sông Hồng, tác giả: Thủy Nguyên, Nhà xuất bản Kim Đồng)… |
Những chân lý khái quát hay triết lý nhân sinh từ “nước” đều chứa đựng những giá trị ý nghĩa về vẻ đẹp của nước. Đó là vẻ đẹp đa chiều, dù xét ở khía cạnh thực tiễn, vật chất hay chiều sâu về lịch sử - văn hóa, tinh thần. Trong văn hóa dân gian Việt Nam, yếu tố “nước” đi vào ca dao, tục ngữ thể hiện tình cảm lứa đôi, ứng xử giữa người và người cũng như mối liên hệ với môi trường tự nhiên: “Tình anh như nước dâng cao/ Tình em như dải lụa đào tẩm hương”, “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, “Nước chảy đá mòn”…
Biểu tượng của văn chương
“Nước” theo nghĩa hiển ngôn lẫn hàm ngôn, nghĩa rộng và hẹp, cụ thể và khái quát đều đã đi vào văn học với nhiều tầng nghĩa. Qua sự sáng tạo của các nhà văn, vẻ đẹp của nước lại mở ra những trường liên tưởng sâu sắc. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã nhiều lần viết về nước trong các tác phẩm tạp văn, truyện ngắn, tiểu thuyết của chị. Đó không chỉ là những câu chuyện về thân phận con người và không gian miền Tây sông nước, mà còn là những ẩn dụ về môi trường sinh thái. Hạn mặn, nước biển dâng, tương lai của đất và đời sống con người trước tình trạng phá rừng, biến đổi khí hậu… Những trăn trở này được nhà văn trao gửi vào các bài viết trong tập tản văn Đong tấm lòng, tiểu thuyết Biên sử nước…
Dòng chảy của nước cũng là dòng chảy của văn hóa và sự biến đổi của môi trường sinh thái. Điều này ngày càng được quan tâm hơn, nhất là khi những vấn đề môi trường đang tồn hiện đầy nguy cơ trước mắt. Cuốn sách Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ của nhà nghiên cứu Brian Eyler ra mắt lần đầu năm 2019, đến nay đã liên tục được tái bản bởi sức hút của một đề tài thời sự.
Trước đó, đã có nhiều tác phẩm viết về Mê Kông - một trong những dòng sông lớn nhất thế giới - được xuất bản: Con đường thủy vào Trung Hoa (Milton Osborne), Hành trình thám hiểm Đông Dương (Francis Garnier), Mekong - Phù sa phiêu dạt (Khải Đơn)… Nhưng Brian Eyler tiếp cận đề tài không chỉ ở góc độ phiêu lưu, khám phá mà còn phân tích giá trị về kinh tế cũng như mạng lưới giao thông đường thủy qua nhiều quốc gia; đồng thời chỉ ra hiện trạng/những tác động có ảnh hưởng tiêu cực đến Mê Kông hiện nay. Khi đề cập đến vùng hạ lưu, tác giả cảnh báo về tình trạng nước biển dâng, sạt lở… ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là vấn đề của văn học sinh thái.
Trong nhiều tác phẩm văn học trước đây, biểu tượng nước thường được khái quát thành hình tượng rộng lớn: đất nước, bến nước - quê nhà, sự linh thiêng trong đời sống văn hóa tâm linh… Nay, “nước” rẽ nhánh vào dòng chảy của văn học sinh thái, góp phần cất tiếng cho những vấn đề môi trường trong thời đại toàn cầu hóa.
Lục Diệp