Vẫn chưa có kinh phí hỗ trợ hộ dân lấp giếng khoan

23/04/2022 - 07:42

PNO - Bà L.T.B.N. (P.Phú Trung, Q.Tân Phú, TPHCM) cho biết, khoảng 15 năm trước, gia đình bà thuê thợ khoan giếng để lấy nước sinh hoạt và kinh doanh tiệm ăn.

Cách đây ba năm, các con của bà lập gia đình, chuyển đi nơi khác, tiệm ăn đóng cửa nên gia đình bà dùng nước máy, không đụng đến giếng khoan nhưng vẫn để đó chứ chưa lấp đi. Chi phí để lấp một giếng khoan cũng vài triệu đồng. Bà nói, nếu Nhà nước hỗ trợ kinh phí, bà sẽ lấp giếng khoan ngay.

Theo đại diện Công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân, P.Phú Trung hiện có trên 930 giếng khoan; mạng lưới cấp nước đã “phủ sóng” đến mọi nhà dân. Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân dùng nước máy và trám lấp giếng khoan nhưng số giếng khoan vẫn còn khá nhiều. Không ít hộ muốn lấp giếng nhưng vẫn chờ được hỗ trợ kinh phí trám lấp.

Nhân viên cấp nước giúp người dân trám lấp giếng khoan ở khu vực P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Nhân viên cấp nước giúp người dân trám lấp giếng khoan ở khu vực P.11, Q.Bình Thạnh, TPHCM

Liên quan đến tiến độ thực hiện đề án “Hỗ trợ kinh phí trám lấp giếng cho các hộ dân trên địa bàn TPHCM”, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho hay, vẫn đang gặp khó về nguồn kinh phí thực hiện. Trong văn bản trả lời vào đầu tháng 4/2022, Sở Tài chính TPHCM cho rằng, hiện nay, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo kinh phí cho các bệnh viện dã chiến và chính sách đã được HĐND TPHCM ban hành. Do đó, Sở Tài chính đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phố hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, các địa phương và cơ quan báo, đài tuyên truyền đến các hộ dân các quy định về khai thác, sử dụng, bảo vệ nước ngầm, tác hại của việc sử dụng nguồn nước không đạt yêu cầu…

Theo Sở Tài chính TPHCM, trong trường hợp cần thiết phải hỗ trợ, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ nên đề xuất hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế như hộ nghèo, cận nghèo và có biện pháp giám sát đối với việc hỗ trợ nêu trên, xử lý vi phạm để tránh trường hợp nhận hỗ trợ nhưng không thực hiện việc trám lấp giếng; giao các đơn vị cấp nước sạch trên địa bàn thành phố có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích người dân sử dụng nguồn nước thủy cục.

Như vậy, đề án “Hỗ trợ kinh phí trám lấp giếng cho các hộ dân trên địa bàn TPHCM” với kinh phí dự kiến khoảng 100 tỷ đồng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Trong buổi tọa đàm về bảo vệ nước ngầm do Báo Phụ Nữ TPHCM tổ chức gần đây, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM - cho rằng khoản kinh phí 100 tỷ đồng để hỗ trợ việc trám lấp giếng là không khó để xoay xở; nếu ngân sách không bố trí được thì có thể kêu gọi xã hội hóa. 

Hoàng Lâm

Giếng khoan không sử dụng vẫn gây hệ lụy

Giếng khoan không sử dụng sẽ dễ bị hỏng, ô nhiễm và ống dễ bị gỉ sét. Khi đó, phần nước mặt ô nhiễm sẽ thấm xuống phần nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, trong tầng nước ngầm, có các tầng nước xấu và tốt nằm xen kẽ. Khi để lâu ngày, ống khoan giếng sẽ bị hỏng, các tầng nước sẽ trộn lẫn với nhau làm suy giảm chất lượng nước ngầm. Việc trám lấp giếng cũng cần được thực hiện đúng cách; nếu không, nó sẽ gây ô nhiễm nước ngầm và sụt lún.

PGS.TS Lê Văn Trung (Phó Chủ tịch Hội Trắc địa bản đồ TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI