Vẫn bên nhau dù không còn thấy nhau!

20/01/2022 - 06:00

PNO - Câu chuyện đời cậu mợ nhắc nhở tôi rằng: Hãy trân trọng và cho nhau những điều tốt đẹp nhất khi còn được thấy nhau.

Cậu Năm của tôi tên Trần Quang Trí ở TP.Thủ Đức, TP.HCM và mợ tôi Cao Thị Hoài Duyên kết hôn năm 2001. Cậu tài giỏi, chăm chỉ, là kỹ sư hóa học. Còn mợ hiền lành và giỏi giang, chăm chỉ nội trợ lo cho tổ ấm của mình.

Cậu với mợ có hai con trai, một sinh năm 2002 và một sinh năm 2007. Gia đình lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười. Dù không nhiều tiền nhưng cậu mợ lại dư dả hạnh phúc. Cậu không phải dạng người lãng mạn, nhưng những gì mợ thích, dù mợ không nói ra, cậu đều biết và mua cho. 

Ở với nhau tám năm, chưa bao giờ thấy cậu mợ lớn tiếng với nhau. Cậu luôn im lặng, nhẹ nhàng, chu đáo. Còn mợ luôn cư xử đúng mực, bao dung và chăm sóc cho cậu từng thứ nhỏ nhặt nhất. Mợ làm tất cả để cậu không phải lo lắng, cứ yên tâm phát triển sự nghiệp.

Cậu mợ Năm của tôi trong ngày hôn lễ
Cậu mợ Năm của tôi trong ngày hôn lễ

 

Những tưởng cuộc sống cứ thế mà bình lặng trôi qua... Nhưng một buổi chiều se lạnh cuối năm 2007, cậu Năm phát hiện mình bị bệnh nan y. Căn bệnh máu trắng như bản án tử hình với cậu. Mợ, gương mặt thất thần với đôi mắt đượm buồn đầy lo lắng theo giọng nói của cậu. 

Cậu điều trị một thời gian ngắn ở trong nước. Sau đó, cậu được đưa sang nước ngoài để hóa trị, ghép tủy. Ngày đi, cậu và mợ an ủi, động viên lẫn nhau. Lúc ấy, trên gương mặt cậu tôi đầy niềm tin chiến thắng, cậu muốn chiến thắng bệnh tật để  sống tiếp bên vợ con. Từ ngày cậu bệnh, một tay mợ chăm lo cho cậu.

Một người phụ nữ chưa từng đi đâu xa, không biết tiếng bản xứ, không biết cách giao tiếp, một mình chăm chồng, mợ luôn cố tỏ ra mạnh mẽ, vui tươi, không dám khóc vì sợ cậu sẽ lo lắng. Mỗi ngày, mợ vất vả chạy đôn chạy đáo để lo cho cậu, nhưng chưa một lần mợ than van hay oán trách. 

Có lần cậu Tư gọi điện hỏi cậu Năm: “Nếu giờ có điều ước, em muốn ước gì?”. Lúc này bệnh đã trở nặng, cậu Năm yếu ớt trả lời: “Một điều ước thì chắc không đủ anh Tư ơi. Em ước tới hai điều lận. Giờ em muốn được về nhà, được ôm các con. Sau đó thảnh thơi uống một ly cà phê sữa vợ em pha”.

Đầu dây bên kia cậu Tư tôi im lặng...

Những thứ giản đơn tới mức ta lãng quên nó trong cuộc sống thường nhật, lại trở thành điều ước của cậu Năm tôi. Tết năm sau, khi mọi gia đình khác cùng nhau sum vầy đón xuân, thì gia đình tôi lại tất bật ra sân bay đón cậu. Lúc đi là hai người, nhưng lúc về chỉ còn một mình mợ ôm tro cốt của cậu.  

Đám tang của cậu, mợ tôi đứng ra lo liệu, ai cũng nghĩ mợ sẽ không cầm cự nổi nữa. Nhưng mợ vẫn gồng gánh tất cả, không một giọt nước mắt. Lúc ấy tôi cứ ngỡ là mợ mạnh mẽ. Sau này tôi đã hiểu được nếu khóc được có lẽ đã tốt hơn, mợ đã nhẹ lòng hơn. Nhưng dù đau cỡ nào, mợ cũng không để bản thân được phép buông xuôi.

Cậu mợ Năm và hai con (vài tháng sau khi chụp ảnh này thì cậu mắc bệnh, qua đời)
Cậu mợ Năm và hai con (vài tháng sau khi chụp ảnh này thì cậu mắc bệnh, qua đời)

 

Cậu đi khi đứa con đầu mới chập chững vào lớp Một, đứa nhỏ chưa biết đi. Cả hai bé đều chưa cảm nhận được nhiều về cha, về tình yêu của cha.

Cậu tôi mất một thời gian, nhiều người khuyên mợ còn trẻ nên đi thêm bước nữa nhưng mợ từ chối. Mợ nói đã hứa với vong linh của cậu sẽ ở vậy mà thờ chồng nuôi con.

Đã mười mấy năm trôi qua, mợ vẫn ở vậy. Các con của cậu mợ giờ đã lớn, mợ cũng đỡ phải vất vả hơn. Lúc cậu bệnh tật, mợ không hề rời bỏ cậu. Ngay cả khi cậu đã ở bên kia thế giới, thì mợ vẫn ở đây, chu toàn với con cái, với 
nhà chồng.

Tôi từng đọc trong một cuốn sách rằng “hãy trân trọng và cho nhau những điều tốt đẹp nhất khi còn được thấy nhau”. Và tôi như đọc được điều ấy với trọn vẹn ý nghĩa trong câu chuyện đời cậu mợ, trong tình thủy chung, son sắt cậu mợ dành cho nhau dù không được sánh đôi đi hết đoạn đường trăm năm.

Thảo Nhi 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI