Văn chương trước hiện thực mới

17/01/2025 - 07:59

PNO - Những cuộc tổng kết “50 năm văn học” đã cho thấy diện mạo văn chương với những thành tựu nổi bật, cùng những tên tuổi nhà văn suốt nửa thế kỷ qua. Giờ đây, “hiện thực mới” của đời sống với rất nhiều đổi thay đã hiện diện trong nhiều tác phẩm và vẫn đang chờ người cầm bút.

Thành phố hôm nay trong trang viết

Sáng 15/1, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức lễ tổng kết và trao giải thưởng văn học năm 2024. Trong năm qua, đã có những ấn phẩm viết về thành phố được hội tuyển in cũng như một số tác phẩm của người trẻ viết được giới thiệu, trao giải thưởng. Dòng chảy của nước, Tay người đô thị đầy dấu nắng khuya, Sài Gòn của em (tập thơ thiếu nhi), Thơ phổ nhạc 50 năm TPHCM… là tiêu đề các tuyển tập đã được Hội Nhà văn TPHCM ấn hành.

Một số tác phẩm của người viết trẻ vừa được trao các giải thưởng  văn học trong năm qua
Một số tác phẩm của người viết trẻ vừa được trao các giải thưởng văn học trong năm qua

Thành phố hôm nay xuất hiện trên trang viết của các nhà văn, nhà thơ phả hơi thở đời sống, thời sự tươi mới; phản chiếu những góc nhìn của thế hệ người viết trẻ. Trong số các tác phẩm được trao giải thưởng Cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (do UBND TPHCM phát động), có tập truyện ngắn Thành phố của người trẻ của nhà văn Tống Phước Bảo và Nở thêm một cánh chuồn chuồn của nhà thơ Trần Đức Tín. Riêng giải thưởng Văn học trẻ của Hội Nhà văn TPHCM năm nay được trao cho tác giả Nguyễn Đinh Khoa, với tập truyện ngắn Dị bản. Họ đều là những cây bút thuộc thế hệ 8X đã và đang sáng tác tích cực cũng như có những đóng góp quan trọng cho sự lan tỏa, phát triển của văn chương TPHCM suốt thời gian qua.

Dấu ấn của đô thị thời đại mới còn hiện diện trong các tập thơ chủ đề Nhân nghĩa đất phương Nam. Tập 1 được phát hành sau đại dịch COVID-19, với những bài thơ lưu dấu về một giai đoạn nguy khó không thể quên của thành phố. Tập 2 tiếp tục là những trang viết về tình đất, tình người trên mảnh đất bao dung, nghĩa tình. Những chuyến đi thực tế sáng tác về Cần Giờ, đến thành phố mới Thủ Đức; khai thác chủ đề về tam nông (nông dân - nông thôn - nông nghiệp), về những dòng sông… góp phần tạo cơ hội cho người cầm bút tiếp cận, sáng tác về những giá trị mới của thành phố hôm nay.

Nhà văn không đứng ngoài nhịp đập phát triển của đô thị. Khi tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM đã tổ chức cho các nhà văn chuyến đi trải nghiệm. Những “hiện thực mới” với sự phát triển chung của thành phố cũng như các lĩnh vực nghề nghiệp đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trên trang viết. “Văn học TPHCM thể hiện rõ những phẩm tính bất biến: lòng tin yêu cuộc sống, con người; sự vẹn tình với đời, với chữ. Đây là những tín hiệu lạc quan, những hạt mầm hy vọng về sự chuyển mình của văn học thành phố mang tên Bác” - phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thanh Truyền - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình, Hội Nhà văn TPHCM - nhận định chung về giá trị của các tác phẩm văn học được trao giải thưởng năm nay.

“Một thế giới khác” trong văn chương trẻ

Những cuộc tọa đàm, tổng kết văn chương nhân dịp nhìn lại 50 năm văn học nghệ thuật vừa qua đã cho thấy những dấu ấn, giá trị nổi bật của văn học Việt Nam suốt nửa thế kỷ (1975-2025). Trong đó, đề tài nổi bật qua các thời kỳ là chiến tranh cách mạng, thời đổi mới, thời bao cấp, chiến tranh biên giới…; lịch sử và ký ức, đời sống và thân phận con người ở những vùng nông thôn… Những chủ đề ấy vẫn được các nhà văn thế hệ trước tiếp tục sáng tác và để lại những giá trị mới cho văn đàn. Thế nhưng, đã thấy “một thế giới khác” trong tác phẩm của những người cầm bút trẻ hôm nay.

Một thế giới viễn tưởng với sự xuất hiện của AI (trí tuệ nhân tạo) trong Dị bản của Nguyễn Đinh Khoa, một “miền tâm tưởng” đầy những xáo trộn và biến động trong tâm thức con người trước những đổi thay của cuộc sống, của sinh thái và văn hóa trong Lạc đà bay (Võ Đăng Khoa - cây bút vừa được trao giải thưởng Tác giả trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024). Sự mất kết nối của con người trong thế giới phẳng được nhìn thấy qua Biến thể của cô đơn (Yang Phan) cũng như những vấn đề “nóng” về nạn buôn người, đời sống nhập cư được nhà văn trẻ Thảo Trang viết trong 25 độ âm

Thời đại mới xuất hiện trong trang viết của người trẻ bằng ngôn ngữ, phong cách tươi mới. Văn chương của họ như một khối rubik sống động, đầy màu sắc. Từ cảm thức cá nhân (nỗi cô đơn, lạc lõng, mất mát…) đến những vấn đề lớn lao hơn (môi trường, trí tuệ nhân tạo, toàn cầu hóa…) đều có trong tác phẩm của thế hệ cầm bút hôm nay.

Họ mở ra những cuộc đối thoại và suy niệm cho người đọc về hiện thực mới, với rất nhiều trăn trở và ưu tư trong thời đại công nghệ. Không chỉ có văn xuôi, người trẻ còn góp phần làm tươi mới và lan tỏa thi ca: Trần Đức Tín, Vĩ Hạ, Trần Phú Minh Anh, Phùng Thị Hương Ly (cây bút sinh năm 1991 vừa được trao giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024)…

Sự cộng hưởng những giá trị đã tạo nên một không gian tinh thần rất khác biệt của văn chương đương đại. Hiện thực mới với những nhịp đập phát triển từng ngày của đô thị, của cuộc sống hiện đại vẫn đang chờ những người cầm bút. Nửa thế kỷ văn học đã trôi qua với rất nhiều dấu ấn qua từng giai đoạn. Dòng chảy của văn chương tiếp tục chờ những thành tựu mới, với những tác phẩm ghi chép, lưu dấu thời đại hôm nay.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI