Văn chương mạng thời đa nền tảng

19/05/2022 - 19:02

PNO - Không còn tạo nên những hiện tượng đình đám như thời blog 360 độ, văn chương mạng giờ chuyển sang hình thức khác.

Được đăng tải trên các diễn đàn, website, nhóm Facebook/fanpage, audio, YouTube… và có những cộng đồng người viết - người đọc riêng; tác phẩm nhiều nhưng không dễ in thành sách. 

Bộ sách từng làm nên “hiện tượng mạng” một thời của tác giả Hồng Sakura vừa được tái bản - ẢNH: NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC
Bộ sách từng làm nên “hiện tượng mạng” một thời của tác giả Hồng Sakura vừa được tái bản - Ảnh: Nhà xuất bản Văn Học

Một thế giới ẩn mình trong trang viết

Mới đây, Sbooks vừa cho phát hành các tác phẩm từng làm nên hiện tượng mạng một thời của tác giả Hồng Sakura. Bộ sách gồm năm cuốn tái bản, với các tựa: Xu Xu đừng khóc, Đài các tiểu thư, Nếu em ở đây, Bạch mã hoàng tử, Lãng tử gió và một tựa mới: Những kẻ si tình. Sự trở lại của những tác phẩm từng đình đám một thời này nhắc nhớ đến dòng chảy của “văn chương mạng”. Các tác giả mạng hiện nay đăng tải tác phẩm của mình ở đâu khi đã không còn blog 360 độ?

Nhận định về văn chương mạng hiện nay, tiến sĩ Đỗ Anh Vũ cho rằng có ba diễn đàn văn học thu hút các nhà văn, tác giả tham gia: Diễn đàn, Tiền Vệ và Hợp Lưu. Đây là những website được sáng lập và đăng tải tác phẩm xuyên biên giới, thường xuyên cập nhật thời sự văn chương trong và ngoài nước. Các diễn đàn tạo sân chơi toàn cầu cho những người cầm bút hơn là mang dấu ấn một cá nhân tác giả. Gõ Google cụm từ “diễn đàn văn học trẻ”, thật bất ngờ khi chỉ trong 0,41 giây, đã có 196.000 kết quả.

Đầu tiên là forum.vanhoctre được đầu tư bài bản với trang web, fanpage/group trên Facebook. Ngoài ra còn có hàng loạt website đăng truyện, với cộng đồng người viết chủ yếu là giới trẻ. Một số trang web tận dụng cả hình thức blog radio/audio để giới thiệu tác phẩm (truyện ngắn và tản văn). Đặc biệt có những trang web trả tiền cho người đăng truyện, trong trường hợp tác phẩm chất lượng, có nhiều lượt truy cập. Theo khảo sát, mỗi tác phẩm có thể được trả từ 100.000 - 300.000 đồng; hoặc tác giả sẽ được trả 60% nhuận bút, 40% còn lại dành cho việc xuất bản tác phẩm (nếu có). 

Tác phẩm đăng trên các trang web này thuộc nhiều thể loại, đa dạng đề tài, nhưng chiếm nhiều nhất là truyện tình yêu ngôn tình, xuyên không, kinh dị… Các tiểu thuyết chương hồi đậm dấu ấn của truyện/phim Trung Quốc hoặc manga Nhật Bản. Các tác giả thì bút danh hư thực, không rõ là ai và cũng mang màu sắc cổ trang. Một thế giới ẩn mình sau trang viết trên mạng, nhưng qua đó cũng cho thấy, thế giới quan của cộng đồng người viết trẻ trên mạng bây giờ đã rất khác xưa. Và tác phẩm của họ cũng chỉ có thể tồn tại trên mạng, trong cộng đồng khu biệt của họ mà thôi. 

“Hiện nay thị trường viết truyện online đã mở hơn rất nhiều, hàng ngàn tác phẩm được đưa lên nhiều nền tảng viết truyện online. Nhiều đơn vị đã trả nhuận bút cho tác giả trên nền tảng của họ khiến bạn trẻ có điều kiện và động lực hơn để sáng tác. Nhưng rất nhiều bạn trẻ bị ảnh hưởng khá nặng phong cách ngôn tình, hay đam mỹ, kinh dị… với bối cảnh, cách xưng hô, nói chuyện của Trung Quốc. Tôi không phản đối bạn theo đuổi thể loại, chủ đề nào, nhưng phong cách viết cần phải thoát ra hẳn những gì bạn đã đọc của người khác” - tác giả Hồng Sakura nhận định. 

Khó trở thành "hiện tượng mạng" 

Đến giờ, nếu nhắc lại những hiện tượng mạng của một thời, chỉ có thể là những cái tên rất cũ: Trang Hạ, Hà Kin, Trần Thu Trang, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thế Hoàng Linh… Còn hiện tại, gần như không thể gọi tên một tác giả nổi bật “bước ra từ văn mạng”. Chỉ có những tác giả, nhà văn đã nổi tiếng hoặc ít nhiều được độc giả biết đến có đăng tải tác phẩm trên mạng mà thôi. 

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Trưởng ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TP.HCM - nhận định: Văn chương mạng thời điểm này đã không còn thuận lợi như thời của blog 360 độ. Thứ nhất, mạng xã hội Facebook không phù hợp để đăng tải bài viết quá dài. Thứ hai, bạn đọc hôm nay có quá nhiều kênh giải trí, với những hình thức giải trí phong phú hơn xưa rất nhiều. Điều này hoàn toàn đúng. Facebook không phù hợp để đăng tiểu thuyết chương hồi hay truyện ngắn. Nếu có, các tác giả cũng chỉ có thể đăng tản văn. Một số bài viết trên Facebook sau đó được tập hợp lại để in thành sách. Gần đây nhất có các tập tản văn: Tình người cách ly (Từ Nguyên Thạch), Những bà già xinh đẹp (Phạm Thị Ngọc Liên), Quyền được sống (Bích Ngân)… Nhưng nếu gọi các tác phẩm này thuộc “văn chương mạng” cũng không hoàn toàn bao quát.

Văn học mạng vốn được xem là một địa hạt riêng biệt, các tác phẩm có đời sống trên mạng, tách hẳn với không gian đọc của sách giấy. Thậm chí, văn mạng có thể không được in thành sách vì không phù hợp, hoặc vì các tác giả chỉ muốn sáng tác trên không gian mạng. 

Giai đoạn phổ biến của blog 360 độ, văn mạng nở rộ và bùng nổ với những tác giả - tác phẩm nổi bật, được đông đảo bạn đọc yêu thích. Ở thời Facebook, vẫn có những nhóm/fanpage/câu lạc bộ thu hút người yêu văn chương đăng tải các sáng tác của mình (gồm thơ, truyện ngắn, tản văn). Nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở mức chia sẻ tác phẩm và kết nối cộng đồng yêu viết lách. Còn để làm nên “hiện tượng mạng” từ trang viết trên Facebook thời điểm này, quả thật không dễ nói. Ngay cả khi các tác phẩm từng đình đám một thời của Hồng Sakura trở lại, cũng khó có thể tạo được tiếng vang như trước.

Người dùng mạng xã hội ngày càng có nhiều lựa chọn giải trí/chia sẻ/thể hiện bản thân. YouTube, Instagram, đặc biệt là TikTok ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn, thu hút giới trẻ. “Hiện tượng mạng” bây giờ hầu hết nổi lên từ các chủ kênh TikTok, trong khi đó, nền tảng này hoàn toàn không phù hợp với văn chương. 

“Văn học mạng thời còn những blog lặng lẽ ít người chơi, nhưng dường như người chơi còn giữ chất văn hơn. Càng về sau, những trang mạng đông đúc hơn thì người chơi lại bận lòng chen lấn trong dòng chảy bạo liệt. Mạng là nơi chỉ để giải trí. Những bài viết ngắn dần, kỹ năng vận hành ngôn ngữ cũng ngày càng đơn giản. Điều đó khiến những bài viết trên mạng chuyển màu đúng đặc trưng “văn học cửa miệng”, và tách rời văn học nội tâm mà dòng chính thống vẫn theo đuổi” - nhà văn Võ Diệu Thanh nhìn nhận. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI